Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 02 - 06/01/2023

1. Thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại Hội đồng Bảo an

Tại buổi lễ đặt cờ ở Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ), đánh dấu thời điểm Nhật Bản giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc Kimihiro Ishikane cho biết, nước này sẽ nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh thế giới trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay.

Khẳng định trách nhiệm to lớn của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Ishikane nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ thúc đẩy cơ chế đối thoại và hợp tác, hướng tới bảo vệ quyền lợi của các nước nhỏ, cũng như các quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.

Theo truyền thông Nhật Bản, trong vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2023, dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản sẽ chủ trì phiên thảo luận về chủ đề pháp quyền vào ngày 12/1 tới, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về lập trường của các quốc gia bằng cách quay trở lại nguồn gốc cơ bản của khái niệm pháp quyền và vai trò của Hiến chương Liên hợp quốc.

Ngoài Nhật Bản, lễ đặt cờ các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc còn có sự tham gia của bốn nước khác là Thụy Sĩ, Malta, Ecuador và Mozambique. Đây là lần thứ 12 Nhật Bản đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ khi nước này trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1956. Trong cuộc bỏ phiếu năm ngoái, Nhật Bản nhận được 184 phiếu ủng hộ trên tổng số 193 nước bỏ phiếu.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

2. Tổng thống Nga Putin phát lệnh ngừng bắn, Ukraine từ chối

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/1 ban hành lệnh ngừng bắn tạm thời ở Ukraine trong thời gian Giáng sinh của Chính thống giáo. Song, phía Ukraine lập tức phản pháo tuyên bố này. 

Tổng thống Nga Putin: "Chúng tôi sẽ phá hủy hệ thống Patriot ở Ukraine 100%"

Điện Kremlin ra thông cáo cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị Bộ trưởng Quốc phòng ngừng bắn ở Ukraine trong dịp Giáng sinh của Chính thống giáo, cụ thể là từ 12h ngày 6/1 đến 24h ngày 7/1.

Lệnh ngừng bắn tạm thời trong 36 giờ được đưa ra sau lời kêu gọi của người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga.

"Xuất phát từ thực tế là một số lượng lớn công dân theo Chính thống giáo sống trong các khu vực chiến sự, chúng tôi kêu gọi phía Ukraine tuyên bố ngừng bắn và cho phép họ tham gia các buổi lễ vào đêm Giáng sinh, cũng như ngày Giáng sinh", lệnh của Tổng thống Nga cho hay.

Tuy nhiên, theo Reuters, cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak lập tức bác bỏ đề xuất ngừng bắn của phía Nga và gọi đây là hành vi "đạo đức giả". Ông đã chia sẻ trên Twitter rằng Nga "phải rời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng - chỉ khi đó họ mới có thỏa thuận ngừng bắn tạm thời".

Trước đó cùng ngày, văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi Nga tuyên bố ngừng bắn đơn phương ở Ukraine để hỗ trợ nỗ lực tìm giải pháp hòa bình.

Điện Kremlin cũng đưa tin, trong khuôn khổ cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã nói với người đồng cấp Erdogan rằng Moscow sẵn sàng đàm phán - nhưng chỉ với điều kiện Ukraine "có tính đến thực tế lãnh thổ mới", ám chỉ việc thừa nhận việc Moscow sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

Phía Ukraine sau đó gọi yêu cầu này từ phía Nga là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". 

Nguồn:cand.com.vn

3. Mỹ và Đức xác nhận cung cấp xe tăng hạng nhẹ cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận 2 nước sẽ viện trợ xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine.

Thông tin được đưa ra một ngày sau khi Pháp tuyên bố sẽ gửi “xe tăng hạng nhẹ” do phương Tây thiết kế cho Kiev.

Theo một tuyên bố chung được Nhà Trắng và Văn phòng Thủ tướng Đức công bố ngày 5/1, “Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley và Đức sẽ cung cấp cho Kiev xe chiến đấu bộ binh Marder. Cả hai nước đều có kế hoạch huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng các hệ thống tương ứng”.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu chiếc mỗi loại sẽ được gửi đến Ukraine và khi nào chúng được chuyển giao.

Trước đó, báo Sueddeutsche Zeitung của Đức đưa tin, Mỹ và Đức chuẩn bị ra thông báo chung về việc cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine. Quyết định của Berlin về việc viện trợ xe Marder cho Ukraine được đưa ra với sự phối hợp của Mỹ và Pháp.

Ngày 4/1, Pháp tuyên bố gửi một số xe chiến đấu bọc thép AMX-10 tới Ukraine. Đây là lần đầu tiên xe tăng do phương Tây thiết kế được cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Mặc dù Bradley, Marder và AMX-10 đôi khi được gọi là “xe tăng hạng nhẹ”, nhưng 2 phương tiện của Mỹ và Đức thường được gọi là xe chiến đấu bộ binh, còn phương tiện của Pháp được gọi là xe chiến đấu bọc thép.

Hiện chưa có quốc gia NATO nào có kế hoạch cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất. Ngày 4/1, một quan chức Mỹ giấu tên đã loại trừ việc chuyển giao xe tăng M1 Abrams cho Kiev.

Dù vậy, Mỹ, Đức và Pháp đều đã cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2/2022.

Moskva đã cảnh báo phương Tây răng việc viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột, đồng thời khiến các quốc gia phương Tây trở thành những bên tham gia trên thực tế.

Nguồn:vtc.vn/su-kien

4. Bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ vẫn chưa ngã ngũ sau 9 vòng bỏ phiếu liên tiếp

Hạ viện Mỹ hiện vẫn chưa bầu được Chủ tịch mới sau 3 ngày liên tiếp với 9 vòng bỏ phiếu.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, đảng Cộng hòa đã giành được Hạ viện, chính vì vậy, tâm điểm của cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện xoay quanh ứng cử viên Kevin McCarthy, người từng là lãnh đạo phe thiểu số tại cơ quan này. Tuy nhiên, ông McCarthy đã không có đủ 218 phiếu cần thiết sau 6 vòng bỏ phiếu trong hai ngày liên tiếp 3/1 và 4/1.

Bước sang ngày thứ 3, tính tới chiều ngày 05/01 (theo giờ Mỹ), với 3 vòng bỏ phiếu liên tục, kịch bản vẫn không thay đổi mặc dù ông McCarthy trước đó đã đàm phán và có những nhượng bộ nhất định với 20 nghị sỹ Cộng hòa, những người không bỏ phiếu cho ông. Ông McCarthy chỉ có được 201 phiếu, thậm chí còn thấp hơn 212 phiếu của ông Hakeem Jeffries của đảng Dân chủ.   

Ông McCarthy từng là lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện và chạy đua trở thành chủ tịch kế nhiệm bà Nancy Pelosi, vị trí quyền lực thứ hai trong danh sách kế vị tổng thống. Tuy nhiên, ông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cánh hữu của đảng Cộng hòa.

Khi chưa bầu được chủ tịch, Hạ viện Mỹ sẽ không thể tổ chức lễ tuyên thệ cho các thành viên, bổ nhiệm chủ tịch các ủy ban hay tiến hành các thủ tục khác. Lần gần đây nhất Hạ viện Mỹ không bầu được chủ tịch trong lần bỏ phiếu đầu tiên là năm 1923, khi cơ quan này phải trải qua 9 vòng bỏ phiếu để chọn lãnh đạo mới.

Việc không bầu được chủ tịch Hạ viện cũng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa đồng thời trì hoãn nỗ lực của đảng này trong việc nhanh chóng thực hiện các ưu tiên, trong đó có cuộc điều tra chính quyền và gia đình Tổng thống Joe Biden, cũng như các vấn đề kinh tế, độc lập năng lượng và an ninh biên giới.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

5. Củng cố và phát triển hữu nghị truyền thống, toàn diện và bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia

NDO - Quan hệ Việt Nam-Campuchia đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực theo định hướng “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Ngày 5/1, tại trường đại học Đông Á Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia thành phố Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức gặp mặt, tọa đàm kỷ niệm 56 năm Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia; 44 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng Chế độ diệt chủng Pôn-pôt lêng-sa-ry.

Tham dự buổi gặp mặt, tọa đàm có gần 200 đại biểu, đại diện cho hơn 5000 cựu quân tình nguyện Việt Nam và cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia trong giai đoạn 1979-1989.

Ngày 24/6/1967, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) và Vương quốc Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia đã luôn kề vai, sát cánh, giúp đỡ nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Quan hệ Việt Nam-Campuchia đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực theo định hướng “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi chiến thắng ngày 07/01/1979 của quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã giải phóng thủ đô Pnôm-pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-Pôt lêng-sa-ry tàn bạo, cứu đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho dân tộc Campuchia.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Thôn Lanh, người dân Campuchia, có gia đình gồm bố mẹ anh chị em bị chế độ Pôn-Pôt lêng-sa-ry tàn sát, xúc động nói: Bố mẹ và cả gia đình tôi trước đây có quan hệ tốt với quân tình nguyện Việt Nam từ năm 1970 và gia đình cũng giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam, vì thế bị chế độ Pôn-Pôt lêng-sa-ry để ý, cuối năm 1978, Pôn-Pôt quyết định giết sạch cả gia đình tôi. Tôi sống sót đến ngày hôm nay để có mặt ở đây là nhờ quân tình nguyện Việt Nam cứu sống kịp thời.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia nhớ lại những tháng ngày hành quân vào đất nước bạn, đánh đuổi quân diệt chủng Pôn Pốt, trong điều kiện gặp nhiều gian khổ, hy sinh, thiếu thốn… nhưng quân tình nguyện Việt Nam vẫn luôn dành phần tốt nhất cho nhân dân Campuchia.

Buổi gặp mặt, tọa đàm là dịp các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam cùng nhau ghi nhớ sự hy sinh vô cùng to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tưởng nhớ gần 5 vạn cán bộ, chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường nước bạn vì sự hồi sinh của đất nước Chùa Tháp, vì bình yên cho Tổ quốc Việt Nam, bởi giúp bạn cũng chính là giúp mình.

Dịp này, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Đà Nẵng ra mắt Kỷ yếu “Sáng mãi tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia” gồm 28 bài viết dày 122 trang nói về quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại song phương Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam hiện nay.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 1466
  • Trong tuần: 25 143
  • Tất cả: 8727675

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn