Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 20/02 - 24/02/2023

1. Phần Lan sẵn sàng gia nhập NATO trước Thụy Điển

Tổng thống Phần Lan nói nước này sẽ vào NATO nếu được liên minh phê chuẩn, ngay cả khi tiến trình gia nhập của Thụy Điển chưa hoàn tất.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto: "Quốc hội Phần Lan sẽ ra quyết định và nếu Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary phê chuẩn, chúng tôi sẽ trở thành thành viên của NATO.

Ngày 28/2 Quốc hội Phần Lan dự kiến bỏ phiếu về quy trình gia nhập NATO. Động thái này có thể khiến Phần Lan trở thành thành viên liên minh trước Thụy Điển, quốc gia đang vấp phải nhiều vướng mắc trong quá trình gia nhập.

Tuyên bố của Tổng thống Phần Lan là tín hiệu mới nhất cho thấy nước này đang chuẩn bị gia nhập NATO một mình, dù ông Niinisto nói rằng không nên coi đây là dấu hiệu Helsinki "bỏ lại nước láng giềng".

Tổng thống Phần Lan cho biết thêm hai nước Bắc Âu sẽ tiếp tục đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tuần tới. Ông cũng bày tỏ rằng vào tháng 7 tại Vilnius sau hội nghị thượng đỉnh cả Phần Lan và Thụy Điển đều sẽ trở thành thành viên NATO .

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong khi đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng khi nước này và Phần Lan gia nhập NATO cùng lúc, cho rằng điều này có lợi cho việc phòng thủ.

Để trở thành thành viên liên minh, hai quốc gia Bắc Âu phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên phê chuẩn đơn xin gia nhập. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai thành viên còn lại chưa đồng ý. Quốc hội Hungary dự kiến phê chuẩn cho cả hai nước vào ngày 1/3, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển chưa đáp ứng các yêu cầu của họ để trở thành thành viên NATO.

Nguồn:vnexpress.net

2. Rủi ro hạt nhân gia tăng khi Nga ngừng tham gia hiệp ước New START; Quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh: “Mỹ sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán để đảm bảo thực thi New START".

Trước khi Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ ngừng tham gia New START, hiệp ước cuối cùng còn lại giúp hạn chế vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ vốn đã trong tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng.

Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ không từ bỏ hiệp ước New START.

Tuy nhiên, các chuyên gia hạt nhân nói rằng hiệp ước New START không có điều khoản nào cho phép các bên đình chỉ tham gia mà chỉ có lựa chọn rút khỏi hiệp ước.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ chỉ nối lại thảo luận về hiệp ước khi có tính tới cả vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh. Đây là một điều kiện mà các nhà phân tích cho là không khả thi vì Mỹ đã phản đối và điều kiện này sẽ đòi hỏi phải viết lại hoàn toàn hiệp ước.

Theo Tổng thống Putin, Mỹ yêu cầu quyền kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Nga theo khuôn khổ hiệp ước trong khi NATO lại đang giúp Ukraine tấn công các cơ sở này của Nga là điều vô lý.

Ông Putin dường như đang nhắc tới các cuộc tấn công nghi do Ukraine thực hiện vào tháng 12/2022 nhằm vào sân bay Engels, nơi đặt các máy bay ném bom chiến lược của Nga. Ông Putin cho rằng các chuyên gia NATO đã trang bị và hiện đại hóa máy bay không người lái để giúp phía Ukraine thực hiện các cuộc tấn công.

Ukraine không công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga.

Cả hai nhà phân tích đều cho rằng điều đáng lo ngại là Tổng thống Putin có thể nối lại thử vũ khí hạt nhân, mặc dù khẳng định sẽ không làm như vậy trừ khi Mỹ thực hiện trước.

Ông Cameron cho rằng nếu Nga thử hạt nhân, đó sẽ là một bước leo thang căng thẳng ở Ukraine. Trong trường hợp New START sụp đổ hoặc hai bên không gia hạn trước khi hết hạn vào tháng 2/2026, đây sẽ là dấu chấm hết hơn nửa thế kỷ thực hiện các hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ, đồng thời gửi tín hiệu đến các nước đang hoặc sẽ là cường quốc hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này tuân thủ nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc rằng không bao giờ có thể thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được để cuộc chiến này nổ ra. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi các cường quốc hạt nhân khác thể hiện cam kết đối với điều này bằng hành động.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington sẵn sàng đàm phán với Nga về hiệp ước New START "ngay ngày mai" nếu Moskva chuẩn bị cho việc này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/2 nói quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin đình chỉ hiệp ước New START là động thái sai lầm. 

Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ tham gia New START. Ông nhấn mạnh, trước khi nối lại các cuộc thảo luận về công việc tiếp theo trong khuôn khổ hiệp ước, Nga muốn làm rõ kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc NATO khác như Anh và Pháp.

Mới đây, Nga nêu điều kiện trở lại hiệp ước New START. Theo đó, Nga cho biết nước này cần NATO thay đổi lập trường và sẵn sàng đối thoại trước khi cân nhắc quay trở lại hiệp ước New START.

Nguồn: baotintuc.vn + vtc.vn/su-kien

3. Hòa bình Trung Đông cần thêm nỗ lực

Quan hệ giữa Israel và Palestine leo thang căng thẳng sau khi nội các Israel chính thức công nhận 9 khu định cư ở khu vực Judea và Samaria thuộc khu Bờ Tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Mỹ đã chỉ trích các động thái của Israel mở rộng khu định cư, đồng thời cảnh báo những vụ bạo lực gần đây làm gia tăng căng thẳng Israel - Palestine.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định, Washington không ủng hộ các biện pháp đơn phương như vậy, vốn là những yếu tố làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu triển vọng về giải pháp hai nhà nước đang được đàm phán.

Trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Bộ trưởng Blinken đã nhấn mạnh sự cấp thiết với cả Israel và Palestine phải tiến hành các bước đi nhằm khôi phục trạng thái yên tĩnh ở khu vực.

Đáp lại đề nghị của Tổng thống Palestine về việc Mỹ can thiệp nhanh chóng và hiệu quả, Bộ trưởng Blinken cam kết sẽ liên lạc với Chính phủ Israel và Washington sẽ duy trì nỗ lực ngăn chặn các hành động đơn phương từ Tel Aviv.

Liên hợp quốc cho biết, chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, Israel đã phá hủy 132 công trình tại 38 cộng đồng thuộc Bờ Tây, trong đó có 34 nhà ở và 15 công trình được tài trợ xây dựng. Số lượng này tăng 135% so với mức cùng kỳ năm 2022. Lo ngại về diễn biến này, cũng như việc Israel từ chối cấp phép cho người Palestine xây dựng tại vùng Bờ Tây, các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhằm chấm dứt việc người Israel phá hủy nhà ở của người Palestine. Đây có thể được xem là nỗ lực nhằm thu hẹp quyền tự quyết và đe dọa cuộc sống của người Palestine.

Việc chính quyền Israel phê chuẩn các dự án mở rộng khu định cư Do thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Những động thái đơn phương từ phía Israel có nguy cơ thổi bùng làn sóng bạo lực tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, gây ra những xáo trộn nghiêm trọng đối với an ninh và ổn định của toàn khu vực. Cộng đồng quốc tế kêu gọi Israel chấm dứt ngay lập tức các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, các bên khôi phục đàm phán hòa bình Trung Đông, với mục tiêu cuối cùng là một nền hòa bình toàn diện và công bằng, trong đó Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với Israel.

Nguồn:tuyengiao.vn

4. Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine

Tại phiên họp đặc biệt lần thứ 11, Đại hội đồng đã nhất trí thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý nói trên nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện của 75 nước đã có các bài phát biểu ngắn, trong đó nhiều nước bày tỏ ủng hộ nghị quyết kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trước đó, trong Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong 1 năm qua, cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây.

Cuộc xung đột gây mất mát to lớn về người và của, cơ sở hạ tầng và tác động tiêu cực đối với khu vực, thế giới và các nỗ lực chung trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng, trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

5. Triều Tiên cáo buộc Mỹ, NATO gây xung đột Ukraine

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cáo buộc NATO gây ra cuộc xung đột ở Ukraine và gọi sự tham gia của Mỹ là "con đường dẫn đến tự hủy diệt".

Chiến sự Ukraine, cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, đã khiến hàng triệu người phải di tản, các thành phố, thị trấn và làng mạc trở thành đống đổ nát và làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu. Mỹ và các thành viên NATO đã viện trợ cho Ukraine hàng tỷ USD vũ khí để đối phó lực lượng Nga trong một năm qua.

Ông Kim Yoo-chul cho rằng nếu Ukraine "không tham gia một cách mù quáng vào chính sách đối đầu chống Nga của Mỹ" và nếu quốc gia này thúc đẩy hòa giải, đoàn kết với các nước láng giềng, "tình hình đã không đến mức tồi tệ như hiện nay".

Triều Tiên đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Nga từ khi chiến sự bắt đầu, công khai ủng hộ Moskva trong các tuyên bố cũng như tại Liên Hợp Quốc. Mỹ cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà cả Moskva và Bình Nhưỡng đều bác bỏ.

Triều Tiên tháng trước chỉ trích Mỹ vượt lằn ranh đỏ để "thực hiện mục tiêu bá quyền bằng chiến tranh ủy nhiệm", khi cam kết cung cấp xe tăng chủ lực cho Ukraine.

"Mỹ là kẻ không đội trời chung và Triều Tiên sẽ luôn đứng cùng chiến hào với binh sĩ, nhân dân Nga. Thế giới sẽ tươi sáng, an toàn và yên bình hơn nếu không có những hành động của Mỹ", Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tuyên bố.

Nga, một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, từ lâu phản đối việc gia tăng sức ép đối với Triều Tiên vì chương trình tên lửa, hạt nhân, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng vì lý do nhân đạo.

Nguồn:vnexpress.net

6. Nga cáo buộc Ukraine có kế hoạch động binh với vùng ly khai Moldova

Bộ Quốc phòng Nga cho biết “Ukraine đã tăng cường chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ vào cộng hòa tự xưng Transnistria của Moldova. Chiến dịch này sẽ được các lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện để đáp trả một cuộc tấn công được cho là của quân đội Nga từ Transnistria”.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Kiev đã tập trung nhân lực và thiết bị gần biên giới Ukraine với Transnistria, đồng thời triển khai các đơn vị pháo binh trong khu vực.  

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hành động khiêu khích này đặt ra mối đe dọa với nhóm gìn giữ hòa bình của Nga ở Transnistria. Lực lượng Vũ trang Nga “sẽ đáp trả thích đáng trước âm mưu khiêu khích của Ukraine”.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng trong tương lai gần, chế độ Kiev đang âm mưu khiêu khích Transnistria do lực lượng Ukraine và các thành viên của tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa Azov thực hiện.

Bộ Quốc phòng đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở biên giới giữa Ukraine và Transnistria và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ diễn biến nào.

Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Transnistria là vùng đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, dân số hơn 500.000 người. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người đến Transnistria để hỗ trợ những người ly khai thân Nga trong hàng chục năm qua.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 621
  • Trong tuần: 3 614
  • Tất cả: 8754056

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn