Nhạc sĩ Trần Đương và ca khúc Viếng Đền Bác
 “Ai về Long Đức Trà Vinh, đến ghé thăm ngôi Đền thờ Bác kính yêu. Người ở đây sắc son trong lòng dân, như rặng dừa xanh tháng năm không phai tàn...”. Đó là lời mở đầu của ca khúc Viếng Đền Bác của nhạc sĩ Trần Đương mà ai đã từng đặt chân đến Đền thờ viếng Bác đều được nghe qua. Giai điệu mượt mà, lời ca mộc mạc mà quá đỗi thân thương đã nói hộ được tình cảm thiết tha của nhân dân Trà Vinh dành cho Bác. Chính vì vậy, ca khúc đã ăn sâu vào lòng công chúng và gắn liền với ngôi Đền.

Ảnh 1: Trần Đương (thứ ba từ trái sang cùng các anh chị con nhà giáo, nhà cách mạng Võ Văn Rê tham gia phong trào học sinh vận ở thị xã Trà Vinh). Ảnh do gia đình cung cấp

Hàng năm, cứ đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8), Quốc khánh (2/9) và cũng là ngày giỗ Bác là tôi lại đến Đền thờ thắp hương cho Người và tôi đã có dịp tìm hiểu về nhạc sĩ Trần Đương, người đã sáng tác ca khúc này.

Ảnh 2: Tác phẩm của nhạc sĩ Trần Đương được Hội VHNT Trà Vinh chọn in trong kỷ yếu.

Nhạc sĩ Trần Đương tên thật là Trần Văn Đương, sinh năm 1949 tại Cồn Ông, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải. Từ thời kháng chiến chống Pháp, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng. Cả gia đình, dòng họ của Trần Đương đều tham gia kháng chiến và cha mẹ ông cùng làm công tác giao liên ở xã. Tuổi thơ của Trần Đương đầy cơ cực. Khi tuổi còn rất nhỏ thì cha và mẹ Trần Đương bị giặc bắt và chúng tra tấn mẹ ông cho đến chết. Trần Đương cùng người em trai phải sống trong cảnh cút côi và nhờ người cô thứ tư đem về nuôi dưỡng tại thị xã Trà Vinh. Gia đình người cô cùng họ hàng bên ngoại cũng là cơ sở nuôi chứa cán bộ ở nội thành. Mười tuổi, Trần Đương đã biết canh cửa, gác đường cho các cán bộ từ vùng ven vào nội thành hoạt động. Vốn thông minh, lanh lẹ lại gan dạ thuộc từng ngõ ngách của nội ô thị xã nên Trần Đương dễ dàng qua mắt giặc và dẫn đường cho các bộ cách mạng vào cơ sở bí mật an toàn. Trong thời gian cấp sách đến trường, Trần Đương cùng với những người anh chị họ con của nhà giáo, nhà cách mạng Võ Văn Rê (cơ sở cách mạng quan trọng trong nội ô thị xã) tích cực tham gia phong trào học sinh vận cùng với các tổ chức phụ nữ vận...đấu tranh liên tục gây hoang mang cho địch. Vốn mang trong mình dòng máu cách mạng, quyết tâm trả thù cho người mẹ đã hy sinh, năm 17 tuổi, Trần Đương trở về Duyên Hải và tham gia kháng chiến.

Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, suốt năm 1968, chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy, Thị xã ủy và Thị đội Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ tiến công, chuẩn bị đánh chiếm, giải phóng thị xã. Lực lượng vũ trang của thị xã lúc này có ba đại đội địa phương quân, ba trung đội biệt động, một trung đội pháo...Với nhu cầu tăng cường chiến sĩ cho các trung đội biệt động thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt trong nội thành, Trần Đương từ chiến trường Duyên Hải được điều lên Thị đội Trà Vinh bổ sung vào đội biệt động III. Nắm chắc địa bàn (do từ lúc nhỏ đã dẫn đường cho cán bộ vào nội thành hoạt động), sự nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm, Trần Đương cùng đội biệt động III luôn hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao.

Thế nhưng, cuộc đời của Trần Đương lại đi theo một ngã rẽ khá bất ngờ. Từ một chàng trai tràn đầy khí thế, hăng say chiến đấu luôn cùng đồng đội lập nhiều chiến công thì năm 1972, trong một trận đánh, Trần Đương bị thương và mất một chân. Đó là mất mát khá lớn của đội biệt động III bởi Trần Đương là một chiến sĩ biệt động mưu trí, dũng cảm. Trước khi tham gia kháng chiến, Trần Đương khá rành về âm nhạc do mang trong mình dòng máu văn nghệ của người cha biết chơi đờn ca tài tử và được người anh họ dạy cho đàn guitar. Biết Trần Đương có năng khiếu văn nghệ, bởi sau những đợt hành quân ông thường đờn hát gọi là giúp vui cho các đồng đội nên sau khi bị thương, tổ chức phân công ông sang phụ trách văn nghệ. Nhận quyết định phân công, Trần Đương nghĩ rằng một phần thân thể mình đã nằm lại chiến trường, không thể trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng với lòng quyết tâm theo cách mạng đến cùng thì mình sẽ cầm đàn để phục vụ tinh thần cho đồng đội. Chính vì vậy, ông nhanh chóng quên đi nỗi buồn mà hòa nhập với môi trường văn nghệ và phát huy sở trường của mình. Năm 1973, Trần Đương được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn Văn công xã Long Đức phục vụ bộ đội trong vùng căn cứ cách mạng của xã. Sau đó, Trần Đương chuyển lên công tác ở Đoàn Văn công Ánh Hồng cho đến ngày đất nước giải phóng.

Sau giải phóng, Trần Đương được cử đi học hệ cao đẳng tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh cùng khóa với các nhạc sĩ Trần Việt An, Huỳnh Thanh Hải. Từ đây, Trần Đương sáng tác khá chắc tay và nhiều ca khúc như: Hương dừa bay, Bên tượng đài người mẹ, Hoa muốn biển, Nhớ về Trà Vinh...ra đời, đặc biệt là ca khúc Viếng đền Bác được nhiều người yêu thích cho đến hôm nay.

Ca khúc Viếng đền Bác được nhạc sĩ Trần Đương sáng tác vào năm 1980. Nguồn cảm hứng cho ca khúc này bắt đầu từ những năm 1973, khi ông làm Trưởng đoàn Văn công xã Long Đức, thường xuyên đưa đội văn nghệ đi phục vụ tại Đền thờ Bác. Hơn ai hết, Trần Đương hiểu rõ tình cảm của nhân dân đối với Bác, đặc biệt là nhân dân Long Đức đã không tiếc máu xương để xây dựng, bảo vệ ngôi Đền. Những cảm xúc trong Trần Đương về Đền thờ Bác luôn được ấp ủ thiết tha nhưng chưa có dịp để thể hiện. Đến khi ông học ở Nhạc viện về thì cảm xúc ấy lại dâng trào nên ông đã bắt tay vào sáng tác ngay và sau khi phổ biến nó nhanh chóng được mọi người đón nhận, trở thành một trong những ca khúc giàu cảm xúc nhất về Đền thờ, về Bác. Giai điệu của ca khúc chậm rãi, dìu dặt, nghe mênh mang như câu hò, điệu lý Nam bộ; cộng với lời ca như lời từ trái tim của tác giả, của nhân dân Trà Vinh nên nó dễ chạm đến cảm xúc của người nghe. Ở đó có tình cảm vô cùng thiêng liêng mà nhân dân Trà Vinh dành cho Bác, như câu:“vạn đời sau khắc ghi công ơn Người”.

Nhạc sĩ Trần Việt An - Nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Tôi biết anh Trần Đương khi anh em còn ở chung Đoàn văn công Ánh Hồng. Anh đã sáng tác nhiều ca khúc để đoàn biểu diễn. Nhưng sau khi học ở Nhạc viện về thì anh mới sáng tác ca khúc Viếng Đền Bác. Ca khúc thuộc thể loại ca ngợi nhưng rất trữ tình và đằm thắm, tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng, nó phù hợp với tình cảm không chỉ của người dân Trà Vinh mà cả Nam bộ dành cho Bác. Ca khúc này ăn sâu vào lòng thế hệ những người Trà Vinh và là một trong những ca khúc hay nhất viết về Đền thờ Bác”. Trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng của tỉnh nhà, ca khúc Viếng Đền Bác của nhạc sĩ Trần Đương luôn được các thế hệ ca sĩ ở Trà Vinh hát lên để tỏ lòng thành kính của nhân dân Trà Vinh đối với Bác.

Sau ngày giải phóng, Trần Đương công tác tại Phòng Văn hóa thông tin thị xã Trà Vinh với chức vụ Phó trưởng phòng.  Dù ở đơn vị nào, Trần Đương cũng luôn nhiệt tình, xông xáo tay đàn tay viết cống hiến hết mình cho phong trào văn nghệ tỉnh nhà. Cho dù thân thể không còn lành lặn nhưng ông vẫn mang trong mình tinh thần của một người chiến sĩ biệt động thành ngày nào. Sức khỏe ông ngày một yếu đi do di chứng chiến tranh để lại, đến năm 1985 thì ông nghỉ hưu trước tuổi. Ghi nhận những công lao đóng góp của Trần Đương, Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều huân chương, huy chương cao quí. Nhà nước đã cất cho ông căn nhà tình nghĩa tại Phường 6, thành phố Trà Vinh để ông sinh sống.  

Nhạc sĩ Trần Đương sáng tác không nhiều nhưng chỉ với các ca khúc Bên tượng đài người mẹ, Viếng Đền Bác...cũng đủ để lưu dấu tên tuổi của ông vào hàng những nhạc sĩ có ca khúc hay về Trà Vinh và luôn được giới sáng tác nhạc nhắc đến. Trần Đương là một trong những nhạc sĩ đầu tiên ở Trà Vinh được kết nạp vào Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Suốt cuộc đời hoạt động của mình, từ chiến sĩ biệt động thành trở thành nhạc sĩ, Trần Đương đã có những đóng góp quan trọng trên cả hai mặt trận là đấu tranh giải phóng dân tộc và văn học nghệ thuật cho tỉnh nhà./.

Nguyễn Văn Chót

 

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 869
  • Trong tuần: 24 546
  • Tất cả: 8727078

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn