Màu xuống ruộng, thu nhập tăng lên
Thời gian qua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành có nhiều tập thể và cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa-xã hội. Mô hình vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đưa cây màu xuống ruộng đạt hiệu quả cao là một điển hình.

Ông Nguyễn Thành Luận (trái) đang kiểm tra vườn nhân giống măng tây xanh của HTX.

    Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối vận xã, ông Võ Văn Học cho biết: Nhờ xã thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, trong đó vai trò của các đoàn thể và chính quyền địa phương quyết định đến thành công trong việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống nhiều nông dân xã trở nên khấm khá. Hiện toàn xã đã chuyển đổi được 43ha từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng chuyên màu tại ấp Bót Chếch, Bình La,… các loại màu nông dân chuộng trồng, như khổ qua, dưa leo, ớt, bầu, bí, măng tây xanh,… qua khảo sát đánh giá mô hình, mỗi héc-ta nông dân chuyển đổi sang trồng màu đều có lợi nhuận tăng cao gấp 03-04 lần so với độc canh cây lúa. 

    Ông Nguyễn Thành Luận, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp-Thương mại và sản xuất dịch vụ Xuân Thành, ấp Bình La cho biết: HTX thành lập năm 2016 với 11 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, HTX chuyên buôn, bán nông lâm sản, nghiên cứu khoa học và phát triển,… Thực hiện thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” năm 2019, tập thể HTX đăng ký mô hình “Nhân rộng mô hình và kết nối thành viên”. Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, từ nay đến cuối năm, HTX phấn đấu kết nạp thêm 50 thành viên, HTX đang định hướng xây dựng nhà máy sơ chế rau màu để liên kết với các công ty, doanh nghiệp liên kết đầu ra sản phẩm cho nông dân, HTX cũng đã nghiên cứu nhân giống măng tây xanh thành công và cung cấp giống với số lượng lớn cho nông dân trong và ngoài tỉnh theo nhu cầu, hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây xanh và bao tiêu sản phẩm. HTX hiện đang hỗ trợ 02 hộ dân trồng măng tây xanh với diện tích 1,1ha tại ấp Bình La. Tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 100% chi phí tiền giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.

    Ông Sơn Xai, ngụ ấp Bình La cho biết: Gia đình tôi đã chuyển đổi 0,51ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, vừa qua chính quyền địa phương, HTX nông nghiệp-Thương mại và sản xuất dịch vụ Xuân Thành vận động tôi xây dựng mô hình trồng măng tây xanh và được HTX hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Hiện mô hình măng tây xanh đã trồng được trên 04 tháng tuổi và sắp cho thu hoạch. Theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật HTX, măng tây xanh từ lúc trồng đến khi cho thu hoạch trên khoảng 05-06 tháng tuổi, và thu hoạch kéo dài 10-20 năm tùy theo cách chăm sóc và thổ những của từng vùng đất, hiện măng tây xanh có giá dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg, trung bình 0,1ha trồng măng tây xanh, nông dân có lợi nhuận 05-06 triệu đồng/0,1ha/tháng. Hiện mô hình trồng măng tây xanh của gia đình phát triển tốt, phù hợp với vùng đất ấp Bình La, hứa hẹn sẽ có lợi nhuận cao trong thời gian tới.

    Ông Luận cho biết thêm: Để mô hình “Dân vận khéo” của HTX phát huy hiệu quả, hiện HTX đang phối hợp với ngành chuyên môn tiếp tục trình diễn mô hình trồng măng tây xanh tại huyện Trà Cú với diện tích khoảng 0,5ha và xã Nguyệt Hóa của huyện Châu Thành 1,1ha, HTX sẽ hỗ trợ một phần tiền mua cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Về phía địa phương tại xã Lương Hòa, HTX sẽ hướng cho người dân mạnh dạn đưa cây màu xuống chân ruộng lúa kém hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật trồng màu, từng bước liên kết đầu ra sản phẩm cho nông dân.

    Nhà nước có chủ trương chuyển đổi một phần đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây và chăn nuôi có hiệu quả hơn. Thực tế trong nhiều năm qua, dù năng suất lúa ngày càng tăng, sản lượng lúa, gạo càng nhiều, nhưng lợi nhuận thu được từ cây lúa thì chưa cao so với nhiều loại cây trồng khác… Qua khảo sát một số hộ dân trồng màu xuống chân ruộng, mô hình có những ưu thế nhất định so với cây lúa. Trước tiên đó là trồng màu có thời gian thu hoạch ngắn hơn cây lúa, do vậy dễ chủ động được nguồn nước tưới tiêu và giảm chi phí trong sản xuất. Thứ hai, công chăm sóc cây màu cũng ít hơn cây lúa. Nếu xen canh với lúa, đặc biệt với đồng đất một vụ lúa thì hiệu quả tăng lên rõ rệt, chu kỳ quay vòng đất tăng lên. Ngoài ra, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả không những đêm lại hiệu quả kinh tế mà còn có giá trị trong việc cắt giảm nguồn bệnh tồn dư trong ruộng lúa, cải tạo, gìn giữ độ phì nhiêu của đất. Đối với những địa phương không chủ động được nguồn nước tưới thường xuyên bị hạn cuối vụ vào mùa khô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ mở hướng đi mới cho nông dân, đó là chủ động được mùa vụ, nguồn nước cũng như kế hoạch sản xuất từng loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết từng vùng hiệu quả.

    Phong trào đưa màu xuống ruộng lúa kém hiệu quả trong thời gian qua của xã Lương Hòa nói riêng, huyện Châu Thành nói chung đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều nông dân từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để phát huy mô hình cũng như đảm bảo đầu ra sản phẩm, trong thời gian tới, ngành chuyên môn cần tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập trung hướng dẫn, khuyến cáo nông dân trồng nhiều loại rau màu khác nhau, lựa chọn giống phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng trồng “ồ ạt” một loại màu để tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Bài, ảnh: PHAN TUẤN
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 322
  • Trong tuần: 3 315
  • Tất cả: 8753757

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn