Đồng chí Phạm Hùng: Nhà lãnh đạo có tâm hồn văn nghệ
Viết về Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng với “tinh thần gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nước, vì dân, giữ vững niềm tin thắng lợi cuối cùng” thì đã có rất nhiều sách báo đề cập. Có lẽ do làm công tác văn hóa, văn nghệ nên tôi ấn tượng về đồng chí ở góc độ mà nhiều người cho là rất đời thường. Nhưng chính sự đời thường ấy lại cho chúng ta cái nhìn trọn vẹn hơn, gần gũi hơn về đồng chí. Bởi, đã là con người thì dù ở cương vị nào cũng có những phút đời thường và những sở thích cá nhân, đam mê riêng. Đồng chí Phạm Hùng cũng vậy, ông rất đam mê văn nghệ. Đam mê văn nghệ của đồng chí không phải để hưởng thụ cá nhân mà còn phục vụ công cuộc đấu tranh giải dân tộc cũng như xây dựng đất nước.

Khu tưởng niệm của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tôi có dịp đến thăm Khu tưởng niệm của đồng chí tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Thắp nén hương tưởng nhớ người con ưu tú của đất nước trong không gian thiêng liêng, không khí trang trọng, tôi và những người đi trong đoàn được nghe, được xem tiểu sử, ai nấy cũng cảm phục sự hy sinh to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như quá trình xây dựng đất nước.

Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11 tháng 6 năm 1912 tại làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Quê hương của đồng chí không chỉ là chiếc nôi cách mạng mà còn là chiếc nôi của Đờn ca tài tử, cải lương. Những làn điệu âm nhạc đặc trưng vùng đất Nam bộ đã ít nhiều ngấm vào trong ông từ lúc nhỏ. Với tâm hồn say mê nghệ thuật và cảm nhận được sức mạnh của những tác phẩm văn nghệ trên mặt trận tư tưởng nên dù ở đâu, lúc nào đồng chí cũng xem trọng vai trò của văn nghệ và quí mến văn nghệ sĩ.

Trong thời gian đồng chí bị cầm giam ngoài Côn Đảo thì chính tinh thần văn nghệ, sự lạc quan của đồng chí đã truyền cảm hứng cho những người bạn tù. Tiếng hát trong ngục tối luôn được cất cao. Đồng chí đã dạy văn hóa, văn nghệ, dạy những bài bản tài tử, những vai diễn, những kiểu cười của sân khấu cho những người bạn tù chung xà lim. Đây là vũ khí tinh thần để vượt qua nổi đau thể xác sau những trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù, nhằm giữ tinh thần lạc quan, giữ vững ý chí chiến đấu. Nhà thơ Bảo Định Giang đã cảm khái tinh thần lạc quan của đồng chí Phạm Hùng bằng những vần thơ:

“Đã bị án tử hình còn giục giã tù nhân học chữ

Trót sa chân ngục tối vẫn tôn thờ lý tưởng vì dân”(1)

Trong kháng chiến chống Pháp, lúc hoạt động ở miền Bắc, khi gặp cán bộ từ miền Nam ra, sau khi hỏi thăm tình hình kháng chiến thì điều mà đồng chí Phạm Hùng quan tâm nhất là phong trào ca hát trong kháng chiến, các nghệ sĩ cải lương ra bưng biền hoạt động như thế nào. Ông nhớ tên từng nghệ sĩ, nhạc sĩ và tỏ ra rất vui mừng khi biết ngày càng nhiều anh em được tụ họp dưới cờ Đảng.

Năm 1950, đồng chí Phạm Hùng trở về Nam bộ và tháng 3 năm 1952, được cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Phân liên khu uỷ miền Đông, kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Phân liên khu miền Đông Nam bộ. Trong hoàn cảnh thiếu lương thực trầm trọng do trận lụt lớn năm 1952 quét qua khu căn cứ vùng đất đỏ miền Đông nhưng theo đề xuất của nhà thơ Bảo Định Giang, đồng chí Phạm Hùng vẫn quyết định tăng cường đội văn nghệ từ miền Tây lên để phục vụ tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ. Ai cũng lo ngại chuyện thiếu lương thực nhưng đồng chí Phạm Hùng lại cho rằng sự thiếu thốn về mặt tinh thần còn đáng ngại hơn.

Vậy là tiếng đàn, tiếng hát của những nghệ sĩ tài danh như Ba Du, Tám Danh… hay nhạc sĩ Hoàng Việt đã cất lên xua đi không khí yên ắng trong khu căn cứ giữa rừng già Tây Ninh và đồng thời còn khích lệ, động viên tinh thần bộ đội, nhân dân tăng gia sản xuất, hăn hái giết giặc. Cũng chính tại chiến trường này, thời gian ngắn sau đó, nhạc sĩ Hoàng Việt đã sáng tác các ca khúc nổi tiếng có giá trị cho đến ngày hôm nay như: Lên ngàn, Nhạc rừng. Hai ca khúc này đã thúc giục bước chân lớp lớp thế hệ thanh niên ra tiền tuyến và góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung trong kháng chiến chống Pháp. 

Đồng chí Phạm Hùng rất xem trọng vai trò của văn nghệ trên mặt trận tư tưởng. Đồng chí luôn có những gợi ý để các văn nghệ sĩ sáng tác nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho phong trào cách mạng. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước kể lại: “Năm 1960, tại Hà Nội, anh đã cho tôi xem một số văn kiện mới, anh nói về tình hình Mặt trận giải phóng đã thành lập, đang lãnh đạo nhân dân miền Nam chống Mỹ. Anh giao cho tôi soạn bài hát cho Mặt trận(2). Từ gợi ý này, bài hát Giải phóng miền Nam (do Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng hợp soạn) ra đời và được đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Vịnh khen với ý hay “vận nước đã đến rồi”. Tuy nhiên, đồng chí Phạm Hùng vẫn chưa cho phổ biến ngay mà bí mật đưa vào chiến khu miền Nam với lý do xem cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chấp nhận không đã, vì bài hát của nhân dân phải được nhân dân công nhận là của mình. Và đến nay, bài hát Giải phóng miền Nam vẫn còn thôi thúc lòng người và là tác phẩm tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng.

Trong cao trào cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, khi Đài phát thanh Giải phóng phát bài hát Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đồng chí Phạm Hùng nghe được nên gọi Lưu Hữu Phước đến và bảo cắt bỏ năm từ “trận cuối là trận này” trong bài hát và đồng chí giải thích: “Bác nói, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, trận này là trận đầu chứ chưa là trận cuối(3). Quả đúng như nhận định của đồng chí Phạm Hùng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân chưa là trận cuối. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, khi bộ đội ta thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mới dùng lại cụm từ “trận cuối là trận này” và bài hát Tiến về Sài Gòn trở thành ca khúc bất hủ cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và nhiều ca khúc của nhạc sĩ khác cũng nhận được sự góp ý tinh tế của đồng chí Phạm Hùng và nó luôn dự báo đúng với thực tế của cuộc chiến sẽ diễn ra. Điều đó cho thấy dự cảm âm nhạc và thời cuộc trong đồng chí Phạm Hùng rất nhạy bén.

Đồng chí Phạm Hùng (người thứ hai từ phải sang) và các đồng chí ở Trung ương xem vở kịch “Lòng dân” do Đoàn kịch nói Nam bộ diễn tại Hà Nội năm 1958. (ảnh TL: sách “Chân dung người cộng sản chân chính Phạm Hùng”)

Giới văn nghệ sĩ luôn xem những ý kiến đóng góp của đồng chí Phạm Hùng là một bài học bởi đồng chí rất am hiểu nghệ thuật. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước kể, sau khi đi xem hát, đồng chí Phạm Hùng luôn giải thích về những nét đặc trưng của nghệ thuật cải lương. Cụ thể “nói lối” trong câu vọng cổ có nhiều cách: có mùi, có vui, có bi lẫn hùng và thậm chí cách cười của nhân vật cũng có nhiều kiểu như cười của kẻ nịnh, cười của người quân tử, kẻ tiểu nhân và ông thực hành ngay những gì ông nói khiến cho người chứng kiến tâm phục. Soạn giả Nguyễn Trường Hùng nhớ lại vào năm 1977, Nhà hát Trần Hữu Trang ra biểu diễn ở Hà Nội, đồng chí đến xem không sót vở nào và góp ý tinh tế cho các vở diễn. Ông phân tích sâu về các làn điệu của cải lương và khuyên giữ gìn những di sản văn hóa do ông cha để lại. Ông nói: “Các em, các cháu ca hay, có giọng tốt nhưng  dường như đã làm rơi rụng những làn điệu quí báu của Cải lương. Phải xem xét lại việc này”(4). Ông Dương Đình Thảo cũng cho biết thêm “Điều làm tôi ngạc nhiên và thán phục là anh có sự am hiểu sâu sắc về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật cải lương. Ngồi xem vở đang được diễn trên sân khấu, anh có cách xem của người sành nghệ thưởng thức: nội dung, giọng ca, tiếng đàn, lối diễn, y trang, cảnh trí và cân nhắc tình huống đó, nên sử dụng bài bản nào hợp cảnh, hợp tình đạt hiệu qủa sân khấu cao nhất. Anh phân tích rất sắc bén tại sao phải là Kim tiền, Khốc hoàng thiên, Khổng minh tọa lầu, Nam xuân, Nam ai…”(5)NSND Kim Cương cảm nhận: “Đối với tôi, ông già là một nghệ sĩ. Xem một tuồng hát, ông già say mê theo dõi, sau đó góp ý cụ thể từng chút một cho vở diễn tốt hơn. Ông già đặc biệt rất thương nghệ sĩ, cảm thông với nghệ sĩ bằng một tấm lòng bao la rộng mở(6)

Để cho những loại hình nghệ thuật truyền thống không bị mai một, đồng chí Phạm Hùng luôn nhắc nhở những người làm công tác quản lý nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ cải lương rằng, đây là tài sản quí báu hơn mọi tài sản. Những người nghệ sĩ tài năng, phải biết cách giữ gìn và phát huy. Lần nào gặp nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng như những nghệ sĩ khác, đồng chí cũng dặn dò: “Cải lương cũng như Chèo, Tuồng là nghệ thuật rất quí của dân tộc. Dầu khó khăn cũng phải làm đến nơi đến chốn(7).

Không chỉ quan tâm tới nghề, đồng chí Phạm Hùng còn quan tâm đến đời sống văn nghệ sĩ. Ông Dương Đình Thảo cho biết “Mỗi lần lo xong công việc chung anh đều quan tâm lo lắng đến nơi đến chốn những trường hợp của người này, người khác: chị Ba Thanh Loan, anh Quốc Hưng, cô Lê Thiện…”(8). NSND Phùng Há kể, mỗi lần gặp mặt là đồng chí Phạm Hùng nhắc nhở bà, “Chị đã lớn tuổi rồi nên giữ gìn sức khỏe”. Đồng chí Phạm Hùng không chỉ nhớ tên, giọng ca của từng nghệ sĩ mà còn biết cả tính nết của từng người. Năm 1983, khi gặp nghệ sĩ Tấn Tài diễn ở Hà Nội, đồng chí vỗ vai và bảo: “Chú ráng giữ lấy giọng ca. Tôi đã nghe trong đĩa giọng hát của chú từ những năm 1960. Đừng phung phí sức khỏe từ những đam mê không hay…Chú còn trẻ mà(9). Mỗi lần gặp mặt, đồng chí đều thăm hỏi ân cần và động viên từng nghệ sĩ.

Quá trình hoạt động 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc từ Nam chí Bắc, đồng chí Phạm Hùng được đồng bào, đồng chí mến mộ, kính phục, yêu thương. Ngày 10/3/1988 đồng chí Phạm Hùng đã vĩnh viễn ra đi để lại nỗi tiếc thương cho nhiều người trong đó có các văn nghệ sĩ. Trong sổ tang đồng chí Phạm Hùng, văn nghệ sĩ trong cả nước đã tỏ niềm thương tiếc, xót xa khi mất đi nhà lãnh đạo luôn quan tâm gắn bó với giới văn nghệ sĩ. NSND Phùng Há ngậm ngùi: “Mất anh Hai là mất mát rất lớn cho đất nước, cho giới văn nghệ sĩ chúng tôi. Ở cương vị như anh mà quan tâm từng chút đến nghề nghiệp, cuộc sống, sức khỏe nghệ sĩ, diễn viên thì thật hiếm có(10). Nghệ sĩ Bạch Tuyết xót xa: “Tôi nghe tin anh hai Hùng mất mà lòng bàng hoàng đau xót như hay tin người thân nhất qua đời. Nhớ anh, tôi nguyện hứa rằng trong phạm vi nghề nghiệp của mình cái gì làm được thì phải làm thật tốt, biến đau thương to lớn này thành những hành động cụ thể có ích cho đất nước, cho đời”(11).

Đối với đất nước, với nhân dân đồng chí Phạm Hùng là người con ưu tú qua những cống hiến xuất sắc; với giới văn nghệ, đồng chí Phạm Hùng là người anh lớn, một “Mạnh Thường Quân” về mặt tinh thần, một nguồn an ủi, động viên anh em văn nghệ sĩ./.

Nguyễn Văn Chót

----------------------------------------------

 (1), (5), (8) Nhiều tác giả: Chân dung người cộng sản chân chính Phạm Hùng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, Tr.14, 17, 529, 284

(2), (3) Lưu Hữu Phước “Nhớ người “anh lớn””, Báo Nhân dân, số ra ngày 13/3/1988

(4) Nguyễn Trường Hùng “Ráng giữ gìn lấy nghề của Tổ nghiệp”, Tạp chí sân khấu, số 9-1998

(6), (7), (10), (11) Xuân Thái, “Muốn quản lý con người trước hết phải yêu thương con người”, Báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày 15/3/1988

(9) Phương Hạnh, “Đồng chí Phạm Hùng với văn nghệ sĩ”, Báo Văn nghệ Tp. HCM, số ra ngày 18/3/1988

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 3 017
  • Tất cả: 8753459

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn