Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 09 - 13/01/2023

1. Hội đàm Nga-Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ

Theo hãng tin TASS, ngày 11/1, các ủy viên nhân quyền của Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc gặp 3 bên bên lề 1 hội nghị quốc tế diễn ra tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Tham dự cuộc gặp này còn có Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Sentop.

Kênh truyền hình TRT của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này sẽ tiếp tục nỗ lực để sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine.

Theo ông, "1 hành lang ngũ cốc đã được thiết lập, 1 cuộc trao đổi tù nhân đã diễn ra và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho dân thường".

Về phần mình, phát biểu với báo giới, ủy viên nhân quyền Nga, bà Tatyana Moskalkova cho biết, Nga và Ukraine đã tạo điều kiện cho việc trao trả 40 tù binh của mỗi nước. Tuy nhiên, bà không nêu rõ thời điểm trao đổi tù binh này.

Trước cuộc gặp 3 bên nói trên, cùng ngày, bà Moskalkova đã gặp riêng người đồng cấp Ukraine Dmitry Lubinets trong ngày 11/1.

Trên kênh Telegram, bà cho biết cuộc họp được lên lịch từ trước, với nội dung thảo luận về vấn đề cung cấp viện trợ nhân đạo cho công dân 2 nước. Dự kiến, bà Moskalkova sẽ tiếp tục có thêm 1 cuộc gặp khác với ông Lubinets.

Hôm 8/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, sau các cuộc đàm phán trao đổi tù binh với phía Ukraine, 50 binh sĩ Nga đã trở về từ vùng lãnh thổ do chính quyền Kiev kiểm soát.

Phía Ukraine đã xác nhận thông tin trên và cho biết Nga cũng đã thả 50 binh sĩ Ukraine. Trước đó, Nga và Ukraine cũng đã tiến hành một số cuộc trao đổi tù binh.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

2. Mối quan hệ tốt đẹp Lào - Việt Nam không ngừng được củng cố và vun đắp

Báo Pasaxon (Nhân Dân), cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày 10-1 đã đăng trang trọng trên trang nhất bài xã luận mang tiêu đề “Mối quan hệ tốt đẹp Lào - Việt Nam không ngừng được củng cố và vun đắp”.

Bài báo cho biết năm 2022, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam đã tiến hành hàng loạt hoạt động để kỷ niệm hai ngày lịch sử đó là 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam (18-7-1977 / 18-7-2022) và 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (9-5-1962 / 9-5-2022), trong không khí hân hoan và hạnh phúc của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam đối với sự phát triển lớn mạnh cũng như những thành quả to lớn của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam từ trước đến nay.

Bài báo nhấn mạnh, thời gian đã chứng minh rõ ràng rằng: “Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước luôn được củng cố và vun đắp, ngày càng nâng cao về chất lượng và đem lại nhiều hiệu quả. Đây là nét đặc sắc trong quan hệ hợp tác Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào, là nhân tố quan trọng góp phần đem lại sự thành công trong sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước”.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào nhận thấy rằng: “Trong suốt quá trình liên minh chiến đấu giữa hai nước, “Đường Hồ Chí Minh” như cách gọi trên lãnh thổ Lào chạy dọc theo sườn Tây của dãy Trường Sơn đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, là nơi tập kết lực lượng, vũ khí phương tiện cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam của nhân dân Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào dọc sườn Tây dãy Trường Sơn đã liên tục cùng tham gia chiến đấu chống lại kẻ thù chung, giúp vận chuyển vũ khí, giúp đỡ chăm sóc bộ đội Việt Nam trong quá trình chiến đấu cũng như khi ốm đau, bệnh tật bằng tấm lòng yêu thương như con cháu của mình. Đường Hồ Chí Minh cũng là chiến trường nơi bộ đội Việt Nam đoàn kết cùng bộ đội và nhân dân Lào chiến đấu trên tinh thần đồng chí anh em, đổ mồ hôi nước mắt, xương máu và hy sinh cả tính mạng vì thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng và thống nhất Tổ quốc của hai nước.

Sau Đại thắng năm 1975, Lào và Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa bình, độc lập, thống nhất và tự chủ trong việc xây dựng và phát triển theo những mục tiêu đã đề ra. Trong điều kiện và môi trường mới, quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam càng được phát huy bằng những hình thức và nguyên tắc mới trên cơ sở quan hệ giữa hai nước độc lập, có chủ quyền đầy đủ.

Sự kiện nổi bật và có ý nghĩa quan trọng nhất trong 45 năm qua là ngày 18-7-1977 tại Viêng Chăn đã diễn ra Lễ ký “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác” Việt Nam - Lào, là cơ sở pháp lý để tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, hợp tác và đoàn kết đặc biệt vốn đã là truyền thống tốt đẹp, đồng thời là cơ sở tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đã đi vào chiều sâu chất lượng và hiệu quả trên mọi mặt. Các chuyến thăm lẫn nhau giữa Lãnh đạo và đoàn đại biểu các cấp của hai nước đã tạo điều kiện để hai bên có sự hợp tác thực chất, chi tiết, cùng nhau trao đổi tình hình và bài học kinh nghiệm. Các tỉnh có chung đường biên giới trong suốt thời gian qua thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ lẫn nhau.

Bài xã luận nhấn mạnh: “Tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu xây dựng, được vun đắp bằng mồ hôi và xương máu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà cách mạng tiền bối từ thế hệ này qua thế hệ khác sẽ được bảo vệ giữ gìn như một di sản quý báu cho các thế hệ mai sau, góp phần tích cực vào sứ mệnh giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực và quốc tế. Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam anh em mãi mãi vững bền”.

Nguồn:qdnd.vn/quoc-te

3. Thủ tướng Canada hoan nghênh những đóng góp của cộng đồng người Việt

Trong thư chúc Tết gửi đến cộng đồng người Việt, Thủ tướng Trudeau cho rằng đây là thời điểm để hy vọng về những khởi đầu mới, cũng là dịp để hiểu biết thêm về văn hóa, truyền thống của người Việt.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gửi thư chúc Tết Nguyên đán Quý Mão đến cộng đồng người Việt tại Canada và khắp nơi trên thế giới, trong đó ông nhấn mạnh đây là dịp để ghi nhận những đóng góp không ngừng của người Canada gốc Việt đối với Đất nước lá phong.

Trong thư, Thủ tướng Trudeau cho rằng Tết Nguyên đán là thời điểm để nhìn lại những gì đã qua, những thành tựu đạt được trong năm 2022 và hy vọng về những khởi đầu mới. Đây cũng là cơ hội để hiểu biết thêm về nền văn hóa phong phú, phong tục và truyền thống của cộng đồng người Việt.

Trong năm 2023, Việt Nam và Canada sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nửa thế kỷ đã trôi qua, tình hữu nghị và mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân hai nước ngày nay tiếp tục được củng cố với sự hiện diện của khoảng 250.000 người Canada gốc Việt ở quốc gia Bắc Mỹ này.

Theo ông Philip Fernandez, thành viên của Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam, người dân Canada yêu mến nhân dân Việt Nam và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vì những đóng góp của Việt Nam và vị lãnh tụ huyền thoại đối với lịch sử đấu tranh chống thực dân, chống đế quốc, mà còn vì những dấu ấn đậm nét của Việt Nam ngày nay trong quá trình đấu tranh vì nhân phẩm, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo số liệu thống kê của Canada, trong năm 2021, thương mại hàng hóa hai chiều giữa Canada và Việt Nam đạt 10,5 tỷ CAD (7,85 tỷ USD), tăng từ mức 8,9 tỷ CAD trong năm 2020.

Chính phủ Canada xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam gồm nông nghiệp, chế biến thực phẩm, giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sạch, hàng không vũ trụ và khoa học đời sống. Việt Nam có lợi thế lớn khi là nước duy nhất trong ASEAN có các cơ chế hợp tác song phương toàn diện như Hiệp định Đối tác Toàn diện Việt Nam-Canada và Ủy ban hỗn hợp về kinh tế (JEC) giữa Việt Nam và Canada.

Mở rộng thương mại trên toàn khu vực là yếu tố then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada. Ông Luis Silva, chuyên gia về quan hệ chính phủ, khẳng định với vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, Việt Nam sẽ rất quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada.

Nền kinh tế của Canada phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tỷ trọng thương mại trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada đã giảm từ 65% năm 2016 xuống 60% vào năm 2021.

Trong khi đó, Việt Nam là một thị trường đang phát triển đối với thương mại và đầu tư ở Đông Nam Á. Ông Luis Silva dự báo Việt Nam sẽ là một đối tác chiến lược hấp dẫn đối với Canada, trong bối cảnh hợp tác kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam là nước đầu tiên ở ASEAN mà các doanh nghiệp Canada cần nghĩ đến khi tìm kiếm các cơ hội đầu tư tài chính, năng lượng sạch, thương mại nông sản và thực phẩm...

Đó là nhận định của ông Jean Charest, nguyên Phó Thủ tướng Canada, nguyên Thủ hiến Quebec. Và đây cũng là quan điểm đang nhận được nhiều sự ủng hộ trong cộng đồng doanh nghiệp Canada.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

4.Tân Tổng Thư ký ASEAN nêu 6 ưu tiên trong thời gian tới

Ngày 9/1 tại Jakarta, Indonesia sau khi nhậm Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Kao Kim Hourn đã nêu 6 ưu tiên chính của ASEAN trong thời gian tới.

Trong phát biểu nhậm chức, TS. Kao Kim Hourn (người Campuchia), Tổng Thư ký ASEAN  nhấn mạnh:

Trước hết, Hiệp hội cần tiếp tục ưu tiên cho việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, cho đây là điều "có ý nghĩa sống còn" đối với ASEAN.

Thứ hai, ASEAN cần tập trung xây dựng Hiệp hội dựa trên sự thịnh vượng, điều mà các nước thành viên đã đạt được cho đến nay và cũng là điều luôn có ý nghĩa quan trọng.

Thứ ba, ASEAN cần tập trung vào các nỗ lực bảo vệ trái đất, nhất là các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nền kinh tế xanh. 

Thứ tư, trao quyền cho người dân, nhất là giới trẻ, thông qua việc tăng cường hơn nữa xây dựng cộng đồng ASEAN, hội nhập ASEAN và giao lưu nhân dân.

Thứ năm, tăng cường các mối quan hệ đối tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Đây vẫn là yêu cầu cấp thiết đối với Hiệp hội.

Với ưu tiên thứ sáu, tân Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định việc biến các lĩnh vực tiềm năng thành lợi ích và lợi thế thực sự cũng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.

Trước đó, trong phát biểu từ nhiệm, cựu Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã nêu bật những thành tựu của ASEAN đạt được trong 5 năm qua, trong đó có việc ký kết và thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP, có hiệu lực từ 1/1/2022); các nỗ lực phục hồi sau dịch COVID-19 với nhiều sáng kiến nhằm cải thiện hệ thống y tế và phát triển nguồn nhân lực của khu vực…

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

5. G7 lên kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau với dầu mỏ Nga

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang có kế hoạch thiết lập các mức giá trần khác nhau đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết G7 muốn áp dụng 2 mức giá trần cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga kể từ tháng 2 tới, một cho các sản phẩm được giao dịch ở mức cao và một cho những sản phẩm được giảm giá.

Trước đó, hãng Bloomberg đưa tin dầu mỏ của Nga được bán với giá chỉ bằng một nửa giá hiện nay trên thị trường thế giới và rẻ hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD/thùng do các nước G7 công bố. Vào ngày 6/1 vừa qua, giá dầu thô Urals tại cảng Primorsk được giao dịch ở mức 37,8 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent chuẩn thế giới là 78,57 USD/thùng.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Bộ Năng lượng Nga đang nghiên cứu các biện pháp bổ sung để hạn chế tình trạng giảm giá dầu của Nga so với giá quốc tế, sau khi phương Tây áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, với doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm gần một nửa nguồn thu ngân sách.

Cuối năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trong vòng 5 tháng đối với các quốc gia áp đặt giá trần với dầu mỏ nước này. Sắc lệnh còn bao gồm điều khoản cho phép Tổng thống đưa ra các quyết định bất thường về việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ, cũng như được quyền bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt. Bộ Năng lượng Nga đã được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện lệnh cấm. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7/2023.

Lệnh cấm này là biện pháp đáp trả đối với động thái áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu vận chuyển bằng đường biển của Nga (ở mức 60 USD/thùng) do Liên minh châu Âu (EU) cùng G7 và Australia thống nhất, có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 32
  • Trong tuần: 3 804
  • Tất cả: 8757239

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn