TRÀ VINH LUÔN XỨNG ĐÁNG VỚI DANH HIỆU VẺ VANG “TOÀN DÂN NỔI DẬY, ĐOÀN KẾT LẬP CÔNG” TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

 

Lễ rước cờ vẻ vang của nhân dân Trà Vinh

Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự tiếp nối đường lối đoàn kết dân tộc của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; mà theo đó, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được vận dụng một cách sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, vào điều kiện lịch sử mới - điều kiện đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, cả nước đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng, dưới sự lãnh đạo của một Đảng. Vì thế công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chính quyền tay sai của nhân dân Trà Vinh không nằm ngoài vĩ đạo ấy. Trong 21 năm (1954 -1975) dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, đồng bào Trà Vinh đã làm nên thắng lợi vẻ vang, Đảng bộ, quân và dân Trà Vinh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng nhất và lá cờ vẻ vang với tám chữ vàng “Toàn dân nổi dậy đoàn kết lập công” và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết là kết quả thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng lại là cơ hội tốt để Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Khác với thực dân Pháp, ngay từ đầu, Mỹ không trực tiếp đem quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam mà tiến hành một cuộc chiến tranh thực dân mới với những mưu tính tinh vi, thâm độc hơn nhiều. Đó là xây dựng ở miền Nam một chính quyền thân Mỹ, thông qua đó để áp đặt miền Nam Việt Nam trong vòng cương tỏa của Mỹ. Chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên không những tuân thủ những điều khoản do Hiệp định Giơnevơ quy định, mà còn thẳng tay đàn áp những người theo kháng chiến, thiết lập một chế độ cai trị phát xít chưa từng thấy trong lịch sử để cai trị miền Nam, gây ra một không khí vô cùng hoảng loạn, tan thương chết chóc bao trùm toàn miền Nam Việt Nam. Mỹ - Diệm tập trung xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền và lực lượng vũ trang đông đảo, bao gồm quân đội, cảnh sát và nhà tù, trại giam để đàn áp phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân.

Trong quá trình triển khai chính sách của chủ nghĩa thực dân mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Mỹ - chính quyền Sài Gòn tiến hành kềm kẹp nhân dân, nhất là những gia đình có người tham gia kháng chiến, có người tập kết ra Bắc. Chúng lập ra các “khu trù mật” để gom dân, hòng tách dân ra khỏi cách mạng. Chúng thực hiện chương trình “cải tổ nông thôn”, “cải cách điền địa”, xem đây là quốc sách, thực chất là tạo dựng hành lang pháp lý cho địa chủ tước đoạt quyền sử dụng ruộng đất của nông dân được chính quyền cách mạng tạm giao, tạm cấp sau năm 1945, làm đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.

Trước yêu cầu của tình hình, Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh quyết định thành lập lực lượng vũ trang của tỉnh...Ngày 15/4/1959, lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh công khai hoạt động. Sự ra đời của lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh là nguồn cổ vũ to lớn đối với tinh thần đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vì nó đáp ứng nhu cầu bức xúc của quân và dân Trà Vinh. Những hoạt động vũ trang đánh địch đã hỗ trợ và phối hợp tích cực với các phong trào chính trị và binh vận của quần chúng. Lực lượng cách mạng ở Trà Vinh đã thực sự có những biến đổi quan trọng về chất và lượng, là những tín hiệu cho thấy bước chuyển biến tất yếu của phong trào cách mạng, hòa vào khí thế chung của Liên khu miền Tây và toàn miền làm nên phong trào Đồng Khởi.

Phong trào Đồng khởi của nhân dân Trà Vinh đã nổ ra rộng khắp các địa bàn thu hút đông đảo nhân dân tham gia dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Tại các địa phương, nhân dân đã phối hợp nhiều hình thức đấu tranh: đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận. Phong trào Đồng Khởi là cao trào khởi nghĩa của quần chúng diễn ra một cách mạnh mẽ, có tổ chức chặt chẽ. Đó là cuộc tôi luyện, thử thách và khẳng định bước phát triển cùng sức mạnh của hệ thống chính trị và lực lượng cách mạng ở Trà Vinh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh theo đúng đường lối mà Trung ương Đảng và Bác Hồ đã vạch ra. Phong trào Đồng Khởi là sự ra quân thắng lợi của thế trận hợp đồng ba mũi giáp công phù hợp với điều kiện cụ thể của Trà Vinh.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh và các tổ chức chính trị thành viên của Mặt trận đã giương cao ngọn cờ đại nghĩa, tập hợp các tầng lớp đồng bào các dân tộc trong tỉnh, không ngừng phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thế và lực mới mở đầu cho bước phát triển nhảy vọt trong sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ - ngụy của đồng bào các dân tộc Trà Vinh: từ thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tuyên truyền diệt ác và khởi nghĩa từng phần chuyển sang thời kỳ chiến tranh cách mạng, phát triển thế trận nhân dân du kích chiến tranh, tiến công địch bằng cả ba mũi: chính trị, quân sự và binh vận.

Thất bại từ phong trào Đồng Khởi, Mỹ - Ngụy tăng cường càn quét, bình định nông thôn, dồn dân lập ấp chiến lược, nhằm cô lập và tiêu diệt lực lượng cách mạng ở Trà Vinh. Chúng thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Kinh-Khmer-Hoa. Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện phương châm "một tấc không đi, một ly không rời", nhân dân bám trụ sản xuất và phục vụ cách mạng. Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh phát huy thắng lợi của phong trào Đồng Khởi, của khối đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc Trà Vinh, tích cực phát triển lực lượng mọi mặt, vừa phát động phong trào chiến tranh nhân dân rộng khắp, kiên quyết đẩy mạnh ba mũi giáp công. Phong trào đấu tranh chính trị diễn ra khắp các khu vực nông thôn và thành thị; đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận, từng bước phá tan chương trình bình định nông thôn, lập ấp chiến lược của địch. Thắng lợi của quân dân Trà Vinh góp phần xứng đáng vào thắng lợi của quân dân toàn miền, bẻ gãy quốc sách ấp chiến lược - xương sống của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - Ngụy. Tỉnh Trà Vinh được Bộ Chỉ huy miền tặng danh hiệu "Tỉnh dẫn đầu phong trào nhân dân du kích chiến tranh toàn miền".

Đến cuối năm 1967, sự phá sản về chiến lược “chiến tranh cục bộ“ của đế quốc Mỹ đã rõ ràng, làm cho Mỹ - chính quyền Sài Gòn thất vọng, nội bộ lục đục. Trước tình hình đó, cuối tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mãnh liệt, bất ngờ và đồng loạt trên toàn chiến trường, tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; buộc đế quốc Mỹ phải chịu thua về quân sự, phải chấm dứt chiến tranh xâm lược; tạo điều kiện cho ta giành độc lập dân tộc, tiến tới thống nhất nước nhà.

 Quán triệt tinh thần của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Trà Vinh triệu tập Hội nghị mở rộng để đánh giá tình hình trong tỉnh và đề ra nhiệm vụ chủ yếu chuẩn bị cho thời cơ thực hiện quyết tâm chiến lược. Hội nghị chủ trương tiếp tục đẩy mạnh 3 mũi giáp công, phối hợp các lực lượng trên địa bàn đánh tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rã lực lượng địch, giữ vững và mở rộng vùng căn cứ kháng chiến, tạo thế áp sát tỉnh lỵ và các quận lỵ, sẵn sàng tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy khi thời cơ đến.

Điểm nổi bật của Trà Vinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Quân và dân Trà Vinh đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp đồng loạt tấn công và đồng loạt nổi dậy trên toàn tỉnh, từ thị xã đến khắp các vùng nông thôn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã diễn ra với tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường, khí thế mạnh mẽ và có nhiều sáng tạo. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Trà Vinh đã giành được thắng lợi to lớn, góp phần vào thắng lợi chung của Quân khu 9 và của toàn Miền, làm nhụt ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Với những thành tích to lớn ấy, Trung ương đã phong tặng cho Đảng bộ quân và dân Trà Vinh danh hiệu vẻ vang với tám chữ vàng “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công” và Huân chương Thành Đồng Tổ quốc.

 Sau Mậu Thân 1968, Mỹ - Ngụy tập trung mọi nỗ lực củng cố chính quyền, phát triển ngụy quân, đẩy mạnh quy mô và cường độ chiến tranh ác liệt hơn. Chúng đặt Trà Vinh là địa bàn trọng điểm để triển khai chương trình "bình định cấp tốc". Nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất, quân và dân Trà Vinh đã kết hợp chặt chẽ “hai chân, ba mũi” tổ chức đánh địch liên tục giành nhiều thắng lợi.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975 ở Trà Vinh: Quân địch ráo riết đôn quân bắt lính, thực hiện "tràn ngập lãnh thổ" càn quét chiếm đóng những vùng có vị trí quan trọng, thâm độc hơn là âm mưu chia rẽ dân tộc và tôn giáo với cách mạng, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, giữa các tôn giáo ở Trà Vinh; dùng chiến tranh tâm lý để đánh phá cơ sở và lực lượng của ta; phong tỏa kinh tế vùng giải phóng, lừa mị dân vào "ấp tân sinh"....Thực hiện chủ trương của Khu ủy, Tỉnh ủy Trà Vinh lãnh đạo Đảng bộ, quân và dân Trà Vinh một mặt nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, mặt khác tiếp tục đấu tranh vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh chính trị với hoạt động binh vận nhằm ngăn chặn địch lấn chiếm, quyết không để mất đất, mất dân. Đặc biệt, việc thực hiện kế hoạch chủ động đánh địch mùa khô 1974 và 1974-1975 với phương châm "tiến công và nổi dậy" đã bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bót, mở rộng vùng giải phóng, dồn địch vào thế bị động, phòng thủ.

Trong đêm 29 và sáng ngày 30/4/1975, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy chiến dịch, quân dân Trà Vinh đồng loạt tiến công vào đầu não ngụy quân, ngụy quyền Thị xã Trà Vinh, các huyện lỵ và đồn bót địch; quần chúng xuống đường kêu gọi binh sĩ giao nộp vũ khí, phối hợp cùng lực lượng vũ trang bao vây bức hàng đồn bót địch. Tại tỉnh lỵ Trà Vinh, lực lượng quân sự phối hợp với lực lượng chính trị, binh vận (trong đó có sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer), phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động đông đảo lực lượng quần chúng tham gia, gây sức ép mạnh mẽ với ngụy quân ngụy quyền, bọn địch ở Trà Vinh bị cô lập, buộc Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn đầu hàng vô điều kiện. Tỉnh lỵ Trà Vinh giải phóng cùng lúc với giải phóng Sài Gòn

Thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nói chung và của cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng đã khẳng định năng lực cách mạng và sức mạnh to lớn của khối đoàn kết các dân tộc tỉnh Trà Vinh. Những chủ nhân của một vùng nông thôn ven biển, do có nhiều khó khăn nên chậm phát triển về kinh tế - xã hội, nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có bản sắc văn hoá độc đáo với nhiều nét đặc thù về vấn đề dân tộc và tôn giáo,... đã phát huy hào khí Trà Vinh, nêu cao ý chí tự lực, tự cường của quê hương và truyền thống oanh liệt của non sông đất nước, kiên quyết đi theo Đảng và bảo vệ Đảng, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh trong cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập tự do của Tổ quốc.

 Thắng lợi của nhân dân Trà Vinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khẳng định trí tuệ và sức mạnh đoàn kết của Đảng bộ Trà Vinh. Đó là những tập thể thật sự dũng cảm và sáng tạo, luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của mình trước hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, phức tạp và biết bao tình huống hiểm nghèo; không chỉ tỏ rõ là lực lượng ưu tú đại diện cho ý chí và quyền lợi của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh, kết tinh được những giá trị cao quý của hào khí Trà Vinh và nêu cao lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, mà còn sớm khẳng định được tính tổ chức và bản lĩnh chính trị của mình, trở thành trung tâm tập hợp sức mạnh của quần chúng lao động các giới, các dân tộc, các tôn giáo trên địa bàn, đã chỉ đạo và tổ chức thành công thế trận chiến tranh nhân dân trên vùng đất này, giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc chống xâm lăng. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ nét đặc sắc của cuộc chiến tranh ở Trà Vinh so với các địa phương trên cả nước, càng thấm thía những kinh nghiệm lịch sử quý báu mà thực tiễn cách mạng ở đây đã để lại cho chúng ta hôm nay và cho cả mai sau ./.

Ths Phạm Thị Kiều, Trường Chính trị Trà Vinh

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 35
  • Hôm nay: 1952
  • Trong tuần: 25 629
  • Tất cả: 8728161

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn