Kỳ 3: Lựa chọn đại biểu của dân (tiếp theo và hết)
Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ đi bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Lá phiếu của cử tri sẽ quyết định ai sẽ là người đại diện cho mình.

 

Các ứng cử viên đã được đưa vào danh sách đều là những người đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Thế nhưng đủ tiêu chuẩn không có nghĩa là giống nhau. Công việc sàng lọc các ứng cử viên đã được tiến hành kỹ trong suốt thời gian qua, nhưng danh sách bầu luôn có số dư cao, nhiều nơi một chọi một. Vì lẽ ấy, lá phiếu của cử tri càng quan trọng trong việc quyết định ai sẽ là đại biểu của mình. Người dân cần nghiên cứu kỹ các ứng cử viên, kể cả giám sát những hành động, việc làm của các ứng cử viên để có quyết định lựa chọn đại biểu đại diện cho mình.

Thời gian qua, chúng ta đã nghe nói nhiều đến thực trạng đại biểu ít gắn bó với nhân dân, nhất là nơi đã bầu mình ra gánh vác trọng trách. Có những cử tri không biết đại biểu của mình là ai bởi họ chỉ  “xuân thu nhị kỳ” mỗi năm vài lần họp. Trách nhiệm của một đại biểu dân cử không hề đơn giản, kể cả đại biểu HĐND cấp xã. Đơn cử một vài ví dụ, giả sử cán bộ chính quyền ở một địa phương nào đó gây khó khăn cho người dân về quy trình cấp phép xây dựng, người dân có thể gặp trực tiếp đại biểu HĐND của địa phương để trình bày và nhờ đại biểu HĐND có ý kiến với chính quyền. Giả sử như có con đường nào đó đi vào khu dân cư bị xe chở đất làm hỏng hóc, mưa ngập lầy lội, người dân đã kiến nghị nhiều lần, nhưng vì nguyên nhân nào đó mà chính quyền địa phương chưa tìm cách khắc phục, khi ấy, người dân có thể gặp đại biểu của mình kiến nghị, phản ánh, đề đạt để đại biểu của mình sẽ có kiến nghị, để cơ quan chính quyền có giải pháp thực hiện sớm. Một quán karaoke luôn làm náo loạn khu dân cư kể cả những lúc đêm khuya, đã bao nhiêu lần kiến nghị mà chính quyền vẫn không ra tay giải quyết, khi ấy, nơi người dân cần kiến nghị chính là đại biểu của mình v.v…Như vậy, vị trí, vai trò của những đại biểu dân cử là rất nặng nề chứ đâu phải chỉ để “giơ tay”.

Để các cơ quan dân cử phát huy được vị trí, vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình, điều kiện đầu tiên cần phải có là phải lựa chọn được những đại biểu thật sự có trí tuệ, bản lĩnh, phải là những người thật sự đại diện, người bảo vệ cho quyền lợi của người dân, nói lên tiếng nói của người dân ở những diễn đàn quan trọng. Cơ cấu là một nội dung quan trọng của lựa chọn đại biểu, nhưng cơ cấu không phải là tất cả mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng của đại biểu đó chính là trách nhiệm, dũng khí của đại biểu trước những vấn đề quốc kế dân sinh. Cử tri trong các cuộc tiếp xúc vận động tranh cử của các ứng cử viên tới đây cần yêu cầu các ứng cử viên ngoài trình bày chương trình hành động cần công khai email, công khai số điện thoại để nếu trúng cử người dân có thể gọi điện, gửi tin bất cứ lúc nào.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp đang đến rất gần. Người dân đang mong mỏi những người được giới thiệu sẽ là những đại biểu thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Điều 79 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước”. Như vậy, trọng trách và vinh dự của đại biểu Quốc hội là rất to lớn. Đại biểu Quốc hội không chỉ là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nơi bầu mình ra mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.

Điều 80 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định”. Trên diễn đàn Quốc hội của nhiệm kỳ vừa qua, đã có nhiều đại biểu “theo đến cùng” các nội dung chất vấn. Đại biểu quốc hội là người đại diện cho nhân dân, vì vậy, những phát biểu hay chất vấn trên diễn đàn quốc hội về những vấn đề mà cử tri quan tâm thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải giải trình theo quy định của Hiến pháp. Nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, với việc sửa đổi và ban hành Hiến pháp 2013 thì cùng với đó là việc Quốc hội đã thông qua một khối lượng khổng lồ các bộ luật. Đất nước ngày càng đổi thay và phát triển, đi cùng với đó là biết bao những bề bộ của cuộc sống đặt ra cần chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các đại biểu Quốc hội. Ở nước ta, khi mà số đại biểu Quốc hội là chuyên trách luôn chiếm tỷ lệ lớn cũng là hạn chế trong hoạt động nghị trường. Quốc hội đương nhiên là cơ quan làm luật và các đại biểu Quốc hội am hiểu và có trình độ, kiến thức về luật pháp là điều đáng mừng. Song đáng mừng hơn là các đại biểu ấy phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phải nói lên được tiếng nói, nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Hãy tin, nhân dân đủ sáng suốt để lựa chọn những đại biểu thật sự xứng đáng. Nhưng để nhân dân lựa chọn được những đại biểu như mong muốn cần sự chuẩn bị và giới thiệu sáng suốt từ phía các cơ quan có trách nhiệm.

Hãy sáng suốt để lựa chọn những đại biểu thật sự xứng đáng đại diện cho mình.

                                                                                          Ngọc Anh

Xem kỳ 1: Cử tri và trách nhiệm công dân

Xem kỳ 2: Ứng cử viên và vận động tranh cử

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 358
  • Trong tuần: 3 570
  • Tất cả: 8753424

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn