Tiểu Cần phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình “Tiết kiệm tín dụng làng xã”
Mô hình “Tiết kiệm tín dụng làng xã” là một trong các hợp phần của “Dự án phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2018 – 2022” do tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam tài trợ, thực hiện thí điểm tại huyện Tiểu Cần vào tháng 7/2017. Mô hình này do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đảm nhận, triển khai thực hiện tại 03 xã Tân Hòa, Tập Ngãi và Ngãi Hùng. Đến nay, mô hình “Tiết kiệm tín dụng làng xã” trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho hàng trăm phụ nữ ở địa phương.

Lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện hướng dẫn cán bộ, 
hội viên thành lập mô hình “Tiết kiệm tín dụng làng xã”

Bà Nguyễn Thị Kim Phương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tiểu Cần cho biết: Ngay từ khi tiếp nhận và triển khai thực hiện mô hình “Tiết kiệm tín dụng làng xã”, các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia thành lập các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng để chị em có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tiết kiệm trong sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày của mỗi gia đình và cách quản lý, sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn; cũng như đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, mua bảo hiểm y tế, điều trị bệnh và các nhu cầu cần thiết khác của gia đình phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
Theo đó, mô hình “Tiết kiệm tín dụng làng xã” được thành lập trên tinh thần tự nguyện và hoạt động độc lập theo phương châm tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy chế do các thành viên thống nhất xây dựng. Trong quá trình trình hoạt động, các thành viên sẽ tự bàn bạc và quyết định việc thành lập một hoặc nhiều nhóm cùng mô hình. Mỗi thành viên đều tự nguyện thực hành tiết kiệm bằng việc mua cổ phần (gởi tiết kiệm). Khoản tiền mua cổ phần sẽ là nguồn vốn chung để cho các thành viên trong nhóm vay lại với lãi suất thấp. Chu kỳ gửi tiết kiệm và cho vay được diễn ra trong khoảng thời gian là 12 tháng. Khi kết thúc một chu kỳ, số tiền mua cổ phần sẽ được trả lại cho các thành viên. Tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay, sau khi trừ các chi phí hoạt động sẽ được chia lại cho các thành viên theo tỷ lệ cổ phần mà thành viên đã mua. Với phương thức đó, đến nay mô hình “tiết kiệm tín dụng làng xã” đã phát huy hiệu quả và được các cấp hội phụ nữ tiếp tục nhân rộng được 50 nhóm ở 11 xã, thị trấn trong huyện; có hơn 1.000 thành viên tham gia. Tổng số tiền của các thành viên tham gia mua cổ phần lên đến gần 01 tỷ đồng. Nguồn vốn trên, các nhóm tiết kiệm đã giải quyết cho gần 600 lượt thành viên vay đầu tư phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của gia đình. Bên cạnh đó, thành viên các nhóm còn đóng góp quỹ tương trợ gần 45 triệu đồng để phục vụ cho hoạt động thăm viếng, tặng quà các thành viên trong nhóm khi gia đình có hữu sự, ốm đau, bệnh tật. 
Qua gần 03 năm triển khai thực hiện, đa số chị em phụ nữ là thành viên nhóm học tập được nhiều kỹ năng, phương pháp tích lũy tiết kiệm vốn từ không đến có, từ ít đến nhiều. Thành viên nhóm mô hình tiết kiệm làng xã trên địa bàn huyện đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ ở nông thôn. Điều đó cho thấy, mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế mà còn tạo điều kiện cho nhiều chị em phụ nữ ở nông thôn thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ, tạo nên sự gần gũi, thân mật và đoàn kết hơn trong các hoạt động vì mục tiêu, lợi ích chung, cũng như duy trì tốt các mối quan hệ xã hội, tình làng nghĩa xóm ở nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tiểu Cần còn cho biết, trong năm 2020, Hội Phụ nữ huyện tiếp tục hướng dẫn các nhóm trưởng – nhóm “Tiết kiệm tín dụng làng xã” thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành nguồn vốn cổ phần của thành viên; đồng thời chỉ đạo 100% xã, thị trấn thường xuyên tham dự sinh hoạt tại các nhóm đang hoạt động trên địa bàn mình quản lý nhằm nắm bắt kịp thời những thuận lợi, khó khăn để phản ánh đến cán bộ quản lý dự án của huyện. Trong năm, phấn đấu thành lập thêm 25 nhóm “Tiết kiệm tín dụng làng xã” tại 11 xã – thị trấn, bình quân mỗi nhóm có từ 15 – 20 thành viên tham gia. Tổ chức 13 lớp tập huấn quản lý kinh tế hộ cho các thành viên mới và hỗ trợ 50 hộ sinh kế thuộc vùng dự án với mục đích như: trồng trọt, chăn nuôi heo, gà, vịt theo hướng đệm lót sinh học; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình “Tiết kiệm tín dụng làng xã” ở địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Quang

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 954
  • Trong tuần: 24 631
  • Tất cả: 8727163

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn