KHI “CHIẾN SĨ MỚI NHẬP NGŨ LÀ CỬ NHÂN”
Trước đây mỗi khi “mùa tuyển quân” đến, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương các cấp đều rất vất vả ngoài công tác chuyên môn của cơ quan quân sự tổ chức đăng ký, quản lý thanh niên trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, bên cạnh đó còn phải kết hợp với các ban, ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động thanh niên và gia đình về quyền và nghĩa vụ của thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Đa số thanh niên nhập ngũ đều là lao động phổ thông, trình độ không đồng đều, lên đường nhập ngũ theo lệnh gọi, chỉ một số rất ít thanh niên viết đơn tình nguyện. Đặc biệt, thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng đa phần đều có việc làm ổn định bên ngoài. Những năm gần đây, thanh niên tốt nghiệp đại học khi nhập ngũ vào môi trường quân đội đa phần được đào tạo và phát triển lâu dài trong quân đội. Vì vậy, tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp cao đẳng, đại học tình nguyện nhập ngũ ngày càng nhiều hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng để góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng quân đội.  

“Tiểu đội Cử nhân” trong giờ học đội ngũ

Trong mùa tuyển quân năm 2022, Trung đoàn 926-Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận và huấn luyện 63 chiến sĩ mới, có 7 thanh niên đã tốt nghiệp đại học, 3 cao đẳng và 1 trung cấp. Một “Tiểu đội đặc biệt”: đó là những kỹ sư, cử nhân vừa mới rời giảng đường các trường đại học, cao đẳng. Không một chút băn khoăn, đắn đo khi viết đơn tình nguyện nhập ngũ, họ háo hức khoác ba lô lên đường, mong muốn trải nghiệm ở một môi trường hoàn toàn mới lạ và nếu có điều kiện sẽ tiếp tục học tập và phát triển, phục vụ lâu dài trong quân đội…. đó là tâm sự của những chàng cử nhân nhập ngũ khi chúng tôi có dịp gặp gỡ qua gần một tháng nhập ngũ tại Trung đoàn 926.

 Là một Cử nhân ngành Quản trị văn phòng, vừa tốt nghiệp năm 2021, đồng chí Nguyễn Công Trạng, quê xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long không xin việc làm như bao thanh niên khác, mà viết đơn tình nguyện xin lên đường nhập ngũ và trở thành người đầu tiên có tên trong danh sách trúng tuyển ở địa phương. Ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước, Công Trạng không chút chần chừ tạm gác lại chuyện tìm việc làm để lên đường nhập ngũ, bởi theo Công Trạng thì đó cũng là cơ hội tốt để em trang bị, tích lũy “vốn sống” cho bước đường lập thân, lập nghiệp sau này. Như bao tân binh khác, những ngày đầu trong môi trường hoàn toàn mới lạ, Công Trạng cũng có chung tâm trạng bỡ ngỡ, lo lắng trước những chế độ sinh hoạt, giờ giấc chặt chẽ, kỷ luật của quân đội. Song với sự chín chắn, từng trải qua lối sống độc lập khi là sinh viên, anh nhanh chóng thích nghi, làm quen với môi trường mới. Băn khoăn lớn nhất, theo thổ lộ của anh là: “Em vốn là sinh viên, lâu nay chỉ quen với sách, vở, vào đây lại thay bằng súng, bệ bắn, lăn lê, bò trườn, không biết có đủ sức khỏe để vượt qua thời gian thử thách 3 tháng quân trường không”. Lo lắng của Công Trạng cũng dần được giải tỏa, khi cán bộ đảm nhận công tác huấn luyện là những người có kinh nghiệm, rất tâm lý, huấn luyện theo phương pháp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng… hơn nữa, nhờ tiếp thu nhanh, lại siêng năng rèn luyện, học hỏi nên sau gần 1 tháng nhập ngũ, trông anh đã ra dáng lính chuyên nghiệp, từ lễ tiết tác phong, xưng hô chào hỏi cho đến khả năng sử dụng, thao tác thuần thục các loại vũ khí…   

Nhập ngũ cùng đợt với Đồng Nguyễn Công Trạng, song nhìn bề ngoài chàng cử nhân Chính trị học Trần Tuấn Anh vẫn còn phảng phất nét thư sinh, dù đã trải qua gần một tháng trải nắng ngoài thao trường. Trần Tuấn Anh, sinh năm 1999, quê xã Thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, vừa tốt nghiệp xong, liền “khăn gói” lên đường không một chút do dự, suy tính. Ở một huyện có truyền thống cách mạng như Càng Long, khi mỗi gia đình cũng như bản thân thanh niên được gọi lên đường nhập ngũ xem đó là vinh dự, là niềm tự hào. Trần Tuấn Anh cho biết, anh rất tự hào vì được khoác lên mình màu xanh áo lính, anh đã dễ dàng vượt qua những bỡ ngỡ, lạ lẫm, vất vả trên thao trường và rất ý thức, tự giác rèn luyện, chấp hành nghiêm túc mọi chế độ, nội quy sinh hoạt trong quân ngũ. Mong ước của em là sau khi kết thúc nghĩa vụ, có cơ hội phục vụ lâu dài trong quân đội, đóng góp một phần nhỏ công sức của mình để phục vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ quê hương.

Còn đối với tân binh Lê Minh Sáng, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành thì lại là một trường hợp đặc biệt, cha, mẹ của Sáng đều là Trung tá cán bộ quân đội, hiện đang công tác trong ngành kỹ thuật. Sáng đang học năm thứ 2, ngành Công nghệ Thông tin tại Trường Đại học Trà Vinh. Nhận được lệnh khám tuyển và trúng tuyển. Mặc dù thuộc diện tạm hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự, song Lê Minh Sáng quyết định tạm “gác” việc học để làm tròn nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với đất nước. Sau khi nhập ngũ, Lê Minh Sáng toàn tâm toàn ý tập trung, phấn đấu để vượt qua thử thách 3 tháng quân trường. Thời gian 18 tháng phục vụ trong quân ngũ không phải là ngắn, nhưng cũng không quá dài. Vì vậy em tự hứa với bản thân phải cố gắng hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được phân công, khi có tuyển sinh quân sự em sẽ đăng ký dự thi để được phát triển và phục vụ lâu dài, nối nghiệp cha, mẹ trên con đường quân ngũ.

Riêng đối với chàng cử nhân Văn học, Lê Minh Nhựt, xã Đại Phúc, huyện Càng Long, anh vừa tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ với tấm bằng xuất sắc, nhưng anh không xin việc làm mà viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, theo anh cho biết: quyết định tạm gác lại việc tìm việc làm để lên đường nhập ngũ không chỉ hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu cần được rèn luyện thêm để trưởng thành hơn mà cao hơn là nhận thức, trách nhiệm rất đúng đắn về quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của người thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Khi em quyết định nhập ngũ, lúc đầu mọi người trong gia đình đều ngỡ ngàng. Nhưng em nghĩ, tuổi mình còn trẻ, con đường học hành còn dài và tương lai vẫn rộng mở. Trong khi đó, thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự chỉ hai năm, mình được rèn luyện tính kỷ luật, sống có nền nếp, cũng rất cần cho sự trưởng thành của bản thân sau này và nếu có điều kiện em sẽ chọn còn đường phát triển để trở thành sĩ quan trong quân đội.  

Theo Thiếu tá Nguyễn Phước Khôi-Chính trị viên Tiểu đoàn 501-Trung đoàn 926 cho biết: Trong năm 2022, đơn vị tiếp nhận huấn luyện 63 tân binh, trong đó tân binh có trình độ đại học, cao đẳng “vừa đủ biên chế thành một tiểu đội”. Với sự có mặt của những tân binh có trình độ cao thì đây là một tín hiệu đáng mừng, góp phần nâng cao chất lượng tân binh trong môi trường quân đội. Những năm tháng sinh viên, họ đã quen sống tự lập, xa gia đình nên ngay từ những ngày đầu mới về đơn vị các đồng chí này đã thể hiện rõ sự tự tin, chín chắn, trưởng thành hơn và nhanh chóng nắm bắt nhiệm vụ, tận tình giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng tiến bộ. Đặc biệt, họ tiếp thu về nhiệm vụ đơn vị rất nhanh, có kiến thức hiểu biết về pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị, luôn nêu cao tinh thần tự giác, tự học, tự rèn nên đây là điều kiện thuận lợi để công tác quản lý, huấn luyện, xây dựng đơn vị đạt kết quả cao. Tất cả những đồng chí tốt nghiệp đại học đều được chỉ huy đơn vị phân công kèm cặp, hướng dẫn các đồng chí yếu và họ đã phát huy tốt chức trách được giao. Và với đội ngũ tri thức này, trong môi trường quân ngũ, với kiến thức tiếp thu trên giảng đường cao đẳng, đại học, họ sẽ được đào tạo thành những hạt nhân nòng cốt, xung kích trong thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

                                                                                                          Hữu Hiệp

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 1462
  • Trong tuần: 25 139
  • Tất cả: 8727671

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn