Tiểu Cần tạo đòn bẩy cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững
  Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đến nay nền kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiểu Cần có bước tăng trưởng khá toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện; từng bước hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hiện đại.

Nghị quyết về “Tam nông” của Đảng ta xác định Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể.

Với hơn 19.000 ha đất nông nghiệp, trong số 22.723 ha đất tự nhiên; do đó, giá trị ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiểu Cần nhiều năm qua luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của huyện. Và hơn 70% dân số của huyện có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết hàng năm của Huyện ủy cũng luôn xác định mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có thương hiệu, tạo động lực thúc đẩy cho nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, huyện Tiểu Cần luôn quan tâm đầu tư thực hiện nhiều dự án thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, dân sinh. Cụ thể như từ năm 2015 đến nay huyện đã đầu tư nạo vét được 116 tuyến kênh cấp II, với tổng chiều dài 173.440 mét; 573 tuyến kênh cấp III, với chiều dài 418.346 mét; lắp đặt 05 cống đầu mối, 15 cống hở; 02 trạm bơm; 375 cống bọng nội đồng để điều tiết nguồn nước, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, huyện còn được đầu tư xây dựng 03 trạm quan trắc nước sông ở cống Cần Chông, Cầu Tiểu Cần và khu vực kênh bê tông nổi ấp Cầu Tre để theo dõi độ mặn, độ PH; đồng thời xây dựng 02 trạm bơm trên địa bàn xã Phú Cần và Tân Hùng với công suất 300m3/giờ, đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhân dân. Ngoài ra, huyện có một hệ thống kênh bê tông máng nổi với một nhánh kênh chính, dài 1,65km và 18 hệ thống kênh nhánh, dài 6,8km phục vụ cho mô hình cánh đồng lớn trên 110 ha của xã Phú Cần. Đặc biệt, hệ thống cống trên sông Cần Chông với 08 cửa, rộng gần 100 mét có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt điều tiết nước, phục vụ sản xuất trên 19.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, những năm qua huyện Tiểu Cần còn tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, gắn với công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi như: khuyến khích chuyển đổi hơn 1.922ha đất vườn tạp, đất sản xuất cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng mang lại hiệu quả cao; chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng 08 điểm mô hình cách đồng lớn, có 1.949 hộ tham gia, diện tích 1.924,5 ha. Các mô hình này đều áp dụng kỹ thuật trong canh tác tiên tiến gắn với khâu liên kết theo chuỗi giá trị thông qua các hợp tác xã nông nghiệp ký kết hợp đồng với các Công ty bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng 01 mô hình cánh đồng lớn trồng ớt với diện tích 15 ha, có 29 hộ tham gia; 01 mô hình mía 20 ha với 23 hộ tham gia; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn với diện tích 0,1 ha và đang khuyến khích đầu tư nhân rộng; cùng một số mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh, sinh học trong sản xuất nông nghiệp sạch ở các xã, thị trấn với diện tích hơn 1.413 ha, có 1.235 lượt hộ tham gia… Qua đánh giá, hiệu quả mang lại từ các mô hình là hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón hóa học trên đồng ruộng; từ đó làm giảm hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, sản xuất ra khối lượng lớn sản phẩm đồng nhất, chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Cùng với các mô hình sản xuất, huyện Tiểu Cần còn đặc biệt quan tâm củng cố và phát triển các tổ hợp tác sản xuất và Hợp tác xã nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, toàn huyện có 12 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập với tổng vốn điều lệ trên 8,136 tỷ đồng, có 1.894 thành viên tham gia. Trong đó có 02 HTX được tỉnh chọn làm mô hình thí điểm theo Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”; đó là  Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần và Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp, với việc thực hiện hiệu quả mô hình liên kết, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được thì công tác đầu tư cho nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển theo hướng bền vững vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là quan hệ sản xuất, phương thức sản xuất chậm đổi mới; từ đó chưa thu hút được nhiều người dân hưởng ứng tham gia, chưa tác động nhiều vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Việc nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả còn hạn chế; các mô hình chưa tạo được số lượng hàng hóa lớn và chất lượng chưa đồng nhất theo yêu cầu của thị trường… Do đó, ngành nông nghiệp địa phương cần phát huy tốt vai trò tham mưu trong việc lãnh chỉ đạo thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với tiêu thụ nông sản bền vững tại địa phương. Đặc biệt, là tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân; đồng thời chủ động đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng giống, cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; tăng giá trị thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân ở nông thôn.

Các bộ, ngành Trung ương tham quan mô hình Trạm bơm

ứng dụng công nghệ tại kênh bê tông nổi Cầu Tre

Mô hình dưa lưới trong nhà màn của nông dân Thạch Chê Tha, ấp Đại Trường, xã Phú Cần

                                                  Bài, ảnh: Thanh Quang

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 7
  • Trong tuần: 3 694
  • Tất cả: 8756760

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn