ĐỊNH HƯỚNG LỚN ĐỂ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN 2030 TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH

    Thành phố Trà Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, với diện tích tự nhiên 6.803 ha, có 09 phường và 01 xã với 62 ấp, khóm. Dân số 112.854 người, trong đó dân tộc Kinh 86.548 người chiếm 77,2%, Khmer 21.943 người chiếm 17,61%, Hoa 3.924 người chiếm 3,4%, dân tộc khác 169 người chiếm 0,15%. Thực hiện chủ trương đầu tư phát triển thành phố Trà Vinh trở thành đô thị thông minh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, là tiền đề để nâng cấp, phát triển các đô thị còn lại trong tỉnh; việc xây dựng, nâng cấp, phát triển thành phố Trà Vinh trở thành đô thị thông minh là trách nhiệm của toàn Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, cả hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố Trà Vinh. Những mục tiêu để phát triển thành phố Trà Vinh theo hướng thành phố thông minh, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa con người Trà Vinh như sau:

Mục tiêu xây dng và phát trin thành ph Trà Vinh đến năm 2025, tm nhìn 2030 tr thành  đô th thông minh:

           Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân: Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm (giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm,...), nâng cao sự hài lòng của người dân.

          Quản lý đô thị tinh gọn: Các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẽ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.

          Bảo vệ môi trường hiệu quả: Xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, đất, chất thải,...); các hệ thống thu nhập, phân tích dữ liệu môi trường phục vụ nâng cao năng lực dự báo, phòng chống, ứng phó khẩn cấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

          Nâng cao năng lực cạnh tranh: Xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số.

          Dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện: Đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp và tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

          - Giai đoạn 2021 - 2023:

          Hoàn thành việc xây dựng các cơ sở pháp lý (các tiêu chuẩn khung về công nghệ, hệ thống biểu mẫu, quy trình,…) phục vụ cho việc phát triển đô thị thông minh trên địa bàn thành phố theo đúng định hướng, quy chuẩn thống nhất và tạo ra sự công khai, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần tham gia. Hoàn thành việc phủ sóng mạng 5G trên địa bàn thành phố.

          Hoàn thành cơ bản việc phát triển chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 07/3/2019 của Chính phủ làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh, trong đó phấn đấu đạt được một số kết quả sau: Hoàn thành và đưa vào vận hành có hiệu quả các hệ thống thông tin quản lý quan trọng, chủ chốt; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuẩn hóa và tin học hóa các quy trình công việc nội bộ, quy trình phối hợp xử lý liên thông giữa các cơ quan nhà nước với nhau và trong giao dịch với công dân, doanh nghiệp; Người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin của chính quyền các cấp, thông tin biểu mẫu và giấy tờ và được hướng dẫn đầy đủ về thủ tục hành chính, dễ dàng thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4, thanh toán điện tử, có thể theo dõi kết quả xử lý hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến, phấn đấu đến năm 2022 số lượng hồ sơ nộp và giải quyết trực tuyến đạt trên 40% tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; Tất cả thông tin người dân cần được biết theo quy định pháp luật đều được công khai, minh bạch; Tạo điều kiện để người dân dễ dàng tham gia phản hồi, đóng góp ý kiến và đưa ra cảm nhận, đánh giá đối với sự phục vụ của chính quyền.

          Hoàn thành việc xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật ICT tối thiểu phục vụ phát triển đô thị thông minh, tập trung vào các lĩnh vực và địa bàn triển khai thí điểm. Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh - giai đoạn 1, là nơi sẽ tổng hợp và xử lý tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các ngành, các cấp điều hành một cách tổng thể (giai đoạn 1 giới hạn ở các lĩnh vực ưu tiên của Đề án).

          Nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh, tạo niềm tin cho người dân an tâm và tin tưởng khi sử dụng dịch vụ đô thị thông minh; Tạo ra nhiều phương thức tương tác với người dân, lắng nghe nhu cầu thực tế, cấp thiết của họ và cung cấp những dữ liệu hữu dụng phục vụ được cho quá trình ra quyết định của người dân trong từng lĩnh vực cụ thể; Đảm bảo 100% người dân khu vực đô thị đều có thể tiếp cận thông tin về các dịch vụ đô thị thông minh chung của thành phố.

          Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng động, đủ kiến thức, trình độ công nghệ thông tin theo yêu cầu để tham gia vào quá trình phát triển, vận hành đô thị thông minh.

           - Giai đoạn 2024 - 2026: Cơ bản hoàn thành cơ sở vật chất, dữ liệu đầu vào (kho dữ liệu) xây dựng đô thị thông minh của thành phố, thông minh hóa các ứng dụng trong quản lý điều hành và các ứng dụng thông minh phục vụ cho doanh nghiệp, người dân. Chuyển quản lý đô thị từ truyền thống sang quản lý trên dữ liệu số. Bước đầu phủ sóng mạng 6G.

          - Giai đoạn đến năm 2030: Thành phố Trà Vinh tiếp cận được với các đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới dựa trên 06 lĩnh vực chủ yếu: Nền kinh tế thông minh; quản trị thông minh; môi trường thông minh; giao thông thông minh; cư dân thông minh; cuộc sống văn minh và một số lĩnh vực khác.

Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát triển thành phố Trà Vinh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trở thành  đô thị thông minh:

          Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về các kế hoạch, nội dung thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền và nhân dân trong thành phố để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn. Tuyên truyền phổ biến về các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược liên quan đến xây dựng đô thị thông minh; Tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển đô thị thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ đô thị thông minh, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

          Tuyên truyền nâng cao văn hoá khai thác và ý thức sử dụng công nghệ thông tin từ gia đình đến nhà trường, xã hội nhằm hướng tới các ứng dụng lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, góp phần hình thành xã hội thông tin, gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho mọi người sử dụng công nghệ thông tin. Xây dựng các chương trình, tài liệu tuyên truyền phổ biến qua các kênh thông tin đại chúng cho người dân về lợi ích trong xây dựng đô thị thông minh cũng như cung cấp thông tin cho người dân về các ứng dụng, tiện ích thông minh của chính quyền để người dân có thể khai thác, theo dõi giám sát.

          Thứ hai, xây dựng cơ chế chính sách: Xây dựng, ban hành các quy chế, quy định đồng bộ quy trình thống nhất trong việc sử dụng các ứng dụng dùng chung và chuyên ngành; quy chế quản lý, vận hành và sử dụng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh, hệ thống quản lý điều hành đô thị thông minh của thành phố và các ngành một cách đồng bộ, thống nhất đảm bảo các quy trình tác nghiệp được thực hiện hiệu quả trong xây dựng, vận hành thành phố Trà Vinh thông minh.

          Xây dựng quy chế phối hợp, chương trình hợp tác với các cơ quan tổ chức về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin trên mạng Internet. Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước. Xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, nhằm duy trì và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao đảm bảo đáp ứng trong quá trình khai thác, vận hành, bảo vệ hệ thống công nghệ thông minh trong đô thị thông minh. Xây dựng chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch điện tử, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ, dịch vụ thông minh vào cuộc sống để nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập và làm việc.

          Thứ ba, tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực: Ưu tiên bố trí nhân lực vận hành, quản trị, phân tích dữ liệu cho Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh và các cơ quan trọng yếu tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đào tạo cán bộ công chức về kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin để có thể thực hiện các quy trình tin học hóa về nghiệp vụ và tác nghiệp; kỹ năng sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin tích hợp của đô thị thông minh.

          Đào tạo cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin: Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng, quản lý và giám sát các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; tổ chức đào tạo chuyên sâu, đào tạo được một số chuyên gia, triển khai ứng dụng thông minh của các lĩnh vực.

          Đào tạo cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin: Triển khai các chương trình đào tạo tập huấn về quản lý, chỉ đạo tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề nghiệp vụ, quản lý chi phí và rủi ro; kỹ năng nhận diện và đánh giá những phát triển công nghệ mới; kỹ năng tư duy và chuyển giao các dự án ứng dụng thông minh để thực hiện tốt chiến lược xây dựng và phát triển thành phố thông minh.      Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các chương trình đào tạo công dân điện tử phù hợp với từng mức độ, từng địa phương đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng các ứng dụng thông minh, dịch vụ công cung cấp cho của người dân và doanh nghiệp.

          Thứ tư, về công nghệ và tiêu chuẩn: Ưu tiên lựa chọn, đầu tư công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, phù hợp để triển khai đô thị thông minh và nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ về phần mềm phù hợp với các định hướng phát triển thành phố thông minh.

          Áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin: tiêu chuẩn về kết nối, tiêu chuẩn về tích hợp các cơ sở dữ liệu, truy cập thông tin, an toàn thông tin, dữ liệu đặc tả nhằm bảo đảm kết nối thông suốt, đồng bộ và khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin an toàn, thuận tiện giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân.         Đẩy mạnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin theo hướng công nghệ hiện đại, băng thông rộng để đáp ứng nhu cầu triển khai dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

          Thứ năm, về tài chính:  Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng cho việc ứng dụng và phát triển đô thị thông minh cần huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Huy động sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn xã hội hóa và từ các nguồn khác; Khuyến khích các hình thức thuê dịch vụ, hợp tác công tư để thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin xây dựng đô thị thông minh.

          Nguồn vốn đầu từ ngân sách, nguyên tắc sử dụng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn khác trên cơ sở theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của Luật Ngân sách, vốn ngân sách đầu tư chỉ tập trung vào các hạng mục cần thiết, mang tính nền tảng, có tầm quan trọng đến an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng và đầu tư cho các hạng mục khó xã hội hóa. Nguồn vốn xã hội hóa bao gồm nguồn vốn doanh nghiệp, nguồn vốn của các nhà đầu tư và các nguồn vốn xã hội hóa khác.

          Thứ sáu, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin: Quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị, phương tiện kỹ thuật số có tính năng lưu trữ, trao đổi thông tin để phòng ngừa lộ, lọt thông tin qua mạng. Kiểm tra an ninh và an toàn thông tin các thiết bị, phần mềm hệ thống, công cụ, phần mềm ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng.   Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin mạng của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; tăng cường sử dụng các phần mềm diệt virút và thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống mạng nội bộ, máy tính tại cơ quan đơn vị. Kịp thời ngăn chặn, phòng chống và khắc phục nhanh các cuộc tấn công vào hệ thống. Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thường xuyên tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về đảm bảo an ninh và an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

          Thứ bảy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: Tăng cường chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan trong hệ thống chính trị của thành phố. Tập trung triển khai các hệ thống thông tin với mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử, nhằm cải tiến quy trình quản lý điều hành; cung cấp các dịch vụ công một cách liên thông và liền mạch nhằm mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho người dân; mức độ tiếp cận dễ dàng hiệu quả của các dịch vụ công gắn liền với tính minh bạch và công bằng trong công tác quản trị của tỉnh.

          Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin theo định hướng phát triển đô thị thông minh trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là thông tin và truyền thông, giáo dục, y tế, du lịch, tài nguyên và môi trường, giao thông, quản lý đô thị, an ninh trật tự. Tăng cường cung cấp các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thông minh cho người dân như: dịch vụ hành chính công, kết nối nhà trường - gia đình, chính quyền - công dân, bệnh nhân - thầy thuốc, ...

          Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế, liên doanh liên kết: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ thông tin gắn với các lĩnh vực ứng dụng thông minh của đô thị thông minh như giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

          Tích cực tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt, chia sẻ thông tin và tri thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ của các tổ chức trong nước và quốc tế, các công ty đa quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm tư vấn, các chuyên gia, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng và phát triển đô thị thông minh.

Nguồn: Thông tin công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

                                                   

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 38
  • Trong tuần: 3 725
  • Tất cả: 8756791

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn