Tuyên truyền để cổ vũ các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ noi gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023), Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành kế hoạch chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền để tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Đồng thời, qua các hoạt động tuyên truyền để giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ noi gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiêu biểu, ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ, để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

 

CÁC NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người đảng viên cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, đức độ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, duy trì thông suốt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại và trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo tổ chức chiếnđấu, bảo vệ, khai thác đường Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường và nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào, xây dựng củng cố vùng giải phóng.

2. Những thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đặc biệt là những thắng lợi và chiến công hiển hách trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại gắn với tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

3. Những đóng góp của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau ngày đất nước thống nhất.

4. Tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, tận tụy với nhiệm vụ được phân công; tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn đối với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

5. Tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, gắn với các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tuyên truyền triển khai, quán triệt thực hiện Nghị quyết năm 2023 của Tỉnh ủy và hướng đến kỷ niệm 48 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023).

 

 Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp như: Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (tiếp sóng, phát sóng các phim tài liệu, thực hiện tuyến tin, bài tuyên truyền…); tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền trên Internet, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…); tuyên truyền trực quan, triển lãm sách, tài liệu liên quan đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; qua sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, các tổ chức chính trị - xã hội…

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng tài ba đã gắn liền với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại và những chiến công hiển hách. Trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), Đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặt biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, đồng chí còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Đồng chí hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Sau Hiệp định Paris tháng 01/1973, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã đưa 28 vạn quân chuyển sang làm kinh tế với nhiệm vụ cùng với các bộ có liên quan đảm trách việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng… Một lực lượng lớn quân đội trong thời bình do Đồng chí chỉ huy đã tham gia làm kinh tế tạo ra của cải cho xã hội, vừa trực tiếp bảo vệ những địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, sau đó được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trên cương vị mới Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ vào công việc và thường xuyên vào Nam ra Bắc để trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo các công trình trọng điểm của quốc gia. Đến tháng 2/1982, Đồng chí được điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục thể hiện được tài năng trong việc quản lý điều hành và tháo gỡ những khó khăn của ngành. Từ năm 1982 lần lượt được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (khóa V), Ủy viên Bộ Chính trị (khóa VI) và được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ 1986 đến năm 1991. Tâm nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là biến đường Trường Sơn trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình. Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, Đồng chí hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, làm sao khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc… Dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 262
  • Trong tuần: 3 629
  • Tất cả: 8754560

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn