Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Trà Vinh - Ý nghĩa lịch sử
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Trà Vinh giành thắng lợi là kết quả tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan. Đó là thời cơ chiến lược "ngàn năm có một", là đường lối, chủ trương và sự chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự cổ vũ mạnh mẽ của cuộc tổng khởi nghĩa cả nước. Nhân dân Trà Vinh có truyền thống chống thực dân và phong kiến rất kiên cường. Với sự chuẩn bị tích cực, với tinh thần "Đem sức ta mà giải phóng cho ta", toàn dân Trà Vinh đã nhất tề nổi dậy trong thời cơ trực tiếp thuận lợi nhất.

ảnh minh họa

Sau khi thành lập ngày 03/02/1930, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành các cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) đã giác ngộ hàng triệu quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị đông đảo chuẩn bị điều kiện để bước vào cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Tháng 9 năm 1939 chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố tàn khốc, thủ tiêu các quyền tự do dân chủ tối thiểu mà Nhân dân ta giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Năm 1940, Nhật vào Đông Dương, Nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Các Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939), lần thứ 7 (11/1940) Đảng chủ trương đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đến Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) họp tại Cao Bằng, chủ trương thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi lấy tên là “Việt Nam Độc lập Đồng minh hội” gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, tập hợp tất cả những người có tinh thần dân tộc chống Pháp (không phân biệt giai cấp, tầng lớp, đoàn thể, dân tộc,v.v…), tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Ngày 09 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Trung ương Đảng kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào đánh đuổi phát xít Nhật, làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến, thành lập chính quyền của Nhân dân. Khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương, các chiến khu, căn cứ địa cách mạng được đẩy mạnh xây dựng. Nắm bắt thời cơ cách mạng, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1945 kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 25 triệu đồng bào ta với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta !“ đã nhất tề vùng lên tiến hành khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về Nhân dân, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng nghìn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Tại Trà Vinh, chiều ngày 24 tháng 8 năm 1945, Tỉnh uỷ Trà Vinh nhận được lệnh  khởi nghĩa của Xứ uỷ Nam Kỳ. Ngay sau khi nhận được lệnh, Hội nghị Tỉnh uỷ được triệu tập vào lúc 18 giờ tại một địa điểm gần bến xe Trà Vinh (nhà số 37, cơ quan giao liên). Hội nghị quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh vào đúng thời điểm theo lệnh Tổng khởi nghĩa của Xứ ủy. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa, gồm toàn bộ các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Dương Quang Đông, Bí thư Tỉnh uỷ giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa.

Ngay sau khi thành lập, Ủy ban khởi nghĩa gấp rút triển khai kế hoạch chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, kế hoạch tổng khởi nghĩa được thông qua với sự nhất trí cao. Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh Tổng khởi nghĩa đến Trưởng ban khởi nghĩa các địa phương trong tỉnh và chương trình khởi nghĩa được bí mật triển khai đến mọi nhà, đồng bào Kinh - Khmer - Hoa… Trà Vinh nhất tề hưởng ứng.

Trong đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng 8, khởi nghĩa nổ ra trước tại tỉnh lỵ, sau đó toả xuống các quận lỵ rồi lan về các xã trong tỉnh. Tại tỉnh lỵ Trà Vinh, các mục tiêu quan trọng đều bị bao vây vào nửa đêm 24 tháng 8 bởi các lực lượng quần chúng cách mạng, trong đó lực lượng Thanh niên Tiền phong giữ vai trò nòng cốt. Phần lớn lực lượng địch trong các cứ điểm ở tỉnh lỵ chỉ chống cự một cách yếu ớt rồi phải buông súng đầu hàng. Tuy vậy, vẫn có những tốp lính địch ngoan cố không chịu đầu hàng. Tại đây, lực lượng cách mạng phải dùng vũ khí tấn công, đến rạng sáng 25 tháng 8, tên cầm đầu và đồng bọn phải buông súng đầu hàng.

Như vậy đến rạng sáng ngày 25/8/1945, toàn bộ các cứ điểm của địch ở tỉnh lỵ Trà Vinh đã thuộc quyền kiểm soát của lực lượng cách mạng, chính quyền thân Nhật tại tỉnh Trà Vinh đã bị đập tan.

Ngay sau khi lực lượng khởi nghĩa ở Trà Vinh giành thắng lợi, các lực lượng khởi nghĩa ở các quận Càng Long, Cầu Ngang, Trà Cú, Cầu Kè… cũng lần lượt giành thắng lợi. Đến chiều ngày 25/8, toàn bộ chính quyền cấp quận của địch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã bị đập tan. Đồng thời, quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã tổ chức ra những hình thức khác nhau của chính quyền dân chủ nhân dân.

Sáng ngày 28 tháng 8, một cuộc mitinh lớn diễn ra tại sân vận động tỉnh Trà Vinh. Tại đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chính thức ra mắt đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Trà Vinh giành thắng lợi là kết quả tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan. Đó là thời cơ chiến lược "ngàn năm có một", là đường lối, chủ trương và sự chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự cổ vũ mạnh mẽ của cuộc tổng khởi nghĩa cả nước. Nhân dân Trà Vinh có truyền thống chống thực dân và phong kiến rất kiên cường. Với sự chuẩn bị tích cực, với tinh thần "Đem sức ta mà giải phóng cho ta", toàn dân Trà Vinh đã nhất tề nổi dậy trong thời cơ trực tiếp thuận lợi nhất.

Cách mạng Tháng Tám ở Trà Vinh giành thắng lợi là kết quả của quá trình đấu tranh 78 năm (1867 - 1945) và 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930 - 1945) của Nhân dân tỉnh nhà. Ngay từ khi thực Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (20/6/1867), Nhân dân Trà Vinh đã tham gia các cuộc nổi dậy đánh Pháp dưới sự lãnh đạo của Phan Tôn, Phan Liêm (1867), của Tán lý Lê Văn Quân, Đề đốc Triều, Đốc binh Say (1868); của Đề đốc Lê Cẩn, Phó Mai và Nguyễn Giao (1870-1873), của Trần Đề… lãnh đạo, đến các phong trào mang tính chất nông dân và tiểu tư sản như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa thục, phong trào Thiên Địa hội; đặc biệt là các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi giảm giờ làm việc giảm sưu cao, thuế nặng… trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1932 - 1939, Khởi nghĩa Nam kỳ (1941), tiến tới tổng khởi nghĩa ngày 25/8/1945 dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng trên địa bàn tỉnh với biết bao gian khổ, hy sinh, góp phần cùng dân tộc phá tan xiềng xích nô lệ của Pháp - Nhật, chế độ phong kiến, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhân dân Trà Vinh lần đầu tiên giành được chính quyền trên phạm vi toàn tỉnh. Đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng tỉnh nhà; góp phần cùng cả nước mở ra kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám thành công đã làm tăng thêm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Trà Vinh còn là kết quả của công tác xây dựng Đảng. Đảng bộ Trà Vinh ngay từ khi mới thành lập và trong quá trình lãnh đạo đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, đường lối cách mạng đúng đắn do Đảng đề ra. Vì vậy, trải qua nhiều gian nan, thử thách, qua nhiều lần bị địch đàn áp khủng bố ác liệt, tổn thất to lớn, nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ vẫn kiên cường, bất khuất, chấp nhận hy sinh, phấn đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo cách mạng, khi thời cơ đến đã lãnh đạo và cùng Nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Trà Vinh là thắng lợi của phương pháp cách mạng. Đảng bộ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, kết hợp đúng đắn 2 nhiệm vụ chống thực dân và phong kiến, thấu suốt quan điểm bạo lực cách mạng, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đồng thời luôn theo sát diễn biến tình hình, tuân thủ sự chỉ đạo của cấp trên, kịp thời nắm bắt thời cơ, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi một cách nhanh chóng và ít đổ máu.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Trà Vinh do Đảng bộ quán triệt và thực hiện đúng đắn quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Ngay khi các tổ chức Đảng ở Trà Vinh được thành lập, Đảng bộ đã dựa vào lực lượng nông dân, công nhân, thợ thủ công, đồng thời tranh thủ các tầng lớp, thành phần khác như trí thức, tiểu tư sản, địa chủ yêu nước…tập hợp họ vào các tổ chức nông hội, công hội, hội thanh niên, phụ nữ, mặt trận… tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chĩa mũi nhọn vào thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai. Khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đảng viên của Đảng bộ không nhiều, nhưng Tỉnh uỷ và các Quận uỷ huy động lượng quần chúng đông đảo, đủ thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo…tạo thành sức mạnh to lớn mà quân thù không thể chống đỡ nổi, buộc phải đầu hàng.

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quật cường của Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh cùng cả nước tiến hành 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hơn lúc nào hết, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền thống “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, của quê hương Trà Vinh anh hùng, tinh thần ấy cần được mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Trà Vinh phát huy, nêu cao ý thức tự lực tự cường và khát vọng vươn lên xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.

Trần Bình Trọng

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 424
  • Trong tuần: 4 060
  • Tất cả: 8756659

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn