Miền Nam những ngày toàn quốc kháng chiến
Cuộc kháng chiến của nhân dân Miền Nam chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ 2 chính thức bắt đầu từ ngày 23/9/1945. Có nghĩa nhân dân Miền Nam được hưởng những ngày hòa bình, độc lập vô cùng ngắn ngủi, chỉ đúng 21 ngày. “Miền Nam đi trước về sau” (Tố Hữu) là vậy. Thế nhưng, tròn 70 năm trước, hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và các lực lượng vũ trang ở Miền Nam đã cùng nhất tề đứng lên chống lại quân xâm lược để bảo vệ đất nước.

 

Tháng 12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng hai lần gửi thư, điện cho Xứ ủy Nam Bộ, nêu rõ chủ trương gấp rút chuẩn bị kháng chiến toàn quốc và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Nam Bộ là không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Trung, Bắc[1]”. Trung ương cũng chỉ thị cho Nam Bộ: “Tìm mọi cách uy hiếp thành phố Sài Gòn, phá hoại các kho tàng quân nhu, đạn dược, thuyền bè chuyên chở của địch; Kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị của quần chúng như bãi công, đình công, đòi quyền lợi kinh tế, đòi quyền tự do dân chủ, chống khủng bố, tẩy chay chính phủ bù nhìn; Tổ chức các đội xung phong cảm tử, tiễu trừ Việt gian, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân…[2]”.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ đã tiến hành chiến tranh du kích nhằm phân tán lực lượng địch trên các chiến trường để chúng không thể đưa quân ra Miền Bắc. Tại Sài Gòn, ngày 20/12/1946, các đội tự vệ thành và các đội cảm tử đồng loạt nổ súng trong thành phố. Các chiến dịch tổng tiến công, quấy rối, phong tỏa, phá hoại các kho tàng của địch diến ra khắp mọi nơi. Cùng với chiến tranh du kích và các chiến dịch tấn công địch, các cuộc đình công, bãi khóa, bãi thị của công nhân, học sinh và nhân dân ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn diễn ra rầm rộ gây cho địch nhiều thiệt hại và lúng túng. Rất nhiều cơ hậu cần của địch, nhiều đồn điền cao su bị phá, nhiều đường giao thông bị đánh chặn và làm hư hỏng, làm cho giặc Pháp khó khăn trong tổ chức vận chuyển và cơ động lực lượng.

 Tại tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), ngày 22-01-1947, trên lộ Đông Dương (nay là quốc lộ 1A), các lực lượn vũ trang đã làm nên chiến thắng Cổ Cò gây tiếng vang lớn. Đây được xem là trận đánh lớn đầu tiên trên chiến trường Tây Nam Bộ. Đầu năm 1947, lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang) đã làm nên chiến thắng Tầm Vu nổi tiếng “Tầm Vu! Tầm Vu đây đó vang lừng chiến công” (Vang lừng chiến thắng Tầm Vu). Ở Bến Tre, ngày 23/01/1947, ở Bến Tre, lực lượng chủ lực và dân quân du kích địa phương đã đẩy lùi cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Hàng loạt, hàng loạt các chiến thắng nối tiếp nhau ra đời từ Gò Công đến Vĩnh Long, Trà Vinh và ra tận cực Nam Trung Bộ.

Ở Đồng Nai, thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy Biên Hòa đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa vững chắc, xây dựng lực lượng, đẩy mạnh chiến tranh du kích kết hợp với các chiến dịch phá hoại giao thông, kinh tế của địch. Chi đội 10 Biên Hòa đã mở hàng loạt trận đánh phá giao thông đường bộ, đường sắt góp phần ngăn cản bước tiến của quân địch. Những địa danh đã đi vào lịch sử gắn với những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở Đồng Nai như Gia Huynh, Trảng Táo, Bảo Chánh, Bàu Cá…

Bắt đầu không khí sục sôi kể từ ngày 23/9, được đẩy mạnh và tiến công đồng loạt trên tất cả các chiến trường, tất cả các mặt trận, bằng nhiều mũi giáp công trong những ngày toàn quốc kháng chiến, quân dân Nam Bộ đã sáng tạo, xây dựng thành công nhiều mô hình căn cứ địa kháng chiến từ bưng biền đến núi miền Đông Nam Bộ với nhiều cách đánh đặc biệt và hiệu quả như cách đánh đặc công của anh hùng Trần Công An, cách đánh bằng thủy lôi, bằng đặc công nước, đánh du kích, xây dựng làng chiến đấu, giao thông hào…vô cùng sáng tạo và độc đáo.

Kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021), những âm hưởng hào hùng của những ngày khói lửa chưa xa ấy lại ùa về để nhắc nhở những thế hệ hôm nay về một thời kỳ đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng anh dũng. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là thắng lợi của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có phần công lao to lớn của quân và dân Nam Bộ đã chiến đấu hy sinh với lời thề vang vọng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Hồng Phúc



[1] Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Tập I, Nxb QĐND, H. 2001, tr. 367.

[2] Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Tập I, Nxb QĐND, H. 2001, tr. 367-368

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 3 002
  • Tất cả: 8753444

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn