Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 11/7 đến ngày 15/7/2022

1. Nga-Ukraine đạt đồng thuận ở Istanbul

Nga-Ukraine sẽ kí một thỏa thuận cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc về biện pháp nối lại hoạt động vận chuyển ngũ cốc trên biển Đen, bước đi giúp "hạ nhiệt" cơn khát lương thực toàn cầu.

Reuters cho biết, phái đoàn Nga, Ukraine cùng đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 13/7 đã tiến hành đàm phán trực tiếp tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ với các quan chức cấp cao nước chủ nhà về giải pháp nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua biển Đen.

Kết thúc cuộc họp kéo dài hơn 3 giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar xác nhận, các bên đã thống nhất sẽ gặp lại nhau vào tuần tới để chính thức kí thỏa thuận thành lập một trung tâm điều phối hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, thiết lập hành lang và giám sát các chuyến tàu trên biển Đen.

Ông Andriy Yermak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày đã xác nhận thông tin trên. “Nhiệm vụ của trung tâm là thực hiện giám sát chung và điều phối an toàn hàng hải ở biển Đen”, ông Yermak nói.

Tổng thống Zelensky thì khẳng định Kiev “luôn nỗ lực khôi phục nguồn cung cấp lương thực cho thị trường thế giới” và rằng Ukraine “biết ơn LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ vì những nỗ lực của họ”.

Trong khi đó, TASS ngày 14/7 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin khẳng định, không có trở ngại nào từ Nga với việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. “Bộ ngoại giao Nga và các cơ quan khác đã có mặt tại cuộc họp ở Istanbul. Các cuộc tham vấn đang được tiến hành”, ông nói.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thì bày tỏ lạc quan thận trọng khi ông ghi nhận “bước tiến quan trọng” nhưng khẳng định “sẽ cần nhiều công việc kỹ thuật hơn để đảm bảo tiến độ” kí thỏa thuận.

Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, chiếm tới 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu. Bên cạnh đó, Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt, còn Ukraine là nhà cung cấp chính ngô và dầu hướng dương.

Do tình hình chiến sự, hơn 22 triệu tấn ngũ cốc, tương đương lượng thức ăn của hàng trăm triệu người, đang mắc kẹt ở Ukraine.

Việc nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine thiếu hụt khiến giá lương thực toàn cầu tăng mạnh, đồng thời kéo theo nguy cơ đẩy hàng triệu người vào cảnh thiếu ăn, từ đó có thể dẫn tới các bất ổn về chính trị-xã hội ở nhiều quốc gia.

Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các eo biển kết nối biển Đen với Địa Trung Hải và đã đóng vai trò tích cực cùng LHQ trong nỗ lực hòa giải Nga-Ukraine. Moscow lâu nay khẳng định họ ủng hộ nỗ lực của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thiết lập hành lang an toàn cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Theo Guardian, hội nghị 4 bên vừa diễn ra là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ cuộc họp ở Istanbul hôm 29/3. Khi nói đến triển vọng về các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến sự Ukraine, Tổng Thư ký LHQ Guterres nói rằng Moscow và Kiev đã cho thấy họ có thể tham gia tiến trình đàm phán, nhưng “vẫn còn chặng đường dài phía trước”.

Nguồn: cand.com.vn

2. EU chuẩn bị tung đòn trừng phạt tiếp theo với Nga

Gói hạn chế kinh tế thứ 7 của Liên minh châu Âu (EU) sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với vàng của Nga.

Tờ Euractiv hôm 14/7 đưa tin, vòng trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga sẽ nhằm vào xuất khẩu vàng của Moskva và thắt chặt các lỗ hổng hiện có. 

Dẫn lời các nhà ngoại giao EU, Euractiv cho biết gói trừng phạt thứ 7 của EU cũng sẽ đưa vào danh sách đen thêm nhiều thực thể và cá nhân Nga được cho là có liên hệ với điện Kremlin, đồng thời sẽ bổ sung một số hàng hóa vào danh sách hiện có nhằm ngăn chặn hành vi "né" lệnh trừng phạt.

Gói trừng phạt thứ 7 dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ ban hành các hướng dẫn về những loại hàng hóa có thể và không thể vận chuyển từ Nga đến khu vực châu Âu qua lãnh thổ Litva.

Đáng chú, các biện pháp trừng phạt tiếp theo của EU sẽ không bao gồm lĩnh vực năng lượng của Nga. Gói trừng phạt thứ 6 bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu than và dầu của Nga, nhưng loại trừ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc - những nước nhận dầu từ Nga qua đường ống.

Nhập khẩu vàng của Nga đã bị Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada cấm. Quyết định này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức vào tháng trước. Xuất khẩu vàng của Nga ước tính trị giá khoảng 15 tỷ USD vào năm 2021, lệnh cấm được các nhà phân tích trong ngành mô tả chủ yếu mang tính biểu tượng, vì đòn trừng phạt của phương Tây vốn đã đóng cửa các thị trường châu Âu và Mỹ đối với vàng của Nga.

Ukraine nhiều lần kêu gọi EU ngừng nhập khâu khí đốt của Nga. Các quốc gia trong EU như Đức và Hungary - phụ thuộc nhiều vào loại năng lượng này, đang phải đối mặt với những tổn thất nặng nề về kinh tế cũng như phải chia sẻ kho dữ trự khí đốt cho các nước đồng minh khi nguồn cung khan hiếm.

Giá trị của đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm kể từ khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga. Đồng euro đạt mức ngang bằng với USD vào hôm 11/7.

Trong khi đó, đồng rúp của Nga mạnh hơn so với trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Lợi nhuận xuất khẩu năng lượng của Nga tăng vọt, thặng dư tài khoản vãng lai của Moskva tăng lên mức kỷ lục 70,1 tỷ USD.

Nguồn:vtc.vn/su-kien

3. Venezuela tìm hiểu kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam

Ðông đảo chuyên gia, giảng viên, sinh viên và bạn bè Venezuela tham dự tọa đàm "Thực tiễn đổi mới, phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm đối với Venezuela", do Ðại sứ quán Việt Nam tại Venezuela tổ chức hôm 13/7, tại Ðại học Bách khoa thực nghiệm quân đội Venezuela (UNEFA).

Lãnh đạo, giảng viên, sinh viên từ các cơ sở đào tạo trên khắp Venezuela tham dự theo hình thức trực tuyến, nhằm tìm hiểu kinh nghiệm thành công của Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, Ðại sứ Việt Nam tại Venezuela, Lê Viết Duyên khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ðiểm lại kết quả nổi bật của 35 năm đổi mới, Ðại sứ nêu rõ: Từ một nước thiếu lương thực, đến nay Việt Nam không những bảo đảm được an ninh lương thực mà còn xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong ASEAN, thứ 40 trên thế giới và được đánh giá sẽ gia nhập nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035. Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp xây dựng và định hình các cơ chế đa phương, vị thế và uy tín ngày càng cao.

Hiệu trưởng UNEFA, Thượng tướng Pascualino Angiolillo (P.An-giô-li-lô) bày tỏ khâm phục đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cũng như thành tựu Việt Nam đạt được sau 35 năm đổi mới. Thượng tướng Angiolillo khẳng định, UNEFA tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các bài học, kinh nghiệm thành công của Việt Nam để biên soạn, xây dựng giáo trình, đưa vào giảng dạy thí điểm tại trường và nhân rộng ra các cơ sở đào tạo.

 Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. Diễn đàn Hợp tác Việt - Hàn VIKO30 tổ chức từ ngày 22 đến 24-7

Chiều 14-7, tại Hà Nội, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn-Việt và 30 hiệp hội ngành nghề Hàn Quốc tổ chức gặp mặt báo chí, giới thiệu về Diễn đàn Hợp tác Việt - Hàn VIKO30.

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Lân Trung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, Diễn đàn Hợp tác Việt - Hàn VIKO30 (Thương mại - Đầu tư - Công nghệ - Beauty World Festival 2022) sẽ tổ chức từ ngày 22 đến 24-7 tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội.

Chương trình nhằm góp phần làm phong phú các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hàn Quốc, kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và giới thiệu tiềm năng, triển vọng, chính sách về khởi nghiệp, thương mại, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Lan tỏa, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam năng động, sáng tạo ra khu vực và thế giới, mở ra chương trình xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư an toàn tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ tổ chức nhiều sự kiện, như: Triển lãm công nghệ, Hội nghị Blockchain Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Hội nghị xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc, Hội thảo Phát triển thị trường chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, mít tinh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn, Chương trình giao lưu văn hóa âm nhạc thời trang…

Chương trình sẽ có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương, cùng lãnh đạo hơn 30 hiệp hội. Thông tin chi tiết về sự kiện được cập nhật tại website: Viko30.com.

Nguồn: www.qdnd.vn/quoc-te

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 3 780
  • Tất cả: 8757215

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn