THỰC HIỆN TỐT NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XI, CHĂM LO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TỈNH TRÀ VINH

 Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn thực hiện nhất quán những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề dân tộc. Các văn kiện đầu tiên của Đảng đã nói đến quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc. Chính cương của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đảng lần thứ II (1951) đã khẳng định: “Các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến, kiến quốc([1]); Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định:“Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”([2]).

Tỉnh Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tự nhiên 2.358 km2; dân số trên 01 triệu người, trong đó, dân tộc Khmer chiếm gần 32%; dân tộc Hoa chiếm gần 1%.... Tính đến cuối năm 2020, Trà Vinh có 61 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, đặc biệt là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Kết luận số 01-KL/TU ngày 16/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X)“Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011 - 2015”, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng cấp ủy và chính quyền các địa phương luôn quán triệt sâu sắc và đầy đủ các quan điểm về dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, đã triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trong tỉnh; coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ đó, kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực: Tiếp tục đầu tư xây dựng 344 công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, với kinh phí trên 261 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (cho 3.547 hộ), nước sinh hoạt, vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, với kinh phí trên 230 tỷ đồng. Kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Khmer, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, từ 23,2% vào đầu năm 2016 giảm còn 3,92% vào cuối năm 2020. 

Lĩnh vực giáo dục tiếp tục phát triển, số học sinh dân tộc Khmer chiếm khoảng 34% so với học sinh chung; có 121 điểm trường và 134 điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer giảng dạy ngữ văn Khmer; toàn tỉnh có 08 trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Đại học Trà Vinh có Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ; đầu tư xây dựng Trường trung cấp Pali - Khmer. Lễ hội và các loại hình văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống được bảo tồn và phát huy. Chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer, Báo Trà Vinh và các nội san tiếng Khmer cơ bản phục vụ được nhu cầu hưởng thụ thông tin của đồng bào.

Khoa ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ, ảnh: Nguyễn Đình Chiểu

Hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều hoạt động thiết thực, nhất là việc giảng dạy tiếng dân tộc, tổ chức tốt lễ hội truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, hàng năm các chùa tổ chức được 152 lớp sơ, trung cấp Pali - Khmer, có 3.170 tăng sinh, học sinh theo học. Xây dựng 449 người có uy tín trong đồng bào dân tộc, những người có uy tín đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, đã phát huy tốt năng lực thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tinh nhà. Hiện nay, toàn tỉnh có 7.506 đảng viên, chiếm tỷ lệ 16,74% đảng viên toàn Đảng bộ; có 4.792 công chức, viên chức, chiếm tỷ lệ 19,98%. Số lượng cán bộ lãnh đạo người dân tộc Khmer tăng so với nhiệm kỳ trước (Có 01 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, 05 đồng chí Tỉnh ủy viên, 32/367 Huyện ủy viên và tương đương; 272/1.480 Đảng ủy viên cấp xã và tương đương).

Từ những kết quả nêu trên, Báo cáo Chính trị được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đánh giá: Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt. Kết cấu hạ tầng, các chương trình, dự án được triển khai có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên; bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đầu tư xây dựng trường Trung cấp Pali, tạo thuận lợi cho việc tu học của các tăng sinh và học sinh người Khmer. Đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và phân công, bố trí giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín, góp phần vào công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”([3]).

Mặc dù có những thành tựu đáng kể, nhưng tình hình trong vùng có đông đồng bào Khmer và công tác dân tộc của tỉnh cũng còn những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết, đó là: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong vùng có đông đồng bào Khmer tương đối khá nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất; kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; tay nghề của lao động còn thấp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức người dân tộc Khmer và cán bộ trực tiếp làm công tác dân tộc ở cấp huyện và cơ sở có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu.

  Từ thực tiễn về thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc... ”([4]).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm quán triệt tốt các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc, đặc biệt là Kết luận 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới"; Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về “Tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”  tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với các vị chư tăng và đồng bào Khmer trong tỉnh. Phải xem việc thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm chính trị của tổ chức cơ sở Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, nắm chắc và thực hiện tốt phương châm, phương pháp công tác dân tộc, đó là: “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị và vững chắc”.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là thực hiện: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030([5]); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đông bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030([6]) và các chính sách an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tạo cơ hội cho nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế. góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo sự chuyển biến rõ nét trong vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.

Ba là, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường Cao đẳng nghề, trường Trung cấp Paly - Khmer, khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ (Trường Đại học Trà Vinh). Gắn công tác đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên người dân tộc Khmer đã tốt nghiệp ra trường. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của Chương trình phát thanh, phát hình bằng tiêng Khmer của Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, Báo Trà Vinh, tạp chí Văn học Nghệ thuật bằng chữ Khmer...đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; quan tâm công tác sưu tầm, đầu tư, tôn tạo, khai thác và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, đồng thời phục vụ cho phát triển kinh tế.

Bốn là, tập trung tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về âm mưu và thủ đoạn hoạt động trong chiến lược ”diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Từ đó, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tăng cường công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và trong vùng có đông đồng bào Khmer nói riêng. Kịp thời đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại các âm mưu phá hoại, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các tổ chức phản động và các thê lực thù địch. Chủ động nắnm chắc diễn biến tình hình, kịp thời giải quyết những phát sinh,mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để xảy ra ”điểm nóng” ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm là, chăm lo, củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong vùng có đông đồng bào Khmer trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo và tập hợp, phát huy tối đa các nguồn lực trong mọi tầng lớp nhân dân; quan tâm công tác phát triển đảng viên là đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ nguời dân tộc Khmer một cách hợp lý. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tỏ quốc và các đoàn thể đối với việc thực hiện chính sách dân tộc, gắn thực hiện chính sách dân tộc với thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX)  ”về công tác tôn giáo([7]) và Luật Tín nguỡng, tôn giáo ([8]); quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh

                                                                      


([1]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001. Tập 12,  trang 440

([2]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. trang 81.

[3] Tỉnh ủy Trà Vinh, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, năm 2020,  trang 27, 28.

[4] Tỉnh ủy Trà Vinh, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, năm 2020, trang 178.

([5]) Theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV.

([6]) Theo Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 16/6/2020 của Quốc hội khóa XIV.

([7]) Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003.

([8]) Luật số 02/2006/QH14 này 18/11/2006.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 31
  • Trong tuần: 3 803
  • Tất cả: 8757238

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn