Kỷ niệm 145 năm ngày sinh của quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (01/10/1876 - 01/10/2021): Chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng và những đóng góp lớn đối với đất nước và dân tộc
“Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… lòng son, dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan…Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”. Đó là một đoạn trong thư gửi đồng bào toàn quốc ngày 29/4/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời.

Không màng danh lợi, chức tước

Huỳnh Thúc Kháng (sau này được người dân và chính giới gọi với lòng tôn kính: Cụ Huỳnh) sinh ngày 01/10/1876, người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ Huỳnh đỗ Giải nguyên năm Canh Tý (1900), đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904). Khác với nhiều người theo đuổi khoa cử Nho học để “vinh thân, phì gia”, Huỳnh Thúc Kháng đỗ Tiến sĩ song không làm quan, cụ đã dung sở học của mình để thức tỉnh đồng bào và đấu tranh cho những quyền dân sinh, dân chủ của người dân dưới chế độ thuộc địa. Chính bởi các hoạt động yêu nước này mà thực dân Pháp đã kết án cụ tử hình, sau hạ xuống chung thân đày ra Côn Đảo, 13 năm sau cụ mới được trả tự do nhưng bắt buộc bị quản thúc ở quê nhà.

Để lừa mị dân ta, thực dân Pháp lập ra Viện Dân biểu Trung Kỳ, với mong muốn đấu tranh trực diện trên nghị trường, cụ Huỳnh ra ứng cử và trúng cử rồi được bầu làm Viện trưởng. Chưa hết nhiệm kỳ, nhận thấy đây chỉ là cơ quan bù nhìn để thông qua các quyết định cho thực dân Pháp và chế độ tay sai Nam triều khi ấy, cụ Huỳnh từ chức Viện trưởng.

Nhận lời tham gia Chính phủ Hồ Chí Minh

Ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước được tiến hành. Sau đó, ngày 02/3/1946, Quốc hội đã họp phiên đầu tiên để cử ra Chính phủ. Trước đó, đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh điện mời cụ Huỳnh ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng, tuy nhiên cụ từ chối. Sau khi nhận được điện lần 2, cụ Huỳnh đồng ý ra Hà Nội nhưng chỉ để trình bày một số việc nước rồi sẽ về. Tuy nhiên, trước sức thuyết phục từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã đồng ý nhận lời làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong sách “Những chặng đường lịch sử” cho biết sau buổi gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn: “Dân ta có được Cụ Hồ quả là hồng phúc ”.

Chân dung cụ Huỳnh và báo Tiếng Dân - Ảnh tư liệu

Khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!”. Sau đó, cụ Huỳnh còn nhận thêm nhiệm vụ Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Bác Hồ đã ký sắc lệnh giao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trước khi lên đường sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp: “Các chú ở nhà, làm sao mà Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Trung ương làm việc gì cũng phải bàn bạc (với cụ Huỳnh), thuyết phục (cụ), không có cái gì được ép buộc (cụ). Phải làm sao cho cụ đồng tình để cùng làm việc”…

Những đóng góp to lớn cho đất nước và dân tộc

Từ năm 1927-1943, cụ Huỳnh là người sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Tiếng Dân tại Huế cho đến khi tờ báo này bị đình bản. Dù cụ Huỳnh không đồng tình với đường lối của những người cộng sản, song báo Tiếng Dân của cụ lại có rất nhiều những người cộng sản nổi tiếng cộng tác như Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp v.v…Trong 16 năm tồn tại của mình, báo Tiếng Dân và cụ Huỳnh đã dùng tờ báo như một vũ khí sắc bén để lên án những tệ đoan của xã hội đương thời và cổ súy những vấn đề mới, tiến bộ của xã hội.

Một trong những đóng góp vô cùng giá trị của báo Tiếng Dân và Chủ bút Huỳnh Thúc Kháng là trong thời gian ấy, báo Tiếng Dân đã liên tục đăng các bài viết khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trong năm 1938, báo Tiếng Dân ra liên tiếp 4 số báo về quần đảo Hoàng Sa. Số báo ra ngày 12-7-1938 (số 1280) đăng bài “Quần đảo Tây Sa (Paracels) với Pháp”, “Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng” (Tiếng Dân, số 1281), “Việc Paracels (Tây Sa), Pháp chính thức nhận chủ quyền đảo ấy" (Tiếng Dân, số 1282) và “Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục” (Tiếng Dân, số 1284, 23/7/1938). Ngoài những bài báo nói về thời sự quần đảo Hoàng Sa trong tình hình bấy giờ, báo Tiếng Dân còn có một bài nghiên cứu, bình luận dài, viết rất công phu và có giá trị: “Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục” ký tên tác giả là Sử Bình Tử (một bút danh khác của cụ Huỳnh) v.v…

Một bài báo trên Tiếng Dân về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp, ở nhà, các đảng phái đối lập trong nước, nhất là Việt Quốc, Việt Cách nổi lên chống đối, họ gây ra nhiều vụ phá hoại và tội ác, nhất là vụ án ở phố Ôn Như Hầu. Nhà thơ Huy Cận khi ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sau khi ông Lê Giản, Giám đốc Công an Trung ương (trực thuộc Bộ Nội vụ) đến báo cáo vụ này với cụ Huỳnh, cụ đã yêu cầu các ông dẫn tới hiện trường. Chứng kiến các hầm chôn người, cụ Huỳnh nghiến rang quát “Bọn tội ác! Bọn phản! Phải diệt! Phải diệt”. Trên cương vị là Quyền Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh đã chỉ đạo truy lùng những kẻ gây ra tội ác: “Quyền Chủ tịch nước ra phép nước đúng lúc, không do dự. Tôi có đi theo cụ đến hắc điếm Ôn Như Hầu hôm đó nên thấy rõ thái độ phẫn nộ và kiên quyết của cụ Huỳnh”.

Cuối năm 1946, trên cương vị đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi kinh lý miền Trung, cụ Huỳnh bị bệnh nặng. Trước khi qua đời, trong điện gửi các đảng phái và tôn giáo, cụ Huỳnh đã viết: “Mong anh em hãy thực hiện ngay đại đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc...”.

Ngày 14/4/1947, trong điện gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã viết: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng! Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang, hạnh phúc”... Bằng cuộc đời sôi nổi phấn đấu hi sinh vì đất nước đến hơi thở cuối cùng, cụ Huỳnh Thúc Kháng mãi mãi được nhân dân và lịch sử kính phục và nhớ ơn.

Ngọc Anh 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 78
  • Trong tuần: 3 765
  • Tất cả: 8756831

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn