Trà Vinh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số
Dân số Trà Vinh hiện có trên 01 triệu người với trên 275.800 hộ gồm 03 dân tộc chính Kinh, Khmer và Hoa. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 31%, dân tộc Hoa chiếm gần 01% và một số ít người Chăm, người Ấn... Các dân tộc trong tỉnh có truyền thống đoàn kết, gắn bó trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và cải tạo thiên nhiên, lao động sản xuất. Mỗi dân tộc có đặc điểm và sắc thái văn hóa riêng. Tuy nhiên, trước sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, nên bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được bảo tồn, phát huy đã tạo nên những nét văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà.

Nghi thức chào cờ Tổ quốc và cờ Phật của người Khmer trong lễ hội dâng bông.

Đồng bào Khmer ở Trà Vinh sống đa số ở nông thôn, với đức tính cần cù trong lao động sản xuất. Ngành nghề chủ yếu của đồng bào Khmer là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và một số ít làm nghề đan đát, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại… Về tín ngưỡng, phần lớn đồng bào Khmer ở Trà Vinh theo Phật giáo Nam tông Khmer. Từ đó, các hoạt động lễ hội truyền thống, phong tục tập quán trong đồng bào luôn được bảo tồn và phát huy. Toàn tỉnh có 143 chùa Khmer với trên 3.370 chư tăng. Trà Vinh có MêKone, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước từ tỉnh đến huyện; các xã, phường, thị trấn đều có chi hội, nên đã giúp đồng bào có điều kiện tham gia công tác xã hội, từ thiện, tuyên truyền giáo dục, vận động các chư tăng, Ban quản trị, tín đồ phật tử chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đại đa số đồng bào hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và điều lệ của Hội và thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.


Lễ hội dâng bông truyền thống của đồng bào Khmer Trà Vinh.

Trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngoài các hoạt động trọng tâm như: Báo Trà Vinh phát hành tờ báo chữ Khmer định kỳ 02 số/tuần; Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh có chương trình thời sự và chương trình văn nghệ giải trí hàng ngày bằng tiếng Khmer… ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh luôn quan tâm đầu tư và nâng cao có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc Khmer. Ông Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết, hàng năm ngành đã in ấn và phát hành 02 số nội san văn hóa bằng chữ Khmer trong dịp lễ Chol Chnam Thmây và lễ Sêne Đolta. Trung tâm văn hóa tỉnh có đội Thông tin tuyên truyền lưu động Khmer vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức của quần chúng, vừa tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước đến với người dân. Riêng đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh với bề dầy truyền thống cũng luôn được quan tâm củng cố và phục vụ tốt công chúng. Song song đó, các liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer, các hội thi trình diễn trang phục dân tộc, hội diễn… cũng được tổ chức thường xuyên. Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tâm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer. Toàn tỉnh đã có 42 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận là các cơ sở thờ tự. Riêng lễ hội Ok - Om - Bok do Trà Vinh tổ chức hàng năm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…


Đồng bào Hoa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 05 nhóm ngôn ngữ chủ yếu gồm: Triều Châu, Quảng Triệu, Phúc Kiến, Sùng Chính, Hải Nam. Đa số đồng bào Hoa ở Trà Vinh sống ở thành thị, có đức tính cần cù, chịu khó, cần kiệm dễ hòa nhập, có tính cộng đồng cao, tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt khó để xây dựng cuộc sống ổn định và phát triển. Ngành nghề chủ yếu là hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, gia công chế biến hàng tiêu dùng và một số ít sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở thờ tự của người Hoa, được xây dựng lâu đời, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa luôn được bảo tồn và phát huy đúng mức. Năm 2005 Hội Tương tế người Hoa thành phố Trà Vinh được UBND tỉnh Trà Vinh cho phép thành lập. Đến nay, Hội đã trải qua 03 nhiệm kỳ đại hội và hoạt động đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực kinh doanh, giáo dục, thể dục thể thao… Đặc biệt, Trường Mần non - Tiểu học Tân Minh Trí có dạy song ngữ Việt - Hoa, giúp đồng bào bảo tồn chữ viết truyền thống của dân tộc. Các câu lạc bộ bóng rỗ, thể dục dưỡng sinh; các độ nhạc lễ, đội lân sư rồng và các đội võ thuật… hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho đồng bào.

Đồng bào Chăm ở Trà Vinh và một số dân tộc khác cùng sống gắn bó đoàn kết với các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh và tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Chăm và các dân tộc khác luôn được bảo tồn và phát huy. Đồng bào Chăm ở Trà Vinh chủ yếu theo Hồi giáo. Tại trung tâm thành phố Trà Vinh có Thánh đường Hồi giáo, là nơi sinh hoạt thường xuyên của trên 300 tín đồ vào ngày thứ sáu hàng tuần. Đây cũng là nơi tổ chức sinh hoạt các hoạt động lễ hội truyền thống và là nơi giáo dục, vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…


Sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Chăm tại thánh đường Hồi giáo thành phố Trà Vinh.

Ông Đô Ha Mid, Trưởng ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Trà Vinh cho biết, ngoài việc hành đạo đúng theo phong tục, tập quán của người Hồi giáo, hàng ngày những tín đồ người Chăm theo đạo Hồi sinh hoạt tại Thánh đường Trà Vinh cũng đang xen sinh hoạt, học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh chan hòa cùng với các dân tộc anh em khác tại các địa phương trong tỉnh. Thời gian qua, bên cạnh các sinh hoạt tín ngưỡng, được sự cho phép của chính quyền địa phương Thánh đường Hồi giáo Trà Vinh đã thành lập được Hội từ thiện để phục vụ việc thăm viếng, tặng quà cho gia đình các tín đồ và hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn sinh hoạt tại Thánh đường trong các năm qua liên tục được kéo giảm; số hộ khá, giàu, sản xuất kinh doanh có hiệu quả liên tục tăng. Bản sắc văn hóa và các phong tục, tập quán của đồng bào Chăm luôn được kế thừa và phát huy. Tiếng nói, chữ viết của người Chăm luôn được Thánh đường mở các lớp để truyền dạy, bảo tồn… Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt tại Thánh đường, ông Đô Ha Mid luôn dành thời gian để vận động, giáo dục các tín đồ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; vận động tín đồ tích cực lao động, sản xuất để cùng các dân tộc anh em trên quê hương Trà Vinh xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.


Bài, ảnh: BÁ THI
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 35
  • Trong tuần: 3 671
  • Tất cả: 8756270

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn