Đồng chí BÙI QUANG HUY lấy tác phẩm làm vũ khí trong chiến tranh và động lực trong thời bình

Tuổi 80, rời khỏi cương vị lãnh đạo 15 năm, ngoài nhiệm vụ của một cán bộ hưu trí tại địa phương, ông cũng dành nhiều thời gian để sáng tác. Khi còn làm lãnh đạo, ông viết để phục vụ công tác. Giờ thì, ông viết cho mình, viết về đồng đội, về quê hương, viết những chuyện đã qua, những chuyện đang diễn ra và khát vọng về một tương lai tươi đẹp. Khát vọng ấy không phải cho cá nhân ông mà cho đất nước, cho nơi ông đã chiến đấu bảo vệ, đi đầu kiến thiết lại quê hương, đất nước sau chiến tranh. Ông là Bùi Quang Huy, nhà chính trị gắn bó với báo chí và văn nghệ, lấy tác phẩm làm vũ khí trong chiến tranh và động lực trong thời bình.

Ông Bùi Quang Huy – Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ

Con đường cách mạng dẫn đến văn thơ

Bùi Quang Huy tên thật là Bùi Vĩnh Sanh, sinh năm 1941 tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Ông có năng khiếu và sở thích thơ văn từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường (học trường Trung học Nguyễn Thông - nay là trường Lưu Văn Liệt tỉnh Vĩnh Long) nhưng ông thôi học để tham gia kháng chiến vào năm 1960. Từ ngày theo cách mạng cho đến khi đất nước giải phóng, ông Bùi Quang Huy được phân công công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh (phụ trách báo chí, tuyên truyền, huấn học) vì vậy ông như được thoả sức trong môi trường lấy ngòi bút làm vũ khí đấu tranh.

Sau ngày đất nước giải phóng, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác và là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh chặng đường tỉnh nhà vừa tái lập. Ông có 8 năm trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh từ năm 1992 đến năm 2000. Năm 2001, Bộ Chính trị phân công đồng chí Bùi Quang Huy giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đến năm 2003; rồi sau đó làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ từ năm 2003 đến năm 2006. Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng ba khóa VII, khóa VIII và khóa IX. Ở những nơi từng công tác, ông đều để lại dấu ấn sâu đậm. Sâu đậm ở cả hai lĩnh vực là hiệu quả công việc lãnh đạo và những trang viết. Điều đó cho thấy, là cán bộ lãnh đạo cao cấp nhưng đồng chí Bùi Quang Huy vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc sáng tác văn học, viết báo.

Ông Bùi Quang Huy trả lời phỏng vấn Đài PT&TH Trà Vinh về những tác phẩm của ông

 Tác phẩm là vũ khí trong chiến tranh, là động lực trong thời bình.

Với một nhà lãnh đạo bộn bề công việc, nhất là những ngày sau giải phóng phải kiến thiết lại quê hương, nhưng ông vẫn viết được khối lượng tác phẩm như vậy thì quả là tình yêu văn chương của ông phải đủ lớn. Đến nay, ông đã xuất bản gần 10 đầu sách (với các bút danh Bùi Quang Huy, Bùi Nhất Chi), tiêu biểu là các tập: Niềm tin thắng lợi, Hòa Bình, Con đường phía trước, Ân tình xin gửi lại, Bến đợi, Duyên nợ Đồng bằng, Còn lại với thời gian....và chủ biên hàng chục đầu sách khác. Ông cho rằng, sáng tác văn học nghệ thuật, viết báo không phải là nhiệm vụ chính của mình, nhưng việc sáng tác đã hỗ trợ cho ông rất nhiều. Ông Bùi Quang Huy chia sẻ: “Trong chiến tranh, những bài viết góp phần cỗ vũ cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Trong thời bình cũng thế, việc sáng tác văn học, hay viết báo đều phản ảnh thực tiễn sinh động xã hội nêu những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, đồng thời cũng để phê phán, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, yếu kém. Mặt khác, viết đã cho tôi vốn sống, thâm nhập thực tế để tập hợp đội ngũ, tập hợp quần chúng. Viết cũng là để mình nghiên cứu, mình hiểu được tình hình, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng”.

Ông đã sáng tác hơn hai trăm tác phẩm gồm các thể loại: truyện ngắn, truyện ký, bút ký lịch sử và thơ. Bút ký lịch sử được xem là thế mạnh của ông, bởi ông là người trải nghiệm thực tế từ trong chiến tranh những ngày ông cùng đồng đội qua lộ, vượt sông, băng rừng...đến với những trận đánh ác liệt nhất. Sau ngày đất nước giải phóng, ông đi đầu hướng dẫn đồng chí, đồng bào vượt qua thách thức trên mặt trận không tiếng súng đó là chống lại đói nghèo, lạc hậu. Những sự kiện đó đã đi vào trong từng tác phẩm và hiện diện như một dấu mốc lịch sử. Như trong quyển “Con đường phía trước”, ông đã ghi lại: năm 1987 khi về nhận nhiệm vụ Bí thư huyện uỷ Duyên Hải, nơi được xem là “bị đày, một đi không trở lại”, nơi thiếu thốn mọi bề từ vật chất đến tinh thần lại còn phải đối mặt với những luồng tư tưởng “trái chiều” nhưng vì hạnh phúc người dân nơi đây, ông Vượt khó đi lên, quyết tâm tận dụng lợi thế của vùng đất mặn Duyên Hải để biến vòng quay của đất thành vàng, ngư trường thành bạc. Đó là ông mạnh dạn đưa con tôm sú về với vùng đất biển Duyên Hải, phát triển ngành thủy sản để ngày nay trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Trà Vinh.

Với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên khi tỉnh Trà Vinh tái lập, dấu chân ông dường như in trên khắp nẻo, nhất là những “điểm nóng” có đói nghèo, lạc hậu. Lúc thì ông “vượt rừng” đến với vùng đất mặn trăn trở cùng người dân, xem nước có đủ độ mặn để con tôm phát triển; khi lại ngược dòng Trà Ngoa, Kênh đào 19 tháng 5, Kênh đào 3 tháng 2 xem nước ngọt đã về đến đâu, cây lúa có đủ nước ngọt để cho bông, đời sống người dân có còn chát đắng trên những cánh đồng phèn...Những trải nghiệm thực tế đó đã đi vào trang viết của ông một cách tự nhiên và nó đã ghi lại dấu mốc quan trọng của tỉnh Trà Vinh, của đồng bằng sông Cửu Long mà chỉ những người trong cuộc như ông mới viết ra chân thực đến vậy. Đọc những tác phẩm: Con đường phía trước, Hòa bình, Bến đợi, Ân tình xin gửi lại và gần đây nhất là quyển Còn lại với thời gian sẽ thấy rất rõ điều đó. Nếu như quyển “Hòa bình” ghi lại giai đoạn của chiến tranh chống Mỹ, ở đó có ký ức những ngày đầu theo cách mạng, rồi những trận đánh, tình đồng đội “chia lửa” cho nhau thì trong những quyển như: Niềm tin thắng lợi, Con đường phía trước, Còn lại với thời gian phần lớn là viết về giai đoạn “hậu chiến” kiến thiết lại đất nước cũng gian nan không kém thời chiến. Riêng quyển Ân tình xin gửi lại là tình cảm ông dành cho “quê hương mới” Cà Mau, nơi ông có ba năm giữ vai trò Bí thư Tỉnh uỷ. Trong ba năm sâu nặng nghĩa tình ấy, ông đã viết 60 bài viết gồm nhiều thể loại: tùy bút, bút ký, ghi chép...đăng trên các báo, tạp chí địa phương và Trung ương. Dù ông luôn khẳng định “viết không phải là nhiệm vụ chính của tôi” nhưng với số lượng tác phẩm như vậy cũng đủ nói lên tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo sâu sát với thực tế và tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút. Dù ở giai đoạn nào, công tác ở đâu, cương vị nào... những bài viết của ông luôn là vũ khí sắc bén cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn thử thách, kiên cường chiến đấu với kẻ thù, với đói nghèo để vươn lên giành thắng lợi. Ngoài ca ngợi, những trang viết của ông Bùi Quang Huy cũng không giấu giếm, không né tránh những hạn chế, yếu kém. Điều đó cho thấy tinh thần của người chiến sĩ cộng sản như ông không ngại đương đầu với những gian nan.

Tác phẩm của ông Bùi Quang Huy

 Không chỉ có chiến tranh, đau thương mất mát, tình yêu cũng nảy nở trong tác phẩm của ông Bùi Quang Huy. Đọc những bài như:“Bến đợi”, “Đôi mắt, “Mùa lúa chín”, “Hoa điên điển”...hay những bài thơ in chung trong các tuyển tập thì người đọc dễ đồng cảm với tác giả bởi sự tinh tế của một tâm hồn lãng mạn, đầy rung cảm với những chuyện tình trong thời chiến và thăng hoa trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Không phải là người viết văn chuyên nghiệp, giọng văn ông bình dị, cách thể hiện không câu nệ về mặt hình thức, thủ pháp nghệ thuật hay thể loại... Đây chỉ có thể xem là sự trải lòng, bộc bạch tâm sự của một con người từng trải, sống giữa hai thế kỷ đầy biến động. Tuy nhiên những tác phẩm của ông cũng giàu giá trị nhân văn, là tài liệu quí để học tập nghiên cứu. Bởi, những câu chuyện ông viết đã cho người đọc hình dung ra nhiều chặng đường của tỉnh Trà Vinh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ trong chiến tranh bước sang thời bình với những dấu mốc quan trọng. Tác phẩm của đồng chí Bùi Quang Huy có vai trò rất lớn trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Nó đã mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quát mà cụ thể khí phách anh hùng trong đấu tranh cũng như diện mạo mới đầy sức sống của Trà Vinh và cả khu vực, là góp phần cỗ vũ mạnh mẽ cho phong trào cách mạng và tiếp sức cho quá trình xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển.       

Tuổi đã 80, ông vẫn sáng tác và thường xuyên có tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí trong tỉnh và khu vực. Ông ít khi vắng mặt trong các cuộc hội họp, gặp gỡ các văn nghệ sĩ vì vậy ông được xem là một trong những vị lãnh đạo gần gũi với giới báo chí, văn nghệ sĩ. Tuổi 80, ông vẫn với tinh thần nhiệt huyết của người cán bộ đảng viên, trách nhiệm của người công dân, trách nhiệm của người cầm bút.

Nguyễn Văn Chót

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 553
  • Trong tuần: 24 230
  • Tất cả: 8726762

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn