CÁC KỲ ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trang tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin điểm lại các mốc son lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam qua Hội nghị thành lập Đảng và các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

Tại hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng từ ngày 25/01 đến ngày 02/02/2021 tại Hà Nội. Dự kiến tổng số đại biểu được triệu tập về dự Đại hội là 1.590 đại biểu, thay mặt cho gần 5,5 triệu đảng viên của Đảng trong cả nước. Các văn kiện trình Đại hội XIII lần này không chỉ kiểm đỉểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đại hội cũng sẽ tiến hành bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trang tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin điểm lại các mốc son lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam qua Hội nghị thành lập Đảng và các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.

1. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Giữa thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị. Nhân dân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh dưới ngọn cờ của các sĩ phu yêu nước và các cuộc vận động cách mạng theo xu hướng tư sản đều lần lượt thất bại. Giữa lúc đó, Nguyễn Tất Thành - Người thanh niên yêu nước đã xuất dương tìm đường cứu nước, bằng trí tuệ sáng suốt, hoạt động và khảo sát cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đường về nước để phát động và tổ chức phong trào cách mạng. Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội), một tổ chức “quá độ” đặt cơ sở cho một Đảng Cộng sản về sau. Người ra báo Thanh niên, huấn luyện, đào tạo cán bộ tổ chức tuyên truyền lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Lênin. Phong trào cách mạng của nhân dân ta ngày càng phát triển mạnh và có ý thức chính trị vô sản rõ rệt.

Tháng 3/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội. Tiếp theo đó, các chi bộ đảng được thành lập ở Nam kỳ và Trung kỳ như: An Nam Cộng sản Đảng (8/1929) và Đông dương Cộng sản Liên đoàn (9/1929). Sự tồn tại của 3 đảng biệt lập có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ. Yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là phải có 01 Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn về việc thống nhất thành lập Đảng. Hội nghị họp tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc). Cuộc họp đã thống nhất hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc họp cũng thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và các Điều lệ vắn tắt của Công hội, Nông hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội phản đế đồng minh và Hội cứu tế do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Sau khi về nước, các đại biểu đã tích cực thực hiện kế hoạch hợp nhất các cơ sở đảng ở trong nước, lập ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm 07 ủy viên. Ngày 24/02/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn yêu cầu gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng mang tầm vóc lịch sử của một Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta trong những năm 20 của thế kỷ XX.

2. Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng

Đại hội họp từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc). Dự Đại hội có 13 đại biểu thay mặt cho 600 đảng viên thuộc các Đảng bộ trong nước và tổ chức Đảng hoạt động ở nước ngoài. Đồng chí Hà Huy Tập chủ trì Đại hội.

Đại hội thừa nhận Luận cương Chính trị tháng 10/1930, Chương trình hành động của Đảng tháng 6/1932 và kiểm điểm phong trào cách mạng, công tác tổ chức và lãnh đạo của các cấp bộ đảng trong thời gian từ năm 1932 đến đầu năm 1935. Đại hội thông qua một loạt nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Chính trị; các nghị quyết về công tác quần chúng với từng đối tượng cụ thể (công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, đội tự vệ); Nghị quyết về công tác phản đế liên minh, xây dựng đội tự vệ, về công tác cứu tế đỏ; Nghị quyết về các Chương trình hành động; Nghị quyết về công tác đã qua của Ban Chỉ huy kiêm Ban Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương; Nghị quyết về hệ thống tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương….

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 ủy viên (09 chính thức và 04 dự khuyết). Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

3. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ toàn Đông Dương. Đến dự Đại hội còn có đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Xiêm (Thái Lan). Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Báo cáo Chính trị”; đồng chí Trường Chinh đọc báo cáo “Bàn về Cách mạng Việt Nam”; đồng chí Lê Văn Lương đọc “Báo cáo về Tổ chức và Điều lệ Đảng” trước Đại hội. Đây là Đại hội đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam với Chính cương và Điều lệ mới.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 07 ủy viên. Lãnh tụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

4. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp từ ngày 05/9 đến ngày10/9/1960 tại Hà Nội với sự tham dự của 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước. Đồng chí Hồ Chí Minh - Chủ tịch Đảng đọc lời khai mạc Đại hội, người khẳng định: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Đại hội nghe Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Duẩn đọc; Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ đọc; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965) do đồng chí Nguyễn Duy Trinh trình bày.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 ủy viên chính thức, 31 ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương khóa III đã họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 02 ủy viên dự khuyết; Ban Bí thư Trung ương Đảng có 07 đồng chí; đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

5. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 tại Hà Nội, với sự tham dự của 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1,55 triệu đảng viên trong cả nước. Có 29 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội. Đại hội nghe báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn trình bày; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày; Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ trình bày. Đại hội đã tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi của Nhân dân ta, nêu những bài học kinh nghiệm lớn với nhiều nội dung phong phú và sâu sắc. Đại hội IV của Đảng là Đại hội thống nhất Tổ quốc, khẳng định con đường cả nước đi lên chủ nghiã xã hội. Đường lối xuyên suốt chủ trương của  giai đoạn này là thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, cải tạo xã hội chủ nghĩa, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời tăng cường công tác xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới. Đại hội quyết định lấy lại tên ban đầu của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam;

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương khóa IV đã họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức và 03 ủy viên dự khuyết; Ban Bí thư Trung ương gồm 09 đồng chí; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

6. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.033 đại biểu, thay mặt hơn 1,72 triệu đảng viên trong cả nước. Có 47 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội. Đại hội nghe báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn trình bày; Báo cáo về nhiệm vụ kinh tế - xã hội do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày; Báo cáo về Xây dựng Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ trình bày. Đại hội chỉ ra nguyên nhân khách quan của yếu kém. Đại hội đã thẳng thắng nêu lên nguyên nhân chủ quan, đó là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc nắm và hiểu tình hình thực tế, việc cụ thể hoá đường lối và chấp hành đường lối của Đảng có những khuyết điểm, sai lầm. Chưa thấy hết khó khăn, phức tạp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế sản xuất nhỏ còn phổ biến, lại trì trệ, bảo thủ, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp, chậm thay đổi các chính sách. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu và kinh tế - xã hội từ năm 1981 đến năm 1985; khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã vạch ra.

 Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương khóa V đã họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 02 ủy viên dự khuyết; Ban Bí thư gồm 10 đồng chí; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ngày 10/7/1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt vào ngày 14/7/1986 bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.

7. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 05 đến ngày 18/12/1986 tại Hà Nội (Đại hội họp nội bộ từ ngày 05 đến ngày 14/12, Đại hội họp công khai từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986). Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong cả nước. Có 32 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội. Đại hội nghe Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Trường Chinh trình bày Báo cáo về Phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm (1986 - 1990) do đồng chí Võ Văn Kiệt trình bày. Đại hội VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để. Đó là trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng trước đất nước, dân tộc. Đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận, khả năng tổng kết và tổ chức thực hiện của Đảng mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 01 ủy viên dự khuyết; Ban Bí thư gồm 13 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

8. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng diễn ra từ ngày 17 đến ngày 27/6/1991 tại Hà Nội (Đại hội họp nội bộ từ ngày 17 đến ngày 22/6, Đại hội họp công khai từ ngày 24 đến ngày 27/6/1991). Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước. Có 05 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội. Đại hội đã thảo luận và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; Báo cáo Chính trị và Điều lệ Đảng sửa đổi. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng là Đại hội của trí tuệ - đổi mới, dân chủ - kỷ cương - đoàn kết.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 146 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên; Ban Bí thư Trung ương có 09 đồng chí; đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

9. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ ngày 22/6 đến ngày 01/7/1996 tại Hà Nội (Đại hội họp nội bộ từ ngày 22/6 đến ngày 26/6, họp công khai từ ngày 28/6 đến ngày 01/7)). Tiêu đề của Báo cáo Chính trị là: “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Tham dự Đại hội có 1.198 đại biểu thay mặt cho 2 triệu 130 nghìn đảng viên trong cả nước. Sau 04 ngày làm việc khẩn trương, Đại hội đã thông qua các văn kiện: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII; Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996-2000); Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 170 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên; Thường vụ Bộ Chính trị có 05 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

10. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp từ ngày 19 đến ngày 22/4/1991 tại Hà Nội. Chủ đề của Đại hội là: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Dự Đại hội có 1.168 đại biểu, thay mặt 2.479.719 đảng viên trong cả nước. Đại hội IX của Đảng đã đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam; tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, rút ra những bài học cho công cuộc đổi mới, từ đó hoàn thiện đường lối, đề ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI; kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng.

Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 150 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 15 ủy viên; Ban Bí thư Trung ương gồm 09 đồng chí; đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

11. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng

Sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng diễn ra từ ngày 18 đến gày 25/4/2006 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt hơn 3,1 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 -2005), chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2001 -2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới. Từ đó, tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006 -2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết; hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí; Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 08 đồng chí; đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 13 đồng chí, Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

11. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra từ ngày 12/01 đến ngày 19/01/2011 tại Hà Nội. Chủ đề Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tham dự Đại hội có 1.377 đại biểu thay mặt hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội thông qua nhiều văn kiện quan trọng, bao gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020; Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI của Đảng; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Các văn kiện của Đại hội kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận của 25 năm đổi mới để tiếp tục phát triển đất nước toàn diện và bền vững trong giai đoạn mới nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết; tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên; Ban Bí thư Trung ương gồm 04 ủy viên; đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

13. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20/01 đến ngày 28/01/2016 tại Hà Nội. Đại hội có chủ đề:“Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tham dự Đại hội có 1.510 đại biểu thay mặt hơn 4,5 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội Lần thứ XII của Đảng đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới (2016-2020). Đại hội XII của Đảng cũng đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết; tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên; Ban Bí thư Trung ương gồm 03 đồng chí; đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng; Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

T.B.T

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 258
  • Trong tuần: 3 625
  • Tất cả: 8754556

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn