MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 08-CT/TW VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm qua, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm có nhiều tiến bộ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ATTP có chuyển biến mạnh; đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, mô hình kiểm soát ATTP. Toàn tỉnh hiện có 2.728 cơ sở dịch vụ ăn uống, 3.013 cơ sở thức ăn đường phố và 7.086 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 15 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Quán triệt Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 16-KH/TU, ngày 09/4/2012 để tổ chức thực hiện; ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 30/8/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm tình hình mới; Kế hoạch số 44-KH/TU, ngày 03/5/2017 cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW, ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Bí thư (khóa XI). Song song đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các chỉ thị, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác an toàn thực phẩm trong tình hình mới và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định phân công, phân cấp trong hoạt động kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức đăng ký và kiểm tra định kỳ công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được 1.433 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản; thực hiện 193 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 3.320 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; lấy 7.949 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản để phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm. Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận cho 286 cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 1.093 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 1.823 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.806 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; cấp 1.537 hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiếp nhận 761 hồ sơ tự công bố sản phẩm.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện tốt, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả[1].

Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp thường xuyên tuyên truyền về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, được tổ chức đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân,… Báo Trà Vinh đã đăng tải 2.160 tác phẩm báo chí trên trang văn hóa - xã hội và chuyên mục “Sức khỏe mọi nhà”; Đài Phát thanh - Truyền hình đã thực hiện 2.200 tin, 360 bài, phóng sự, phỏng vấn, ghi nhanh… với tổng thời lượng trên 7.000 phút.

  Nhìn chung qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục việc chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đã đạt được nhiều kết quả thiết thực; nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú và có hiệu quả; qua đó nâng cao nhận thức cho người sản xuất, hộ kinh doanh, người tiêu dùng, phổ biến kiến thức khoa học trong chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm từ trang trại nuôi trồng cho đến bếp ăn… góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

  Bên cạnh những kết quả đạt được công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế như: Việc kiểm soát các nguồn cung cấp thực phẩm còn nhiều sơ hở; kiểm tra việc sử dụng, kinh doanh các hóa chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến chưa thường xuyên. Tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chưa thật sự được quan tâm, còn buông lỏng trong kiểm tra, xử lý; tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể vẫn còn xảy ra. Việc thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm chưa được thực hiện thường xuyên, chỉ tập trung vào các đợt trọng điểm; việc thẩm định và phê duyệt các dự án an toàn thực phẩm còn chậm. Chưa thu hút được nhà đầu tư thực hiện liên kết chuỗi sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Công tác đánh giá, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản, các sản phẩm về an toàn vệ sinh gặp nhiều khó khăn.

  Để tiếp tục triển khai có hiệu quả đối với việc an toàn thực phẩm trong tỉnh, thời gian tới, theo định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

  Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về vai trò của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của nhân dân; quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 08-CT/TW, Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 14-CT/TU, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tiếp tục đưa nội dung an toàn thực phẩm thành một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Đưa tiêu chí về an toàn thực phẩm vào các phong trào thi đua về an toàn thực phẩm hoặc vào các phong trào khác nhằm thay đổi hành vi an toàn thực phẩm trong cộng đồng. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm… trên các phương tiện thông tin truyền thống và mạng xã hội.

  Hai là, tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; phân định rõ trách nhiệm của ngành, địa phương; giám sát chặt chẽ tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; củng cố các hoạt động, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, xử lý nhanh chóng các sự cố có tính khẩn cấp về an toàn thực phẩm, đề xuất các biện pháp khắc phục kịp thời. Vận động nhân dân tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

  Ba là, tổ chức tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi trồng sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm. Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt, bảo đảm tiêu chuẩn. Thường xuyên kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Chú ý, giám sát và kiểm tra tại các cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, lễ hội, thức ăn đường phố, chợ, trường học, khu công nghiệp, dịch vụ ăn uống.

  Bốn là, tăng cường hỗ trợ kinh phí từ tỉnh đến cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm các tuyến để thực hiện tốt việc kiểm nghiệm ban đầu, nâng cấp Phòng xét nghiệm Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt chuẩn ISO 17025; trang bị dụng cụ phân tích nhanh mẫu thực phẩm, các loại rau màu tại các chợ và các cơ sở trước khi xuất bán. Thường xuyên mở lớp tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ tham gia quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến cơ sở để kịp thời cập nhật thông tin mới. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng, kinh doanh; chỉ đạo áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, an toàn thực phẩm.

  Năm là, kêu gọi thu hút đầu tư chuỗi sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì tốt điều kiện an toàn thực phẩm. Phát huy vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong vai trò giám sát về an toàn thực phẩm.

  Sáu là, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tăng cường nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho đội ngũ bán chuyên trách các tuyến để đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn tỉnh.

  Bảy là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm. Trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp; tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản. Kiên quyết xử lý nghiêm việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích và khen thưởng đột xuất đối với người phát hiện, tố giác hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Võ Thị Mỹ Duyên



[1] Kiểm tra và xử lý 192 vụ vi phạm, 31 vụ thực phẩm nhập lậu, 04 vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, 36 vụ thực phẩm không đảm bảo chất lượng, 08 vụ thực phẩm vi phạm về nhãn, 113 vụ kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định chung. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các ngành có liên quan tổ chức thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa tại 147 cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm; tham gia kiểm tra tại 1.486 cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 63
  • Trong tuần: 3 275
  • Tất cả: 8753129

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn