Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 22 - 26/8/2022

1. Mỹ cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN

Ngày 23/8, Cục trưởng Cục đàm phán thương mại (DNT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, bà Oramon Sapthaweetham, cho hay Mỹ đã cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Thái Lan nói riêng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung tìm lại chỗ đứng sau đại dịch COVID-19.

Theo bà Oramon, Washington đã cam kết cung cấp khoản viện trợ theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư ASEAN-Mỹ (TIFA) được ký năm ngoái. Bà nói: “Trong giai đoạn 2022-2023, Mỹ đã hứa cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên ASEAN, đặc biệt là về kinh doanh trực tuyến, nâng cao kỹ năng lao động, tiêu chuẩn môi trường và các dự án khác tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế”.

Cũng theo người đứng đầu DNT, Mỹ sẽ tập trung vào việc giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu tác động từ COVID-19. Viện trợ sẽ được đưa ra dưới dạng nâng cấp cho Học viện SME ASEAN để đào tạo và hỗ trợ các nhà điều hành.

Trong khuôn khổ TIFA ASEAN-Mỹ, các nước ASEAN đã nhất trí thúc đẩy mạng hải quan điện tử “một điểm” kết nối với phía Mỹ để hoạt động hải quan quốc tế thông suốt. Các thành viên ASEAN cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền lao động và các tiêu chuẩn môi trường để tạo dựng quan hệ đối tác thương mại lâu dài với Mỹ.

DTN cũng đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Canada (ACAFTA) từ ngày 29/8 đến ngày 1/9, bằng cách tổng hợp các điểm trong chương trình nghị sự từ 16 cuộc họp trước đó trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng.

ACAFTA dự kiến sẽ tuân theo Khuôn khổ thương mại và đầu tư ASEAN-Canada giai đoạn 2021-2025, với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở cả 2 khu vực trong thời kỳ hậu COVID-19 thông qua hợp tác kỹ thuật, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và trao đổi kiến thức trong thương mại, dịch vụ, lao động và quản lý môi trường.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

2. Liên hợp quốc lên án hành vi kích động thù hận và bạo lực vì lý do tôn giáo

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh những phát ngôn kích động thù hận, dù trên không gian mạng hay trực tiếp, đều tiếp tục cổ xúy hành vi bạo lực đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

Ngày 22/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật có tầm ảnh hưởng khác lên án mọi hành vi kích động thù hận và bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

"Chỉ có nỗ lực tập thể, bao trùm và với sự tham gia của toàn xã hội mới có thể giúp tất cả mọi người cùng chung sống an toàn và chấm dứt tình trạng tồi tệ này trong xã hội của chúng ta".

Tổng Thư ký Guterres đã đưa ra lời kêu gọi trên trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của hành vi bạo lực vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng 22/8.
Mặc dù Đại Hội đồng Liên hợp quốc hồi năm 2019 đã ấn định ngày tưởng niệm này, song nhiều người dân trên thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng kỳ thị và bạo lực vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Ông nhấn mạnh những phát ngôn kích động thù hận, dù trên không gian mạng hay trực tiếp, đều tiếp tục cổ xúy hành vi bạo lực đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, bao gồm các cộng đồng dân tộc thiểu số và tôn giáo.

Các nước cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các nạn nhân và điều tra những yếu tố kích động sự kỳ thị và thù hận.

Trong bài phát biểu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh các nước trên thế giới có trách nhiệm ngăn chặn và giải quyết tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Ông khuyến nghị thúc đẩy các chính sách hòa nhập, đa dạng, khuyến kích sự bao dung và đối thoại liên văn hóa và giao thoa văn hóa.

Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời nhấn mạnh các hành vi vi phạm nhân quyền dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng phải bị điều tra và trừng trị, trong khi phải đảm bảo các nạn nhân cần được bồi thường thỏa đáng theo luật nhân quyền quốc tế./.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

3. Việt Nam yêu cầu Tổ chức Khí tượng Thế giới bỏ bản đồ có 'đường 9 đoạn'

Việt Nam yêu cầu Tổ chức Khí tượng Thế giới tôn trọng chủ quyền trên Biển Đông, gỡ bỏ nội dung không phù hợp như "đường 9 đoạn", theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

"Việt Nam cho rằng mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá và đăng tải những nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với các vùng biển liên quan ở Biển Đông đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là vô giá trị", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.

Phát biểu được đưa ra sau khi trang Facebook của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 23/8 đăng bản đồ về đợt nắng nóng tại Trung Quốc, trong đó sử dụng bản đồ có yêu sách "đường 9 đoạn" phi lý trên Biển Đông.

Bà Hằng cho biết đại diện thường trực phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã trao đổi với đại diện WMO về việc này.

"Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là đường 9 đoạn cũng như các yêu sách biển trái với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam yêu cầu các quốc gia, tổ chức tôn trọng chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như những vùng biển liên quan ở Biển Đông, gỡ bỏ và sửa đổi những nội dung không phù hợp đó", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

"Đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra đòi yêu sách chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Trung Quốc cũng bồi đắp phi pháp 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển.

Nguồn: vnexpress.net/thegioi

4. LHQ nói chịu 'áp lực lớn' về báo cáo Tân Cương

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ nói đang đối mặt "áp lực lớn" về báo cáo Tân Cương và thừa nhận không chắc khi nào tài liệu được công bố.

"Chúng tôi đang cố gắng rất nhiều để thực hiện những gì tôi đã hứa", bà Michelle Bachelet nói với phóng viên ở Geneva, Thụy Sĩ hôm nay, trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách Cao Ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Bà thừa nhận đang phải chịu "áp lực rất lớn" về việc công bố hoặc không công bố báo cáo bị trì hoãn từ lâu về tình hình khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc giam hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác. Bà Bachelet từng nhiều lần tuyên bố sẽ công bố báo cáo trước khi nhiệm kỳ kết thúc ngày 31/8.

"Nhưng tôi sẽ không công bố hay giữ lại báo cáo vì bất kỳ áp lực nào như vậy. Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực công bố báo cáo và tôi dự định thực hiện việc này trước khi kết thúc nhiệm vụ", bà nói thêm.

Bachelet cũng nhấn mạnh văn phòng của bà đã "nhận được ý kiến đóng góp đáng kể từ chính phủ Trung Quốc". "Chúng tôi sẽ cần phải xem xét cẩn thận, như chúng tôi làm mọi lúc với bất kỳ báo cáo nào, bất kỳ quốc gia nào", bà lưu ý.

Bà Bachelet hồi đầu tháng 5 đến thăm Tân Cương, động thái khiến một số nhóm nhân quyền chỉ trích là "thiếu kiên định, nhu nhược" vì chuyến đi do Bắc Kinh điều phối.

Mỹ và một số nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc giam giữ hàng loạt, lao động cưỡng bức, bắt triệt sản và phá hủy các địa điểm văn hóa, tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ, cho rằng hành động của Bắc Kinh là "diệt chủng". Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua luật cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc lao động cưỡng bức.

Trung Quốc nhiều lần chỉ trích phương Tây, gọi những cáo buộc trên là vô căn cứ, can thiệp công việc nội bộ, xuyên tạc sự thật, kiềm chế đà phát triển của nước này và vi phạm luật pháp quốc tế.

Bà Bachelet đã phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc điều tra và lên tiếng về tình hình Tân Cương. Gần một năm trước, bà nói với Hội đồng Nhân quyền rằng cần đánh giá độc lập tình hình ở Tân Cương và văn phòng của bà đang hoàn thiện báo cáo về vấn đề này.

Tuy nhiên, báo cáo đã liên tục bị trì hoãn. Bà Bachelet cho biết trong năm qua, bà liên tục nhận được đề nghị công bố báo cáo, song cũng nhận được bức thư có chữ ký của hàng chục quốc gia "yêu cầu không công bố".

Nguồn: vnexpress.net/thegioi

5. Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh Nga-Ukraine

Ngày 22/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhắc lại mục tiêu của Ankara trong thời gian tới là tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Kể từ sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ luôn quyết tâm thể hiện vai trò trung gian hoà giải  với kết quả gần đây nhất là giúp các bên đạt thoả thuận xuất khẩu 22 tấn ngũ cốc từ Ukraine đi qua biển Đen. Thông điệp mới nhất do ông Erdogan vừa đưa ra được xem là một nỗ lực tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài 6 tháng giữa hai láng giềng, vốn cho đến nay đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa. 

Phát biểu tại thủ đô Ankara sau cuộc họp Nội các, Tổng thống Erdogan cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên thế giới, có thể để lại hậu quả không chỉ đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả trên toàn cầu.

“Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky tại đất nước của chúng tôi, với hy vọng trong một tương lai không xa, sẽ mở ra cánh cửa giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine” – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu.

Thông điệp trên được ông Erdogan đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022. Nhân dịp này, ông Erdogan đã gặp ông Zelensky ở thành phố phía Tây Lviv, trước khi hai nhà lãnh đạo cùng tham gia các vòng thảo luận gồm sự tham gia của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ,  các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc đã tập trung thảo luận vào những nỗ lực ngoại giao giúp chấm dứt chiến sự ở Ukraine và thỏa thuận đạt được vào tháng trước nhằm nối lại các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine – điều vốn được ông Erdogan đánh giá là “có tầm quan trọng thiết yếu đối với nhân loại”.

Theo số liệu do Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar vừa công bố, tính đến ngày 22/8, đã có tổng cộng hàng chục chuyến tàu chở theo 721.449 tấn ngũ cốc rời cảng Ukraine kể từ sau thời điểm thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được ký kết ngày 22/7.

Nguồn: dangcongsan.vn/the-gioi.

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 363
  • Trong tuần: 3 575
  • Tất cả: 8753429

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn