Kỳ 2. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác – Lênin
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở vùng Nghệ Tĩnh – cái nôi của các phong trào yêu nước kháng Pháp, chứng kiến những thất bại cay đắng của các bậc tiền bối, chứng kiến cuộc sống nghèo khổ của người dân và tội ác của quân thù đã thôi thúc người thanh niên yêu nước ra đi tìm lời giải đáp.

Nguyễn Tất Thành rất khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một ai trong số các bậc tiền bối này. Người từng nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Rời bến cảng Nhà Rồng đi sang phương Tây ngày 5/6/1911 trên con tàu buôn mang tên Đô đốc Latouche Tréville. Vào năm 1923, khi gặp nhà thơ Nga nổi tiếng O. Mandenstan, Hồ Chí Minh cho biết: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Đối với chúng tôi,người da trắng nào cũng làngười Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Chính người xưa cũng đã từng đúc kết “không vào hang làm sao bắt được cọp”. Có lần, khi trả lời một nhà văn người Mỹ, Người cho biết: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Trong cuộc hành trình này, Người đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục và gần 30 nước. Dừng lại nước Mỹ, nơi có tượng nữ thần Tự Do vào năm 1912, Nguyễn Tất Thành đã đi sâu tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản tuyên ngôn nổi tiếng. Thế nhưng, đằng sau bộ mặt hoa lệ của thị thành, dưới chân tượng nữ thần Tự Do là cuộc sống cơ cực của những người cùng khổ, những nô lệ da đen. Căm giận trước những hành động phân biệt chủng tộc dã man này, sau này Người đã viết bài báo hành hình kiểu Linsơ. Trên hành trình tìm đường cứu nước gian khổ này, Nguyễn Tất Thành đã làm nhiều nghề để kiếm sống: từ nhận cào tuyết cho một trường học, làm thợ đốt lò; làm bồi bàn, phụ bếp v.v…

Có lẽ vì chứng kiến đời sống khổ cực của nhân dân các nước thuộc địa và ở ngay cả người dân chính quốc và bản thân cũng trải qua những ngày cơ cực nên Nguyễn Tất Thành sau này đã rút ra một chân lí: “Nhân dân lao động trên thế giới ở đâu cũng là bạn; chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù”. Từ nước Anh trở lại nước Pháp vào năm 1917 với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người đi sâu tìm hiểu về cách mạng tư sản Pháp, về công xã Pari năm 1871. Một sự kiện không chỉ gây chấn động toàn thế giới mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Ái Quốc: Cách mạng tháng Mười Nga thành công, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những người nô lệ đứng lên tự giải phóng cho mình. Nguyễn Ái Quốc đi sâu tìm hiểu cách mạng XHCN tháng Mười Nga. Để xây dựng tổ chức, Người đã tổ chức lại Hội những người Việt Nam yêu nước bao gồm rất nhiều những người Việt có uy tín trên đất Pháp. Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ trên khắp năm châu. Từ cổ vũ và thôi thúc của cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản – Quốc tế III do Lênin sáng lập ra đời. Một trong những sự kiện quyết định đến sự lựa chọn dứt khoát con đường của cách mạng Việt Nam đó là khi Nguyễn Ái Quốc được tiếp xúc với “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin. Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác hơn là con đường cách mạng vô sản. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào.

Tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin vĩ đại, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp diễn ra cuối năm 1920 thành phố Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc khi ấy tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và được mời phát biểu. Tại diễn đàn quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo những sự thật tàn bạo mà thực dân Pháp đã thi hành ở Đông Dương. Người kêu gọi Đảng Xã hội Pháp hãy hành động để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Đông Dương: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa…(…) Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!”. Chính tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây là bước ngoặt vĩ đại trong cuộc đời cách mạng của Người, bởi từ quyết định này, Người đã chuyển hẳn từ lập trường của chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản. Năm 1960, nhắc lại sự kiện này, Người đã viết “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”.

Xem kỳ 1:Tình cảnh của nước Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Trung Kiên

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 3 701
  • Tất cả: 8756767

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn