Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 27 - 31/3/2023

1. Mười nước không tham gia kế hoạch cung cấp đạn pháo cho Ukraine

Tổng thống Bulgaria cho biết nước này và 9 thành viên EU khác không tham gia kế hoạch cung cấp đạn pháo chung cho Ukraine.

 “Bulgaria không tham gia vào kế hoạch cung cấp đạn pháo chung của châu Âu cho Ukraine”, ông Radev nói với các nhà báo, đề cập đến sáng kiến của EU về việc cung cấp chung một triệu viên đạn pháo cho Ukraine trong vòng 12 tháng tới.

Tổng cộng có 17 quốc gia đã ký kết thỏa thuận với Cơ quan Quốc phòng châu Âu và Bulgaria không nằm trong số đó.

Ông Radev cho biết Bulgaria sẽ sử dụng năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng để bổ sung kho dự trữ của chính mình và giúp các quốc gia thành viên khác bổ sung kho dự trữ.

Ông Radev nói: “Bulgaria xuất khẩu đạn dược và vũ khí sang nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi rất quan tâm đến việc mua các công nghệ để bắt đầu sản xuất đạn 155mm".

Tuy nhiên, ông Radev nói rõ rằng Bulgaria sẽ không gửi đạn dược cho các quốc gia nào sẽ gửi lại chúng cho Ukraine, giải thích rằng quốc gia nhận phải nói rõ loại đạn dược sẽ được sử dụng cho mục đích gì.

Trước câu hỏi tiếp theo về việc Bulgaria sẽ phản ứng thế nào nếu đạn dược mà nước này bán cho một quốc gia khác lại được chuyển đến Ukraine, Tổng thống Radev chỉ ra: “Đây là trách nhiệm của quốc gia đó. Họ có nghĩa vụ phải cho chúng tôi biết ai là người nhận cuối cùng”. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ đặt ra các điều kiện”, ông Radev nói thêm.

Nhà lãnh đạo Bulgaria nhấn mạnh nguyên tắc tham gia sáng kiến mua đạn pháo chung cho Ukraine là quyết định tự nguyện và có chủ quyền của mỗi quốc gia, đồng thời lưu ý rằng Sofia không phải là nước duy nhất từ chối tham gia mà 9 quốc gia thành viên EU khác cũng đã từ chối.

Thay vào đó, ông Radev nhấn mạnh Bulgaria đang tìm kiếm hòa bình ở Ukraine.

Trước đó, chuyến thăm của Ủy viên thị trường nội bộ EU tới Bulgaria vào ngày 15/3 đã làm dấy lên suy đoán rằng nước này đang bị áp lực phải cung cấp đạn dược cho Ukraine, một chủ đề đặc biệt nhạy cảm ngay trước cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/4.

Khi được hỏi liệu Bulgaria có đóng băng tài sản của Nga hay không, Tổng thống Radev chỉ ra rằng ông không thể trả lời vì vấn đề này “vẫn chưa được thảo luận”, cho rằng đó là một chủ đề “rất phức tạp”.

Nguồn: baotintuc.vn

2. Tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine với kế hoạch phòng thủ tên lửa quanh Moskva của Nga

Điện Kremlin có thể tính toán rằng họ cần phải sẵn sàng cho một cuộc đụng độ sắp tới với quân đội Ukraine đang hiện đại hóa, được trang bị vũ khí và đạn dược của phương Tây, càng sớm càng tốt.

Theo Tiến sĩ Pavel Luzin, học giả tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts (Mỹ), đồng thời là chuyên gia về quan hệ quốc tế và Nga, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 22/3 tuyên bố rằng nước này sẽ hoàn thành việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh Moskva vào cuối năm 2023. Ông Shoigu cũng cho biết Nga sắp triển khai các đơn vị mới: một sư đoàn phòng không, một trung đoàn được trang bị hệ thống phòng không tầm trung S-350, trạm radar giám sát không gian Razvyazka và một lữ đoàn tác chiến đặc biệt về phòng không và tên lửa.

Ngay hôm sau, Ấn Độ thông báo rằng Nga đã trì hoãn việc cung cấp các hệ thống S-400 cho New Delhi. Theo hợp đồng được ký vào năm 2018, việc chuyển giao các hệ thống phòng không này đã được lên kế hoạch bắt đầu vào năm 2023 và phải hoàn thành vào năm 2024.

Trước đó, các quan chức Nga trấn an rằng các hệ thống S-400 vẫn sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ theo lịch trình ban đầu (theo hãng thông tấn Interfax ngày 13/2). Mặc dù vậy, đây không phải là lần đầu tiên quá trình này bị trì hoãn. Lần trì hoãn đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2022, chỉ vài tháng sau khi Điện Kremlin tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến hợp đồng S-400 với Ấn Độ.

Nguồn: baotintuc.vn

3. Hungary chưa chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO

Phần Lan và Thụy Điển đã cùng nộp đơn xin gia nhập NATO từ tháng 5/2022. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO. Tiến trình gia nhập NATO của 2 nước trên đã bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. 

Sau nhiều tháng, ngày 27/2, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập của Phần Lan, nhưng chưa quyết định trường hợp của Thụy Điển. Như vậy, kể từ tháng 7/2022, Quốc hội Hungary đã nhiều lần trì hoãn thông qua việc chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO.  

Trong bài viết đăng trên blog cá nhân, người phát ngôn Kovacs cho rằng còn nhiều bất đồng giữa hai nước cần giải quyết trước khi Thụy Điển được chấp thuận trở thành thành viên của NATO. Ông Kovacs cho rằng một số chính khách Thụy Điển đã thông qua các kênh ngoại giao, sử dụng tầm ảnh hưởng chính trị để gây tổn hại lợi ích của Hungary. Quan chức này nhấn mạnh Stockholm cần thay đổi lập trường đối với Budapest.

Nguồn: baotintuc.vn

4. Nga đưa ra yêu cầu hòa bình cho Ukraine

Ông Galuzin nói rằng để Ukraine mang lại hòa bình, các lực lượng quân sự của nước này phải ngừng hoạt động và phương Tây phải ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng liệt kê một số điểm vốn đã được nêu ra kể từ khi chiến sự leo thang vào tháng 2/2022 như phi quân sự hóa và “phi hạt nhân hóa” Ukraine, cam kết không gia nhập EU hoặc NATO.

Thêm điều khoản được bổ sung vào tháng 10 năm ngoái liên quan đến việc công nhận “thực tế lãnh thổ mới” - quyết định của Kherson, Zaporizhzhia và các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk gia nhập Nga.

Việc bảo vệ ngôn ngữ Nga và quyền của các công dân nói tiếng Nga, cũng như tất cả các nhóm sắc tộc khác ở Ukraine cũng được đề cập trong danh sách điều kiện Thứ trưởng Ngoại giao Nga nêu ra.

Bên cạnh đó, ông Galuzin cho biết Ukraine cần mở lại biên giới với Nga và khôi phục khuôn khổ pháp lý của quan hệ với Moskva và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác mà nước này đã từ bỏ sau cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn vào năm 2014.

Lần đầu tiên, Nga đưa ra điều khoản, yêu cầu dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt chống nước này và “rút lại các yêu sách và chấm dứt các vụ truy tố chống lại Nga, các cá nhân và pháp nhân của nước này”, bao gồm cả lệnh bắt của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) gần đây đối với Tổng thống Vladimir Putin và ủy viên quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova.

Yêu cầu cuối cùng trong danh sách của Thứ trưởng Galuzin là phương Tây phải trả tiền cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng dân sự bị quân đội Ukraine phá hủy kể từ năm 2014.

Ông Galuzin nói: "Tương lai hòa bình của Ukraine phụ thuộc vào việc tôn trọng quyền của người dân Nga, khôi phục quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng và quay trở lại nguyên tắc nền tảng về tình trạng trung lập và không liên kết, được ghi trong tuyên bố độc lập năm 1990". “Tương lai của các vùng lãnh thổ của Ukraine ngày nay nên được quyết định bởi chính cư dân của đất nước này”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moskva sẽ không dung thứ cho “một quốc gia công khai chống Nga”. “Cả Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác sẽ không chấp nhận điều này từ quan điểm an ninh".

Trong khi đó, Kiev nhiều lần lên tiếng về điều kiện cho hoà bình bao gồm việc Nga rút toàn bộ khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine, thanh toán chi phí cho chiến sự và đưa ra tòa án tội ác chiến tranh đối với giới lãnh đạo quân sự và chính trị ở Nga. 

Nguồn: vtc.vn

5. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) thông qua tuyên bố về xung đột ở Cộng hòa dân chủ (CHDC) Congo

Tuyên bố cho biết Hội đồng Bảo an (HĐBA) lên án mạnh mẽ việc phiến quân M23 gia tăng các cuộc tấn công ở tỉnh Bắc Kivu trong những tháng gần đây. Tuyên bố nhấn mạnh những bước tiến của M23 đang làm tình hình an ninh, ổn định xấu đi và làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo trong khu vực. HĐBA yêu cầu thực hiện ngay lập tức và đầy đủ các cam kết về chấm dứt chiến sự, chấm dứt mọi bước tiến của M23 và nhóm này phải rút quân khỏi tất cả các khu vực chiếm đóng theo như thỏa thuận được thông qua trong Tiến trình Luanda do Liên minh châu Phi (AU) dẫn đầu.

Tuyên bố nêu rõ HĐBA yêu cầu tất cả các lực lượng bên ngoài ngay lập tức ngừng hỗ trợ M23 và rút khỏi CHDC Congo.

HĐBA LHQ cũng lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của một số nhóm vũ trang khác nhằm vào thường dân ở các tỉnh Ituri và Bắc Kivu, yêu cầu tất cả thành viên của các nhóm vũ trang này giải tán ngay lập tức và vĩnh viễn, hạ vũ khí, chấm dứt và ngăn chặn các hành vi vi phạm đối với phụ nữ và trẻ em, đồng thời trả tự do cho trẻ em đang tham gia lực lượng này.

HĐBA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay, thúc giục tất cả các nhóm vũ trang ở CHDC Congo tham gia vô điều kiện vào Tiến trình Nairobi do Cộng đồng Đông Phi dẫn dắt.

Tuyên bố nhấn mạnh HĐBA LHQ tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực của khu vực thông qua Tiến trình Nairobi do Cộng đồng Đông Phi dẫn dắt và Tiến trình Luanda nhằm xây dựng lại lòng tin, giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tiếp tục tận dụng các tổ chức và cơ chế tiểu vùng hiện có.

Cùng ngày, quân đội Uganda đã cử 1.000 binh sĩ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình khu vực tại miền Đông CHDC Congo.

Chỉ huy các lực lượng trên bộ thuộc Các lực lượng Phòng vệ nhân dân Uganda, ông Kayanja Muhanga nêu rõ lực lượng này có nhiệm vụ theo dõi tiến trình đạt được hòa bình tại miền Đông CHDC Congo. Tháng 6/2022, việc triển khai binh sĩ này diễn ra sau quyết định được thông qua tại Hội nghị lãnh đạo các nước Cộng đồng Đông Phi về hòa bình và an ninh của CHDC Congo ở thủ đô Nairobi (Kenya).

Liên quan tình hình xung đột, ngày 24/3 đã có 25 nhà hoạt động chính trị của Liên đoàn quốc gia những người ủng hộ liên bang Congo (UNAFEC) thiệt mạng trong vụ tấn công tại thành phố Lubumbashi, Đông Nam CHDC Congo. Thị trưởng thành phố Lubumbashi, Martin Kazembe đã tuyên bố mở cuộc điều tra để xác định thủ phạm vụ tấn công.

Năm ngoái, nhóm phiến quân M23 do người Tutsi lãnh đạo đã phát động cuộc tấn công mới ở miền Đông giàu khoáng sản của CHDC Congo, khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, bất chấp sự ngăn chặn của quân đội và các nỗ lực khu vực nhằm giải quyết xung đột. M23 đã chiếm các vùng lãnh thổ và tiến gần tới khu vực Goma, buộc 7 quốc gia thuộc Cộng đồng Đông Phi (EAC) thông qua việc triển khai quân vào tháng 11/2022. Trước tình hình này, người đứng đầu phái bộ LHQ tại CHDC Congo, bà Bintou Keita nhấn mạnh nhu cầu nhân đạo vốn đã ở mức cao tại quốc gia này đang tiếp tục gia tăng, đồng thời kêu gọi tài trợ 2,3 tỷ USD cho kế hoạch nhân đạo năm 2023 của LHQ.

Nguồn: baotintuc.vn

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 322
  • Trong tuần: 3 689
  • Tất cả: 8754620

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn