Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: 20/12/1960 – 20/12/2020: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam – thành công lớn của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam
Sáu mươi năm trước, ngày 20 tháng 12 năm 1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập. Sự ra đời của MTDTGP miền Nam Việt Nam và sau đó là sự ra đời của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam năm 1969 là một sự kiện lịch sử đặc biệt, một thành công lớn của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam.

1. Năm 1954, Nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Genève. Đất nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt làm hai miền và theo quy định của Hiệp định, hai bên sẽ tổ chức thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do sau đó hai năm. Ranh giới vỹ tuyến 17 được xác định đó chỉ là ranh giới quân sự là tạm thời và không được coi là ranh giới lãnh thổ. Tuy nhiên, sau đó, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam Việt Nam, lập nên ở miền Nam một chính quyền tay sai thân Mỹ. Được sự hậu thuẫn, Thủ tướng Ngô Đình Diệm của cái gọi là Quốc gia Việt Nam đã tổ chức trưng cầu dân ý lật Quốc trưởng Bảo Đại và thiết lập cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa trên lãnh thổ miền Nam. Sử gia nổi tiếng người Mỹ Cecil B. Currey trong cuốn sách “Chiến thắng bằng mọi giá (Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp)” cho biết năm 1956, Allen Dulles, người đứng đầu của Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower báo cáo tiên đoán nếu bầu cử ở Việt Nam diễn ra theo quy định của Hiệp định Genève thì “thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi". Ngô Đình Diệm chỉ có một lối thoát là tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Được Mỹ khuyến khích, Ngô Đình Diệm kiên quyết từ chối tuyển cử. Mỹ muốn có một chính phủ chống Cộng tồn tại ở miền Nam Việt Nam, bất kể chính phủ đó có tôn trọng nền dân chủ hay không[1]”.

2. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” và đàn áp những người kháng chiến cũ ở miền Nam. Chỉ trong 4 năm, từ năm 1955-1958, cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ: “Khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên ta bị địch giết; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, bị tù đày, gần 20 vạn bị tra tấn thành tật, chỉ còn khoảng 5 nghìn so với 60 nghìn đảng viên trước đó. Bến Tre còn 162 đảng viên, Tiền Giang chỉ còn 92, Gia Định, Biên Hòa mỗi nơi chỉ còn 1 chi bộ đảng. Ở Khu V khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên xã bị bắt, bị giết, có tỉnh chỉ còn 2-3 chi bộ, 12 huyện đồng bằng không còn cơ sở Đảng. Riêng Trị - Thiên chỉ còn 160/23.400 đảng viên trước đó[2]”. Trước tình hình đó, tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15, đề ra đường lối cách mạng miền Nam. Hội nghị khẳng định con đường phát triển của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Đó là con đường lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền độc tài tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Hội nghị nêu rõ, cần tăng cường công tác mặt trận, tập hợp mọi lực lượng Nhân dân miền Nam vào mặt tận đấu tranh cách mạng, triệt để phân hóa, cô lập kẻ thù. Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam phải rất rộng rãi, phải đoàn kết, tranh thủ được mọi giai tầng, cá nhân trong xã hội có thể đoàn kết, tranh thủ, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp chung. Nghị quyết Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: "Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam Á và thế giới... Để bảo đảm cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam giành được toàn thắng, đồng bào ta ở miền Nam cần ra sức xây dựng khối công nông binh liên hợp và thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công nông làm cơ sở…[3]”.

Cờ của MTDTGP miền Nam Việt Nam

3. Ngay từ khi ra đời, Mặt trận liên tục tổ chức, lãnh đạo các hoạt động nhằm chống lại sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh, nhằm đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam. Để thực hiện mục đích đó, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời ngày 15 tháng 2 năm 1961 sau đó gia nhập MTDTGP miền Nam Việt Nam. Hàng loạt các đảng phái, hội đoàn, phong trào đã ra đời và gia nhập Mặt trận như: Hội Liên hiệp Sinh viên Học sinh Giải phóng (thành lập 24-4-1961), Hội Liên hiệp Thanh niên Học sinh (thành lập 9-1-1961; Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam (thành lập 31-1-1961); Đảng Xã hội Cấp tiến miền Nam (thành lập 1-7-1961); Thông tấn xã Giải phóng (thành lập ngày 12-10-1960); Hội Phụ nữ Giải phóng (thành lập 8-3-1961); Hội những người Công giáo kính chúa yêu nước; Hội Lục hòa Phật tử; Hội Nông dân Giải phóng (Thành lập 20-2-1961); Hội Lao động Giải phóng; Hội Văn nghệ Giải phóng; Ủy ban Đoàn kết Á Phi của miền Nam Việt Nam v.v…MTDTGP miền Nam Việt Nam đã quy tụ được hầu hết các giới đồng bào cả nước tham gia đấu tranh giành độc lập, thống nhất tổ quốc: “Tin MTDTGP miền Nam Việt Nam được thành lập như cơn mưa rào đổ xuống giữa mùa nắng hạn, đáp ứng sâu sắc lòng mong mỏi tha thiết của Nhân dân. Cả nước bừng bừng khí thế đánh Mỹ[4]”.

Trên trường quốc tế, hàng loạt các nước công nhận MTDTGP miền Nam Việt Nam và tạo điều kiện để Mặt trận đặt đại diện thường trực như: Cu Ba, Algére, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Đức, Trung Quốc, Liên Xô, Campuchia, Mông Cổ, Thụy Điển, Đan mạch, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Pháp, Phần Lan, Somali, Iraq, Tanzania…Phái đoàn của Mặt trận đi thăm các nước được đón tiếp như một Chính phủ, các Ủy viên của Mặt trận được xem như các bộ trưởng. Năm 1969, MTDTGP miền Nam việt Nam cùng với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã tổ chức Đại hội Quốc dân miền Nam Việt Nam thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.  Sau ngày đất nước thống nhất, kể từ ngày 31 tháng 7 năm 1977, MTDTGP Miền Nam Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và sáp nhập vào ngôi nhà chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, MTDTGP miền Nam Việt Nam đã trở thành ngọn cờ tập hợp các tầng lớp Nhân dân miền Nam giương cao ngọn cờ chống xâm lược đòi độc lập, hòa bình và thống nhất Tổ quốc. Lập trường hòa bình, trung lập của Mặt trận đã “làm nổi bật nguyện vọng tha thiết nhất của Nhân dân miền Nam và tranh thủ được sự ủng hộ rộng lớn của nhân dân thế giới, từ các lực lượng cách mạng tiến bộ đến các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, hòa bình, các đảng phái chính trị khác nhau…Trong gần 16 năm, lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận đã phấp phới bay trên hầu khắp năm châu, thực sự là biểu tượng chiến đấu của Nhân dân miền Nam. Biết bao nhiêu người đã ngã xuống dưới lá cờ vẻ vang này vì sự nghiệp chung của dân tộc[5]”.

                                                                                                            Trung Vũ

 



[1] Cecil B. Currey (2013), Chiến thắng bằng mọi giá (Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nxb Thế giới, tr. 333

[2] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 321

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 919 và 920

[4] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 65

[5] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 91-92

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 343
  • Trong tuần: 3 710
  • Tất cả: 8754641

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn