Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Chỉ thị 27-CT/TU, ngày 19/10/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh, thay thế Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu: nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Trà Vinh theo định hướng đô thị văn minh, nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, sự tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông của cộng đồng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.

2. Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn. Lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trong thực hiện mô hình “Trên làm gương mâu mực, dưới tích cực làm theo ”, từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông; nâng cao ý thức trách nhiệm và chuyển biến trong hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tại cơ quan, đơn vị, địa bàn phụ trách.

3. Đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn. Tiếp tục nâng cao công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, lồng ghép các vấn đề môi trường, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong lập quy hoạch xây dựng đô thị theo định hướng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và bền vững, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kiểm soát không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị đáp ứng yêu cầu mỹ quan, thân thiện với môi trường; triển khai áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng, hướng đến phát triển bền vững. Theo dõi chất lượng môi trường nông thôn, tăng cường các hoạt động xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống vùng nông thôn. Lựa chọn các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến để triển khai, nhân rộng tạo thành phong trào tại địa phương; nghiên cứu phát triển nhân rộng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường.

4. Tập trung nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải. Hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Đổi mới công tác quản lý rác thải sinh hoạt, triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, hạn chế xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, xử lý chất thải nguy hại đúng quy định; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải phát sinh do dịch bệnh truyền nhiễm đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh và các dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

5. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để góp phần bảo vệ môi trường. Tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ứng dụng máy móc, thiết bị thân thiện môi trường, giảm tối đa việc phát sinh chất thải và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích áp dụng các giải pháp khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

6. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh theo quy định; bảo đảm sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng chồng chéo với nhau. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

7. Bảo đảm nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; ban hành, hướng dẫn áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải khu đô thị, nông thôn và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn theo quy định.

8. Thực hiện tốt công tác sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân tích cực trong bảo vệ môi trường; chú trọng
khen thưởng các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện, nhất là trong nhân dân để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn tỉnh; phê bình đối với các tổ chức, cá nhân, các địa phương, hộ gia đình thiếu nghiêm túc, còn nhiều hạn chế trong thực hiện.

9. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị này; tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện để Ban Thường vụ Tỉnh ủy nắm, chỉ đạo.

 

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá:

Qua hơn 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 05/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh; tình hình trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng, an toàn giao thông của cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người dân được nâng lên, tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của quần chúng nhân dân, xem đây là nghĩa vụ của mỗi người dân, nhiều mô hình được triển khai đạt kết quả nổi bật, nhiều tuyến đường nông thôn được người dân thường xuyên tham gia giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trồng cây xanh, hoa kiểng, cảnh quan môi trường được cải thiện, rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý đúng quy định, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo được theo dõi và xử lý, không có trường hợp phát sinh mới, giao thông thông suốt, thuận lợi, an toàn phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác quản lý trật tự xây dựng, vệ sinh và bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra và có xu hướng gia tăng ở cả khu vực đô thị và nông thôn; công tác thu gom rác thải sinh hoạt ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, xả rác thải gây ô nhiễm, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa bảo đảm khoảng cách và vệ sinh môi trường; tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa, đô xe lấn chiêm long, lê đương vân con diên ra ơ môt sô khu vực chơ, khu đông dân cư.

Những hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng do chủ quan là chính, trọng tâm là cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, nhất là tại cơ sở; vai trò, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao, trong quá trình thực hiện chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát; các phong trào thực hiện thiếu đồng bộ và bền vững. Mặt khác, một số bãi rác đầu tư chậm, dẫn đến lượng chất thải phát sinh lớn, quá tải trong thu gom và xử lý.

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 232
  • Trong tuần: 3 919
  • Tất cả: 8756985

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn