TÌNH HÌNH THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
Từ ngày 18/4 đến ngày 22/4/2022

 

 

1. Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Thái Lan muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Ngày 18/4, lãnh đạo Tập đoàn Charoen Pokphand (CP), doanh nghiệp nông nghiệp-thực phẩm lớn nhất Thái Lan, đã có buổi gặp và làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành nhằm trao đổi về các biện pháp thúc đẩy đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn CP, ông Dhanin Chearavanont đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á và cam kết tiếp tục ưu tiên mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Lãnh đạo Tập đoàn Charoen Pokphand đã giới thiệu với Đại sứ Phan Chí Thành về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. CP hiện là doanh nghiệp nông nghiệp-thực phẩm lớn nhất Thái Lan và đứng thứ tư thế giới, với các mảng sản xuất chính gồm thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gà thịt, thịt lợn, tôm.

Từ năm 1993, Tập đoàn CP đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam thông qua Công ty CP Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực nông-công nghiệp, thực phẩm khép kín. Hiện CP Việt Nam là doanh nghiệp ngành nông nghiệp lớn tại Việt Nam với hơn 30 nghìn lao động. Năm 2020, Tập đoàn CP đã khánh thành nhà máy chế biến gà xuất khẩu tại Bình Dương với công suất 50 triệu con/năm trong giai đoạn 1 và tiến tới công suất 100 triệu con/năm trong giai đoạn 2.

Đại sứ Phan Chí Thành chúc mừng các thành tựu đầu tư, kinh doanh của Tập đoàn CP nói chung và CP Việt Nam nói riêng, và giới thiệu chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đại sứ khẳng định đầu tư nước ngoài là một bộ phận không tách rời của kinh tế Việt Nam, trong đó có CP Việt Nam, đồng thời đề nghị Tập đoàn CP và CP Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, sử dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh chuyển đổi số, đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo khẩn cấp ở Ukraine

Ngày 18/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi về việc thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo khẩn cấp ở Ukraine để mở đường cho các hoạt động cứu trợ và sơ tán.

Lời kêu gọi trên được người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đang diễn biến phức tạp, với các điểm nóng mới nổi lên ở Lviv, Dnipro, Kharkiv và Mykolaiv… cùng tình hình nhân đạo đáng quan ngại ở thành phố cảng Mariupol.

Phát biểu trong phiên họp báo thường kỳ diễn ra ngày 18/4, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujaric dẫn lời ông Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện một lệnh ngừng bắn nhân đạo “khẩn cấp và ngay lập tức”, cho phép thiết lập các hành lang nhân đạo an toàn để sơ tán thường dân và triển khai các hoạt động hỗ trợ y tế, nhân đạo.

Bên cạnh đó, ông Dujaric cũng bày tỏ mong muốn rằng, các vòng đàm phán thực sự phải mang lại cơ hội thành công và hòa bình lâu dài, đồng thời khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng đóng vai trò hỗ trợ trong tiến trình này.

Phát biểu với báo giới trước khi diễn ra họp báo, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo – ông Martin Griffiths cho rằng, việc thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo tại Ukraine sẽ không thể diễn ra ngay, song có thể được thực hiện trong vài tuần tới. Bên cạnh đó, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhắc tới tình hình ở Yemen cùng với việc các bên tham chiến đã cùng thực hiện thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 2 tháng (từ ngày 2/4 vừa qua).

Nhân dịp tới thăm Nga và Ukraine hồi đầu tháng 4/2022, ông Griffiths đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của hai nước để thảo luận về đề xuất của Liên hợp quốc về thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo và cải thiện hệ thống cảnh báo nhằm bảo đảm an toàn di chuyển của các nhân viên hỗ trợ nhân đạo.

Dự kiến trong tuần này, ông Griffiths sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan nhằm thảo luận về khả năng xúc tiến tổ chức các vòng đối thoại nhân đạo giữa Nga và Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan vào cuối tuần trước, ông Guterres cũng đã khẳng định sự ủng hộ đối với tiến trình Istanbul nhằm tháo gỡ xung đột ở Ukraine./.

Nguồn: dangcongsan.vn/the-gioi

3. Việt Nam lên tiếng về thông tin diễn tập quân sự với Nga

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác, vì hoà bình, hợp tác khu vực và thế giới.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 21/4, trả lời câu hỏi yêu cầu bình luận về thông tin Việt Nam và Nga tổ chức diễn tập quân sự chung trong thời gian tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: 

“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các hoạt động hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước, luyện tập chung phục vụ hội thao, cuộc thi là nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác, hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Trước đó, hãng tin Spuntik của Nga dẫn thông báo của cơ quan báo chí Quân khu phía Đông của Nga cho biết Nga và Việt Nam sẽ tổ chức tập trận chung. Theo đó, mục đích của cuộc diễn tập là nâng cao kỹ năng chỉ huy và tham mưu trong việc tổ chức huấn luyện chiến đấu, lãnh đạo đơn vị trong tình huống chiến thuật khó khăn, cũng như hoàn thiện các giải pháp phi tiêu chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ. 

Hợp tác quốc phòng đóng vai trò trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga. Việt Nam xác định Nga là đối tác chiến lược tin cậy, ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và hợp tác trong lĩnh vực này có ý nghĩa chính trị cao trong quan hệ hai nước.

Thời gian qua, Bộ Quốc phòng hai nước đã triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các nội dung hợp tác, thỏa thuận song phương. Kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm chung của hai bên trong xây dựng các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể và đặc biệt là Bộ Quốc phòng hai nước có đầy đủ các khuôn khổ, cơ chế hợp tác được áp dụng hiệu quả.

Trong chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 3, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng theo tinh thần Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Nga đã ký năm 2013.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

4. Ukraine đề xuất đàm phán đặc biệt với Nga

Các nhà đàm phán cấp cao của Ukraine đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán đặc biệt với Nga ở Mariupol mà không kèm điều kiện tiên quyết nào nhằm sơ tán quân đội và dân thường khỏi thành phố cảng này. Cố vấn tổng thống Ukraine đồng thời là trưởng đoàn đàm phán của nước này Mykhailo Podolyak cho rằng đàm phán này có thể diễn ra theo định dạng 1-1 hoặc 2-2.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, người đứng đầu tổ chức quốc tế này đã đề nghị gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô của hai nước. Với đề xuất này, người đứng đầu Liên hợp quốc hy vọng có thể làm trung gian thúc đẩy đối thoại nhằm tiến tới chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sẵn sàng tiến hành mọi hình thức trao đổi tù nhân với Nga để đưa người dân ra khỏi thành phố Mariupol. Tổng thống Zelensky nêu rõ, Ukraine “sẵn sàng thực thi bất cứ hình thức trao đổi nào vì lợi ích của người dân”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, Kiev và Moskva đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc thiết lập một hành lang nhân đạo để sơ tán phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi khỏi Mariupol. Ước tính hiện khoảng 120.000 dân thường vẫn ở Mariupol.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố kết quả của các cuộc đàm phán với Ukraine phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Kiev trong việc cân nhắc các yêu cầu chính đáng của Moskva. Hai Bộ trưởng Ngoại giao đã thảo luận về các bước đi chung giữa các bộ ngoại giao và quốc phòng của Nga và Ukraine để bảo đảm an ninh cho dân thường ở Ukraine, kể cả người nước ngoài.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

5. Giữa xung đột Nga - Ukraine, phái đoàn Trung Quốc tới 8 nước châu Âu

Trung Quốc cử phái đoàn tới 8 quốc gia Trung và Đông Âu trong nỗ lực ngăn chặn nghi ngờ ngày càng gia tăng trong khu vực về mối quan hệ không giới hạn Nga-Trung.

Đây là phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đầu tiên tới khu vực này kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. 

Các quốc gia mà phái đoàn Trung Quốc tới thăm gồm có Cộng hoà Séc, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nền tảng Trung Quốc “17+1”, nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm xây dựng mối quan hệ với 17 quốc gia Trung và Đông Âu gặp trở ngại sau khi Litva trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi cơ chế này.

Justyna Szczudlik, nhà phân tích về Trung Quốc tới từ Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan cho biết chuyến công du lần này của nhóm quan chức Trung Quốc sẽ là chuyến đi "kiểm soát thiệt hại" trong bối cảnh các quốc gia Trung và Đông Âu đang hết sức thất vọng trước quan điểm của Bắc Kinh liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga. 

Theo chuyên gia này, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ vốn từ lâu đã quan ngại mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Moskva và Bắc Kinh nay càng trở nên hoài nghi khi Trung Quốc tránh lên án việc Nga đưa quân vào Ukraine. 

Trong khi đó, Wang Yiwei - giáo sư nghiên cứu về châu Âu tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh nhận định chuyến thăm này là "kịp thời và cần thiết" khi mà Trung Quốc cần làm rõ lập trường của mình về xung đột Ukraine. 

"Trước hết, Trung Quốc cần làm rõ mối quan hệ Trung-Nga chính xác là gì. Thứ hai, Trung Quốc và Nga là các quốc gia khác biệt. Thứ ba, quan điểm của Trung Quốc đối với xung đột Nga-Ukraine là như thế nào", ông Wang cho hay. 

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các quốc gia ở Baltic và Trung Âu đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga. Một số nước như Czech, Slovakia, Slovenia, Estonia và Latvia gửi viện trợ cho Kiev. 

Ba Lan, quốc gia có chung 530 km đường biên giới với Ukraine trở thành trung tâm hỗ trợ của NATO đối với Kiev. 

Theo ông Wang, các nước Baltic cũng như các quốc gia Trung và Đông Âu tin rằng mối quan hệ đối tác "không giới hạn" đồng nghĩa với một liên minh giữa Nga-Trung và Bắc Kinh đang ủng hộ Moskva. 

Ông Szczudlik nhận định khi xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn, Trung Quốc dường như nhận ra rằng đánh giá của khu vực đối với họ đang xấu đi. 

"Phái đoàn Trung Quốc sẽ cố gắng thuyết phục các nước Trung và Đông Âu rằng vẫn có chỗ cho sự hợp tác và diễn đàn 16 + 1 vẫn phù hợp", ông Szczudlik cho hay. 

Nhưng chuyên gia này cho rằng đây sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng với nhóm quan chức Trung Quốc bởi sự ra đi của Litva khiến cơ chế này rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. 

"Sự chứng thực của Trung Quốc đối với Nga có thể khiến định dạng này rơi vào tình trạng đóng băng hoặc thậm chí đặt dấu chấm hết cho định dạng này", ông này nói thêm. 

Nguồn: vtc.vn/su-kien

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 116
  • Trong tuần: 3 483
  • Tất cả: 8754414

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn