Tình hình thế giới đáng chú ý từ ngày 23 - 27/01/2023

1. EU và Armenia tổ chức đối thoại chính trị và an ninh lần đầu tiên

Hai bên xem xét các vấn đề an ninh quan trọng với EU, Armenia và cả khu vực rộng lớn hơn, đặc biệt là những thách thức đối với an ninh châu Âu và các vấn đề liên quan đến quan hệ Armenia-Azerbaijan.

Ngày 26/1, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora và Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Vahe Gevorgyan đã đồng chủ trì cuộc Đối thoại chính trị và an ninh cấp cao đầu tiên giữa EU và Armenia tại Yerevan.

Cuộc đối thoại kéo dài một ngày đã phản ánh sự quan tâm của cả hai bên trong việc thúc đẩy đối thoại chính trị và hợp tác trong lĩnh vực xây dựng chính sách đối ngoại và an ninh, như một bước quan trọng hơn trong quan hệ EU-Armenia.

Hai bên đã xem xét các vấn đề an ninh quan trọng đối với EU, Armenia và cả khu vực rộng lớn hơn, đặc biệt là những thách thức đối với an ninh châu Âu, cũng như các vấn đề liên quan đến bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, bao gồm cả những lo ngại về tình hình nhân đạo ngày càng gia tăng liên quan đến việc cản trở tự do đi lại trong hành lang Lachin.

Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Vahe Gevorgyan cho biết: “Armenia vui mừng được chủ trì Đối thoại chính trị và an ninh Armenia-EU lần thứ nhất, coi đây là khuôn khổ quan trọng để thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc tế và khu vực.

Armenia mong muốn được hợp tác mạnh mẽ với Phái bộ EU tại Armenia trong việc giám sát biên giới của Armenia. Armenia đánh giá cao tất cả các hoạt động hòa giải và tạo thuận lợi nhằm xây dựng hòa bình và an ninh, vốn được coi là cần thiết để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia, cũng như quyền và an ninh của người dân Armenia ở khu vực Nagorny-Karabakh”.

Về phần mình, ông Enrique Mora khẳng định: “EU đang nỗ lực ở mức cao nhất để góp phần bình thường hóa toàn diện quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan. Chúng tôi vừa thành lập Phái bộ dân sự của EU tại Armenia, nhằm góp phần tăng cường ổn định, an ninh con người và xây dựng lòng tin.

Đối thoại chính trị và an ninh EU-Armenia lần đầu tiên được khởi động hôm nay (26/1) thể hiện mối quan tâm chung của chúng ta trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng chính sách đối ngoại và an ninh, cũng như sẵn sàng hợp tác vì lợi ích hòa bình, an ninh và ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức hiện nay.”

Cuộc đối thoại cũng khẳng định cam kết của EU và Armenia trong việc hướng tới khu vực Nam Caucasus an toàn, ổn định, hòa bình và thịnh vượng vì lợi ích của tất cả người dân.

Về vấn đề này, hai bên đã thảo luận việc triển khai Phái bộ dân sự do Hội đồng Đối ngoại EU vừa thành lập.

Thông qua các hoạt động và báo cáo với lãnh đạo EU, Phái bộ của EU cũng sẽ đóng góp vào những nỗ lực được thực hiện trong khuôn khổ do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đứng đầu.

Các cuộc Đối thoại chính trị và an ninh EU-Armenia sẽ được tổ chức thường xuyên, về nguyên tắc là hằng năm.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Tổng thống Ukraine, Phần Lan thảo luận về các vấn đề an ninh

Ngày 24/1, tại thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto đang ở thăm đã thảo luận về các vấn đề an ninh.

Tuyên bố đăng tải trên trang thông tin của Tổng thống Ukraine cho biết hai bên đã thảo luận về an ninh khu vực, các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Ukraine và Phần Lan, cũng như hợp tác quốc phòng song phương.

Tổng thống Zelensky đã cảm ơn Phần Lan đã cung cấp 12 gói hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine và giúp khôi phục ngành năng lượng của Ukraine. Tổng thống Ukraine đã thông báo với người đồng cấp Phần Lan về tình hình chiến sự Nga-Ukraine.

Ông nói: "Chúng tôi cũng đã thảo luận về việc Phần Lan tham gia vào liên minh các nước cung cấp xe tăng hiện đại của phương Tây cho Ukraine."

Về phần mình, Tổng thống Niinisto thông báo Phần Lan đã cung cấp hỗ trợ trị giá gần 600 triệu euro (khoảng 653 triệu USD) cho Ukraine và đã tiếp nhận khoảng 50.000 công dân Ukraine đến tị nạn.

Trước đó, Tổng thống Niinisto cho biết nước này có thể viện trợ một số xe tăng do Đức sản xuất cho Ukraine, nhưng động thái này sẽ là một phần trong hành động của Liên minh châu Âu (EU).

Trong cuộc hội đàm, các bên cũng đã đề cập đến các vấn đề về hội nhập của Ukraine đối với EU và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, đồng thời trao đổi quan điểm về Công thức hòa bình Ukraine được ông Zelensky đề xuất vào tháng 11/2022.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. Thủ tướng Campuchia tuyên bố không hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Thủ tướng Hun Sen tuyên bố, Campuchia không hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như không có khả năng cung cấp viện trợ quân sự cho nước này.

Hôm nay (26/01), tại Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen cho biết: "Trước đây có thông tin cho rằng Campuchia đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Hôm nay, tôi xin tái khẳng định tuyên bố của Bộ Ngoại giao là Campuchia không hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Campuchia không có khả năng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine”.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, Campuchia hỗ trợ đào tạo rà phá bom mìn cho Ukraine chỉ là hành động nhân đạo.

Trước đó, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã ra thông báo bác bỏ thông tin cho rằng, chính phủ Campuchia đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có một số thông tin cho rằng, Campuchia có liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Campuchia khẳng định, việc hỗ trợ đào tạo rà phá bom mìn cho Ukraine là hành động nhân đạo. Việc hỗ trợ Ukraine phù hợp với sứ mệnh gìn giữ hòa bình mà Campuchia đang thực hiện tại châu Phi và Trung Đông dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

4. Bộ Tư lệnh LHQ: Hàn Quốc và Triều Tiên vi phạm hiệp định đình chiến

Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) ngày 26/1 cho biết cả Triều Tiên và Hàn Quốc đã vi phạm thỏa thuận đình chiến trong một hoạt động quân sự vào tháng 12/2022.

Reuters dẫn thông báo của UNC cho biết, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đã vi phạm thỏa thuận đình chiến khi điều máy bay không người lái vào không phận của nhau hồi tháng 12/2022.

Cụ thể, 5 máy bay không người lái của Triều Tiên đã bay vào không phận Hàn Quốc vào ngày 26/12, đáp lại Seoul đã điều máy bay chiến đấu, trực thăng cũng như điều máy bay do thám đến gần các căn cứ của Bình Nhưỡng gần Khu phi quân sự (DMZ).

Ngay sau vụ việc trên, UNC đã thực hiện cuộc điều tra đặc biệt về các vụ xâm phạm không phận để xác định xem có bất kỳ hành vi vi phạm hiệp định này hay không, theo Reuters.

Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC), cơ quan giúp giám sát DMZ kể từ khi Triều Tiên và Hàn Quốc ký hiệp định đình chiến (1953).

Báo cáo sơ bộ của UNC cho rằng, các cuộc xâm nhập của cả hai bên đã vi phạm hiệp định này. Tuy nhiên, nỗ lực của Hàn Quốc nhằm bắn hạ các máy bay không người lái (UAV) trong không phận của họ không vi phạm hiệp định đình chiến.

"Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc tái khẳng định rằng việc tuân thủ các điều khoản của hiệp định đình chiến là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự cố vô tình và cố ý thông qua việc ngăn chặn leo thang, và để duy trì tình trạng đình chiến trên bán đảo Triều Tiên", tuyên bố cho biết.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết việc Seoul sử dụng UAV ở khu vực dọc biên giới với Triều Tiên là một biện pháp tự vệ và không bị hạn chế bởi thỏa thuận đình chiến.

Căng thẳng giữa hai miền liên Triều đang gia tăng, với việc Triều Tiên tiến hành số vụ phóng tên lửa kỷ lục và các vụ thử vũ khí khác, còn Hàn Quốc đáp trả bằng các hoạt động quân sự gia tăng, bao gồm các cuộc tập trận chung với Mỹ và đồng minh.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

5. Phần Lan sẽ gia nhập NATO trước Thụy Điển?

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto ngày 24/1 cho rằng, các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển đã cản trở tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Stockholm. Tuy nhiên, việc hai nước có thể gia nhập NATO vào cùng thời điểm vẫn là lựa chọn ưu tiên của Helsinki.

Theo Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, chắc chắn sẽ có sự chậm trễ trong việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, ít nhất là kéo dài đến cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa tháng 5 tới. 

"Rõ ràng, các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển đã cản trở tiến trình gia nhập NATO của Stockholm. Tuy nhiên, giai đoạn nghỉ là cần thiết trước khi các bên trở lại đối thoại. Chúng ta không nên đưa ra bất kỳ kết luận nào vào lúc này", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết.

Vị ngoại trưởng này đồng thời khẳng định, việc hai nước có thể gia nhập NATO vào cùng thời điểm vẫn là lựa chọn ưu tiên của Helsinki.

Trước đó, ông Rasmus Paludan - một chính trị gia cực hữu mang hai quốc tịch Đan Mạch-Thụy Điển, hôm 21/1 đã đốt một bản sao của kinh Koran của người Hồi giáo trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thủ đô Stockholm.

Đáp lại, hôm 23/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thụy Điển đừng nên mong đợi sự hỗ trợ từ nước này về việc gia nhập NATO, bởi hành động đốt bản sao kinh Koran thể hiện sự xúc phạm không tưởng, đặc biệt với người Hồi giáo. 

Phần Lan và Thụy Điển hồi tháng 5/2022 đã từ bỏ trung lập sau hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự để nộp đơn xin gia nhập NATO. Hai nước này cho rằng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khiến vấn đề an ninh quốc gia của họ bị đe dọa. 

Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn là rào cản với Thụy Điển bởi Ankara cho rằng nước Bắc Âu này chưa đáp ứng các yêu cầu của họ, chủ yếu liên quan đến dân quân người Kurd mà Ankara cho là "khủng bố" và liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.

Trong một diễn biến khác, ngày 24/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu đại sứ Hà Lan tại Ankara liên quan đến cuộc biểu tình hôm 22/1 ở La Haye bao gồm việc xé bản sao kinh Koran.

Nguồn: cand.com.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 342
  • Trong tuần: 3 709
  • Tất cả: 8754640

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn