Nhạc sư Hồng Tấn Phát Người làm rạng danh cho Đờn ca Tài tử Trà Vinh
Nhạc sư Hồng Tấn Phát (Hai Phát), người thuộc thế hệ đàn anh của các nhạc sĩ Bảy Bá (NSND Viễn Châu), Năm Cơ… Có thể gọi ông là người đã làm rạng danh cho nghệ thuật Đờn ca Tài tử đất Trà Vinh. Bởi, trong giới nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ nể phục nhạc sư Hồng Tấn Phát với ngón đờn cò, violon, tam...Ông được ghi nhận là người tiên phong đưa cây đờn tam vào “biên chế” của dàn nhạc tài tử, cũng là người từng đặt chân vào giảng đường Trường Quốc gia Âm nhạc để giảng dạy (đờn cò, đờn tam) và đã có công đào tạo nên những nhạc sĩ nổi tiếng cho nhạc giới tài tử, sân khấu cải lương sau này. 

Chân dung nhạc sư Hồng Tấn Phát

Hồng Tấn Phát sinh năm 1901 tại xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, thường sinh sống tại (Xóm Cù lao) phường 4, thị xã Trà Vinh (nay là thành phố Trà Vinh). Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống chơi nhạc lễ, nhạc tài tử. Cha ông là Hồng Gia Phúc, người gốc Hoa, đến sinh sống tại vùng đất xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành ngày nay bằng nghề dạy đờn nên mọi người gọi ông là nhạc sư (ý chỉ thầy dạy đờn được mọi người kính trọng). Ông Hồng Gia Phúc có công đào tạo nhiều thế hệ học trò và được xem là khơi nguồn cho phong trào nhạc lễ, Đờn ca Tài tử ở Trà Vinh, cùng thời với nhạc Khị ở Bạc Liêu. Được chân truyền từ thân phụ, Hồng Tấn Phát say mê đờn từ nhỏ, ông khổ luyện và nhanh chóng trở thành “thủ lĩnh” trong các nhóm nhạc lễ, Đờn ca Tài tử ở Trà Vinh từ thập niên 1920. Cuối những năm 1930, sân khấu cải lương đã có sự phát triển mạnh mẽ. Với ngón đờn điêu luyện và đờn được nhiều nhạc cụ nên Hồng Tấn Phát được các gánh hát lớn ở Sài Gòn mời về đờn như đoàn Việt kịch Năm Châu, vì vậy ông có dịp bôn ba khắp nơi.

Nhờ ngón đờn tài hoa, Hồng Tấn Phát sớm nổi tiếng và có mối giao hảo với nhạc giới ở Sài Gòn như: nhạc sư Vĩnh Bảo, Bảy Hàm, Mười Còn, Sáu Quí...từ rất sớm. NSND Viễn Châu cho biết khi ông rời Đôn Châu lên Sài Gòn thì chính Hai Phát là người dắt dìu, nâng đỡ, giới thiệu cho ông làm quen với những danh cầm tên tuổi đất Sài thành như Hai Biểu, Sáu Quí, Hai Thanh...nên tay nghề ông mau tiến bộ và nhạc sĩ Năm Cơ cũng vậy. Đến thập niên 1950, danh ca Bảy Cao thành lập đoàn cải lương Hoa Sen, Hồng Tấn Phát được mời về đờn chính cho đoàn. Những năm sau đó, ông dạy nhạc cho lò cổ nhạc của nhạc sĩ Văn Vỹ, dạy nhạc lễ ở Tòa thánh Tây Ninh.

Ở lĩnh vực nhạc lễ, Hồng Tấn Phát được nhắc đến với biệt tài “đi đường roi” đánh trống lễ mà nhạc giới cho là “ngoài tính cách giòn tan lại thêm cao siêu về tiết tấu”. Đóng góp của nhạc sư Hồng Tấn Phát được nhạc giới tài tử cả miền Đông lẫn miền Tây ghi nhận là ông đưa cây đờn tam vào “biên chế” dàn nhạc tài tử. Đờn tam vốn chỉ được sử dụng phổ biến trong dàn nhạc Chèo, Nhã nhạc, nhạc Lễ dân gian và dàn nhạc đạo Cao Đài. Là người vốn gốc nhạc lễ lại am hiểu sâu sắc về nhạc tài tử nên ông phát hiện ra cây đờn tam (vốn chỉ dùng trong dàn nhạc đạo Cao Đài) cũng có những âm sắc phù hợp với nhạc tài tử, vậy là ông tiên phong đưa nó vào “biên chế” của dàn nhạc tài tử. Tính năng của cây đờn tam chủ yếu là độc tấu hoặc hòa tấu các điệu thức Bắc, những bản vui nhưng nhạc sư Hồng Tấn Phát đã nghiên cứu, tập luyện sử dụng để độc tấu được các điệu thức Nam. Đây là sự sáng tạo rất lớn để làm phong phú tính năng nhạc cụ và bổ sung cho dàn nhạc tài tử “đầy” hơn những âm sắc. Đờn tam được nhạc sư Hồng Tấn Phát đờn hay đến mức được ông giáo Thinh (Nguyễn Văn Thinh), Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh) mời thỉnh dạy cho các lớp âm nhạc truyền thống chủ yếu là đờn tam và đờn cò (cùng dạy có nhạc sư Vĩnh Bảo) và chính ông giáo Thinh đặt cho nhạc sư Hồng Tấn Phát biệt danh là “Đệ nhất tam linh”.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm([1]) cho rằng: những ai từng nghe bản Lưu thủy trường do nhạc sư Hai Phát đàn tam, nhạc sư Vĩnh Bảo đàn tranh 21 dây trong băng “Nam Bình II” thì sẽ ngạc nhiên dưới đầu 4 ngón tay thần diệu của ông, cung bậc trở thành phân minh chững chạc, âm vang tròn trịa phong phú như bất cứ loại đàn dây nào có phím. Đó là những đoạn chuyển biến khoang thai, nhưng khi chạy chữ nhanh (vélocité) thì âm thanh dồn dập như thác đổ, nhịp điệu gút mắc, chứng tỏ một tài năng và sự điêu luyện đã đến mức tột đỉnh. Nếu chạy chữ trên cây đàn vĩ cầm (violon) đòi hỏi phải có thính giác mẫn tiệp, ngón đàn chính xác như thế nào thì chạy chữ trên đàn tam cũng như vậy mà còn cao hơn thế nữa, vì vĩ cầm có 4 dây, tiếng vang, âm thanh phát ra ngân dài dễ nghe rõ...trong khi đàn tam tiếng ngắn, không có âm vang...Về đàn cò, lối đàn của nhạc sư Hai Phát là kéo cung vĩ dài, đàn mực thước, đạo mạo, thật là sâu sắc theo thế hệ trước - cổ điển. Ông là người đờn điêu luyện cả ba nhạc cụ không phím là đàn tam, đàn cò và violon([2]).

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Dấu cho rằng tiếng đờn violon của nhạc sư Hồng Tấn Phát là có một không hai. Chỉ có nhạc sĩ Hai Thơm (là học trò của Hồng Tấn Phát, người lừng danh với ngón đờn violon trong giới nhạc tài tử và cải lương Nam bộ) thừa hưởng được sự chân truyền từ thầy Hồng Tấn Phát. Cái điêu luyện khiến cho mọi người mê mẫn ở ngón đờn của nhạc sư Hồng Tấn Phát là cách ông “xốc cung”, khi đờn violon. Vì đờn violon không phím nên “xốc cung” phải kéo liên tục, tạo nên âm ngắn; trong một nhịp nhưng đờn được nhiều chữ đờn khác nhau, chữ phải rõ và du dương. Ông đờn trong lòng bản cũng như những nhịp láy của bản vọng cổ đều có thể ngẫu hứng mà “xốc cung” một cách điêu luyện, nhất là những “chữ lượng” để dứt “xang”. Ở Trà Vinh hiện nay, nhạc sĩ-nghệ nhân ưu tú Tấn Thành đờn cũng rất hay với lối “xốc cung”.

Trong cuộc đời lang bạc của mình, nhạc sư Hồng Tấn Phát đã truyền lại ngón đờn cho không ít học trò, nhất là giai đoạn ông đứng dạy chính cho lò cổ nhạc của nhạc sĩ Văn Vỹ. Trong số đó, có không ít người thành danh như nhạc sĩ Hai Thơm nổi tiếng với ngón đờn vĩ cầm (violon), nhạc sĩ Duy Nhiêu đờn sến, nhạc sĩ Văn Vĩ với ngón đờn guitare phím lõm và được nhạc giới phong là đệ nhất danh cầm, nhạc sĩ Năm Vĩnh, Tư Còn...

Mặc dù thành danh nơi xứ người nhưng trước khi lên Sài Gòn tham gia các đoàn hát, Hồng Tấn Phát là “thủ lĩnh” được nhạc giới ghi nhận là người có công rất lớn phát triển phong trào Đờn ca Tài tử ở Trà Vinh. Trong những lần từ Sài Gòn về thăm quê, ông đều tổ chức tập hợp các nhóm tài tử ở Trà Vinh để đờn hát nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân quê nhà. Ông cũng đã có công đào tạo nên những thế hệ học trò tên tuổi tại Trà Vinh, tiêu biểu có nhạc sĩ Thanh Vân (Ba Nuôi, đờn chính cho nhiều đoàn Cải lương tại Sài Gòn), Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Dấu, Nghệ nhân Ưu tú Tấn Thành, Ngô Hoàng Lũy (Bảy Lũy)... Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Dấu cho rằng, thầy (nhạc sư Hồng Tấn Phát) là người vốn điềm đạm, thương học trò nhưng khi dạy đờn thì rất khó, chỉ đờn sai một nhịp hay một chữ đờn chưa “chín” là sẽ bị quở phạt ngay. Ông Ngô Hoàng Lũy cho biết nhạc sư Hồng Tấn Phát dạy cho ông đờn được một bản Ú liu ú xáng phải mất hơn nửa tháng. Nghệ nhân ưu tú Tấn Thành thuật lại, khi học đàn violon, ông bắt học trò để trứng gà trong nách mà kéo đờn, nếu trứng gà rơi xuống sẽ bị thầy phạt nghiêm khắc.

Là bậc tài hoa, tiếng đàn của nhạc sư Hồng Tấn Phát làm thổn thức bao trái tim người mộ điệu nhưng cuộc đời riêng ông rất lận đận, nhất là những năm cuối đời. Ông mắc phải nhiều chứng bệnh trong người và trí nhớ không ổn định. PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm ghi lại lời kể của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trước những ngày cuối đời của nhạc sư Hồng Tấn Phát: “Một buổi sáng giữa năm 1972, từ Tòa thánh Tây Ninh về, ông cùng nhạc sĩ Bảy Hàm đến nhà tôi. Lần này gặp lại, tôi thấy ông yếu đi rất nhiều, hai chân xưng to lên, lở loét, bên ngoài băng vải. Sau chừng nửa giờ thăm hỏi, tôi mang đàn ra để cùng đàn và thâu thanh chơi. Ông đàn cò, Bảy Hàm đàn kìm, tôi đàn tranh hòa tấu bản Tây Thi vắn. Lúc này ông lên dây đàn không còn chính xác như xưa, khiến tôi phải điều chỉnh giúp ông. Hòa tấu đến câu thứ 8 thì ông Hai Phát đờn lộn câu nhạc, lẫn sai nhịp. Ông Bảy Hàm yêu cầu tôi xóa đi để thâu lại. Nhưng ông Hai Phát và tôi không đồng ý. Ông Hai Phát nói:“Mặc kệ, đàn trúng, trật, hay, dở là không vấn đề. Lần này đến thăm Vĩnh Bảo để nói chuyện và hòa đờn chơi và xem như gặp nhau lần chót để về Trà Vinh chết. Trước khi nhắm mắt, điều mà tôi mãn nguyện là được Vĩnh Bảo mời đàn cho hai cuốn băng Nam Bình I và II, lưu lại cho hậu thế tiếng đàn của một nhạc sĩ nhiều truân chuyên và bất hạnh...””.  Đây cũng là lời trối trăn sau cùng của ông với những người bạn đờn tri âm tri kỷ. Ngày 20 tháng 06 năm Nhâm Tý (1972), nhạc sư Hồng Tấn Phát qua đời. Nhóm nghệ sĩ Duy Lân cùng một số nhạc sĩ đã xuống Trà Vinh lo ma chay và tiễn ông đến mộ phần.... Mộ phần của nhạc sư tài hoa nhưng bạc mệnh, Hồng Tấn Phát được an táng nơi ông đã sinh ra là xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cùng với mộ phần dòng họ và bên cạnh người cha Hồng Gia Phúc.

Với tài năng, sự khổ luyện và sáng tạo, nhạc sư Hồng Tấn Phát đã đóng góp rất lớn cho nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ và làm rạng danh cho nhạc giới của Trà Vinh. Tiếc rằng, cuộc đời ông mãi lãng du không chú trọng việc thu dĩa nên những tác phẩm của ông lưu lại rất hiếm hoi, chỉ còn lại hai cuốn băng: Nam Bình I, Nam Bình II là di sản quí giá của âm nhạc tài tử Nam bộ.

Nguyễn Văn Chót


([1]) Nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.

([2]) PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2011), Góp phần Nghiên cứu Đờn ca Tài tử Nam bộ, NXB Âm nhạc

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 368
  • Trong tuần: 6 711
  • Tất cả: 8752485

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn