Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Gặp gỡ đồng chí Bùi Quang Huy, Nhà lãnh đạo, nhà báo lão thành hết mình vì sự nghiệp báo chí
Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), chúng tôi có dịp gặp gỡ với đồng chí Bùi Quang Huy nhà lãnh đạo và cũng là nhà báo lão thành cách mạng có những đóng góp rất lớn cho báo chí ở Trà Vinh từ trong kháng chiến cho đến hôm nay. Hơn nửa thế kỷ, đồng chí vẫn miệt mài viết vì ông luôn xem tác phẩm báo chí là vũ khí sắc bén trong chiến tranh và là động lực phát triển trong thời bình.

Đồng chí Bùi Quang Huy (bìa phải), nguyên UVBCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh trò chuyện với BTV Đài PT&TH Trà Vinh 

Đồng chí Bùi Quang Huy tên thật là Bùi Vĩnh Sanh, sinh năm 1941 tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí được biết đến là nhà lãnh đạo của Đảng, là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa VII - VIII và IX, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh (1992 - 2000), Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (2001 - 2003), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (2003 - 2006) và là một nhà báo đầy trách nhiệm, luôn lúc nào cũng tận tụy trên từng trang viết. 

Đồng chí Bùi Quang Huy cho biết ngay từ khi theo cách mạng vào năm 1960 cho đến khi đất nước giải phóng, đồng chí được phân công công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh và có chặng đường dài gắn bó với báo chí. Giai đoạn 1965 - 1970, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn và được phân công phụ trách Báo Anh Dũng, đến giai đoạn 1970 -1975 là Phó Ban trực Ban Tuyên huấn và là Tổng biên tập của tờ báo này. Năm 1976, khi tỉnh Trà Vinh sáp nhập với tỉnh Vĩnh Long thành lập tỉnh Cửu Long đồng chí vẫn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long phân công phụ trách báo chí. Là người tâm huyết và nhiều năm gắn bó với báo chí nên năm 1985, lúc ấy đồng chí là Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long nhưng vẫn được giới thiệu bầu giữ chức vụ Thư ký Hội Nhà báo (nay là Chủ tịch Hội Nhà báo) tỉnh Cửu Long, tại Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 1985 - 1990 để tập hợp, động viên, lãnh đạo định hướng cho đội ngũ nhà báo làm công tác báo chí trong tỉnh. Đồng chí luôn nhận thức, báo chí là vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù và đồng thời cũng là nơi để vận động, tập hợp và tổ chức các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như quá trình kiến thiết, xây dựng đất nước. Chính vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, đồng chí Bùi Quang Huy luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp phát triển báo chí.

Tác phẩm của đồng chí Bùi Quang Huy, bút danh Bùi Nhất Chi

Ngoài công tác lãnh đạo, đồng chí Bùi Quang Huy còn là nhà báo, nhà báo nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Đến nay, đồng chí đã viết hơn 200 tác phẩm báo chí, văn học (với bút danh Bùi Quang Huy, Bùi Nhất Chi); điều đó cho thấy đồng chí dành tình yêu cho lĩnh vực này là quá lớn và vai trò của nó cũng rất quan trọng, hỗ trợ cho suốt quá trình làm lãnh đạo của mình. “Trong chiến tranh, những bài viết góp phần cổ vũ cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Trong thời bình cũng thế, việc sáng tác văn học, hay viết báo đều phản ảnh thực tiễn sinh động xã hội, nêu những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, đồng thời cũng để phê phán, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, yếu kém. Mặt khác, viết đã cho tôi vốn sống, thâm nhập thực tế để tập hợp đội ngũ, tập hợp quần chúng. Viết cũng là để mình nghiên cứu, mình hiểu được tình hình, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng” - đồng chí Bùi Quang Huy chia sẻ. Với một nhà lãnh đạo bộn bề công việc, nhất là những ngày sau giải phóng phải xây dựng lại quê hương nhưng ông vẫn viết được khối lượng tác phẩm lớn như vậy thì nó đã vượt quá sức tưởng tượng của nhiều người. Những tác phẩm báo chí và văn học của đồng chí Bùi Quang Huy đã được tập hợp và in trong gần 10 đầu sách, tiêu biểu là các quyển: Niềm tin thắng lợi, Hòa Bình, Con đường phía trước, Ân tình xin gửi lại, Bến đợi, Duyên nợ Đồng bằng, Còn lại với thời gian....và ông chủ biên hàng chục đầu sách khác.

Trong số hơn 200 tác phẩm đã được in thì có đến 70% là tác phẩm báo chí và thể loại bút ký được xem là thế mạnh của đồng chí Bùi Quang Huy. Đồng chí đã ghi lại từng chặng đường với những gì mình đã chứng kiến trên những vùng đất đã đặt chân đến, những con người đã gặp. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông viết một cách tường tận về những ngày đầu theo cách mạng, cùng đồng đội qua lộ, vượt bưng, băng rừng...đến với những trận đánh ác liệt nhất. Những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đã gieo rắc đau thương trùm phủ lên xóm làng khiến đồng chí cảm thấy xót xa, phẫn uất. Nhưng trong đau thương mất mát ấy, tình đồng chí, nghĩa đồng bào càng thắt chặt hơn. Tình cảm của các mẹ, của nhân dân không quản ngại hy sinh chỡ che, đùm bọc cho lực lượng kháng chiến qua ngòi bút của ông rất xúc động với người đọc.

Giai đoạn sau chiến tranh ông viết nhiều hơn, đó là những bài viết về giai đoạn “hậu chiến” kiến thiết lại đất nước. Đó là sau ngày đất nước giải phóng, ông cùng đồng chí, đồng bào vượt qua thách thức trên mặt trận không tiếng súng để chống lại đói nghèo, lạc hậu. Nhất là lúc, đồng chí nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy khi tỉnh Trà Vinh tái lập, dấu chân ông dường như in trên khắp nẻo, nhất là những “điểm nóng” có đói nghèo, lạc hậu. Mỗi bước đi lên của tỉnh nhà, những sự kiện quan trọng đều được đồng chí viết thành những tác phẩm đăng trên các báo Trung ương và địa phương thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn và những định hướng của người lãnh đạo.

Với “quê hương mới” Cà Mau, đồng chí có ba năm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ. Trong ba năm sâu nặng nghĩa tình ấy, đồng chí đã viết đến 60 bài viết gồm nhiều thể loại: tùy bút, bút ký, ghi chép...đăng trên các báo, tạp chí địa phương và Trung ương và được tập hợp trong quyển sách Ân tình xin gửi lại. Dù không phải là nhà báo chuyên nghiệp nhưng với số lượng tác phẩm như vậy cũng đủ nói lên tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo sâu sát với thực tế và một tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút.

Tác phẩm của đồng chí Bùi Quang Huy viết về đồng bằng sông Cửu Long

Và rồi, những bài viết của đồng chí không dừng lại trên mảnh đất Trà Vinh hay Cà Mau mà còn hướng đến khu vực. Trong quyển Duyên nợ đồng bằng tập hợp 39 bài viết trong đó hơn 30 bài ký báo chí ghi lại lịch sử, sự chuyển mình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở các mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Mỗi bài viết có sự ghi nhận, đánh giá từng bước đi lên của các tỉnh trong khu vực. Đây là kết quả của quá trình đồng chí Bùi Quang Huy công tác tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với vai trò là Phó Ban Thường trực. Các bài viết đều thể hiện được nhãn quan tinh tế của người cầm bút và sự ghi chép tỉ mỉ của một người nghiên cứu với những con số đưa ra và có sự so sánh để đúc kết thành quả rất thuyết phục người đọc.

Chính những trải nghiệm trong quá trình làm lãnh đạo ở nhiều nơi đã cho đồng chí cái nhìn hiện thực sinh động trong từng bối cảnh cụ thể và những hiện thực ấy đã đi vào bài viết của đồng chí Bùi Quang Huy một cách tự nhiên, nó đã ghi lại dấu mốc quan trọng của tỉnh Trà Vinh, của đồng bằng sông Cửu Long.

Nội dung những bài viết của đồng chí Bùi Quang Huy có tính định hướng tư tưởng rất cao. Những bài báo cho người đọc nhận ra những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước ta là luôn đúng đắn, đôi lúc cũng có những hạn chế bất cập nhưng nhanh chóng được chỉnh đốn, sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. Giá trị của những bài viết còn mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quát mà cụ thể khí phách anh hùng trong đấu tranh cũng như diện mạo mới đầy sức sống của Trà Vinh, Cà Mau và cả khu vực; là góp phần cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào cách mạng và tiếp sức cho quá trình xây dựng đất nước ngày một phát triển. Ngoài ca ngợi thành quả đã đạt được, những bài viết của đồng chí Bùi Quang Huy cũng không giấu giếm, không né tránh những hạn chế, yếu kém. Điều đó cho thấy tinh thần của người chiến sĩ cộng sản như ông không ngại đương đầu với những gian nan.

Đồng chí Bùi Quang Huy có thói quen mà bất cứ người cầm bút nào cũng phải học hỏi đó. Đó là ngay từ khi theo cách mạng, luôn lúc nào ông cũng giữ bên mình quyển sổ tay để ghi chép lại những gì đã nghe, đã thấy ở những nơi đã đến. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để hình thành nên những bài viết sống động và thực tế, mang hơi thở của cuộc sống, chiến đấu, lao động sản xuất của nhân dân. Chính vì vậy, dù ở giai đoạn nào, công tác ở đâu, cương vị nào đồng chí cũng có những bài viết và nó luôn là vũ khí đắc lực cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân kiên cường chiến đấu với kẻ thù và vượt qua khó khăn thử thách của đói nghèo, lạc hậu để vươn lên giành thắng lợi.

Nhà báo lão thành cách mạng Bùi Quang Huy nay đã ngoài tuổi 80 nhưng ông vẫn viết và thường xuyên có tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí trong tỉnh và khu vực. Ông quan niệm rằng: “Hoạt động báo chí không có tuổi nghỉ hưu, miễn mình còn yêu nghề, còn sức khỏe, còn quan tâm đến vấn đề thời sự của đất nước, còn xác định được viết báo để phục vụ cho ai, viết để làm gì thì mình còn tham gia hoạt động báo chí”.

Với giới báo chí và văn nghệ sĩ Trà Vinh, đồng chí Bùi Quang Huy người luôn gần gũi, thân tình. Với bản tính khiêm nhường, ông luôn gọi những người làm báo, kể cả những người đi sau như chúng tôi là những đồng chí, đồng nghiệp. Từ khi còn ở vị trí lãnh đạo cho đến lúc nghỉ hưu, ông vẫn luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, luôn động viên và tạo điều kiện cho đội ngũ báo chí hoạt động hiệu quả. Đây là nguồn động lực to lớn cho những người người làm báo ở Trà Vinh tiếp tục phấn đấu, cống hiến sức mình vì sự nghiệp báo chí và sự phát triển mọi mặt của tỉnh nhà.

Nguyễn Văn Chót

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 32
  • Hôm nay: 981
  • Trong tuần: 24 658
  • Tất cả: 8727190

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn