Bác Hồ và những năm Dần
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm Canh Dần (1890) và qua đời năm Kỷ Dậu (1969). Như vậy, trong cuộc đời 79 năm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua những năm Dần: 1890, 1902, 1914, 1926, 1938, 1950 và 1962. Nhân mùa xuân Nhâm Dần, cùng nhìn lại những năm Dần gắn với cuộc đời của một con người đã gắn chặt với lịch sử đất nước và dân tộc.

Năm Canh Dần (1890), tại Nam Đàn tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà Nho nghèo đã sinh ra một cậu bé Nguyễn Sinh Cung, người sau này trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá vào Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Nhân dân giành độc lập dân tộc và kháng chiến chống kẻ thù xâm lược thống nhất Tổ quốc. Là một nhà nho đỗ đại khoa (Phó bảng) năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901) nên cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đặt tên cho các con của mình với biết bao kỳ vọng: Tất Đạt (Nguyễn Sinh Khiêm), Tất Thành (Nguyễn Tất Thành).

Năm Nhâm Dần (1902), ở tuổi 12, lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, Nguyễn Tất Thành đã có tuổi thơ học và rèn luyện chữ Hán. Chắc hẳn trong giai đoạn này, Người tiếp tục học và rèn luyện Hán học. Kỳ thi Nho học đầu tiên của đất nước để tuyển chọn nhân tài diễn ra vào năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 triều Lý Nhân Tông (1075) và phải đến năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919) mới chính thức chuyển từ “bút lông sang bút sắt”. Vì vậy, có thể thấy Nguyễn Tất Thành đã có nhiều năm rèn luyện Hán học và tiếng Pháp ở trường học, nhất là những năm Người theo học tại trường tiểu học Pháp - Việt ở thành phố Vinh và trường Quốc học Huế. Năm 1909, Người theo cha đến Quy Nhơn và đã được cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi cho một người bạn là nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch) để học tiếng Pháp.

Năm Giáp Dần (1914), sau một thời gian ở Pháp, người qua Mỹ và một số nước để rồi đến Luân Đôn (Anh). Ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có những nghề rất vất vả như cào tuyết, đốt lò, phụ bếp cho khách sạn. Thế nhưng, dù phải miệt mài lao động kiếm sống, Nguyễn Tất Thành cũng miệt mài học tiếng Anh và tích lũy kiến thức cho mình.

Năm Bính Dần (1926), Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Trung Quốc với bí danh là Vương Đạt Nhân. Người được mời dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 Quốc dân đảng (Trung Hoa). Trong phát biểu tại đại hội, Người đã kêu gọi: “Tất cả các dân tộc bị áp bức hễ cùng bị chủ nghĩa đế quốc áp bức thì phải cùng nhau liên hiệp lại…Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta”. Trước đó, cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp để rồi tháng 2/1919 người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và ngày 18/6/1919, cùng Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường đã gửi tới hội nghị Versailles bản Yêu sách của Nhân dân An Nam. Năm 1920, sau khi đọc được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, từ đó Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin theo Lênin. Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sau một thời gian hoạt động ở Liên Xô, cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu (Trung Quốc) để thành lập tổ chức đầu tiên của những nhà cách mạng Việt Nam, đó là: Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội…

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12-1920. Ảnh: Tư liệu

Năm Mậu Dần (1938), là một trong những năm gian khổ trong cuộc đời Nguyễn Ái Quốc. Trước đó, vì quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng có khác nhau nên vai trò của Nguyễn Ái Quốc có lúc bị lu mờ. Tuy nhiên, tất cả diễn trình lịch sử cách mạng Việt Nam sau này đã chứng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của Người về đường lối của cách mạng Việt Nam mà thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là minh chứng rõ nét nhất. Đó là lý do mà gần đây, khi trả lời Đài Tiếng nói Việt Nam, Tiến sĩ Kobelep, một nhà nghiên cứu người Nga, người đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khắc phục được 3 sai lầm của những người Cộng sản Nga…

Năm Canh Dần (1950), là năm nhiều thành công của cách mạng Việt Nam. Năm này, Hồ Chí Minh tròn 60 tuổi và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn 5 tuổi. Cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân Việt Nam đã thu được nhiều thắng lợi lớn, đặc biệt là chiến thắng Biên Giới 1950. Trong chiến dịch Biên Giới, Hồ Chí Minh đã ra chiến dịch và Người lên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê. Trên đường ra chiến dịch, Người đã thăm ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong làm đường phục vụ chiến dịch và tặng thanh niên 4 câu thơ:

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”.

Chiến thắng Biên giới 1950 đã mở ra bước ngoặt quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát triển vượt bậc và chuyển từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950)

Cũng trong năm này, hai nước lớn bậc nhất trên thế giới là Liên Xô và Trung Quốc đã công nhận Việt Nam. Tiếp sau sự công nhận này, hàng loạt các quốc gia khác ở Đông Âu đã công nhận và thiết lập ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dịp này, Người đã ra lời tuyên bố gửi chính phủ tất cả các nước: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”.

Năm Nhâm Dần (1962), Bác Hồ 72 tuổi, cái tuổi mà “Nhân sinh thất thập cổ lai hi” (Đỗ Phủ). Đến năm này, sức khỏe của người đã bắt đầu suy giảm, thế nhưng đọc lại biên niên sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta thấy Người đã có những hoạt động liên tục không ngừng nghỉ: Người đi thăm và nói chuyện với thanh niên, Người về thăm Đền Hùng, thăm bà con nông dân, công nhân, đặc biệt Người đi thăm nhiều nước trên thế giới để tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của chính phủ và Nhân dân các nước đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Những năm cuối đời, Người lại đau đáu nỗi lo về dân, về Đảng, về vận nước, đặc biệt là lo lắng khi tình trạng mất dân chủ, tệ quan liêu, lãng phí, tham ô đã bắt đầu xuất hiện và báo hiệu những biểu hiện ngày càng phức tạp. Người yêu cầu mỗi đảng viên và chi bộ phải làm cho đúng, cho tốt: “Các đồng chí phụ trách chi bộ phải làm cho đúng, phải làm cho chi bộ vững. Trung ương có hội, có nghị, có quyết mà không hành là do mình không cương quyết. Phải có quyết tâm làm cho tốt”. Người cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Trong phiên họp Bộ Chính trị ngày 23/10/1962, Người đã phát biểu, nhấn mạnh rằng: “Cán bộ phải có trách nhiệm với dân, với nước; lên xuống không sao, đi đâu cũng được... Đâu cần thì cán bộ có, đâu khó thì cán bộ đến” v.v…

Bác Hồ thăm Đền Hùng lần thứ hai (19/8/1962). Ảnh TL

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: Một năm khởi đầu từ mùa xuân - Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Ra đi tìm đường cứu nước từ khi tuổi còn rất trẻ, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân Canh Ngọ (1930), lãnh đạo Nhân dân làm nên những mùa Xuân của đất nước. Mỗi dịp Xuân về, tưởng nhớ Bác Hồ để mỗi cán bộ, đảng viên tự ý thức trách nhiệm của mình trước đất nước và dân tộc.

Hồng Phúc

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 225
  • Trong tuần: 3 592
  • Tất cả: 8754523

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn