THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý TUẦN QUA
Từ ngày 25/4 đến ngày 29/4/2022

 

1. Tăng cường hợp tác giữa 4 tỉnh Tây Bắc (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 27/4, tại TP Lào Cai, Tỉnh ủy Lào Cai (Việt Nam) đã phối hợp với Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) cùng các địa phương, cơ quan liên quan của hai bên tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu và Vân Nam năm 2022.

Đây là năm thứ hai, 4 tỉnh biên giới Tây Bắc của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc tổ chức Hội nghị giữa các Bí thư Tỉnh ủy nhằm cùng nhau đánh giá những kết quả hợp tác giữa các địa phương kể từ Hội nghị lần thứ nhất năm 2021 đến nay; cùng nhau trao đổi những vấn đề tồn tại trong quá trình hợp tác; thống nhất những nội dung hợp tác trong thời gian tới, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Các bên nhất trí cho rằng, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, các tỉnh cần tích cực triển khai các hoạt động hợp tác phát triển trong khu vực biên giới hai nước phù hợp với 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận có liên quan; cùng xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, đóng góp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

 Nguồn: www.qdnd.vn/quoc-te

2. Việt Nam và Quần đảo Cook thiết lập quan hệ ngoại giao

Ngày 26/4, tại thủ đô Wellington của New Zealand, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung và Cao ủy Quần đảo Cook tại New Zealand Elizabeth Wright - Koteka đã thay mặt hai Chính phủ ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Quần đảo Cook.

Theo đó, hai bên nhất trí chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở cấp đại sứ kể từ ngày ký Thông cáo chung và áp dụng Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao trong quan hệ giữa hai nước.

Sau lễ ký, Đại sứ Nguyễn Văn Trung và Cao ủy Elizabeth Wright-Koteka đã trao đổi về các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác song phương và sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Quần đảo Cook nằm ở Nam Thái Bình Dương, với dân số 20.200 người (số liệu năm 2019), gồm 15 hòn đảo chính, trải dài trên 2,2 triệu km2 mặt biển.

Đây là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên biển và đại dương dồi dào, trong đó nghề cá và khai thác ngọc rất phát triển. Quần đảo Cook theo chế độ quân chủ lập hiến, người đứng đầu nhà nước là Nữ hoàng Anh do Toàn quyền Quần đảo Cook làm đại diện. Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Quần đảo Cook, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới. 

 Nguồn: www.qdnd.vn/quoc-te

 3. Truyền thông Trung Quốc đánh giá cao sự phục hồi của Việt Nam

Hãng truyền thông và phân tích kinh tế hàng đầu Trung Quốc China Business News (CBN) mới đây đăng bài phân tích đánh giá cao sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 và tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Bài báo cho biết, sau những tác động nghiêm trọng của Covid-19 với biến thể Delta trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã bước ra khỏi bóng đen của đại dịch để khôi phục và "hồi sinh", trong đó thương mại xuất khẩu là điểm sáng nổi bật với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3/2022 đạt mức kỷ lục, tăng 38,1%; xuất khẩu tăng tới 48,2% so tháng trước. Đồng thời, tổng kim ngạch của quý I tăng 14,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, các nhóm mặt hàng "made in Vietnam" cũng không ngừng gia tăng, trong đó riêng điện thoại và linh kiện đạt tới kim ngạch gần 15 tỷ USD.

Bài báo nhận định, có được những tín hiệu tích cực nêu trên, là nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam được nâng cao và tình trạng "bình thường mới" trong phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng.

Trong lĩnh vực điện tử, ngoài các thương hiệu quốc tế như Samsung, Intel, LG đã có mặt tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều nhà sản xuất điện tử đưa cơ sở sản xuất của mình đến Việt Nam như Luxshare Precision, Winston, Pegatron, Goer...

Lý giải về tăng trưởng thương mại và xuất khẩu của Việt Nam, bài báo cho rằng, sau khi gia nhập WTO vào năm 2007, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP, trở thành quốc gia có nhiều FTA nhất trong khu vực.

Về vị trí của Việt Nam và Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp toàn cầu, bài báo dẫn lời ông Trần Kinh, chuyên gia của Đại học Khoa học - Công nghệ Trung Quốc cho rằng, giữa hai nền kinh tế có sự bổ sung rất lớn, chứ không phải là cạnh tranh. Việc tái cấu trúc chuỗi công nghiệp toàn cầu đã bắt đầu từ hơn chục năm trước. Với lợi thế chi phí lao động thấp và hệ thống sản xuất "đáng tin cậy", Việt Nam đã trở thành điểm đến trong dịch chuyển một số ngành công nghiệp, nhất là ngành dệt may và lắp ráp điện tử.

Ông Trần Kinh cho rằng, sự phát triển của Việt Nam chẳng những không ảnh hưởng đến việc làm ở Trung Quốc, mà ngược lại, tái cơ cấu chuỗi công nghiệp còn thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai nước. Trung Quốc duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Nhận định về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, bài báo cho rằng, cùng với việc gia tăng nhu cầu trong nước và sự phục hồi của ngành du lịch sau khi mở cửa trở lại, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong quý II và cả năm 2022. Trong đó, với việc bỏ quy định cách ly với khách quốc tế, ngành du lịch sẽ là một yếu tố quan trọng để quan sát và đánh giá xu hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Bài báo dẫn đánh giá của ông Chu Sỹ Tân, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải khẳng định, mở cửa giao lưu với bên ngoài, cũng sẽ thúc đẩy sự trở lại của các nhà quản lý và chuyên gia quốc tế, từ đó mang lại lợi ích cho các ngành sản xuất của Việt Nam.

 Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 4. Duy trì ưu tiên các nỗ lực kiến tạo hòa bình

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Abdullah Shahid chủ trì Phiên họp cấp cao về tài chính cho xây dựng hòa bình, thảo luận các biện pháp bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho hoạt động xây dựng hòa bình LHQ.

Theo TTXVN, đại diện các nước khẳng định tầm quan trọng của cấu trúc xây dựng hòa bình LHQ với trọng tâm là Ủy ban Xây dựng hòa bình LHQ (PBC) và Quỹ Xây dựng hòa bình LHQ (PBF), song cho rằng hoạt động xây dựng hòa bình của LHQ đang gặp nhiều thách thức.

Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, xây dựng hòa bình là hoạt động quan trọng của LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, cộng đồng quốc tế cần duy trì ưu tiên đối với các nỗ lực xây dựng hòa bình, ngăn ngừa xung đột và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Các quốc gia cũng cần tiến hành các biện pháp thúc đẩy hòa giải và thống nhất, thông qua đối thoại bao trùm với sự tham gia của phụ nữ và thanh niên.

Đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy quan hệ đối tác giữa LHQ, các chủ thể ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm bảo đảm tài chính bền vững cho hoạt động xây dựng hòa bình. Trên cơ sở đó, Đại sứ khuyến nghị cộng đồng quốc tế hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ về cam kết hỗ trợ phát triển không chính thức cho các nước bị ảnh hưởng của xung đột cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng hòa bình.

Đại sứ nêu rõ, Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các bên liên quan để bảo đảm nguồn lực hiệu quả cho các tiến trình hòa bình và sẽ tiếp tục đóng góp có ý nghĩa và trách nhiệm vào các nỗ lực xây dựng và giữ gìn hòa bình.

 Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 5. Liên Hợp quốc thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho Nga-Ukraine

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo, ông đã đến thủ đô Kiev của Ukraine ngày 27/4 sau khi hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moskva. Ông Guterres khẳng định, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm mở rộng hỗ trợ nhân đạo và bảo đảm sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột ở Ukraine.

Theo chương trình, Tổng Thư ký Guterres có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky.

Phát biểu trước các nhà lập pháp Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga sẽ có hành động đáp trả nhanh chóng nếu bất kỳ quốc gia nào can thiệp tình hình Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/4 cho biết, quân đội Nga đã tấn công 59 cơ sở quân sự của Ukraine trong đêm, trong đó phá hủy các kho chứa vũ khí do nước ngoài cung cấp cho Kiev tại nhà máy nhôm Zaporozhye.

Ngày 28/4, Chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch sử dụng máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản để vận chuyển vật tư viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Ukraine. Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng máy bay vận chuyển C2 để vận chuyển vật tư có trong kho dự trữ của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) theo đề nghị của cơ quan này để hỗ trợ người tị nạn Ukraine.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul hy vọng tham gia các nỗ lực phục hồi và tái thiết trong giai đoạn sau xung đột ở Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế Hàn Quốc Yun Seong-deok đưa ra tuyên bố này trong cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko.

Một số nguồn tin cho biết, Mỹ đã dỡ bỏ những hạn chế về việc chia sẻ tin tình báo với Ukraine trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Moskva và Kiev gia tăng tại khu vực miền đông và miền nam của Ukraine. Động thái này diễn ra sau khi Nghị sĩ Mike Turner (M.Tơ-nơ) gửi một bức thư mật tới chính quyền của Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) nhằm hối thúc dỡ bỏ những hạn chế về chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.

Tổng thống Zelensky cho biết, ông đã thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về việc tăng cường hỗ trợ Kiev, trong đó có hỗ trợ tài chính vĩ mô. Ông Zelensky cho biết đã gửi lời cảm ơn EC vì kế hoạch bãi bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa công nghiệp và thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine. Hai bên cũng đề cập gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ.

Cùng ngày, Thủ tướng Ukraine cho biết, EU thông báo sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ukraine trong một năm. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ hy vọng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra đề nghị cung cấp tài chính bổ sung cho Ukraine.

 Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 29
  • Trong tuần: 3 022
  • Tất cả: 8753464

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn