Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 27/02 - 03/3/2023

1. Thế giới trong vòng xoáy xung đột Nga – Ukraine

Cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra từ ngày 24/2/2022 tới nay, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn dẫn tới những thay đổi sâu sắc về địa chính trị quốc tế. Khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao, người dân trên thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ chưa từng thấy, không ít người rơi vào cảnh khó khăn.

Có thể thấy xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy sự hỗn loạn của thế giới đa cực, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu, đồng thời thúc đẩy xu hướng hình thành các khối lấy Mỹ và Trung Quốc làm trung tâm.

Hiện nay, các khu vực như Trung Á, Kavkaz, Balkan, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành nơi diễn ra cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - cho dù thông qua tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng hay các thỏa thuận nổi bật về hợp tác thương mại, quân sự cũng như ngoại giao.

Cuộc xung đột ở Ukraine còn làm rung chuyển mọi thứ, dẫn đến sự suy yếu về ảnh hưởng của Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và mở ra một vai trò trung gian hòa giải mới cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn tới những biện pháp trừng phạt khiến Nga thiệt hại nặng nề cả về kinh tế. Trên phương diện an ninh, xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn gia nhập NATO, đồng thời khiến một số quốc gia châu Âu từ bỏ chính sách trung lập theo đuổi lâu nay. Đây đều là những vấn đề Nga không mong muốn.

Với châu Âu, xung đột Nga - Ukraine đã và đang thử thách sự đoàn kết của “lục địa già” trong việc hỗ trợ Ukraine, nhất là tài chính và vũ khí cũng như những chính sách liên quan đến quốc phòng và biện pháp trừng phạt Nga. Sự chia rẽ thể hiện rõ qua việc một số nước không muốn trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu khí của Moskva do nỗi lo thiếu năng lượng, giá dầu và lạm phát leo thang.

Dù Nga đang kìm hãm sự chuyển dịch của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, nhưng không thể phủ nhận xung đột ở Ukraine giúp Mỹ đắc lợi.

Đối với Trung Quốc chắc chắn được hưởng lợi khi Mỹ bị chi phối ở châu Âu. Bởi nếu không có cuộc xung đột này, Mỹ có thể sẽ dành thời gian và nguồn lực trong năm 2022 để tập trung vào việc kiềm chế các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Với thế giới, ở một góc độ tích cực, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đối với các nguồn năng lượng đã đẩy mạnh nỗ lực toàn cầu trong năm 2022 nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái sinh được xem là ít tổn thương hơn trước những cú sốc địa chính trị có thể xảy đến trong tương lai.

Nguồn: baotintuc.vn/thegioi

2. Mỹ kêu gọi liên minh trừng phạt Trung Quốc nếu viện trợ vũ khí cho Nga

Ngày 1/3, Reuters cho biết, Mỹ đang thông báo với đồng minh thân cận về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Các cuộc tham vấn giữa Mỹ và đồng minh đang ở giai đoạn sơ bộ, nhằm thu hút sự hỗ trợ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước trong G7 để phối hợp hỗ trợ.

Ngày 28/2 ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu nước này viện trợ vũ khí cho Nga.

Ông Blinken nói Washington đã cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả mà nước này có thể phải đối mặt nếu viện trợ vũ khí cho Nga. Mỹ sẽ không ngần ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc nếu vi phạm lệnh trừng phạt chống Nga hoặc tham gia hỗ trợ quân sự cho Nga.

Trước đó, ngày 24/2, Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ đáp trả nếu Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga. Biện pháp đáp trả của Washington có thể là lệnh trừng phạt giống như đối với các nước đã hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Đáp trả những cáo buộc từ Mỹ, ngày 27/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói, Mỹ đang gửi vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Kiev trong khi cảnh báo Bắc Kinh không được hỗ trợ Moskva. Bà Mao Ninh nhấn mạnh, Washington không có tư cách ra lệnh, nhúng tay vào quan hệ Trung Quốc - Nga.

Người phát ngôn Mao Ninh cáo buộc Washington đưa ra những “thông tin sai lệch về vũ khí” và trừng phạt các công ty Trung Quốc "một cách vô cớ", đồng thời mô tả điều này là “đạo đức giả", "hành động bắt nạt trắng trợn”.

Bà Mao Ninh nhấn mạnh, Mỹ đã rót hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi Bắc Kinh giữ lập trường cân bằng, thúc đẩy đàm phán hòa bình và một giải pháp chính trị. 

Nguồn: vtc.vn/the.gioi

3. Nhọc nhằn sứ mệnh hàn gắn, thu hẹp khoảng cách giữa phương Tây và Nga

Ấn Độ đang tìm cách xây dựng sự đồng thuận và thu hẹp khoảng cách giữa phương Tây và Nga trước và trong Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại New Delhi.

Tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 có Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh James Cleverly. Trung Quốc thông báo cử Ngoại trưởng Tần Cương tham dự.

Tổng cộng có đại diện của 40 quốc gia, bao gồm cả các nước không phải thành viên G20 do Ấn Độ mời, và các tổ chức đa phương tham dự sự kiện.

Các phiên họp của hội nghị đề cập đến chủ nghĩa đa phương và nhu cầu cải cách, an ninh lương thực và năng lượng cũng như hợp tác phát triển, chống khủng bố và các mối đe dọa mới xuất hiện, kỹ năng toàn cầu và nhóm nhân tài, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Các thành viên dự kiến thảo luận các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo, tăng cường chủ nghĩa đa phương và quan trọng nhất là an ninh lương thực và năng lượng, các vấn đề liên quan đến nợ y tế toàn cầu.

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ hai và quan hệ căng thẳng giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục là nguồn cơn gây chia rẽ hội nghị.

Bất đồng quan điểm liên quan tới xung đột Ukraine vốn cũng là nguyên nhân khiến Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 không đạt được tuyên bố chung. Đây là thách thức lớn đầu tiên mà Ấn Độ đối diện trong năm Chủ tịch G20.

Trước hội nghị, Ấn Độ đã thể hiện quan điểm là chỉ tập trung đơn thuần vào vấn đề kinh tế - tài chính và không mong muốn thảo luận vấn đề trừng phạt Nga. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại hội nghị lại đi ngược lại với kỳ vọng của nước chủ nhà. Chính điều này khiến cho các nỗ lực hàn gắn rạn nứt tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 sẽ càng thêm khó khăn.

Việc Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố không tham dự hội nghị lần này cũng được cho sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực của Ấn Độ kêu gọi sự đoàn kết nội khối để giải quyết và thu hẹp những bất đồng liên quan tới các vấn đề chính trị, ngoại giao mà khu vực và thế giới đang đối mặt.

Quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc, đặc biệt là tranh chấp biên giới, cũng là vấn đề đặt ra cho Ấn Độ tại hội nghị này.

Ấn Độ đang đàm phán với tất cả các bên, bao gồm các thành viên chủ chốt của Nam Bán cầu, để có thể đạt được một kết quả dựa trên sự đồng thuận tại Hội nghị Ngoại trưởng G20.

Bằng việc khẳng định lợi ích quốc gia là điều kiện tiên quyết cho mọi ưu tiên chiến lược và ngoại giao, kiên trì với quan điểm kêu gọi hòa bình, Ấn Độ đã thành công trong việc cân bằng giữa nhu cầu duy trì mối quan hệ với đồng minh lâu đời Nga và sự cần thiết bảo vệ mối quan hệ đối tác an ninh đang phát triển với Mỹ và phương Tây.

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để nhấn mạnh vị thế mới nổi của Ấn Độ với tư cách là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới.

Nguồn: tuyengiao.vn/thegioi

5. Quốc hội Hungary bắt đầu thảo luận về đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển

Từ ngày 6-9/3/ 2023 Quốc hội Hungary dự kiến tiến hành cuộc bỏ phiếu phê chuẩn nghị định thư kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển vào NATO.

Chính phủ Hungary cho biết có thể hoãn cuộc bỏ phiếu đến nửa cuối tháng 3. Tới nay, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phê chuẩn các hồ sơ kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu vào NATO, vốn cần sự chấp thuận của toàn bộ 30 quốc gia thành viên.

Cũng trong ngày 1/3, Tổng thống Hungary Katalin Novak đã kêu gọi các nghị sĩ nước này thông qua dự luật cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Trước đó, ngày 27/2, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo một cuộc họp giữa phái đoàn Quốc hội Hungary và Thụy Điển để “làm rõ mối quan tâm của các nghị sĩ Hungary về việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO” sẽ được tổ chức trong vài tuần tới.

Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022. Theo quy định, việc kết nạp một thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên NATO. Chính phủ Hungary đã đệ trình vấn đề này lên Quốc hội từ tháng 7/2022.

Đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Orban cùng đối tác Dân chủ Kitô giáo (KDNP) hiện kiểm soát 2/3 số ghế tại Quốc hội Hungary. Phe đối lập Hungary cáo buộc đảng Fidesz sử dụng cuộc tranh luận nội bộ nhằm trì hoãn việc phê chuẩn.

Nguồn: baotintuc.vn

6. Philippines, Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì hòa bình ở Biển Đông

Nội dung này được đưa vào ngày 1/3 tại cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Phủ Tổng thống Philippines. 

Tổng thống Marcos Jr. phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, nêu rõ với tư cách là hai nước láng giềng,  Philippines và Malaysia thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Ông cũng cho biết bên đã nhất trí tiếp tục hợp tác trong các vấn đề chính trị và an ninh, nối lại các cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp và các sáng kiến chung để đối phó với tội phạm xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố.

Thủ tướng Anwar cho biết ông đồng quan điểm với Tổng thống Marcos Jr. trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông ở cấp độ đa phương giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).  

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư, đặc biệt chú trọng ngành công nghiệp Halal, nông nghiệp và an ninh lương thực và kinh tế số.

Nguồn: baotintuc.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 338
  • Trong tuần: 4 025
  • Tất cả: 8757091

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn