Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 13/02 - 17/02/2023

1. Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi một tỷ USD hỗ trợ nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ và quỹ hỗ trợ gần 400 triệu USD cho Syria

Ngày 14/2, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi 397 triệu USD để giúp đỡ nạn nhân động đất ở Syria, khoản quỹ trên sẽ giúp cứu sống gần 5 triệu người Syria trong khoảng 3 tháng.

Liên Hợp Quốc trước đó đã cung cấp 50 triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ thông qua quỹ ứng phó khẩn cấp.

Trước đó, Liên hợp quốc cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã phê chuẩn việc mở 2 cửa khẩu giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, trước mắt là trong vòng 3 tháng nhằm tạo điều kiện cho việc cung cấp kịp thời hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân vùng bị ảnh hưởng của động đất.

Ngày 16/2, LHQ kêu gọi quyên góp một tỷ USD để giúp nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất khiến hàng chục nghìn người chết và hàng triệu người cần viện trợ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết các quỹ sẽ cung cấp cứu trợ nhân đạo trong ba tháng cho 5,2 triệu người. Số tiền này sẽ "cho phép các tổ chức viện trợ nhanh chóng mở rộng quy mô hỗ trợ quan trọng", trong đó có lĩnh vực an ninh lương thực, bảo vệ, giáo dục, nước và nơi trú ẩn.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, 1,74 triệu người Syria đang sống dưới tình trạng tị nạn tạm thời tại 11 tỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng bởi động đất.

Theo OCHA, hàng trăm nghìn người, trong đó có trẻ nhỏ và người già, đang phải chịu đựng nhiệt độ đóng băng mà không có nơi trú ẩn, thực phẩm, nước, máy sưởi và chăm sóc y tế. Khoảng 47.000 tòa nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ với hàng nghìn người phải tìm nơi trú ẩn tạm thời.

OCHA cho biết Liên Hợp Quốc đang cung cấp các bữa ăn nóng, thực phẩm, lều, quần áo ấm mùa đông, chăn, đệm, bộ dụng cụ nhà bếp và vật tư y tế cho các khu vực bị ảnh hưởng.

Cùng ngày 16/2 Hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng kêu gọi viện trợ khẩn cấp hơn 700 triệu USD để hỗ trợ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Nguồn: vnexpress.net

2. Gần 42.000 người chết trong động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Số người chết trong thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria tăng lên gần 42.000 người, trong khi lực lượng cứu hộ tiếp tục chạy đua với thời gian tìm người sống sót.

Thảm họa động đất ảnh hưởng hơn 13 triệu người tại 11 tỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 4.300 dư chấn đã xuất hiện kể từ sau trận động đất mạnh 7,8 độ. Hơn 253.000 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ đang đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân.

Khoảng "thời gian vàng" 72 giờ của chiến dịch giải cứu đã trôi qua, nhưng các bác sĩ cho rằng vẫn có cơ hội tìm thấy người sống sót, tùy thuộc vào họ đang mắc kẹt và bị thương thế nào, cũng như điều kiện nhiệt độ xung quanh. Lực lượng cứu hộ thường mô tả những người sống sót sau 5 ngày mắc kẹt là "phép màu".

Thảm họa động đất đang làm dấy lên tranh cãi liên quan đến một dự án nhà máy điện hạt nhân ở Akkuyu, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách tâm chấn ngày 6/2 khoảng 245 km về phía tây. Các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus kêu gọi hủy dự án, cho rằng thảm họa vừa rồi là bằng chứng rõ ràng nhất về những nguy cơ khi xây nhà máy điện hạt nhân gần các đường đứt gãy trên mảng kiến tạo.

Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom, phụ trách dự án, cho rằng nhà máy được thiết kế để đủ sức chống chịu tác động từ một trận động đất mạnh 9 độ.

Khả năng xuất hiện trận động đất mạnh 9 độ ở gần Akkuyu "là xấp xỉ một lần mỗi 10.000 năm", Rosatom cho biết. "Đó là biên an toàn đang được áp dụng". Một quan chức Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ nói nước này chưa có kế hoạch đánh giá lại dự án hạt nhân này.

Nguồn: vnexpress.net

3. Tổng thư ký Stoltenberg: NATO phải sẵn sàng đối đầu lâu dài với Nga

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng liên minh phải chuẩn bị cho cuộc đối đầu lâu dài với Nga, ngoài cuộc khủng hoảng trước mắt do chiến sự Ukraine.

Xung đột Ukraine đã đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất kể từ Thế chiến II và khiến NATO phải bước vào cuộc đại tu hệ thống phòng thủ lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.

Stoltenberg cho biết ông thận trọng khi dự đoán cuộc đối đầu mới giữa Nga và phương Tây sẽ tiếp tục trong bao lâu, bởi thay đổi có thể đến bất ngờ.

Các quốc gia thành viên NATO không triển khai lực lượng tới Ukraine. Một số quan chức phương Tây lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột quân sự trực tiếp và leo thang thành chiến tranh hạt nhân giữa phương Tây và Nga. Tuy nhiên, từ khi chiến sự bùng phát, hàng chục nghìn binh sĩ NATO đã được triển khai tới sườn phía đông của liên minh và loạt đồng minh châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng.

Các thành viên NATO, dẫn đầu là Mỹ, cũng đã chuyển số vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD cho Ukraine để lực lượng của Kiev đối đầu với lực lượng Nga.

Tổng thư ký Stoltenberg kêu gọi các nước phương Tây tăng cường viện trợ đạn dược cho Ukraine, khi chiến dịch quân sự của Nga tại nước này sắp tròn một năm. Ông Stoltenberg cho rằng Moskva đang chuẩn bị mở các đợt tấn công mới.

Điện Kremlin tuyên bố NATO là tổ chức thù địch "đang làm hết sức để cho thấy rõ nhất sự can thiệp vào xung đột liên quan Ukraine". Nga cũng nhiều lần cảnh báo việc NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài và khiến tình hình "leo thang khó đoán".

Nguồn: vnexpress.net

4. Trung Quốc tức giận vì bị NATO xem là 'thách thức'

Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng NATO "phỉ báng" chính sách đối ngoại của nước này khi xem Bắc Kinh là thách thức.

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh "Chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra rằng trong cái gọi là khái niệm chiến lược mới, NATO đã phớt là sự thật và quyết xem Trung Quốc là thách thức mang tính hệ thống".

Sau cuộc họp ngày 15/2 của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, Bỉ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng họ đã nhất trí về tầm nhìn quốc phòng của liên minh, trong đó nhấn mạnh những thách thức Trung Quốc đặt ra.

Trước đó, ông Stoltenberg tuyên bố Nga và Trung Quốc đang tăng cường công tác tình báo chống lại các quốc gia thuộc liên minh quân sự này.

Ông Uông nói "Trung Quốc hết sức lo ngại và kiên quyết phản đối điều này". "NATO đang phỉ báng chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc, tìm cách châm ngòi đối đầu và đối kháng". Theo ông Uông, NATO tự xem mình là tổ chức phòng thủ khu vực, nhưng "tiếp tục xâm nhập vào các khu vực mới, châm ngòi xung đột ở khắp mọi nơi, gây căng thẳng và chia rẽ, sợ hãi và đối đầu". "Chúng tôi kêu gọi NATO từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và đối đầu khối đã lỗi thời, ngừng tạo ra những kẻ thù trong tưởng tượng và gây bất ổn cho châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời làm điều gì đó tốt cho hòa bình và ổn định ở châu Âu".

Trong tài liệu chiến lược được công bố tháng 6 năm 2022, NATO lần đầu tiên mô tả Trung Quốc là "thách thức". Trước đó, Tổng thư ký Stoltenberg nói liên minh không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng thất vọng vì Bắc Kinh không lên án Nga trong xung đột Ukraine.

NATO còn cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các thành viên trong liên minh bằng các "hoạt động không gian mạng độc hại và luận điệu đối đầu". "Trung Quốc sử dụng một loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện và phô diễn sức mạnh toàn cầu, trong khi mập mờ về chiến lược, ý định và các hoạt động tăng cường quân đội”.

Nguồn:vnexpress.net

5. Hàn Quốc gọi Triều Tiên là 'kẻ thù' trong sách trắng quốc phòng

Ngày 16/2, sách trắng quốc phòng được Hàn Quốc công bố và lần đầu sau 6 năm gọi Triều Tiên là "kẻ thù" trong sách trắng quốc phòng, báo hiệu lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

"Khi Triều Tiên tiếp tục gây ra các mối đe dọa quân sự mà không từ bỏ vũ khí hạt nhân, chính quyền và quân đội nước này, những bên thực thi chính sách đó là kẻ thù của chúng ta".

Theo sách trắng quốc phòng mới của Hàn Quốc, Triều Tiên đã thực hiện 15 hành động thù địch hồi năm ngoái, vi phạm hiệp ước quân sự liên Triều năm 2018. Các hành động được liệt kê như triển khai máy bay không người lái xâm nhập không phận Hàn Quốc hồi tháng 12, nã pháo vào vùng đệm quân sự và phóng tên lửa qua hải giới vào tháng 11.

Trong sách trắng quốc phòng năm 2020, Hàn Quốc nói Triều Tiên "nhìn chung" tuân thủ thỏa thuận, được ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae-in.

Tài liệu mới nhất ghi nhận các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa năm 2022 của Bình Nhưỡng, trong đó có tên lửa Hwasong-17 mới được thử nghiệm, nhưng cho biết cần phân tích thêm để xác định liệu Bình Nhưỡng đã sở hữu công nghệ hồi quyển tên lửa cải tiến hay chưa.

Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến thay vì hiệp ước hòa bình.

Năm 2022 lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên là quốc gia hạt nhân "không thể đảo ngược" và thực hiện các vụ thử vũ khí gần như mỗi tháng, trong đó có phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tiên tiến nhất. Đáp lại, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tăng cường tập trận chung với đồng minh an ninh chủ chốt là Mỹ.

Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho rằng việc sách trắng quốc phòng Hàn Quốc xác định Bình Nhưỡng là "kẻ thù" cho thấy tình trạng quan hệ liên Triều "đầy rẫy những đối đầu, thậm chí còn mang ấn tượng về sự quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh".

Sách trắng quốc phòng được Hàn Quốc công bố hai năm một lần. Tài liệu này lần đầu mô tả Bình Nhưỡng là kẻ thù vào năm 1994, sau khi một quan chức Triều Tiên dọa sẽ trút "biển lửa" xuống Hàn Quốc. Thuật ngữ này được sử dụng cho đến khoảng năm 2000, sau đó bị loại bỏ vài năm, nhưng xuất hiện trở lại năm 2010 sau khi Triều Tiên bị cáo buộc đánh chìm tàu chiến Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.

Dưới thời tổng thống Moon Jae-in, cụm từ này không còn được sử dụng. Sau khi nhậm chức, đương kim Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ cứng rắn với Triều Tiên.

Nguồn: vnexpress.net

6. Hạ viện Nga thông qua dự luật rút khỏi 21 hiệp ước quốc tế của Hội đồng châu Âu

Dự luật đề xuất bãi bỏ tổng cộng 21 văn kiện, trong đó có các công ước châu Âu về chống khủng bố, bảo vệ nhân quyền, Hiến chương châu Âu về tự quản địa phương và Hiến chương xã hội châu Âu.

Dự luật cũng nêu rõ Nga đang rút khỏi các thỏa thuận và từ chối Quy chế của Hội đồng châu Âu do việc chấm dứt tư cách thành viên của Nga trong tổ chức này.

Cùng ngày, phát biểu tại Duma Quốc gia, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Moskva sẽ đáp trả bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế các quyền của Nga trong các công ước còn lại của Hội đồng châu Âu và thậm chí từ bỏ tham gia các công ước này.    

Thứ tưởng Grushko cảnh báo: "Nga vẫn là thành viên của khoảng 40 công ước và nghị định thư có giá trị đối với các quốc gia ngoài Hội đồng châu Âu. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục tham gia các thỏa thuận phi chính trị hóa, nhưng chỉ trên cơ sở bình đẳng, đồng thời các lợi ích của chúng tôi cùng nguyên tắc bình đẳng về các quyền và những cam kết được tính đến. Chúng tôi sẽ đáp trả bất kỳ động thái nào nhằm cản trở các quyền của chúng tôi trong những công ước này và thậm chí, chúng tôi có thể từ bỏ tham gia các công ước đó".

Nhà ngoại giao Nga cho biết thêm Moskva sẽ quyết định xem liệu có cần thiết tham gia các văn kiện khác của Hội đồng châu Âu dành cho các quốc gia không phải là thành viên hay không, trong đó có 43 văn kiện. 

Thứ trưởng Grushko cũng nêu rõ tất cả các công ước đều cung cấp một khuôn khổ hợp tác. Một số công ước liên quan tới lĩnh vực văn hóa, thể thao và cuộc chiến chống sử dụng doping. Một số khác hỗ trợ về các vấn đề hình sự nhằm giúp phòng chống tội phạm, chẳng hạn như với trường hợp tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài.

Thứ trưởng Grushko cũng nhấn mạnh thêm rằng có rất nhiều công ước khác mà Nga thực sự cần, song cảnh báo sẽ rút khỏi các công ước đó nếu có bất kỳ trở ngại nào hoặc nếu Moskva bị hạn chế quyền sửa đổi/bổ sung các văn kiện này.

Nguồn: baotintuc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 481
  • Trong tuần: 24 158
  • Tất cả: 8726690

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn