Ấp Sóc chuyển mình
Trước thềm Chôl Chnam Thmây - Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer năm nay, chúng tôi có dịp về thăm ấp Sóc, một vùng căn cứ cách mạng trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chứng kiến những đổi thay ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng này, chúng tôi như cảm thấy có chung niềm vui với người dân các dân tộc nơi đây.

Nông dân Thạch Nhỏ bên rẩy đậu phộng

    Ấp Sóc là 01 trong 09 ấp của xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Đây là vùng căn cứ cách mạng trong 02 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ấp Sóc có trên 60% hộ dân là người dân tộc Khmer, sống tập trung trên giồng đất cát, phần đông sống bằng nghề nông. Người dân ở đây đa số có tính cần cù và sáng tạo trong lao động, sản xuất. Nhờ vậy, ngày nay khi đến ấp Sóc, chúng ta dễ dàng nhận thấy những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những con đường làng được bê-tông hóa rợp bóng cây xanh, những ngôi nhà mới khang trang thay nhau mọc lên và những tiếng nói cười vui vẻ của trẻ thơ bên ngôi trường mới…


Đường về ấp Sóc

    Ông Thạch Bằng, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban nhân dân ấp Sóc phấn khởi cho chúng tôi biết, toàn ấp có 247ha đất tự nhiên, trong đó có 193ha được người dân làm ruộng và 54ha được người dân cải tạo làm vườn, trồng cây ăn trái. Nếu so với những năm trước đây, thì hiện nay đời sống của người dân ấp Sóc chuyển biến rõ nét. Toàn ấp có 378 hộ với 1.440 nhân khẩu, trong đó có 245 hộ người dân tộc Khmer, nhưng có đến 243 nhà được xây dựng kiên cố, 100 nhà bán kiên cố, chỉ còn 35 căn nhà tạm bợ, nhưng cũng đảm bảo che nắng, che mưa 02 mùa mưa nắng. Đặc biệt, ông Thạch Bằng thông tin từ kết quả điều tra cuối năm 2018, ấp Sóc có đến 200 hộ giàu, 39 hộ khá; số hộ dân được sử dụng điện, nước đều đạt tỷ lệ 100%.

    Về đời sống tinh thần, ấp Sóc có chùa Bodhiculàmani (Chùa ấp Sóc) được xây dựng cách nay trên 400 năm và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2009. Trong 02 cuộc kháng chiến, chùa ấp Sóc không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, trung tâm giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sóc, mà còn là cơ sở hoạt động bí mật, nơi nuôi chứa, bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng từ Trung ương đến địa phương như: ông Nguyễn Đáng (Năm Trung), nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long; ông Ma Ha Sơn Thông, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa VII; ông Phan Văn Xuyên, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh... Ngày nay, chùa ấp Sóc là nơi để đồng bào Phật tử đến sinh hoạt tín ngưỡng và là điểm du lịch văn hóa, giúp du khách nghiên cứu, tìm hiểu và học tập.

    Bộ mặt của ấp Sóc ngày nay không chỉ được thể hiện bằng những ngôi nhà mới khang trang hay những con đường đal thẳng tắp tới các khu dân cư, mà nơi đây còn hình thành nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Nông dân Thạch Nhỏ với mô hình cải tạo vườn tạp chuyển sáng trồng màu là một minh chứng. Cách đây 02 năm, ông Thạch Nhỏ quyết định mua 10 công đất vườn tạp để san lắp, cải tạo trồng đậu phộng và các loại rau xanh. Dưới ao, ông Thạch Nhỏ nuôi cá để có thêm thu nhập và giải quyết bữa ăn hàng ngày của gia đình. Cách làm táo bạo này bước đầu đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Thạch Nhỏ. Tính trung bình sau 03 tháng, gia đình ông Thạch Nhỏ thu về 30 triệu đồng từ việc canh tác mô hình trồng các loại rau cải và đậu phộng. Có thu nhập ổn định, mới đây ông Thạch Nhỏ đã đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động cho mô hình của mình. Mô hình làm ăn hiệu quả, gia đình ông Thạch Nhỏ còn là điểm tựa để người dân ấp Sóc làm theo. Đến nay, nhiều người dân trong ấp Sóc bắt đầu phong trào cải tạo vườn tạp (chủ yếu là trồng tre, trúc…) để trồng các loại hoa màu và cây ăn trái.

    Phấn khởi với cách làm ăn của gia đình, ông Thạch Nhỏ cho biết, mùa Chôl Chnam Thmây năm nay gia đình ông sẽ dành một ít tiền để mua sắm thêm vật dụng trong nhà, đồng thời mua thêm quần áo mới cho 02 đứa con đi thăm ông bà và vui chơi những ngày tết cổ truyền của dân tộc.

    Niềm vui của gia đình ông Thạch Nhỏ cũng là niềm vui chung của người dân ấp Sóc; đồng thời đây cũng là sự phấn khởi của Đảng bộ xã Huyền Hội - địa phương đang đẩy mạnh phong trào XDNTM và thực hiện tốt phương châm hành động năm 2019 của Tỉnh ủy Trà Vinh “Hành động, Kỷ cương, Trách nhiệm, Sáng tạo, Về đích”.

Bài, ảnh: BÁ THI
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 420
  • Trong tuần: 4 056
  • Tất cả: 8756655

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn