Thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân
Điểm khác biệt cơ bản của Căn cước công dân gắn chip điện tử so với Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân mã vạch là có thêm mã QR Code và chíp điện tử. Vậy, mã QR Code, chíp điện tử trên căn cước công dân gắn chíp lưu trữ những thông tin gì và có bảo đảm an toàn về thông tin cá nhân không? Đây là vấn đề đang được một số người dân quan tâm.

Người dân khai báo thông tin cá nhân tại cơ quan Công an để được cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử

Theo mẫu Căn cước công dân gắn chíp điện tử hiện hành, mã QR Code được in ở mặt trước, phía góc phải trên cùng, lưu thông tin về số thẻ căn cước công dân, mã hóa toàn bộ các thông tin của người dân như: Họ tên, năm sinh, địa chỉ và ngày cấp căn cước công dân.

Với mã QR Code, bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng điện thoại thông minh đều có thể quét được các thông tin như số Chứng minh nhân dân cũ, họ tên của người được cấp, do vậy công dân không cần xin giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cũ khi thực hiện những thủ tục hành chính có liên quan.

Thông tin được lưu trữ trong chip điện tử gồm: Số Căn cước công dân; họ và tên, họ và tên khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; tôn giáo; quê quán; nơi đăng ký thường trú; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp; ngày hết hạn; họ tên cha/mẹ, vợ/chồng; số Chứng minh nhân dân đã được cấp; ảnh chân dung; đặc điểm vân tay 2 ngón trỏ; dự phòng cho ảnh mống mắt và các thông tin khác (mở rộng ứng dụng cho các bộ, ngành khác).

Dự kiến, trong thời gian tới, chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân có thể cập nhật thêm các thông tin cá nhân như bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe... Việc cập nhật sẽ được thực hiện thông qua sự chủ động của người dân đến thông báo tại cơ quan chức năng hoặc thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, dãy 12 số trên thẻ Căn cước công dân cũng chứa một số thông tin sau: 3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh, 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính công dân, 2 chữ số tiếp theo là mã năm sinh thể hiện 2 số cuối năm sinh của công dân, 6 chữ số cuối là dãy số ngẫu nhiên.

Theo Bộ Công an, chíp điện tử được gắn trên thẻ Căn cước công dân là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ Căn cước công dân với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số; không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Thông tin cá nhân của công dân sẽ tuyệt đối an toàn, chỉ các cơ quan chức năng được trang bị đầu đọc chíp chuyên dụng mới có thể trích xuất thông tin từ con chíp này. Nếu như có bị mất Căn cước công dân gắn chíp, người nhặt được cũng không thể lấy được thông tin lưu trong con chíp của thẻ.

Như vậy, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử mang đến rất nhiều tiện ích cho người dân, phù hợp với xu thế chung của thế giới (hiện nay trên có trên 70 quốc gia sử dụng thẻ Căn cước công dân có gắn chíp). Người dân cần mạnh dạn đến Cơ quan Công an làm thủ tục cần thiết để được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, từ đó thụ hưởng những lợi ích thiết thực do công nghệ số mang lại.

Đạt Nhân

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 1987
  • Trong tuần: 26 377
  • Tất cả: 8725464

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn