Vốn tín dụng chính sách: “Đòn bẩy” giúp đồng bào dân tộc Khmer Hòa Lợi thoát nghèo bền vững
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thật sự là “Đòn bẩy” giúp giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đồng bào dân tộc Khmer xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Thạch Ngôn đang chăm sóc rẫy bầu

    Ông Thạch Ngôn, ngụ ấp Chăng Mật cho biết: Năm 2012, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình thương, nhờ Hội Nông dân xã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Châu Thành cho vay 30 triệu đồng, có nguồn vốn, gia đình tôi mua 01 con bò nái sinh sản và thuê 01 công đất (1.000m2) để trồng màu. Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng màu do Hội Nông dân xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức, gia đình tôi chọn cây bắp và cây bầu, bí để trồng. Vụ bắp vừa rồi, với diện tích 01 công, thu hoạch được trên 800kg, bán với giá 4.500 đồng, lợi nhuận 2,5 triệu đồng. Theo cách tích của ông Ngôn, với mô hình trồng màu, nuôi bò, đàn bò của gia đình có 02 con bò nái, trung bình 03 năm, mỗi con bò nái sinh sản được 02 con bò nghé, lợi nhuận 15 triệu đồng/năm; với 01 công chuyên trồng màu, mỗi năm lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, với cách làm trên, mỗi năm mô hình cho lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng, năm 2018, gia đình tôi đã xin thoát nghèo.

    Còn bà Trương Nữ Thị Ngân, ngụ ấp Chăng Mật cho biết: Gia đình cũng thuộc diện khó khăn, vừa qua Hội Nông dân xã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành cho vay 50 triệu đồng. Có được nguồn vốn gia đình tôi đầu tư mua 02 con bò nái nuôi sinh sản. Để tạo nguồn thức ăn cho bò, gia đình tôi còn tận dụng đất trống xung quanh nhà khoảng 01 công để trồng cỏ nuôi bò. Ngoài nuôi bò ra, gia đình tôi còn tận dụng thời gian nhàn rỗi mua bán thực phẩm, như rau, củ, nước uống,… để tăng thêm thu nhập. Nhờ được hỗ trợ vay vốn từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành, gia đình tôi chí thú làm ăn, biết tiết kiệm trong cuộc sống, hiện gia đình đã xây được căn nhà cấp 4 vững chắc để ở và đã xin thoát nghèo.

    Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân, kiêm Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) ấp Chăng Mật cho biết: Tổ hiện có 53 thành viên vay vốn từ NHCSXH, với tổng số tiền 961 triệu đồng. Chúng tôi xây dựng và thực hiện đúng quy ước của tổ, định kỳ sinh hoạt họp lệ hàng tháng. Nhờ làm tốt công tác quản lý, điều hành hoạt động, quản lý tốt nguồn vốn nên tổ không có nợ quá hạn, thu lãi và tiền gửi tiết kiệm đều đạt 100%. Nguồn vốn tín dụng chính sách không những giúp đồng bào dân tộc Khmer làm quen với việc vay vốn sản xuất kinh doanh mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên, cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen vùng nông thôn.

    Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành, ông Nguyễn Mai Dư Khuyến cho biết: Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp có hiệu quả với các ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn để thực hiện tốt các chính sách xã hội. Đồng thời, tập trung rà soát số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở từng địa bàn để mở rộng cho vay kịp thời, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH, không để người nghèo thiếu vốn sản xuất. Mặt khác, Phòng sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tuyên truyền, vận động người nghèo, cận nghèo mạnh dạn vay vốn sản xuất, kết hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần vươn lên thoát nghèo.

    Đời sống người dân xã Hòa Lợi chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp còn khó khăn, hộ dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ cao khoảng 70%, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 20,36%. Bà Phạm Thị Út, Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đến với địa phương là rất thiết thực, được đông đảo nông dân đồng tình hưởng ứng và tiếp cận một cách nghiêm túc. Qua đó, giúp nông dân thay đổi nhận thức hướng đến cách thức sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tất cả các ấp của xã đều đã xây dựng được mạng lưới tổ tiết TK-VV để cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng. Hoạt động của tổ TK-VV thường xuyên được củng cố, là “cầu nối” của NHCSXH đến cơ sở, nhằm đưa nguồn vốn tính dụng chính sách đến tận tay người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách,… một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Bài, ảnh: PHAN TUẤN
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 3 384
  • Tất cả: 8754315

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn