NHỮNG CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ Ở TRÀ VINH GÓP PHẦN LÀM NÊN NHỮNG CHIẾN TÍCH ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Trà Vinh không bao giờ quên, những đóng góp công sức, xương máu của cán bộ, chiến sĩ đoàn “Tàu Không số” - trong đó có những người con của quê hương Trà Vinh anh hùng. Xin giới thiệu những cá nhân và tập thể ở Trà Vinh góp phần làm nên chiến tích năm xưa.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau những năm đầu hết sức khó khăn, đến năm 1959, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta ở miền Nam có bước phát triển nhảy vọt. Phong trào nổi dậy của quần chúng kết hợp với đấu tranh vũ trang ngày càng lan rộng.

Trước tình hình đó, yêu cầu về cán bộ và vũ khí ngày càng lớn. Đường vận tải chiến lược Trường Sơn lúc này chỉ mới vươn tới được các tỉnh phía Bắc Khu 5, còn các tỉnh thuộc miền Đông Nam và Đồng bằng sông Cửu Long không đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với các tỉnh Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới; Quân ủy trung ương chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5; Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.

Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra.

Đêm 11 tháng 10 năm 1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu cùng 11 thủy thủ đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng); ngày 16/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn. Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến tiếp theo lần lượt vào Nam. Trong hai tháng, 4 chuyến tàu của Đoàn 759 đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn. Đây là một thắng lợi lớn, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của quân dân miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trên con đường vận chuyển này, nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra, nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ vận tải biển không sờn lòng, nản chí, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp tế cho miền Nam, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng đánh bại “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trực tiếp và gián tiếp vận chuyển hơn 96.000 tấn vũ khí đạn dược và các vật chất khác cùng hơn 170.000 lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện chiến trường miền Nam. Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.

Góp phần làm nên những chiến tích của đường Hồ Chí Minh trên biển, Trà Vinh đã có những cá nhân và tập thể tiêu biểu được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao, tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cụ thể là:

1. Đồng chí Dương Quang Đông

Đồng chí Dương Quang Đông sinh ngày 02 tháng 5 năm 1902 tại xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Năm 1920, đồng chí Dương Quang Đông tham gia hoạt động cách mạng trong Công hội đỏ, được phân công làm Thư ký và là Trưởng ban  giao liên của tổ chức.Năm 1921, được đồng chí Tôn Đức Thắng cử trở về Trà Vinh vận động, xây dựng tổ chức, đồng chí Dương Quang Đông đã thành lập được hai tổ chức Công Nông hội đỏ ở Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh, rồi dần dần lan tới các địa phương lân cận như Mỏ Cày, Càng Long, Long Hồ.

Ngày 20 tháng 3 năm 1930, đồng chí tiến hành thành lập các chi bộ cộng sản ở Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh; sau đó thành lập Tỉnh ủy Trà Vinh do đồng chí làm Bí thư kiêm nhiệm Bí thư Quận ủy Cầu Ngang. Từ năm 1936 đến tháng 5 năm 1945 đồng chí tham gia Ủy ban Hành động Nam kỳ và đảm nhiệm các chức Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Ngày 24 thán 8 năm 1945, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ công bố lệnh Tổng khởi nghĩa. Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Dương Quang Đông cùng Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh giành chính quyền về tay nhân dân vào sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945. Ngày 06 tháng 01 năm 1946, đồng chí Dương Quang Đông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tại đơn vị tỉnh Trà Vinh. Sau khi Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh ở Nam bộ, đồng chí Dương Quang Đông được Xứ ủy giao nhiệm vụ mở đường “xuyên Tây” qua Thái Lan mua và vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, khí tài và các thiết bị phục vụ chiến tranh khác ở Thái Lan và Malaysia chuyển về Nam bộ đánh Pháp. Năm 1948, được bổ nhiệm làm Phó phòng Hàng hải Nam bộ, kiêm Trưởng phòng Hàng hải tại Thái Lan. Năm 1951, được phân công phụ trách Quân Dân Chính Đảng tại vùng Tây Campuchia và công tác hậu cần hai con đường Xuyên Tây trên bộ và trên biển từ tỉnh Kô Kông (Campuchia) về tỉnh Long Châu Hà (gồm Long Xuyên - Châu Đốc - Hà Tiên).

Sau năm 1954, đồng chí Dương Quang Đông được phân công của Xứ ủy tham gia Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, phụ trách công tác binh vận. Thời gian này, tuyến giao liên giữa Trung ương, Chính phủ với Nam bộ thường bị gián đoạn, Xứ ủy điều động đồng chí sang mở lại tuyến giao thông huyết mạch này với phiên hiệu Đoàn A53. Một hệ thống cơ sở trên suốt tuyến đường từ Nam Bộ qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Hà Nội hoặc tuyến đường thủy Thái Lan - Hồng Kông -Hà Nội hoạt động liên tục bảo đảm tuyến giao thông liên lạc thông suốt phục vụ nhu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Sau Đồng khởi năm 1960, Trung ương Cục phân công đồng chí nhiệm vụ Chỉ huy phó, kiêm Chính ủy Đoàn tàu không số mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam.

Từ năm 1964 đến năm 1975, đồng chí được Trung ương Cục bổ nhiệm làm Trưởng Ban Giao liên công khai Trung ương Cục. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí được phân công phụ trách Giao thông Công chánh rồi làm Ủy viên Ban Thanh tra thành phố Sài Gòn. Năm 1977, đồng chí Dương Quang Đông được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Đồng chí Dương Quang Đông từ trần ngày 10 tháng 5 năm 2003, hưởng thọ 101 tuổi.

Ngày 09 tháng 10 năm 2014, đồng chí Dương Quang Đông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Đồng chí Lê Văn Lòng                       

 Đồng chí Lê Văn Lòng, còn có tên là Lê Thanh Lòng  bí danh Hai Tranh), sinh năm 1921 tại ấp Vũng Tàu, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh Sau ng khởi 1960, thực hiện chỉ thị của Trung ương, của Khu ủy khu 9, Tỉnh ủy Trà  Vinh tổ chức người và phương tiện vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí.

Đồng chí Lê Văn Lòng và 05 đồng chí khác được lựa chọn thực hiện các chuyến đi. Từ năm 1963 - 1966, đồng chí Lê Văn Lòng đã lãnh đạo, chỉ huy cán bộ, chiến sĩ đơn vị B22 - Bến Trà Vinh tiếp nhận và bảo đảm an toàn 16 chuyến tàu với hơn 824 tấn vũ khí và trang thiết bị khác, số vũ khí này chuyển ra chiến trường Vĩnh Trà hơn 600 tấn, chuyển qua bến Bến Tre hơn 200 tấn, trung chuyển từ Cà Mau lên 565 tấn để chuyển qua Bến Tre. Chỉ huy đơn vị phối hợp với lực lượng của huyện Duyên Hải và bộ đội địa phương tỉnh Trà Vinh đánh địch hàng trăm trận bảo vệ địa bàn, kho cất giấu vũ khí, bắn rơi máy bay, bắn bị thương nhiều tàu và hải thuyền địch.

Đồng chí thường xuyên quan tâm lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng trận địa lòng dân thành vành đai bảo vệ căn cứ. Trong suốt thời gian từ năm 1962 đến 30/4/1975 bến Trà Vinh không bị địch đánh gây thiệt hại nào đáng kể, kho cất giấu vũ khí tuyệt đối an toàn.

Đồng chí Lê Văn Lòng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 22 tháng 11 năm 2011.

3. Đồng chí Hồ Đức Thắng

Đồng chí Hồ Đức Thắng, tên khai sinh là Hồ Bá Thọ (còn có tên khác là Nguyễn Văn Inh, bí danh Hồ Thọ, Hồ Lộc…) sinh tháng 10/1922 tại cù lao Dài, nay là hai xã Thanh Bình - Quới Thiện, thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí tham gia cách mạng tháng 10/1940, tháng 6/1946, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Tháng 4/1947, đồng chí Hồ Đức Thắng được đề bạt cán bộ trung đội bậc trưởng và được Chỉ huy trưởng Chi đội Trần Long Chu giao nhiệm vụ thuyền trưởng cùng 12 thủy thủ đưa chuyến tàu chở tài liệu, thuốc men, gạo thóc ra miền Trung. Khi thuyền ra tới vùng biển Nha Trang thì địch phát hiện, vây bắt. Biết không thể thoát khỏi, Thuyền trường Hồ Đức Thắng ra lệnh hủy tàu. Tàu chìm và cả 13 cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều bị bắt. giam giữ tại nhà tù Cát Lái. Tại đây, trong một chuyến đi lao động, Hồ Đức Thắng cùng một người bạn tù mưu trí chém chết viên giám thị, vượt ngục ra chiến khu rừng Sác, tìm cách lần dò trở về đơn vị.

Tháng 7/1952, đồng chí Hồ Đức Thắng được phân công về làm Xã đội trưởng Hiệp Thạnh, huyện Cầu Ngang (nay thuộc thị xã Duyên Hải). Sau đó được phân công tham gia đoàn tàu không số vận chuyên vũ khí từ Bắc vào Nam. Trong thời gian từ năm 1962 đến năm 1966, con tàu 55 do Thuyền trưởng Hồ Đức Thắng trực tiếp chỉ huy đã vận chuyển an toàn về Nam 16 chuyến, với hơn 1.000 tấn vũ khí và các loại trang thiết bị khác cho miền Nam.

 Ngày 01/01/1965, Thuyền trưởng, Thượng úy Hồ Đức Thắng được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ năm 1980 cho đến khi từ trần (2007), Anh hùng Hồ Đức Thắng trở về sinh sống, góp phần xây dựng quê hương tại vùng quê biển Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải (nay là thị xã Duyên Hải), tỉnh Trà Vinh.

 4. Đơn vị B22 - Bến Trà Vinh

Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu

Đơn vị B22- Bến Trà Vinh (hay còn gọi là Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu) nằm trên địa bàn hai xã Long Vĩnh và Trường Long Hòa - huyện Duyên Hải. Đây là bến nằm trong tầm hoạt động của pháo binh, biệt kích, thám báo của địch trên bộ và Hải quân của địch ven biển nên mọi hoạt động rất khó khăn và ác liệt. Bến được thành lập vào tháng 12 năm 1962 để đón tiếp các tàu chở vũ khí từ Bắc vào Nam. Ngày 23/3/1963, Bến Trà Vinh đón chiếc tàu sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí vào bến an toàn. Từ khi thành lập đến khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Đơn vị B22 - Bến Trà Vinh đã tiếp nhận 16 chuyến tàu của Đoàn tàu không số, với 824 tấn vũ khí và trang thiết bị phục vụ chiến trường miền Nam. Tổ chức vận chuyển ra chiến trường Vĩnh - Trà (Vĩnh Long- Trà Vinh) hơn 600 tấn; chuyển lên miền Đông Nam bộ hơn 100 tấn và trung chuyển từ Cà Mau về Bến Tre 560 tấn vũ khí, hàng hóa phục vụ cho các chiến trường đánh Mỹ. Trong quá trình vận chuyển, cất giữ, đơn vị đã chiến đấu trên 30 trận để bảo vệ bến, và đã diệt 195 tên địch, bắn rơi 2 máy bay, bắn chìm 1 tàu và bắn cháy 2 hải thuyền, bảo vệ an toàn đơn vị và 100% vũ khí, trang thiết bị quân sự được cất giữ. Đồng thời, còn phối hợp với dân, quân địa phương bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.

Với những thành tích xuất sắc của Đơn vị B22 - Bến Trà Vinh trong kháng  chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đơn vị B22 - Bến Trà Vinh.

Ngoài 03 cá nhân và 01 tập thể được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nêu trên, còn có nhiều đơn vị và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Trà Vinh đã có những đóng góp to lớn trong việc phối hợp vận chuyển, cất giấu vũ khí, đánh địch bảo vệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số, bảo vệ Bến tiếp nhận vũ khí trong suốt thời gian Bến hoạt động, góp phần vào thắng lợi chung.

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 -23/10/2021), cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Trà Vinh không bao giờ quên, những đóng góp công sức, xương máu của cán bộ, chiến sĩ đoàn “Tàu Không số” - trong đó có những người con của quê hương Trà Vinh anh hùng và nguyện tiếp bước các thế hệ cha anh, góp công sức trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Trà Vinh ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trần Bình Trọng

 

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 361
  • Trong tuần: 6 704
  • Tất cả: 8752478

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn