LỰC LƯỢNG THANH NIÊN CÀNG LONG THỰC HIỆN PHONG TRÀO “NĂM XUNG PHONG” TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
Càng Long là một trong những huyện, thị của tỉnh Trà Vinh sớm được tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo Đảng mà trực tiếp là của Huyện ủy Càng Long, Huyện đoàn, thanh niên trong huyện đã đoàn kết với đồng bào trong tỉnh, động viên phong trào thi đua yêu nước, huy động được sức mạnh của toàn đảng, toàn dân, phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, vượt qua gian khó, góp phần cùng đồng bào, đồng chí trong tỉnh và cả nước lập nên những thành tích vẻ vang  trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trải qua hơn 90 năm hoạt động và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nói chung và thanh niên Càng Long nói riêng đã lập nhiều chiến công to lớn, dựng xây nên truyền thống vẻ vang của Đoàn bằng những hoạt động sáng tạo mang lại sức mạnh mới, niềm tự hào cho thanh niên. “Năm xung phong” là một trong hàng trăm phong trào thể hiện tính sáng tạo, sức vươn lên của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc: Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần. Từ ngày 17 đến 26/3/1965, Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ I đã họp tại căn cứ kháng chiến Tây Ninh, kiểm điểm công tác xây dựng Đoàn và phong trào thanh niên sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ (1954) và đề ra phương hướng công tác Đoàn, phong trào thanh niên miền Nam trong giai đoạn tới. Tại Đại hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thay mặt Đảng trao nhiệm vụ phát động phong trào "Năm xung phong" với các nội dung là:

1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.

2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.

3. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến.

4. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.

5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Tháng 6/1966, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng và Trung ương Hội LHTN giải phóng chủ trương đẩy mạnh phong trào "Năm xung phong" lên một bước mới với khí thế "Phất cao cờ Năm xung phong, thanh niên thành đồng thừa thắng xông lên đánh bại hoàn toàn Mỹ - Ngụy". Phong trào "Năm xung phong" đi vào cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ miền Nam trong đó có thanh niên Càng Long bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, được nhiều cơ sở Đoàn kiên trì thực hiện như: Tổ chức cho thanh niên xung phong chống bắt lính, tuyên truyền cách mạng cho nhân dân, xung phong tham gia cung ứng cho chiến trường, tham gia du kích, diệt ác, phá kìm…

Hưởng ứng phong trào, thanh niên Càng Long đã tích cực tham gia, động viên và hiệu triệu thanh niên trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đánh bại mọi âm mưu xâm lược của Mỹ và tay sai, quyết tâm thực hiện giải phóng Trà Vinh góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thanh niên Càng Long vừa chiến đấu, vừa tìm hiểu những chỗ yếu của địch, đề ra nhiều cách đánh phong phú, táo bạo sáng tạo theo lời dạy của Bác “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên làm”.

Trọng tâm công tác Đoàn Thanh niên lao động lúc bấy giờ là tham gia vào lực lượng vũ trang xã, huyện, tỉnh chiến đấu giết giặc. Sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức và các hoạt động tích cực, sáng tạo của Huyện đoàn đã giúp cho phong trào thiếu niên huyện ngày một trưởng thành, góp phần đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ Càng Long những năng lực và phẩm chất cần thiết để có thể sánh vai cùng toàn dân làm thất bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù. Trên địa bàn huyện Càng Long, địch tăng cường bắt lính, đóng đồn và liên tục hành quân càn quét khắp nơi để tiêu diệt lực lượng vũ trang và mạng lưới cơ sở cách mạng. Đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thanh, thiếu niên huyện diễn ra sôi nổi, đi đầu trên nhiều lĩnh vực công tác cách mạng.

Thanh niên Càng Long tích cực tham gia các phong trào cách mạng mà đặc biệt là tích cực thực hiện phong trào “Năm xung phong”. Đoàn thanh niên huyện Càng Long đã làm tốt công tác vận động, tập hợp đoàn viên thanh niên đấu tranh cách mạng. Các vùng giải phóng nam, nữ thanh niên đều thuộc lòng các khẩu hiệu “Tổ quốc gọi, thanh niên sẵn sàng”. Các mặt công tác phát động của Đoàn đều làm tốt, huyện đoàn triển khai, quán triệt sâu, rộng đến đoàn viên thanh niên, từ đó các đoàn viên thanh niên trong huyện đều nắm vững phong trào  “Năm xung phong”. Huyện đoàn luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn cách mạng trước mắt là “ Đánh giặc, sản xuất, xây dựng đời sống ở vùng giải phóng, đoàn kết và tổ chức tập hợp lực lượng thanh niên học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành lực lượng hậu bị của Đảng” gắng liền với việc tổ chức thực hiện “Năm xung phong”, cụ thể là:

Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch

 Đi đôi với phong trào phá lỏng, phá rã, phá dứt điểm các ấp chiến lược là phong trào xây dựng ấp, xã chiến đấu. Các xã của huyện Càng Long, mỗi nơi thanh niên đều có những sáng kiến hết sức phong phú phối hợp với xã đội để đánh địch: phá ấp chiến lược về hình thức là nhổ cọc sắt, cuốn dây chì gai đem về rào ấp, xã chiến đấu, ngoài ra thanh niên trong huyện còn tô dày thêm bằng cách trồng dứa gai, các loại cây xanh mà chủ yếu là tre, củng cố các khu vực chiến đấu có chiến hào, công sự chiến đấu, các xã Huyền Hội, An Trường cho rào các xã chiến đấu lấn vào ấp chiến lược; các xã Bình Phú, Nhị Long thì cho gài lôi tiến công ra các bờ giồng,..

Địch mạnh về quân đội chính quy, ta mạnh về tư tưởng tiến công, chất lượng thanh niên, du kích, mưu trí sáng kiến quyết chiến quyết thắng giành thắng lợi từng phần, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính (11/1963) phong trào xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch của thanh niên được dấy lên mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của đội du kích nữ do thanh niên Võ Thị Phước làm trung đội trưởng chỉ huy phối hợp với bộ đội địa phương huyện và du kích các xã Phương Thạnh, Bình Phú, Đại Phước đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch

Xung phong tòng quân và tham gia du kích

Huyện đoàn kết hợp với Huyện đội làm công tác vũ trang tuyên truyền, động viên thanh niên tòng quân. Trong một tuần xã An Trường đã vận động được 350 thanh niên tòng quân. Trong năm 1964, toàn huyện có 2.500 thanh niên tình nguyện tòng quân (trong đó có 75 nữ). Năm 1965, Huyện đoàn phối hợp với Huyện đội tiếp tục vận động thanh niên tòng quân. Tại xã An Trường đã có gần 500 đoàn viên thanh niên tình nguyện đăng ký vào lực lượng vũ trang. An Trường là xã đã góp phần cho huyện đưa hơn 1.000 thanh niên bổ sung vào lực lượng tỉnh và miền. Đến năm 1967, thanh niên Càng Long tiếp tục xung phong tòng quân, có 1.200 đoàn viên thanh niên đăng ký vào chủ lực quân khu

Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến

Năm 1965, Huyện đoàn phối hợp với Huyện đội và cấp ủy xã tuyên truyền phát động phong trào và đã vận động được một tiểu đoàn tham gia vận chuyển súng, đạn từ Cà Mau về tỉnh nhà. Lực lượng thanh niên nam, nữ chưa vào lực lượng vũ trang, cũng được tập hợp vào đội ngũ dân công theo từng đợt chiến dịch đánh địch. Sau đợt vận động này, Huyện đoàn Càng Long còn vận động đoàn viên thanh niên vào tổ chức phục vụ chiến trường lớn như: Đồng chí Nguyễn Hà chi đoàn xã Huyền hội đi Cà Mau phụ trách Đoàn xã, đồng chí Lâm Văn Nghĩa ủy viên Ban Chấp hành xã đoàn Giồng Bèn đăng ký và được tuyển vào Thanh niên xung phong chủ lực miền.

Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính

Phong trào đấu tranh chống bắt lính, trốn đi lính ngụy và phong trào tình nguyện tham gia lực lượng cách mạng được thanh niên trong huyện tích cực hưởng ứng. Khắp các địa phương trong huyện, thanh niên tình nguyện thoát ly gia đình, tham gia cách mạng ngày càng đông, kể cả thanh niên nam, nữ trong vùng địch tạm chiếm cũng trốn gia đình vào vùng căn cứ tham gia cách mạng. Đặc biệt chống địch chiếm đóng bình định có hiệu quả nhất là du kích xã, ấp và thanh niên nam, nữ địa phương bám trụ cắm chông, gài lôi, lựu đạn lập nên những bãi tử địa. Du kích xã, du kích ấp nhất là những du kích đoàn viên ban ngày bắn tỉa điều khiển địch đi vào các bãi chông, lôi, lựu đạn để tiêu hao, ban đêm tập kết vào nơi chúng đóng quân, một đêm tập kích nhiều trận, địch tiêu bị hao ban ngày lẫn ban đêm.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn xác định muốn gầy dựng và phát triển phong trào này cần giao cho “đội quân tóc dài” có thế hợp pháp cùng binh vận làm lực lượng chính đấu tranh chính trị với địch. Tháng 11/1964 địch ném bom giết chết 08 người ở xã Bình Phú, hàng ngàn chị em phụ nữ (nữ thanh chiếm 60%) cùng với gia đình và thân nhân chở xác các nạn nhân đi đấu tranh. Đoàn đấu tranh mang theo biểu ngữ lên án tội ác địch đã giết hại người dân vô tội, đòi bồi thường nhân mạng. Trước khí thế của đoàn đấu tranh địch buộc phải nhượng bộ, chấp nhận bồi thường 42.000 đồng (tiền lúc bấy giờ), đồng thời hứa không bắn pháo, ném bom bừa bãi. Sau cuộc đấu tranh này, phong trào đấu tranh chống bắt lính của các xã vùng giải phóng và vùng ven phát triển mạnh mẽ với hình thức ngăn cản đường địch hành quân bắt thanh niên, che giấu từng thanh niên khi địch bao nhà bắt, có hàng ngàn thanh niên được bảo vệ vào lực lượng vũ trang

Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hộ  

Huyện đoàn phối hợp với cấp ủy các cấp hỗ trợ Đoàn xã tuyên truyền phát động từ chiều rộng đến chiều sâu. Việc sản xuất muốn phát triển tốt phải gắn với xây dựng đời sống ở vùng giải phóng để đảm bảo “thực túc binh cường”. Thanh niên Càng Long lúc bấy giờ còn ra sức lao động sản xuất, đồng ruộng vùng giải phóng được cải tạo, hệ thống dẫn nước ngọt, xổ phèn chua, kiến thiết bờ bao được bảo đảm 80% trên 09 trong huyện, năng suất lúa đạt 4 tấn trên ha…

Tóm lại, cùng với “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc, phong trào “Năm xung phong” đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ miền Nam nói chung và tuổi trẻ Càng Long nói riêng trong thế kỷ XX. Phong trào đã tạo nên một đội quân tình nguyện khổng lồ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975, thu non sông về một mối và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam. Tự hào truyền thống ngọn lửa “Năm xung phong”, khắc ghi công lao của các thế hệ thanh niên đi trước, thế hệ trẻ Càng Long hôm nay nguyện chung sức, chung lòng học tập và làm theo lời Bác, cống hiến sức trẻ và trí tuệ cho đất nước, viết tiếp trang sử vẻ vang của phong trào "Năm xung phong" trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyết tâm lập nên những chiến công mới, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần XI đã đề ra./.

ThS. Phạm Thị Kiều, Trường Chính trị Trà Vinh

 


 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 903
  • Trong tuần: 24 580
  • Tất cả: 8727112

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn