VietGAP để trái cây Trà Vinh “vươn xa”
Ông Lê Văn Bé, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 18.000ha vườn cây ăn trái, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn trái lên 20.000ha, sản lượng 311.300 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện vùng nước ngọt, như Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh. Tuy nhiên, để sản phẩm cây ăn trái đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, đòi hỏi phải đạt tiêu chuẩn Viet.GAP, Global.GAP.
 
Nhờ chăm sóc tốt, vườn quýt đường của ông Huỳnh Văn Khen luôn say trái

    Những ngày này, chúng tôi có dịp đến thăm Hợp tác xã (HTX) quýt đường Thuận Phú, ở ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long. Được biết, HTX được thành lập vào năm 2004, có 67 thành viên tham gia, diện tích khoảng 45ha, có các nhà khoa học với vai trò hướng dẫn kỹ thuật.

    Khi HTX được thành lập, các thành viên cũng được triển khai quy trình sản xuất quýt đường theo hướng Viet.GAP. Ông Huỳnh Văn Khen, thành viên HTX cho biết: Tôi trồng quýt đường đã nhiều năm nay nhưng chưa được chứng nhận thương hiệu đạt chuẩn Viet.GAP, vừa qua, tôi tham gia vào HTX để mong muốn sản phẩm trái cây của gia đình nói riêng và của ấp Long Trị nói chung được xuất khẩu ra nước ngoài. Khi tham gia HTX và tuân thủ các bước sản xuất theo quy trình VietGAP, cách làm này tuy có nhiều cái khó, do phải tuân thủ nhiều quy định, nhưng bù lại trái cây làm ra sạch nên dễ bán và có giá hơn. Hiện nay, 100% thành viên của HTX đều áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, đảm bảo các bước quan trọng trong sản xuất quýt đường gồm: nhật ký sản xuất; làm tủ thuốc y tế; đào 02 hố, một hố để xử lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư và một hố xử lý trái hư; xây dựng kho thuốc BVTV; làm biển cảnh báo khu vực mới phun thuốc; trang bị đồ bảo hộ lao động; dẹp cầu cá trong vườn cây… Trong đó, chú trọng việc sử dụng thuốc BVTV như phân định các loại thuốc, kho bãi chứa, liều lượng cũng như thời gian cách ly, đảm bảo trái sau khi thu hoạch không còn dư lượng thuốc BVTV.    

    Bà Phan Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX quýt đường Thuận Phú cho biết: Sản xuất quýt đường theo quy trình VietGAP đòi hỏi nhà vườn phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt, vì vậy quýt đường khi sản xuất ra luôn được thị trường chấp nhận. Trong 45ha quýt đường của HTX đang cho trái, năng suất đạt từ 08-10 tấn/ha, cao hơn các nhà vườn ngoài HTX khoảng 01 tấn/ha, tỷ lệ trái tròn đều chiếm 80%. Đồng thời, giá bán cũng cao hơn các nhà vườn ngoài HTX khoảng 10%. Năm 2018, HTX xuất bán hơn 400 tấn cam, bán với giá dao động 25.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoản 250 triệu đồng/ha. Hiện các thành viên HTX đều tuân thủ đúng quy trình sản xuất là sử dụng thuốc có định kỳ, ghi sổ nhật ký rõ ràng, vì cách làm này có nhiều cái lợi cho các thành viên. Khi đến cuối vụ sẽ có nhận xét, loại phân thuốc nào phù hợp để vụ sau tiếp tục sử dụng. Với những thành công bước đầu, hiện HTX đang phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Làm vườn tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn hoàn thiện các quy trình để công nhận sản phẩm VietGAP để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

    Ông Lâm Văn Triệu, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long, cho biết: Do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên không chỉ năng suất cao mà trái quýt đường ở Long Trị luôn tròn đều, vị ngọt thanh hơn so với trái quýt đường ở những nơi khác. Năm 2009, quýt đường Long Trị được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu quýt đường. Từ đó, sản phẩm quýt đường Long Trị ngày càng được nhiều người biết đến, trái quýt đường có khắp nơi, nhất là siêu thị CoopMart, chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà vườn trồng quýt đường Long Trị đã “ăn nên làm ra”, bình quân 01ha quýt đường, có lợi nhuận dao động từ 200-250 triệu đồng. Hiện nay, do thị trường đòi hỏi trái cây phải ngon và không có dư lượng thuốc BVTV. Từ đó, HTX quýt đường Thuận Phú quyết định sản xuất quýt đường theo tiêu chuẩn VietGAP để giúp cho các nhà vườn trồng quýt đường ở đây nâng cao thu nhập, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

    Ông Lê Văn Bé cho biết thêm: Hiện nay, sản xuất trái cây theo hướng chất lượng và an toàn được nhiều nước quan tâm, nhất là ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước khác như Newzeland, Nhật Bản… Họ đặt ra các tiêu chuẩn quy định để buộc sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia khác đạt tiêu chuẩn (ngon, an toàn) trước khi vào thị trường của họ nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Cho nên, trái cây của Việt Nam nói chung và Trà Vinh nói riêng phải được chứng nhận Viet.GAP hoặc GlobalGAP. Để xây dựng vùng cây ăn trái đặc sản theo quy trình Viet.GAP, Global.GAP, trước hết, khuyến khích mỗi vùng chọn một số loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao để đột phá. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, ngành hữu quan nên hỗ trợ giống cây trồng, vật tư, phân bón, vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật canh tác, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách sử dụng giống mới, giống đặc sản có chọn lọc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông, phân vùng chuyên canh sản xuất tập trung với quy mô lớn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các loại cây trái đặc sản. Ngoài ra, nông dân cần hợp tác xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đặc sản để có hàng hóa số lượng lớn, chất lượng đồng đều, bằng cách tham gia tổ hợp tác (THT), HTX và phải gắn với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

    Được biết, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 05 sản phẩm trái cây đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP: 21ha chôm chôm của THT sản xuất chôm chôm ấp Tân Qui II, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè; 23ha cam sành của THT sản xuất cam sành Cửu Long Giang, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, 15ha cam sành của THT trồng cam sành xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè,15ha cam sành của THT trồng cam sành xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè;  22ha thanh long ruột đỏ của của HTX Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; 22,2ha măng cụt của HTX măng cụt Tân Thành, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè; 56ha quýt đường của THT sản xuất quýt đường ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long.

Bài, ảnh: PHAN TUẤN
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 331
  • Trong tuần: 3 324
  • Tất cả: 8753766

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn