Thông tin đáng chú ý trong tuần
Từ ngày 4/7 đến ngày 8/7/2022

1. Việt Nam là điểm tựa ổn định của Nga với Đông Nam Á

Theo TTXVN, trong cuộc phỏng vấn với báo Độc lập, nhà Việt Nam học kỳ cựu Grigory Lokshin khẳng định: “Việt Nam có vai trò quan trọng đối với Nga, giống như một điểm tựa cho mối quan hệ ổn định của toàn nước Nga nói chung và khu vực Viễn Đông nói riêng với Đông Nam Á”. 

Báo Độc lập nhận định chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho thấy Moskva đang định hướng lại các nguồn lực chính trị và ngoại giao với các nước đang phát triển. Trong đó, Nga lên kế hoạch mở rộng hợp tác kinh tế với các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống như Việt Nam và Mông Cổ, chặng dừng chân đầu tiên của nhà ngoại giao Nga trong chuyến công du phương Đông.

Hãng thông tấn nhà nước TASS nhấn mạnh, năm nay hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh quan hệ đang phát triển năng động. Đối thoại chính trị được duy trì, kim ngạch thương mại và đầu tư song phương ngày càng tăng, trao đổi đang được thúc đẩy trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa.  

Hãng tin RIA Novosti đề cao quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Việt Nam và Nga đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2001 và Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. 

Năm 2021, nhân dịp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai nước đã thông qua Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga đến năm 2030, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược Việt-Nga, tạo cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước. 

Theo hãng tin Nga, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lần lượt đạt 4,85 tỷ USD và 7,1 tỷ USD vào các năm 2020 và 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 2. Ủy ban hỗn hợp về kinh tế Việt Nam-Canada họp phiên đầu tiên

Với mục tiêu góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada và nâng tầm hợp tác kinh tế hai nước, ngày 6/7, Ủy ban hỗn hợp về kinh tế giữa Việt Nam và Canada đã tổ chức kỳ họp đầu tiên, tại Vancouver của Canada.

Trong vai trò đồng chủ trì, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế Canada David Morrison cùng chia sẻ nhận định rằng, kỳ họp lần thứ nhất là cơ hội để hai bên mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai bên nhất trí cùng nỗ lực để đa dạng hóa thương mại bằng cách tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy dòng đầu tư giữa hai nước.

Thứ trưởng David Morrison nhấn mạnh Canada coi trọng Việt Nam. Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Việc thành lập cơ chế ủy ban hỗn hợp về kinh tế Canada-Việt Nam cho thấy mục tiêu của Canada tăng cường liên kết kinh tế với các đối tác chính ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong đó, Canada mong muốn làm sâu sắc quan hệ kinh tế với Việt Nam, phù hợp cam kết của Ottawa và tầm nhìn chung của hai nước về khu vực này, với trung tâm là ASEAN.

Tại cuộc trao đổi trước thềm kỳ họp với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển kinh tế của Canada, bà Mary Ng nêu rõ: Việt Nam là thị trường quan trọng của Canada; Ủy ban hỗn hợp về kinh tế là cơ chế thiết thực để hai nước đối thoại, tìm ra giải pháp tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Ngun: nhandan.vn/thegioi

 3. Tổng thống Nga nhận định về tiến trình đàm phán với Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này không từ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine, nhưng nếu quá trình này được bắt đầu càng muộn thì càng khó đạt được thỏa thuận.

Phát biểu trong cuộc họp với Ban Lãnh đạo Duma Quốc gia (Hạ Viện) Nga ngày 7/7, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi không từ chối đàm phán hòa bình, nhưng những người từ chối đối thoại nên biết rằng càng để lâu thì càng khó đạt được một thỏa thuận với chúng tôi".

Ông cho biết phương Tây đã bác bỏ các đề xuất “thiết lập một hệ thống an ninh bình đẳng tại châu Âu” của Nga cùng các sáng kiến “hợp tác về vấn đề phòng thủ tên lửa”, đồng thời phớt lờ những cảnh báo của Moskva về hành động mở rộng hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là tại những cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. 

Tại cuộc họp, Tổng thống Putin cũng khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã và sẽ không thành công trong việc tác động đến kinh tế Nga và gây bất ổn tại nước này. Đánh giá về lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Putin cho rằng việc các công ty nước ngoài rút khỏi Nga thực chất lại có tác dụng hỗ trợ một số ngành trong nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Putin nhận định các doanh nghiệp Nga sẽ "có được sức cạnh tranh trên thị trường nội địa sau khi các công ty nước ngoài ra đi”. Trước đó, tại một cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Á-Âu, ông Putin cũng đã phát biểu tích cực về tình hình hiện tại. Theo ông, các doanh nhân Nga sẽ có thể “an toàn” lấp đầy các vị trí bị bỏ trống sau khi các công ty nước ngoài ra đi và “sẽ không có gì ảnh hưởng”.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva. gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn dầu, khiến giá dầu mỏ, khí đốt và ngũ cốc tăng mạnh. Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột nhưng hiện quá trình đàm phán giữa Moskva và Kiev đã bị đình trệ.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. Thúc đẩy hợp tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn

“Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn” được nước chủ nhà Indonesia chọn là chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao năm nay của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Trước hàng loạt thách thức nghiêm trọng mà thế giới đang đối mặt, hội nghị được xem là cơ hội quý giá để các nước đối thoại, thúc đẩy nỗ lực cùng phục hồi.

Là nền tảng đa phương quy tụ 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, G20 được cho là đóng vai trò chiến lược trong việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng toàn cầu. Tăng cường chủ nghĩa đa phương, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh năng lượng là những nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 tại đảo Bali của Indonesia.

Trong một thông cáo báo chí, nước chủ nhà Indonesia cho biết, tại phiên đầu tiên của hội nghị về tăng cường chủ nghĩa đa phương, các nước tập trung thảo luận các động thái chung nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới. Trong khi đó, tại phiên thảo luận thứ hai về an ninh lương thực và an ninh năng lượng, các nước bàn về các bước đi chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao. 

Giá hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển. Với tư cách là một diễn đàn kinh tế đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới, G20 thảo luận toàn diện về các vấn đề này nhằm tìm kiếm các giải pháp kinh tế - xã hội bền vững. Theo Đại sứ Triansyah Djani, đồng Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao G20, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này dự kiến không ra văn bản hoặc thông cáo chính thức, nhưng những vấn đề được đưa ra thảo luận giúp tăng cường hợp tác cụ thể giữa các quốc gia trong tương lai.

Bên cạnh các phiên thảo luận chung của hội nghị, các cuộc gặp song phương và bên lề giữa đại diện các nước G20 cũng được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Theo các nhà phân tích, việc quy tụ được đại diện của tất cả các nước thành viên G20 đã là một thành công đáng kể của nước chủ nhà Indonesia.

Với tư cách là Chủ tịch G20 năm 2022, Indonesia đã mời Ukraine tham dự hội nghị lần này. Nỗ lực tạo cơ hội để Ukraine và Nga cùng bày tỏ ý kiến tại diễn đàn G20 được các nước đồng tình ủng hộ. Các nước cũng đánh giá cao chuyến ngoại giao con thoi cuối tháng 6 vừa qua của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Đức và đến cả Kiev, cũng như Moskva.

Một trong những cuộc gặp bên lề được trông đợi tại hội nghị là cuộc tiếp xúc giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Dư luận quốc tế kỳ vọng hai quan chức ngoại giao có cuộc đối thoại mang tính xây dựng, để tìm ra những hướng đi cụ thể nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn tác động lớn đến tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, như chống biến đổi khí hậu, chống ma túy xuyên quốc gia và an ninh y tế toàn cầu cũng được thảo luận. 

Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp giữa những người đứng đầu ngành ngoại giao của ba nước tại Bali. Nội dung chính của cuộc hội đàm ba bên được cho là các vấn đề liên quan an ninh trên bán đảo Triều Tiên. 

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Bali là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị cấp cao G20, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, cũng tại Bali. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: Tình hình thế giới đang thật sự rất khó khăn, chúng ta cần hợp tác để thực hiện các cam kết vì hòa bình và nhân loại. Thế giới đang trông đợi các thành viên G20 thể hiện vai trò lãnh đạo, nhất là trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay./.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

 5. Thượng viện Nga hứa cân nhắc đề nghị của vùng ly khai Ukraine gia nhập Nga

Hội đồng Liên bang Nga, tức Thượng viện Nga, hứa sẽ cân nhắc nếu người dân hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass muốn sáp nhập vào Nga trong các cuộc trưng cầu dân ý.

"Nếu người dân ở Donetsk, Lugansk hay các vùng lãnh thổ khác xét thấy họ cần tiến hành trưng cầu dân ý để bày tỏ ý nguyện, thì chúng tôi, trong khuôn khổ nhiệm vụ và quyền hạn, sẽ sẵn sàng xem xét vấn đề đó", Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko ngày 7/7 phát biểu, Interfax đưa tin.

"Khi các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, chúng tôi sẵn sàng họp bất cứ lúc nào để xem xét các đề nghị", Chủ tịch Thượng viện Nga nói thêm. 

Donetsk và Lugansk, cách Nga gọi hai nước cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng, đã được Moscow công nhận độc lập hôm 21/2. Trong chiến dịch quân sự đang diễn ra, Moscow đặt mục tiêu chính là giúp hai thực thể này mở rộng kiểm soát lãnh thổ theo đúng hiến pháp.

Hồi tháng 3/2022, người đứng đầu LPR Leonid Pasechnik tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý trong tương lai gần về khả năng sáp nhập LPR vào Nga. Quân đội Nga và dân quân LPR hiện đã kiểm soát toàn diện lãnh thổ tỉnh Lugansk.

Cách đây vài tuần, ông Denis Pushilin, nhà lãnh đạo của DPR, tuyên bố: "Quyết định trưng cầu dân ý về việc DPR sáp nhập vào Nga sẽ được đưa ra sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt hoàn thành". Sau khi đẩy lùi Ukraine khỏi Lugansk, Nga đang chuẩn bị tiến công mạnh mẽ ở Donetsk.

Ngoài DPR và LPR, chính quyền ở tỉnh Zaporizhzhia và tỉnh Kherson, phía Nam Ukraine, cũng thông báo kế hoạch trưng cầu dân ý về sáp nhập lãnh thổ vào Nga trong năm 2022. Nga cơ bản kiểm soát tỉnh Kherson và phần lớn diện tích Zaporizhzhia.

Nguồn:cand.com.vn

 

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 340
  • Trong tuần: 4 027
  • Tất cả: 8757093

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn