THÔNG TIN VỀ TÌNH HÌNH NGA - UKRAINA

I. MỘT SỐ NÉT VỀ ĐẤT NƯỚC UKRAINE

Đất nước Ukraine có nhiều đặc điểm ấn tượng và lâu nay vẫn là một trong những điểm đến ưa thích của nhiều khách du lịch muốn tìm hiểu về lịch sử - văn hóa của châu Âu.

Về phương diện lịch sử, trước khi trở thành quốc gia đồng sáng lập Liên bang Xô viết và trở thành một nước cộng hòa theo thể chế xã hội chủ nghĩa nằm trong Liên bang Xô viết vào năm 1922, Ukraine vốn đã có bề dày lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến giành độc lập. Sau đó, tiếp tục trải qua 2 cuộc chiến tranh Thế chiến I, II...

Đến năm 1991, Liên Xô sụp đổ và Ukraine độc lập trở lại. Từ đó đến nay, Ukraine luôn thực hiện chính sách mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường. 

Về địa lý hành chính, Ukraine là một quốc gia thống nhất gồm 24 tỉnh, và hai thành phố đặc biệt không trực thuộc trung ương, gồm Kiev và Sevastopol. Đây là một nước theo thể chế cộng hòa bán tổng thống.

Ukraine là quốc gia lớn thứ 2 ở châu Âu với diện tích 603.700km2. Dân số của quốc gia này là 50 triệu người. Thủ đô và thành phố lớn nhất của Ukraine là Kiev. Các quốc gia láng giềng của Ukraine là: Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania, Belarus, Nga và Moldova. Về phía Nam Ukraine giáp với Biển Đen và Biển Azov. Nước này có vùng biển giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Georgia.

Ukraine là một quốc gia có hình thức quản lý dân chủ, đứng đầu là tổng thống được bầu trên toàn quốc. Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) là cơ quan lập pháp cao nhất, bao gồm 450 thành viên, được bầu theo nhiệm kỳ 4 năm theo nguyên tắc người thắng cử chiếm đa số trong tỷ lệ bỏ phiếu.

Ngày 24 tháng 8 năm 1991, Ukraine tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập. Trong nỗ lực xây dựng lại đất nước, Ukraine đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài và đặc biệt là khách du lịch.

Về du lịch, người dân Ukraine luôn mến khách và thân thiện, luôn vui vẻ đón tiếp các doanh nhân nước ngoài, khách nước ngoài, khách du lịch và sinh viên.

Người dân Ukraine giàu tài năng đã tạo ra những công trình kiến trúc tuyệt vời, nhiều di tích cả thế tục và tôn giáo, có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 có thể được nhìn thấy ở khắp các thị trấn và các thành phố của Ukraine. Nếu có cơ hội, hãy ghé thăm một số di tích lịch sử và thị trấn, nơi có vô số "kho báu du lịch" sẽ cho bạn biết về quá khứ và truyền thống tuyệt vời của đất nước này. Quá khứ lịch sử của Ukraine được phản ánh trong kiến trúc và bầu không khí của các thành phố. Ukraine sở hữu 7 di sản thế giới, bao gồm nhà thờ Thánh Sophia có từ thế kỷ 11 ở Kiev, thành phố cổ Chersonesus và những khu rừng nguyên sinh ở Carpathians.

Về văn hóa, sau khi Ukraine giành lại độc lập, những ý tưởng phục hưng văn hóa dân tộc đã kích thích quá trình dân chủ hóa trong lĩnh vực văn hóa, làm cho đời sống văn hóa ở các khu vực sôi động hơn. Mở rộng các mối quan hệ quốc tế đã trở thành một xu hướng tích cực.

Đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Ukraine rất đa dạng. Hệ thống trường học quốc gia, thư viện, phương tiện thông tin đại chúng, trung tâm khoa học, đài phát thanh và truyền hình, nhà hát và xã hội sáng tạo đang được phát triển. Ngôn ngữ của tất cả các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Ukraine đều được công nhận bình đẳng ở cấp nhà nước.

Ngày nay Ukraine là một trung tâm công nghệ cao theo định hướng quốc tế, với công nghệ giọng nói, điện tử vi mô, phát triển chip, công nghệ truyền thông và kỹ thuật di truyền là những ví dụ nổi bật. Nhờ hệ thống giao thông và liên lạc quốc tế, quốc gia này thực sự được xem là trung tâm của trung tâm Châu Âu.

Về ngôn ngữ, theo Hiến pháp Ukraine, ngôn ngữ nhà nước của Ukraine là tiếng Ukraine. Tiếng Nga, trên thực tế là ngôn ngữ chính thức của Liên xô, được sử dụng rộng rãi, đặc biệt tại phía Đông và phía Nam Ukraina.

Theo cuộc điều tra dân số năm 2001, 67,5% dân số tuyên bố tiếng Ukraine là tiếng mẹ đẻ và 29,6% tuyên bố là tiếng Nga. Đa số mọi người dùng tiếng Ukraine như tiếng mẹ đẻ và biết tiếng Nga như thứ ngôn ngữ thứ 2.

Ukraine có hệ thống giao thông hiện đại. Arsenalna tại Kiev là ga tàu điện ngầm sâu thứ hai thế giới với độ sâu 105,5 m dưới mặt đất. Độ sâu kỷ lục của ga Arsenalna được cho là do địa lý của Kiev. Lối vào nhà ga nằm trên đỉnh của một thung lũng dốc bên cạnh sông Dnepr có bờ cao nhô lên so với phần còn lại của thành phố. Để bắt một chuyến tàu tại ga này, hành khách phải đi xuống 2 thang cuốn, mất khoảng 5 phút.

Bên cạnh đó còn có hệ thông tàu điện, đường sắt, đường bộ hiện đại đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và khách du lịch.

(Pháp luật và bạn đọc tháng 2/2022)

 II. NHỮNG VẤN ĐỀ DẪN ĐẾN XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE

Tiền đề dẫn đến căng thẳng giữa Nga và Ukraine, đỉnh điểm là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở đông Ukraine sáng 24-2, không xảy ra trong một sớm một chiều. Đây là kết quả của tương tác chính trị giữa 2 nước trong suốt 30 năm qua.

Quãng đường 30 năm có thể chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài một thập niên với những sự kiện bước ngoặt riêng. Đài DW của Đức tóm tắt như sau:

Năm 1992 - 2003: Ukraine tách ra

Tháng 12-1991, các nhà lãnh đạo của Ukraine cùng với Nga và Belarus chốt thỏa thuận Belovezhskiy về việc thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đánh dấu sự tan rã của Liên Xô. Matxcơva hy vọng duy trì ảnh hưởng thông qua SNG và khả năng cung cấp khí đốt giá rẻ. Sau đó Nga và Belarus thành lập nhà nước liên minh, nhưng Ukraine ngày càng "trôi dạt" về phía phương Tây. 

Điện Kremlin không hài lòng, nhưng Ukraine khi đó thừa hưởng từ Liên Xô đội quân gần nửa triệu người và kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Kiev đồng ý giao hết tên lửa cho Nga để đổi lại đảm bảo an ninh (Bản ghi nhớ Budapest) và hỗ trợ kinh tế.

Mặt khác, phương Tây chưa có ý định thu nạp Ukraine về phe mình nên phản ứng của Matxcơva nhìn chung còn kiềm chế.

Thập niên đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã, kinh tế Nga còn yếu ớt, trong khi cuộc xung đột Chechnya khiến ngân khố cạn kiệt. Năm 1997, Nga ký "Hiệp ước lớn" chia tách hạm đội Biển Đen và công nhận biên giới Ukraine, trong đó bao gồm bán đảo Crimea.

Năm 2003 - 2013: Tình bạn rạn nứt

Khủng hoảng ngoại giao đầu tiên giữa Matxcơva và Kiev xảy ra dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Mùa thu 2003, Nga bất ngờ xây dựng một con đập ở eo biển Kerch hướng tới đảo Tuzla của Ukraine. Kiev xem đây là hành động phân chia biên giới.

Căng thẳng được tháo ngòi sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Việc xây dựng đập dừng lại, nhưng tình bạn đã xuất hiện vết rạn nứt đầu tiên.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2004, Nga ủng hộ ứng viên thân Kremlin là ông Viktor Yanukovich, nhưng nổ ra cuộc "Cách mạng cam" khiến ông này không được công nhận chiến thắng.

Chính trị gia thân phương Tây Viktor Yushenko trở thành tổng thống Ukraine. Chiến thắng của ông đánh dấu bước ngoặt thay đổi trong chính sách của Nga nhằm ngăn chặn các cuộc cách mạng màu mà Matxcơva cáo buộc do phương Tây giật dây.

Dưới thời ông Yushenko, Nga hai lần đóng van dẫn khí đốt qua Ukraine (năm 2006 và 2009) khiến châu Âu "lãnh đủ".

Sự kiện chính dẫn đến tình hình ngày nay xảy ra vào năm 2008. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, Tổng thống Mỹ George Bush cố gắng để Ukraine và Gruzia nhận được kế hoạch hành động chuẩn bị trở thành thành viên của liên minh.

Ông Putin phản đối gay gắt. Matxcơva tuyên bố không công nhận nền độc lập hoàn toàn của Ukraine. Kết quả là Đức và Pháp chặn kế hoạch của ông Bush. Hai nước Ukraine và Gruzia được hứa hẹn chỗ trong NATO nhưng chưa biết khi nào.

Đi đường quân sự không xong, Ukraine quay sang lộ trình hội nhập kinh tế thông qua một hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Mùa hè năm 2013, vài tháng trước ngày Kiev có khả năng ký kết văn kiện, Nga tung đòn kinh tế, gần như chặn biên giới không cho hàng hóa Ukraine xuất khẩu.

Đến mùa thu, chính quyền Tổng thống Yanukovich (lên nắm quyền năm 2010) tuyên bố ngừng việc ký hiệp ước với Brussels do áp lực từ Nga. Quyết định này gây ra làn sóng biểu tình lớn ở Ukraine khiến ông Yanukovich phải bỏ chạy sang Nga tị nạn tháng 2-2014.

Năm 2014 - 2021: Sáp nhập Crimea và chiến sự ở Donbass

Nhân lúc ở Kiev trống ghế quyền lực, tháng 3-2014 Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Cùng lúc này, quân đội Nga hậu thuẫn các lực lượng ly khai ở Donbass, miền đông Ukraine, dẫn đến sự thành lập của hai "nước cộng hòa nhân dân tự xưng" Donetsk và Lugansk.

Kiev phản ứng rất chậm, chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống vào cuối tháng 5, rồi mới quyết định mở chiến dịch quân sự lớn lấy lại lãnh thổ đã mất kiểm soát.

Đến cuối tháng 8, Kiev cáo buộc Nga tung quân đội quy mô lớn đến Donbass (Nga phủ nhận). Đỉnh điểm là các lực lượng Ukraine chịu thất bại ở Ilovaisk. Chiến sự chỉ kết thúc vào tháng 9 với việc các bên ký kết Thỏa thuận Minsk, nhưng lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm.

Đầu năm 2015, phe ly khai mở cuộc tấn công lớn, Kiev cáo buộc Nga triển khai quân đội không sắc phục trên lãnh thổ Ukraine. Sau vài thất bại quân sự của Kiev, Đức và Pháp làm trung gian cho các bên ký Thỏa thuận Minsk-2.

Năm 2021, Nga hai lần điều quân đến sát biên giới Ukraine vào mùa xuân và cuối mùa thu. Tháng 12, Tổng thống Putin lần đầu tiên ra tối hậu thư yêu cầu Mỹ và NATO không được kết nạp Ukraine và các nước Liên Xô cũ vào liên minh, và không được hỗ trợ quân sự. NATO từ chối.

Năm 2022: Nga công bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở đông Ukraine 

Ngày 21-2-2022, Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập của hai nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine. Các văn bản pháp lý nhanh chóng được Quốc hội Nga thông qua.

Đáng chú ý, ông Putin tuyên bố công nhận lãnh thổ của "Cộng hòa nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa nhân dân Lugansk" bao gồm cả tỉnh Donetsk và Lugansk của Ukraine, vốn rộng lớn hơn nhiều so với khu vực hiện do quân ly khai kiểm soát. Sáng sớm 24-2, nhà lãnh đạo Nga công bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" với mục đích "bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk"

                                                                     (Báo Tuổi trẻ Online, ngày 24/02/2022)

III. CĂNG THẲNG NGA- UKRAINE: BẢN CHẤT, NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỂN VỌNG

Ngày 24/2/2022, Hãng thông tấn TASS (Nga) đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine nhằm đáp lại lời đề nghị hỗ trợ bảo đảm an ninh của lãnh đạo hai nước Cộng hòa tự xưng Donestsk (DPR) và Lugansk (LPR).

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga, Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện nay, nhiều câu hỏi đang được dư luận hết sức quan tâm, đó là: bản chất của cuộc xung đột này là gì, tại sao lại xảy ra vào thời điểm hiện nay và chiều hướng của cuộc khủng hoảng ra sao?

1/- Bản chất của cuộc khủng hoảng

Vấn đề khủng hoảng Ukraine hiện nay bắt nguồn từ cuộc chính biến xảy vào đầu năm 2014, kéo dài đến nay đã 8 năm, vẫn chưa chấm dứt và ngày càng trở nên phức tạp. Đây không chỉ đơn giản là cuộc xung đột giữa lực lượng ly khai với sự hậu thuẫn của Nga và Chính phủ Ukraine ở miền Đông (Donbass) nước này, mà còn là cuộc xung đột giữa các nước lớn ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, như Nga, Mỹ, NATO; thậm chí, liên quan tới các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chiến sự giữa Nga và Ukraine năm 2022 có quy mô lớn hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2014 và được xem là cuộc xung đột lớn nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xuất phát từ một số lý do: Một là, cục diện chung trên thế giới đã thay đổi, với việc Mỹ theo đuổi các chính sách “Nước Mỹ trên hết”, “Nước Mỹ trở lại”; Trung Quốc thực hiện chiến lược “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, trong khi Nga hiện chưa có một chiến lược mang tính toàn cầu. Hai là, trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga V. Putin đã triển khai thành công, có hiệu quả nhiều chính sách cả về đối nội và đối ngoại, qua đó ổn định được hệ thống chính trị nội bộ, củng cố vị thế, mở rộng ảnh hưởng quốc tế và gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tuy nhiên, hiện nay, trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga, sự phục hồi ảnh hưởng của Nga vẫn chưa thể làm thay đổi cục diện chính trị thế giới. Ba là, đây là thời khắc hết sức quan trọng, được xem là một trong những thử thách đối với Tổng thống Nga V. Putin, khi chỉ còn chưa đầy hai năm là tới cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024, để tiếp tục từng bước khôi phục vị thế đất nước, giành lại vị trí quan trọng trên vũ đài quốc tế, chuyển từ cường quốc khu vực hướng đến tầm cỡ cường quốc toàn cầu.

2/- Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

2.1. Nguyên nhân sâu xa. Sau Chiến tranh lạnh, thế giới - nhất là khu vực châu Âu - Đại Tây Dương - tưởng chừng sẽ có được một nền hòa bình lâu dài và không còn đối đầu, nhưng ngược lại đã nhanh chóng chứng kiến những căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Mối quan hệ cạnh tranh nhiều hơn hợp tác, đôi khi đứng trước bờ vực đối đầu này đã chi phối mạnh mẽ việc tập hợp lực lượng mới, đồng thời tác động không nhỏ đến chiều hướng quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh trên thế giới, nhất là các quốc gia tầm trung và có vị trí địa - chiến lược quan trọng như Ukraine.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa Nga và NATO cũng lâm vào khủng hoảng. Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea (năm 2014) - nơi có quân cảng chiến lược Sevastopol - NATO đã đình chỉ quan hệ “đối tác vì hòa bình” với Nga, coi Nga là mối đe dọa đối với an ninh khu vực châu Âu. NATO cho rằng, Nga “vi phạm luật pháp quốc tế” khi trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ lực lượng ly khai ở Ukraine, sáp nhập lãnh thổ của một nước có chủ quyền vào Nga. NATO tăng cường trợ giúp Ukraine về huấn luyện và cung cấp các trang thiết bị vũ khí hiện đại; đe dọa thắt chặt các biện pháp cấm vận kinh tế ngặt nghèo đối với Nga trong trường hợp Nga tấn công Ukraine; đồng thời, kêu gọi Nga “xuống thang” và triển khai hàng loạt bước đi để ngăn chặn Nga tấn công Ukraine.

Thế nhưng, điều bất ngờ nhất đối với NATO kể từ sau năm 2014 là Nga đã giành quyền chủ động hành động, cũng như ngày càng cảnh giác và quyết đoán hơn trước bất kỳ động thái nào của NATO. Nga coi việc “NATO Đông tiến” là đường lối lâu dài, là thách thức từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, đào sâu sự mất cân bằng chiến lược Nga - NATO. Nga quan ngại việc không có thành viên NATO nào phê chuẩn Hiệp ước về vũ khí thông thường châu Âu (CFE). Theo quan điểm của Nga, tình hình này còn tồi tệ hơn do Mỹ bố trí hệ thống tên lửa phòng thủ tại Ba Lan và Séc, vi phạm sự ổn định chiến lược. Nga quy kết NATO thúc đẩy cuộc “cách mạng màu” bên trong không gian hậu Xô-viết. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào hầu hết các cơ chế hợp tác giữa Nga và NATO, từ đấu tranh chống buôn lậu ma túy cho đến chống khủng bố... Các hoạt động quân sự (tập trận, tăng thêm quân, chiến tranh thông tin…) được Nga và NATO triển khai ở mức mạnh nhất, càng khoét sâu thêm căng thẳng giữa hai bên. Hai bên đều xem nhau như mối đe dọa đầu tiên và thi hành các biện pháp thích hợp. Các vụ va chạm trên không và trên biển, khả năng khó phá băng khủng hoảng tại vùng Donbass cùng nhiều vấn đề khác đã khiến mối quan hệ Nga - NATO tiếp tục leo thang căng thẳng kèm theo nhiều rủi ro xảy ra xung đột bùng phát tại chỗ.

Như vậy, có thể thấy nổi lên hai mâu thuẫn đối kháng khó giải quyết: Một là, mâu thuẫn giữa việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, kiểm soát cũng như khống chế các hoạt động quân sự và dân sự của Ukraine ở Biển Đen với việc Mỹ cùng đồng minh muốn ủng hộ Ukraine lấy lại bán đảo này, đẩy hạm đội Biển Đen của Nga ra khỏi Biển Đen. Hai là, mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh NATO. Cụ thể, Nga muốn giành lại vị trí quan trọng trên vũ đài quốc tế, vươn lên tầm cường quốc toàn cầu, khiến thế giới phải thay đổi cách nhìn về vị thế quốc tế mới của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong khi đó, Mỹ và NATO muốn đưa Ukraine vào quỹ đạo kiểm soát của họ và việc “phương Tây hóa Ukraine” sẽ có tác dụng giúp thúc đẩy “cách mạng màu” xảy ra bên trong chính nước Nga, góp phần làm suy giảm sức mạnh tổng hợp của Nga.

2.2. Nguyên nhân trực tiếp.

Thứ nhất, cuộc xung đột giữa chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai Donbass (bao gồm DPR và LPR) do Nga hậu thuẫn gia tăng, nhất là sau tháng 10/2021, khiến tiến trình đàm phán hòa bình theo Thỏa thuận Minsk 2 - giải pháp duy nhất đối với cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine - khó đạt được kết quả. 

Thứ hai, Mỹ và NATO không chỉ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nhất là sau giai đoạn Mỹ rút quân khỏi Afghanistan (tháng 9/2021), khi Mỹ và đồng minh còn dư nhiều vũ khí, đạn dược (được dự kiến chuyển giao cho chính quyền thân Mỹ ở Afghanistan), mà còn triển khai tên lửa tầm trung và lực lượng quân sự trên lãnh thổ NATO - Đông Âu hướng tới Nga. 

Thứ ba, đáp lại những động thái đó, Nga đã triển khai trên 100.000 quân dọc biên giới trên bộ giáp với Ukraine, khu vực bán đảo Crimea, đồng thời tập trung quân đội ở nước láng giềng Ukraine là Belarus với danh nghĩa tập trận chung, cũng như phái 6 tàu chiến hiện đại tiến vào Biển Đen.

 Thứ tư, Mỹ và đồng minh NATO không đáp ứng bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm của Nga gửi tới Mỹ và NATO vào giữa tháng 12/2021, với bốn nội dung cốt lõi: 1) NATO không kết nạp Ukraine và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG); 2) Loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi châu Âu; 3) NATO rút toàn bộ quân đội hoặc vũ khí được triển khai tới các quốc gia tham gia liên minh về thời điểm trước năm 1997, bao gồm các nước như Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia; 4) Không tiến hành tập trận tại các nước gần lãnh thổ của Nga.

Những điều này được cho là đã đẩy căng thẳng giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh NATO lên đỉnh điểm thành cuộc xung đột quân sự mà chiến trường là Ukraine.

 2.3/- Những toan tính của các bên

 Đối với Nga, “chiến dịch quân sự đặc biệt” năm 2022 được xem là “trận đánh chiến lược” của Tổng thống Nga V. Putin, do đó Nga chấp nhận đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả việc sẵn sàng chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo, kéo dài của Mỹ và phương Tây. Nga cũng hiểu rất rõ, chiến tranh sẽ tạo thêm một gánh nặng mới đối với nền kinh tế Nga vốn bị ảnh hưởng nhiều do Nga là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã đưa ra thông báo, Nga có đủ nguồn lực tài chính cho sự ổn định của hệ thống trước các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.

Mục tiêu của Nga khi phát động chiến dịch quân sự lần này, bao gồm: 1) Ngăn chặn phương Tây giành lại bán đảo Crimea; 2) Tạo sức ép đối với phương Tây và Ukraine thực hiện Thỏa thuận Minsk 2 theo cách của Nga; 3) Cơ cấu lại an ninh khu vực châu Âu, trong đó an ninh của Nga phải được tôn trọng và bảo đảm; 4) Thúc đẩy Đức và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”; 5) Củng cố nhà nước liên minh giữa Nga và Belarus vừa được khởi động sau 20 năm không có nhiều tiến triển. 

Theo đánh giá chung, hiện nay, Nga có nhiều thuận lợi trong việc mở chiến dịch quân sự: 1) Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, song kinh tế Nga đã tăng cường được tính tự chủ, chủ động thích ứng, vượt qua thời điểm khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Tính đến tháng 8/2021, Quỹ Tài sản quốc gia Nga có nguồn vốn vào khoảng 185 tỷ USD và dự trữ ngoại tệ ở mức 615 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nga cũng được dự báo là quốc gia sẽ hồi phục nhanh hơn các nước lớn khác sau đại dịch COVID-19 do đã thích nghi tốt với tình trạng bị cấm vận, cô lập từ năm 2014 đến nay; 2) Căng thẳng leo thang đẩy giá dầu mỏ tăng cao, đang tạo lợi thế cho Nga; 3) Cán cân quyền lực và cục diện thế giới tiếp tục có sự dịch chuyển nhanh từ Tây sang Đông, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ cùng với việc Nga đẩy mạnh chính sách đối ngoại ưu tiên hơn trong quan hệ với Trung Quốc, đã góp phần củng cố vị thế của Nga với vai trò là một trong những nhân tố “cân bằng chiến lược” quan trọng hàng đầu mà cả Mỹ và Trung Quốc đều cần tranh thủ; 4) Cuộc khủng hoảng Ukraine buộc các nước phải quay trở lại Thỏa thuận Minsk 2; 5) Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng tiếp tục làm bộc lộ rõ những mâu thuẫn trong nội bộ NATO và EU hiện nay; đồng thời, tạo sức ép buộc Mỹ và phương Tây phải đàm phán với Nga về những vấn đề lớn hơn liên quan đến an ninh châu Âu.

Trên cơ sở đó, Tổng thống Nga V. Putin đã triển khai được 5 bước đi lớn: 1) Gia tăng sự hiện diện quân sự tại Ukraine và gây ảnh hưởng lên các nước vùng Baltic; 2) Phô trương được sức mạnh quân sự cùng một lúc trên tất cả các mặt trận; 3) Cộng hưởng với Trung Quốc trong cuộc đua với Mỹ tiến tới vị trí trung tâm của vũ đài quốc tế; 4) Gửi tới Mỹ và NATO bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm với các điều kiện tiên quyết, trong đó nêu rõ những quan ngại về an ninh của Nga; 5) Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao con thoi để trao đổi với các nước. Những động thái này góp phần bảo vệ và củng cố thể chế của nước Nga, nhất là vị thế, uy tín của Tổng thống Nga V. Putin. Trong khi đó, thực tế cho thấy, các nước phương Tây và NATO thiếu sự quyết đoán khi đối mặt với những mối đe dọa hiện hữu.

Đối với Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gặp không ít khó khăn, thách thức cả trong nước và ngoài nước. Ở trong nước, chính trị nội bộ Mỹ mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc, nhất là sau cuộc bạo loạn xảy ra ở tòa nhà Quốc hội vào ngày 6/1/2021. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống của nước Mỹ. Ở ngoài nước, mặc dù vẫn là siêu cường số 1 thế giới với sức mạnh vượt trội song khoảng cách sức mạnh của Mỹ so với Trung Quốc đang tiếp tục bị thu hẹp. Nhiều lợi ích chiến lược của Mỹ đang bị thách thức. Hệ thống đồng minh, đối tác có sự rạn nứt nhất định sau nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donal Trump khiến các nỗ lực của Mỹ trong xử lý những vấn đề toàn cầu gặp nhiều khó khăn…

Tuy nhiên, việc thúc đẩy leo thang một cuộc khủng hoảng mới được cho là sẽ giúp Mỹ trở lại vị thế chi phối và vai trò lãnh đạo thế giới, ngăn chặn, đối phó với thách thức gia tăng từ các đối thủ chiến lược và các thách thức an ninh khác; khôi phục và củng cố hệ thống đồng minh, đối tác; định hình trật tự thế giới mới dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị chung.

Mục tiêu của Mỹ trong cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine là: 1) Làm suy giảm sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga; 2) “Phương Tây hóa Ukraine”, lôi kéo các nước có xu hướng thân Nga “đoạn tuyệt” với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây; 3) Củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương; 4) Tranh thủ cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine leo thang để khiến các nước châu Âu phụ thuộc hơn nữa vào Mỹ về mặt quân sự, an ninh, kinh tế và năng lượng; 5) Có lý do chính đáng để ngăn chặn Đức phê duyệt dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Đối với Ukraine, nước này vốn được coi là “nạn nhân” trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, nhưng lại mong muốn gia nhập NATO và EU. Ukraine cho rằng, việc gia nhập NATO “không gây ảnh hưởng đến an ninh của Nga”. Chính vì vậy, ngay sau khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục: 1) Khẳng định quyết tâm gia nhập NATO và đẩy mạnh cải cách lực lượng vũ trang theo tiêu chuẩn NATO; 2) Tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, với việc gia tăng chi phí và đẩy mạnh thử nghiệm các loại tên lửa mới ; 3) Duy trì các cuộc tập trận quân sự chung với NATO nhằm nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng giữa quân đội Ukraine với quân đội các nước thành viên NATO; 4) Tiến hành sửa chữa, cải tiến và hiện đại hóa các loại vũ khí, khí tài cũ để trang bị cho lực lượng quân đội; 5) Mua vũ khí sát thương của các nước phương Tây.

Trong khi đó, NATO lại tỏ ra khá thận trọng trước viễn cảnh Ukraine gia nhập tổ chức này. Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ukraine đã xin gia nhập NATO từ năm 2008 và NATO đang xem xét, chưa kết nạp Ukraine, với lý do theo Điều 6 Hiến chương NATO, về mặt kỹ thuật, Ukraine hiện chưa đủ điều kiện để gia nhập NATO. Tuy nhiên, cũng như Mỹ và các nước phương Tây, NATO cho rằng, tất cả quốc gia độc lập, có chủ quyền như Ukraine, có thể xin gia nhập không chỉ NATO mà bất kỳ tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự hay ngoại giao nào phù hợp với lợi ích quốc gia của Ukraine.

Thế nhưng, theo Điều 5 Hiến chương NATO - một nguyên tắc sáng lập của NATO về phòng thủ tập thể - bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh… Mỗi thành viên, với quyền tự vệ cá thể hay tập thể chính đáng theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc, sẽ hỗ trợ một bên hoặc các bên. Như vậy, nếu Ukraine trở thành một phần của NATO, các nước thành viên có nguy cơ phải tham gia đối đầu trực tiếp với Nga. Đây là điều mà dường như không một quốc gia nào trong NATO mong muốn.

Triển khai chính sách đối ngoại thân phương Tây, Ukraine đặt mục tiêu có thể gia nhập NATO và EU, giúp Ukraine bảo toàn lãnh thổ, lấy lại bán đảo Crimea và các vùng ly khai ở khu vực Donbass. Tuy nhiên, cả Ukraine và phương Tây đều bất ngờ khi cho rằng, khả năng Nga sẽ tiến hành “một cuộc chiến tranh toàn diện” như hiện nay là không cao.

3/- Dự báo chiều hướng của cuộc khủng hoảng

Trước quan ngại Nga sẽ phát động “một cuộc chiến tranh tổng lực” tấn công, cuối tháng 10/2021, Ukraine đẩy mạnh triển khai một lực lượng lớn quân đội dọc khu vực giáp Donbass khiến Nga tin rằng Ukraine sắp mở cuộc tấn công quân sự chống lại lực lượng thân Nga tại khu vực này. Cùng với đó, phản hồi của Mỹ và NATO liên quan đến các đề xuất an ninh của Nga được Nga cho là không thỏa đáng và đang “bị xem nhẹ”, trở thành “giọt nước tràn ly” khiến Nga phản ứng quyết liệt hơn.

Ngày 22/2/2022, Nga chính thức ra tuyên bố xác nhận biên giới của hai vùng lãnh thổ ly khai Ukraine, bao gồm DPR và LPR mà Nga đã công nhận độc lập trước đó. Tiếp đó, ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố bắt đầu một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine và bảo vệ người dân ở khu vực Donbass. Nga khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào kết cấu hạ tầng quân sự, không tấn công kết cấu hạ tầng dân cư, đồng thời cảnh báo NATO không can thiệp vào hành động của Nga. Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh: “Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra những hành động quyết định và ngay lập tức”.

Hiện nay, nhiều nhà phân tích cho rằng, có khả năng Nga sẽ kiểm soát Thủ đô Kiev và thành lập một chính phủ thân Nga để điều hành đất nước Ukraine. Đồng thời, lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu sẽ được triển khai trên toàn lãnh thổ Ukraine để trợ giúp chính quyền mới của Ukraine. Đây sẽ là cơ sở để Nga có thể thiết lập một liên minh mới, bao gồm Nga, Belarus và Ukraine, hiện thực hóa một phần mục tiêu trở thành cường quốc trên thế giới, cũng như xác lập lại cấu trúc an ninh châu Âu vốn đang do Mỹ và phương Tây chi phối. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu đó trong bối cảnh cán cân quyền lực và tình hình thế giới tiếp tục có sự dịch chuyển nhanh, phức tạp, khó dự báo như hiện nay, được cho là điều không dễ.

Nhìn chung, những tham vọng chính trị, những ý đồ, tính toán từng bước của các bên được định hình rõ nét hơn trong chính bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang căng thẳng. Hơn bao giờ hết, đó là yếu tố khiến cuộc xung đột trở nên khó đoán định. Tuy nhiên, ngày 27/2/2020, việc Ukraine đồng ý tham gia đàm phán với Nga tại Belarus và các vòng đàm phán tiếp theo, đã dấy lên tia hy vọng có thể sớm chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga đang diễn ra căng thẳng trên đất nước này.

(PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine kiêm nhiệm tại Moldova (2017 - 2020) (Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Nam Định, ngày 9/3/2022)

 IV. AI HƯỞNG LỢI TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG NGA- UKRAINE?

  Liệu truyền thông quốc tế có đang quá đà khi đồng loạt tuyên truyền Nga âm mưu xâm lược Ukraine? Hàng loạt cuộc gặp gỡ, điện đàm Nga-Mỹ, Nga-phương Tây, Mỹ-phương Tây trong tuần qua nhằm tìm ra biện pháp hạ nhiệt căng thẳng của cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa đem lại bất cứ hiệu quả tức thì nào.

Vậy liệu có phải Nga-Ukraine đang bên bờ vực chiến tranh? Ai là người “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến xung đột Nga-Ukraine leo thang? Ai được lợi và bên nào chịu thiệt hại trong cuộc xung đột này? 

Nga chắc chắn là quốc gia không muốn gây xung đột với Ukraine. Bởi điều đó gây bất ổn cho chính nội tại nước Nga. Nếu chiến tranh xảy ra, Nga sẽ phải tiêu tốn khá nhiều chi phí cho cuộc xung đột này và chắc chắn sẽ phải gánh chịu thêm các biện pháp trừng phạt khốc liệt của Mỹ và phương Tây. Trường hợp căng thẳng với Ukraine tiếp tục duy trì như hiện nay, Nga vẫn phải hao tâm tốn của và chịu bất ổn ở khu vực biên giới với Ukraine. Lâu dài, việc này sẽ làm xói mòn tiềm lực kinh tế-chính trị-quân sự Nga, từng bước làm suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế.

Mỹ, với chiêu bài kích động xung đột leo thang, một mặt liên tục tố cáo Nga có thể xâm lược Ukraine “vào bất kể lúc nào”, một mặt kích động các bên liên quan tuyên chiến với Nga thông qua hàng loạt động thái như: Sẵn sàng hậu thuẫn cho chính quyền Ukraine và các nước Đông Âu bằng cách viện trợ vũ khí và điều binh lính tới khu vực này, ra lệnh sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ tại Ukraine như thể chiến tranh sắp xảy ra... Cùng với đó, các phương tiện truyền thông của Mỹ và phương Tây cũng không quên liên tục đẩy mạnh tuyên truyền âm mưu xâm lược Ukraine của Nga, dù các nguồn tin đều chỉ dẫn lời quan chức Mỹ mà không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào.

Xét từ nhiều phương diện, dù xung đột Nga-Ukraine có leo thang thành chiến tranh hay không, thì Mỹ vẫn có thể “ngư ông đắc lợi”.

Trong trường hợp các biện pháp ngoại giao có thể hạ nhiệt căng thẳng, Mỹ sẽ tạo dựng được uy tín với vai trò hòa giải xung đột. Thậm chí, không loại trừ khả năng Mỹ có thể thỏa thuận các biện pháp hạ nhiệt với Nga, lùi một bước để Nga giữ yên được khu vực biên giới với Ukraine. Đổi lại, Nga có thể nhượng bộ Mỹ trong giải quyết các vấn đề quốc tế khác, nhất là vấn đề liên quan đến “chảo lửa” Palestine-Israel ở Trung Đông. Israel là đồng minh lâu năm của Mỹ và một thực tế không thể phủ nhận là giới tài phiệt và chính trị gia Mỹ gốc Do Thái-ở mức độ nào đó-có vai trò lớn trên chính trường Mỹ. Hỗ trợ đồng minh Israel trong cuộc xung đột ở Trung Đông chính là một cơ hội mà Tổng thống Joe Biden cũng như Đảng Dân chủ cầm quyền cần tận dụng để giành lấy lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Do Thái trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. 

Trường hợp chiến tranh xảy ra, Nga sẽ phải tiếp tục gánh chịu các biện pháp trừng phạt khốc liệt hơn từ Mỹ và các nước phương Tây, khiến sức mạnh kinh tế và quân sự của Nga suy giảm. Từ đó Mỹ rảnh tay để đối phó với một thế lực lớn mạnh đang đe dọa soán ngôi “bá chủ” của Mỹ: Trung Quốc. Chưa kể, dự án đường ống dẫn khí đốt Phương Bắc 2 từ Nga sang châu Âu sẽ bị đình trệ và đương nhiên Mỹ sẽ nhân cơ hội đó nắm quyền chi phối châu Âu một khi EU buộc phải phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Mỹ. Thế giới cũng không lạ gì câu chuyện: Đối với Mỹ, bất kể cuộc xung đột vũ trang nào cũng là cơ hội cho “tay phe vũ khí thượng thặng” này kiếm chác khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán vũ khí cho các bên tham chiến. 

Thực tế, dù viện trợ vũ khí cho Kiev, chính quyền Mỹ từng tuyên bố sẽ không đưa quân đến Ukraine và mặc dù liên tục “xúi nguyên giục bị”, rốt cục chưa chắc Mỹ đã đồng ý để Ukraine gia nhập NATO, bởi khi đó Mỹ sẽ phải hỗ trợ nhiều hơn, tiêu tốn nhiều tiền của hơn cho một đồng minh vốn không đem lại nhiều lợi lộc cho nước Mỹ.  

Bên cạnh đó, căng thẳng Nga-Ukraine cũng là cơ hội cho các lãnh đạo một số nước phương Tây ghi điểm trong mắt công chúng. Chẳng thế mà các cuộc ngoại giao con thoi của các lãnh đạo EU nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine diễn ra với tần suất dày đặc thời gian qua. Tổng thống Pháp Macron cần tận dụng cơ hội này để tỏ rõ vai trò đầu tàu EU khi Pháp đang là Chủ tịch luân phiên Hội đồng liên minh châu Âu và chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 tới. Thủ tướng Đức Scholz vừa mới nhậm chức chưa lâu và cũng cần chứng tỏ năng lực dẫn dắt của nền kinh tế lớn nhất EU trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Thủ tướng Anh Johnson lại cần ghi điểm trong vấn đề ngoại giao khi chính quyền của ông đang vướng vào hàng loạt bê bối trong nước khiến chiếc ghế thủ tướng bị lung lay.   

Những tham vọng chính trị, những ý đồ mưu lợi từng bước được định hình rõ nét hơn chính trong bối cảnh căng thẳng leo thang của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hơn bao giờ hết, đó là yếu tố khiến cuộc xung đột trở nên rối rắm và khó đoán định.

                                                           (Báo Quân đội nhân dân, ngày 13/02/2022)

V. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ TÌNH HÌNH NGA - UKRAINE

- Thông tin, tuyên truyền chú trọng, đề cao hoà bình, vai trò của giải pháp chính trị hoà bình, hoà giải và đàm phán trong giải quyết các tranh chấp; vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế; tinh thần đoàn kết quốc tế, nhân đạo, nhân văn.

- Không trích dẫn thông tin thiếu kiểm chứng, không sử dụng các từ ngữ không phù hợp, các từ ngữ mang tính chỉ trích, tiêu cực về các bên liên quan, về lãnh đạo các nước.

- Tuyên truyền cần khẳng định: Trong tình hình phức tạp hiện nay tại Ukraine, với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan. Điều này được thể hiện trong Công điện số 201/CĐ-TTg ngày 26/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine.

          - Khẳng định tính đúng đắn, vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong việc xác định và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và Luật pháp quốc tế, trong việc giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định và phát triển đất nước. Từ đó, khẳng định tính nhất quán, phù hợp trong các chủ trương, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình tại Ukraine.

Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế.

Trong ngày 1-3, ngày thứ hai của phiên họp đặc biệt do Liên Hiệp Quốc tổ chức về tình hình Ukraine - hơn 100 nước và các tổ chức đã phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm về vấn đề quan trọng này. Tại đây, Việt Nam lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại và bảo vệ người dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - chia sẻ từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của chính mình, Việt Nam thấy rằng chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Về tình hình Ukraine, đại sứ bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng.

Theo đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang hoan nghênh cuộc đối thoại ngày 28-2 giữa hai phái đoàn Ukraine và Nga và mong muốn các bên liên quan tiếp tục duy trì đối thoại, hướng tới giải pháp nêu trên.

Bên cạnh đó, ông Giang nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường.

Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.

                        (Tuổi trẻ Online, ngày 15/3/2022)

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 191
  • Trong tuần: 3 878
  • Tất cả: 8756944

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn