Vài nét về phong trào bình dân học vụ ở Trà Vinh trong kháng chiến chống pháp (1945-1954)
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền về tay Nhân dân. Tuy nhiên, trải qua hơn 80 năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, đặc biệt là chính sách ngu dân đã để lại hậu quả trên đất nước ta hết sức nặng nề: hơn 95% người Việt Nam mù chữ. Chính vì vậy, ngay sau khi giành độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách của nước ta là diệt giặc dốt, nâng cao dân trí. Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chí Minh nêu vấn đề giáo dục, chống giặc dốt là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới. Ngày 08/9/1945, Người ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục đó là: sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ; sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", và "Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ".

Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ. Ảnh tư liệu (Internet)

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào diệt giặc dốt nhanh chóng được triển khai. Ở Trà Vinh, các lớp bình dân học vụ được mở ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân. Tại các huyện Càng Long, Cầu Kè... từ năm 1945 đến đầu năm 1947, các lớp bình dân được mở đều khắp, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ ra sức động viên bà con đi học chữ quốc ngữ. Phong trào được nhân dân ủng hộ nhiệt liệt; ban đêm đèn đóm thắp sáng như sao lấp lánh; tiếng đánh vần a, b, i, tờ rộn rã khắp nơi. Thầy giáo các lớp bình dân phần lớn là thanh niên học sinh giàu nhiệt huyết cách mạng. Ta thực hiện người biết chữ dạy người không biết chữ mà phát triển đội ngũ giáo viên, nhân rộng từ lớp này đến lớp khác. Có thể thấy, việc diệt giặc dốt của một số huyện ở Trà Vinh đã diễn ra hào hứng, có ý nghĩa cách mạng trước mắt cũng như về sau. Đây cũng là sự nâng cao dân trí và đào tạo cán bộ trong tầng lớp nhân dân nghèo. Nhiều đảng viên trước cách mạng không biết chữ, đến thời điểm đó đã đọc nhanh viết thạo. Xã An Trường của huyện Càng Long trước đó 95% dân không biết chữ, nhưng chỉ sau 4 tháng chống giặt dốt, đa số người dân ở đây đã biết đọc biết viết. Bên cạnh đó, phong trào "diệt giặt dốt" ở huyện Cầu Kè cuối năm 1947 cũng có kết quả đáng khích lệ, hơn một nửa người dân ở đây đã biết đọc, biết viết. Cuộc bầu cử Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã đầu năm 1948 chỉ có một số người cần viết hộ.

    Đến năm 1948, cũng tại huyện Càng Long, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể ra sức khôi phục mở rộng các lớp học bình dân; không khí học đọc, học viết sôi nổi và mạnh mẽ. Các cổng chào được dựng lên ở đường ra vào xã, ấp để động viên nhắc nhở việc học tập; những ai đọc thông viết thạo được mời đi vào cửa chính giữa có hồi trống chào mừng; người đọc chưa được nhanh thì chịu khó chui ở ngách với dùi trống đánh vào tang gỗ kêu tách tách. Ở nhiều ấp, các lớp học đến lớp sơ đẳng được mở ra để giáo dục các em thiếu niên. Nơi nào không có trường, các em đi học với người lớn và thường sẽ tiếp thu nhanh hơn, về dạy lại cho người lớn. Đến cuối năm 1948, huyện Càng Long đã hoàn thành cơ bản công tác xóa mù chữ.

    Một điểm sáng về công tác diệt giặt dốt ở Trà Vinh có thể kể đến đó là việc khắc phục nạn mù chữ gắn liền với những tập tục lạc hậu ở huyện Tiểu Cần. Dưới sự thống trị của thực dân Pháp, ở Quận lỵ Tiểu Cần tuy đã có nhà thương và trường học, nhưng đối tượng phục vụ chủ yếu là người Pháp;  những người làm tay sai cho Pháp và con em địa chủ, nhà giàu. Điều đó chứng tỏ rằng mặt bằng dân trí lúc này rất thấp. Chính vì vậy, để góp phần thực hiện tốt công tác diệt giặt dốt, ngay từ ngày đầu tháng 9 năm 1945, các trường học cũ được tu sửa và khẩn trương đưa vào hoạt động, nhiều lớp bình dân học vụ được tổ chức tại đình, chùa và một số tư gia. Lúc đầu, số giáo viên ít không đáp ứng đủ cho nhu cầu người học, phải thực hiện phương châm học sinh lớp trước trở thành thầy giáo cho lớp sau. Phong trào Bình dân học vụ lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân và giúp cho đồng bào ngày càng hiểu rõ quyền được học và trách nhiệm học tập của mình. Ở đây, bên cạnh việc dạy và học tiếng phổ thông là chính, việc dạy và học bằng tiếng Khmer và tiếng Hoa cũng được tiến hành. Giáo trình học tập không chỉ là sách giáo khoa thuần túy mà còn có cả các tài liệu về y tế, vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh... Hơn thế nữa, công tác diệt giặt dốt ở đây không chỉ gắn liền với phong trào Bình dân học vụ, xóa mù chữ, mà còn liên hệ chặt chẽ với các loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian vốn rất phong phú ở Tiểu Cần. Người đi học tập viết những câu ca dao, tục ngữ, những bài ca cổ... với niềm hứng thú và say mê. Người đi học cũng tập chép những bài ca cách mạng được phổ biến bằng ba thứ tiếng Việt, Khmer, Hoa. Có thể thấy, lịch sử huyện Tiểu Cần cho đến năm 1945, chưa bao giờ có một phong trào học tập sôi nổi và rộng khắp như thế, nó có ý nghĩa cách mạng và thực tiễn vô cùng to lớn vì đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần cách mạng; giúp cho những người nông dân nghèo khổ nhất ở những vùng xa xôi hẻo lánh cũng có cơ hội học tập; giúp cho những gia đình nhiều đời mù chữ, nay đã có thể đọc và viết; đồng thời dễ dàng tiếp cận một cách thuận lợi hơn với những di sản văn hóa cổ truyền và trí thức của đời sống cách mạng; tạo cơ sở để nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng xã hội ngày càng phát triển hơn.

    Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa ở Trà Vinh, đó là việc bà Nguyễn Thị Quý ở xã Nhị Long (huyện Càng Long), hiến cho Ty Giáo dục ngôi nhà lớn của mình để làm trường học. Đầu năm 1949, Ty Giáo dục tỉnh mở lớp bổ túc cho nam nữ thanh niên, cán bộ trẻ; trường lấy tên là Trường Đỗ Văn Nại đặt tại huyện Càng Long. Thầy Phạm Văn Minh và Võ Văn Tây vừa là Ban giám hiệu, vừa là giáo viên; chương trình học tập do các thầy tự soạn. Trường chỉ dạy hai lớp: lớp nhì và lớp nhất; mỗi lớp học trong 6 tháng và có khoảng 40 học sinh. Trường Đỗ Văn Nại tồn tại được 3 năm (1949-1952).

    Vào cuối năm 1949, chiến dịch thi đua toàn dân diệt dốt đã trở thành cao trào rộng khắp ở Nam Bộ nói chung, Trà Vinh nói riêng, quần chúng thất học hưởng ứng nhiệt tình, tự nguyện đăng ký xin học bình dân học vụ. Mặt khác, phong trào Bình dân học vụ đã lan tỏa vào tất cả các chùa dân tộc Khmer không chỉ ở Trà Vinh, mà còn các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu... Chùa chiền đều là nơi đặt các lớp bình dân học vụ, mà Lục cả là người đứng đầu, tất cả sư sãi trong chùa đều tích cực vận động đồng bào dân tộc mình tham gia giảng dạy, học tập, nên đồng bào các vùng dân tộc Khmer ra lớp học xóa nạn mù chữ rất đông, kết quả mãn khóa học đạt tỷ lệ cao từ 85 đến 95%.

    Có thể thấy rằng, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, phong trào xóa mù chữ, học bổ túc đã diễn ra sôi nổi ở khắp các vùng độc lập của ta, thu hút mọi tầng lớp, già trẻ, gái trai... Khi đời sống khá đầy đủ, người dân nhận thức được rằng mình cần phải học, học để biết chữ, học để đọc sách báo, học để ích nước lợi nhà. Tính đến cuối năm 1952, phong trào Bình dân học vụ ở Nam Bộ đã xóa mù chữ cho hơn 3 triệu đồng bào, huyện Cầu Ngang của tỉnh Trà Vinh là một trong những đơn vị hành chính vào thời điểm này đã thanh toán xong nạn mù chữ.

    Chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, Trà Vinh nói riêng và cả nước nói chung đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trên tất cả các mặt trận, lần lượt tiêu diệt 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Có thể nói, bên cạnh thành tích chống giặc đói và giặc ngoại xâm, thành tích bình dân học vụ chống giặc dốt có ý nghĩa vô cùng to lớn về chính trị, kinh tế và xã hội; thành tích vẻ vang ấy đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Trải qua một chặng đường dài trong lịch sử, giờ đây, chúng ta cùng ôn lại truyền thống năm xưa để không ngừng nhắc nhở bản thân cùng nhau suy ngẫm, phát huy, và vận dụng truyền thống ấy vào trong thực tiễn ngày nay, góp phần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục - nơi ươm mầm cho những nhân lực, nhân tài của đất nước Việt Nam.

Huỳnh Bình Phương
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 77
  • Hôm nay: 2730
  • Trong tuần: 21 628
  • Tất cả: 8691265

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn