Hiệp định Paris về Việt Nam: Thắng lợi của sức mạnh tổng hợp dân tộc
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris "về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" được ký kết. Đây là một thắng lợi lịch sử trong đấu tranh ngoại giao của Việt Nam, trong đó có cả ngoại giao nhân dân. Thắng lợi của hội nghị này là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của dân tộc cả trên chiến trường, cả trên bàn đàm phán và cả từ sức mạnh và sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại Pháp.

Kỳ 1: Cuộc đấu trí ngoại giao lâu dài và căng thẳng

Ít có cuộc đàm phán nào diễn ra với khoảng thời gian dài, với nhiều phiên họp như Hội nghị Paris về Việt Nam. Thời gian đàm phán kéo dài từ ngày 13/5/1968 đến ngày 27/01/1973. Cuộc đàm phán kéo dài 4 năm 8 tháng với 202 phiên họp chính thức và 52 phiên họp kín, bí mật. Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris giữa 2 bên khai mạc. Do lập trường cương quyết của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ buộc phải ngồi nói chuyện chính thức với Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và từ tháng 6/1969 là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Quang cảnh ngày khai mạc Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Tư liệu

Ngay từ khi bắt đầu đàm phán, những người lãnh đạo của chế độ Sài Gòn đã chống phá quyết liệt hội nghị này. Sau này, để mau chóng rút khỏi vũng lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nước Mỹ đã sử dụng các biện pháp cứng rắn buộc chế độ Sài Gòn phải chấp nhận ký kết các điều khoản của hiệp định. Ngày 15/01/1973, Nguyễn Văn Thiệu đã gửi công điện hỏa tốc tới tư lệnh các quân đoàn, quân khu của quân đội Sài Gòn ra chỉ thị yêu cầu phải có các biện pháp đối phó[1]. Ngày 16/01/1973, Đại tướng Haig trao cho Nguyễn Văn Thiệu bức thư của Nixon, mà Kissinger gọi là "bốc lửa", trong đó có đoạn: "Vì vậy chúng tôi đã quyết định dứt khoát sẽ ký tắt Hiệp định ngày 23/01/1973 tại Paris. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ làm như thế một mình. Trong trường hợp đó, tôi phải giải thích công khai rằng Chính phủ của ông cản trở hoà bình. Kết quả là sự chấm dứt không tránh khỏi và lập tức của viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ - và một sự sắp xếp lại Chính quyền của ông cũng chẳng thay đổi được tình hình[2]". Trước sức ép của Mỹ, Việt Nam Cộng hòa cuối cùng phải chấp nhận ký kết hiệp định. Đây là cuộc đấu trí trên bàn ngoại giao giữa một nền ngoại giao Việt Nam non trẻ với nền ngoại giao và những nhà thương thuyết được xem là đầu sỏ của một siêu cường thế giới.

Ảnh chụp trang đầu bản sao của "Hiệp định Paris" bằng tiếng Anh; có chữ ký của 20 phi công Mỹ là tù binh tại Hillton Hanoi xác nhận đã được đọc nó. Ảnh TL

11 giờ (giờ Paris), ngày 27/01/1973, tại trung tâm Hội nghị quốc tế, Đại lộ Kleber, Paris, đại diện bốn bên gồm: Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh; Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ William P. Rogers và Trần Văn Lắm, Tổng trưởng Ngoại giao chính quyền Sài Gòn cùng ký vào Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nội dung của Hiệp định bao gồm 9 chương, đây cũng chính là 9 điểm mà Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thống nhất với nhau vào tháng 10/1972 với xương sống là tuyên bố 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trước đó.

Nội dung cơ bản của Hiệp định là Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi hiệp định Geneva về sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, theo đó, Việt Nam là một quốc gia thống nhất, miền Bắc và miền Nam không phải hai quốc gia riêng biệt mà chỉ là hai vùng tập kết quân sự khác nhau.

Các bên tiến hành ngừng bắn trên toàn Việt Nam bắt đầu từ ngày 27/01/1973. Ở miền Nam tất cả các đơn vị quân sự Mỹ và đồng minh, hai bên miền Nam Việt Nam ở nguyên vị trí (không áp dụng với Quân đội nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển…Các bên tiến hành trao trả tù binh. Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Sự tái thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Để bảo đảm và giám sát việc thực hiện hiệp định, một ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế và Ban liên hợp quân sự bốn bên (gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hoa Kỳ, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hoà), Ban liên hợp quân sự hai bên (Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hoà) sẽ được thành lập. Các bên tham gia Hội nghị phải triệt để tôn trọng Hiệp định Geneva năm 1954 về Campuchia và Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân hai nước về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ các nước đó. Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công việc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trên toàn Đông Dương.

Tất cả các bên đồng ý thi hành hiệp định. Hiệp định được sự bảo trợ của quốc tế thông qua việc các quốc gia ký nghị định thư quốc tế về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Kỳ 2: Thắng lợi của sức mạnh tổng hợp dân tộc

Thắng lợi của việc ký kết hiệp định Paris là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của dân tộc bao gồm thắng lợi về mặt quân sự, thắng lợi từ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và thắng lợi từ chiến dịch ngoại giao nhân dân.

Thắng lợi về quân sự quyết định thắng lợi về ngoại giao: Từ cuối năm 1964, sau khi Chương trình “Chiến tranh đặc biệt” có nguy cơ bị thất bại, Hoa Kỳ buộc phải tăng quân trên chiến trường và bắt đầu các hoạt động quân sự chống phá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” lấy cớ đánh phá miền Bắc Việt Nam. Chính vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, tháng 12/1965, Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 12, trong đó chỉ rõ “đánh đến một lúc nào đó sẽ vừa đánh vừa đàm” nhưng nhận định “tình hình chưa chín muồi cho một giải pháp”. Tới tháng 12/1967, quân số lính Mỹ đạt 497.498 quân, kết hợp với 60.276 lính quân đội các nước đồng minh của Mỹ (không tính lính Việt Nam Cộng hòa), nâng tổng quân số nước ngoài trên chiến trường Việt Nam đạt 557.774 lính và số lượng lính Việt Nam Cộng hòa đạt 634.475 lính, tăng 200.000 lính so với năm 1966. Tới ngày 31-03-1968, tổng quân số liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đạt 1.375.747 quân. Năm 1966, sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giành hàng loạt các chiến thắng, Hoa Kỳ bắt đầu đề cập tới giải pháp đàm phán hòa bình. Riêng trong 03 tháng đầu năm 1967, liên quân Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức 884 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên. Trong 3 tháng đầu 1967, Không quân của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành 151.044 phi xuất (trong đó phi xuất hành quân là 30.231 cuộc) và 37.851 cuộc hải xuất oanh tạc và do thám miền Bắc. Trong giai đoạn 1966-1967, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bắt đầu sử dụng chất độc hóa học để khai quang các khu vực của Quân Giải phóng. Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ và Việt Nam Cộng hòa phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, phải chuyển hướng chiến lược “phi Mỹ hoá chiến tranh” rồi “Việt Nam hoá chiến tranh”, bắt đầu rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, cử người đàm phán với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hội nghị Pari. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Johnson phải tuyên bố: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra (90% lãnh thổ miền Bắc) và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để đánh gục ý chí của Mỹ, đặc biệt là sự trì hoãn thảo luận nghiêm túc của phía Hoa Kỳ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định mở đợt tấn công thứ ba của Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với mục tiêu gây tiêu hao tối đa cho đối phương về nhân lực, vũ khí, khí tài, đặc biệt là những loại hiện đại để đập tan mưu đồ xâm lược của Hoa Kỳ, tạo bước chuyển về cục diện trên bàn đàm phán và trên thực địa chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn đầu của đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phía Hoa Kỳ yêu cầu có sự tham gia của phái đoàn Sài Gòn; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không vi phạm khu phi quân sự, không dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản đối những đòi hỏi đó và đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom; yêu cầu chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia hội đàm. Để thống nhất các quan điểm khác nhau này phải mất 6 tháng với 28 phiên họp chính thức. Nhân tố đưa đến sự thống nhất vẫn chủ yếu do quyết định từ chiến trường.  Hiệp định Paris được ký kết nhưng đó không phải là một thắng lợi dễ dàng bởi để đi tới hội nghị này, quân và dân miền Nam đã trải qua những năm tháng chiến đấu và hy sinh to lớn. Đặc biệt, sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đem hàng trăm nghìn quân tinh nhuệ vào miền Nam trực tiếp tham chiến, quân Mỹ đã thực hiện nhiều chiến dịch quân sự gây tổn thất to lớn cho bộ đội ta ở miền Nam. Sau Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng tiếp tục tấn công các mục tiêu của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn. Đặc biệt, trước thái độ trì hoãn của Hoa Kỳ, đầu tháng 5/1968, Quân Giải phóng quyết định mở cuộc tấn công đợt 2 năm 1968 đánh vào các đô thị ở miền Nam Việt Nam. Cùng lúc ấy, trên mặt trận ngoại giao, 19g 45 phút ngày 03/5/1968, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát đi tuyên bố về hội đàm, trong đó cực lực lên án thái độ không nghiêm chỉnh của Hoa Kỳ; đồng thời ấn định rõ ngày giờ và địa điểm cho phiên họp đầu tiên, khai mạc hội nghị đàm phán hòa bình về Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc ký kết Hòa đàm Paris. Ảnh tư liệu

Thắng lợi từ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế: Trên trường quốc tế, uy tín của Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làn sóng phản đối chiến tranh, đòi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán tăng mạnh. Đầu tháng 3/1968, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc U.Thant kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và coi đây là điều kiện để tổ chức đàm phán. Ngày 14/5/1968, trong bài phát biểu tại Trường Đại học Alberta (Canada) ngài U. Thant - Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã “tỏ rõ lập trường ủng hộ quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ thực hiện một cuộc ngưng oanh tạc toàn diện vô điều kiện miền Bắc[3]”. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới bằng cách mày hay cách khác bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Tư, Anlgéri, Tanzania…Trong Hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình cho biết khi bà tới thăm Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ, Lãnh sự của chính quyền Sài Gòn ở Ấn Độ đã phản đối. Chính phủ Ấn Độ trả lời chính thức “Mời ai là quyền của chúng tôi[4]”. Đảng Cộng sản Pháp (PCF), một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp lúc bấy giờ. Ngoài sự giúp đỡ vật chất rất to lớn cho hai đoàn Việt Nam tham gia đàm phán còn tích cực trong việc tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ các cuộc kháng chiến của ta và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ; làm cầu nối giữa Việt Nam và Pháp vì hai nước lúc bấy giờ chưa có quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ. 

Thắng lợi từ đường lối ngoại giao nhân dân: Cùng với ngoại giao bằng con đường Chính phủ, mặt trận ngoại giao nhân dân đã được tận dụng triệt để. Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Bất cứ nước nào mời, tổ chức nào mời là chúng tôi tranh thủ đi, ở Pháp, Mỹ, châu Phi hay châu Mỹ, tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị và các chính phủ…[5]”. Trong quá trình diễn ra đàm phán, Việt Nam đã đã tạo dựng được một mặt trận nhân dân thế giới, đoàn kết tất cả các lực lượng chính trị tiến bộ trên thế giới, kể cả những thành phần không thuộc phe cộng sản hoặc thậm chí không ưa cộng sản, ủng hộ của đấu tranh chính nghĩa của mình. Ví dụ như Tòa án Quốc tế Bertrant Rousselle được lập ra nhờ những trí thức nổi tiếng, điển hình là ông Bertrant Rousselle, người Thụy Điển và ông Jean Paul Sartre, một nhà triết học Pháp nổi tiếng. Cộng đồng người Việt đông đảo ở Paris đã luôn ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc, trong đó có rất nhiều sinh viên đi từ miền Nam sang Pháp du học, thậm chí được hưởng học bổng của Chính quyền Sài Gòn, đóng góp của cộng đồng người Việt tại Pháp là vô cùng to lớn. Đông đảo người dân Mỹ tiến bộ cũng như đông đảo nhân dân tiến bộ trên thế giới đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành để ủng hộ công cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Trong Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”, Bà Nguyễn Thị Bình đã không khỏi xúc động cho biết trong suốt thời gian đám phán ở Pháp, cả hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được Đảng Cộng sản Pháp và bà con Việt Kiều giúp đỡ rất tận tình khi viết: “Tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc bà con Việt Kiều tại Pháp và các nước xung quanh, cảm ơn bạn bè quốc tế đã hết lòng vì cuộc chiến đấu của chúng ta…[6]”.

Hiệp định Paris có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đây chính là văn bản pháp lý quan trọng, toàn diện và đầy đủ nhất mà ở đó có cường quốc được xem là số một của thế giới là Hoa Kỳ phải cam kết tôn tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhớ về sự kiện trọng đại này, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, khi ấy là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã xúc động ghi trong hồi ký của mình rằng khi đặt bút ký hiệp định lịch sử này bà đã vô cùng xúc động, nghĩ đến “đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam Bắc… (…) là ân tình sâu đậm mà cả thế giới giành cho cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta[7]”.

Tình hình thế giới và khu vực được các văn kiện của Đảng dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp không thể lường trước được, trong bối cảnh đó, rất cần sự đồng tâm, hiệp lực của tất cả đồng bào trong và ngoài nước. Từ thắng lợi vĩ đại của Hội nghị Paris 50 năm trước gợi mở cho chúng ta rất nhiều bài học có giá trị. Phải luôn kiên định và kiên quyết bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc; nêu cao chính nghĩa, khát vọng và thiện chí hòa bình trước cộng đồng quốc tế; kết hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc từ chính trị, quân sự, ngoại giao; thực hiện đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Trong đấu tranh ngoại giao phải luôn luôn nhất quán và giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, không để cho các thế lực bên ngoài lợi dụng hoặc can thiệp. Đặc biệt, cần quan tâm và tốt hơn nữa công tác vận động đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

Vũ Trung Kiên



[1] Xem: Trung tâm lưu trữ quốc gia II (2012), Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, t1, tr. 367

[2] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/23012802-su-sup-do-tat-yeu-cua-mot-che-do-bu-nhin-that-bai-tat-yeu-cua-mot-doi-quan-danh-thue.html

[3] Trung tâm lưu trữ quốc gia II (2012), Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, Nxb Chính trị quốc gia, t1, tr. 75

[4] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 117

[5] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 110

[6] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 135

[7] Nguyễn Thị Bình (2012), Gia đình, bạn bè, đất nước, Nxb Tri thức, tr. 135

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 76
  • Hôm nay: 795
  • Trong tuần: 24 472
  • Tất cả: 8727004

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn