Ký ức về công tác tuyên giáo của tỉnh Trà Vinh
Nằm trong chuỗi hoạt động tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo, chúng tôi có dịp được cùng Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm lại các cán bộ lão thành của ngành tuyên huấn/tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng như những gia đình có công đùm bọc, chở che cán bộ và cơ sở của Ngành Tuyên giáo trong những năm tháng ác liệt của kháng chiến gian khổ vừa qua.

Ngày đầu tiên của hành trình, chúng tôi đến thăm Bác 7 Quyển tên thật là Hồ Văn Quyển, một gia đình nuôi chứa cán bộ tuyên huấn trong kháng chiến. Ở tuổi 80, nhưng khi nhắc lại chuyện trong kháng chiến mắt Bác như sáng lên. Bác kể tên kèm luôn cả tính tình từng người một, những cán bộ tuyên huấn ngày xưa mà bác từng được sống chung một mái nhà như người thân ruột thịt.  Bác chậm rãi đưa chúng tôi thăm căn nhà cũ cũng nơi có lúc Ban tuyên huấn đứng chân. Căn nhà lá ba gian nằm giữa mênh mông rừng lá dừa nước và những cây mù u cổ thụ.

Bác 7 Quyển giới thiệu về cái lu 2 tầng Bác tự chế để gia đình tránh đạn và giấu cán bộ

Bác Bảy kể “Vùng này (Đại Phước, Càng Long) chiến tranh ác liệt lắm. Bom nó bỏ xuống vườn tượt, cây cối tang tành hết. Giặc kêu vô ấp chiến lượt cả gia đình tôi không đi. Tôi nói với bà con trong xóm nếu mình ra khỏi nó sẽ oanh tạt vùng này, cán bộ ở đâu. Nó kêu phá rừng tôi vận động bà con không phá, phá rồi cán bộ mình ở đâu. Tôi nghiên cứu và tự làm cái lu hai tầng này để cả gia đình tôi chống chọi với bom đạn và làm hầm bí mật cho cán bộ. Bởi vì là khạp đôi mình chôn dưới đất, một phần để lên trên khi địch nó nhìn tưởng đâu có một cái thôi đâu biết dưới đó có cán bộ”.

Nhờ những gia đình như Bác 7, cán bộ có nơi ở an toàn để tuyên truyền vận động nhân dân về chủ trương, đường lối của cách mạng, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chúng tôi lại được gặp Bác Phong Ba (tên thật Liêu Tử Phong), người họa sỹ đã vẽ hình Bác Hồ thờ ở Đền Thờ Bác năm 1971. Tham gia cách mạng từ sau phong trào Đồng Khởi, Bác kể chúng tôi nghe về những khó khăn của phong trào cách mạng những năm 60, kể lại sự ra đời của Tạp Chí văn nghệ Lửa Hồng, tôn chỉ mục đích của tạp chí Lửa Hồng (nay là Tạp chí Văn nghệ Trà Vinh).

Họa sỹ Phong Ba

Bác kể về những đóng góp to lớn của văn hóa, văn nghệ trong tuyên truyền, cổ động nhân dân giác ngộ cách mạng. Vợ Bác là Cô 5 Chinh - cũng là thành viên của Đoàn văn công Ánh Hồng, cô đọc cho chúng tôi nghe một đoạn thuyết minh trong văn nghệ kháng chiến “Dẫu rằng vỡ diễn không nói lên hết được những khó khăn gian khổ của chúng ta trong kháng chiến, những thắng lợi vẻ vang của chúng ta trong từng mặt trận. Khó khăn không làm ta nản chí, sự tàn bạo của quân thù không làm ta chùn bước. Trước mưa bơm, lửa đạn của quân thù, chúng ta vẫn vui, vẫn ca, vẫn hát. Tin tưởng cho thắng lợi cuối cùng sẽ về với chúng ta”. 

Một trang trong tập thuyết minh của Cô 5 Chinh

Đặc biệt Bác Phong Ba đã cho chúng tôi xem Bức ảnh Bác Hồ được vẽ trên vải vào lúc Bác Hồ vừa mất, lúc bấy giờ vẽ thật nhiều hình để gửi đến các chi bộ để thờ Bác, tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của vị anh hùng, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Sau đó, Đoàn chúng tôi được đến Nghĩa trang huyện Càng Long, nơi đây quy tập được 24 mộ phần của những Liệt sỹ trong ngành tuyên giáo/tuyên huấn đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến. Tôi đã đến đây viếng nhiều lần, nhưng lần này được Bác Nguyễn Thanh Phong, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh vào những ngày đầu chia tách tỉnh. Bác cho biết, việc quy tập mộ liệt sỹ được tiến hành vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Để tiện việc thăm viếng mộ phần các liệt sỹ ngành tuyên huấn/tuyên giáo nên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lúc bấy giờ quyết định quy tập về chung một điểm. Việc chọn nghĩa trang huyện Càng Long vì đây là trung tâm của tỉnh Cửu Long (theo địa lý), lại cạnh Quốc lộ 53, nên thuận tiện nhất cho việc ghé thăm của các nơi. Nhìn vào từng hàng mộ, Bác Hai Phong kể, có những cô/bác hy sinh khi còn rất trẻ, hoặc hy sinh khi đang tuyên truyền, cổ động. Họ hy sinh khi màn diễn  truyền chưa kết thúc, khi những tờ truyền đơn chưa kịp phát hết.

Bác Hai Phong đang kể về quá trình quy tập liệt sỹ ngành tuyên huấn/tuyên giáo và nhiệm vụ công tác tuyên giáo lúc chia tách tỉnh

 Trong 30 năm chiến tranh đã để lại cho nhân dân Trà Vinh mất mát vô cùng to lớn, trên 9.000 thương, bệnh binh gần 18.000 liệt sĩ, trong này có rất nhiều đồng chí công tác trong ngành tuyên giáo. Nghe kể về những mất mát, đau thương vẫn như những vết cứa làm trĩu nặng lòng người ở lại nhất là những cán bộ tuyên giáo trẻ như chúng tôi hôm nay.

 Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cầu Kè, cũng là thế hệ trẻ của ngành tuyên giáo chia sẻ tâm sự của mình: “Được sự tín nhiệm của tập thể, phân công của lãnh đạo về công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Khi nhận nhiệm vụ công tác, ngoài việc kế thừa những kinh nghiệm của thế hệ đi trước đã để lại, không ngừng học hỏi, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm hay trong quá trình công tác tại ngành Tuyên giáo, nhận thấy mình trưởng thành hơn. Tôi xin bày tỏ niềm tự hào của mình về truyền thống quý báu và lịch sử ngành Tuyên giáo”.

Trải qua 90 năm, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, công tác tuyên giáo đã có những cống hiến xuất sắc, góp phần quan trọng vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo chúng tôi được hiểu biết thêm, càng tự hào về truyền thống và những đóng góp của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Chúng tôi nguyện ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ, trau dồi đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, để xứng đáng với bậc tiền bối đi trước và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Công tác Tuyên giáo.

Lê Quỳnh

 

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 2222
  • Trong tuần: 26 612
  • Tất cả: 8725699

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn