Nhận thức được giá trị to lớn của thắng lợi ngày 30/4/1975 để nâng cao ý thức cảnh giác, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng
Những ngày tháng tư này, cùng cả nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh nô nức tổ chức các hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Trà Vinh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023). Nhân kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử này, chúng ta cùng ôn lại quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi vẻ vang, để hiểu rõ diễn biến, nguyên nhân, ý nghĩa trị lịch sử của ngày chiến thắng 30/4, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, giữ gìn thành quả cách mạng mà các thế hệ cha, anh chúng ta đã đổ biết bao xương máu mới giành được.

Trà Vinh là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, địa bàn bị chia cắt bởi sông Tiền và sông Hậu, là trọng điểm đánh phá của địch trong 21 năm kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược, Mỹ - ngụy đã dùng mọi vũ khí hiện đại kể cả B52 rải thảm, dùng chất độc da cam/dioxin ném xuống mảnh đất Trà Vinh, bom đạn của quân thù đã cày nát đất đai, ruộng vườn, tính ra mỗi đầu người dân phải chịu hàng tấn bom, đạn, nhiều xóm làng, phum sóc, nhà cửa, chùa chiền, thánh thất, nhà thờ... bị hủy hoại; trong 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có 21 năm chống Mỹ cứu nước, Trà Vinh đã có hàng trăm ngàn người đã ngã xuống, trong đó có trên 17.000 liệt sĩ và trên 8.000 thương binh, hàng chục ngàn gia đình con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con vì chiến tranh tàn khốc gây ra. Mỹ - ngụy càng khủng bố, lấn chiếm, bắn giết, tù đày thì lòng căm thù của Nhân dân ta càng sôi sục, tiếp thêm ý chí quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, quân - dân Trà Vinh đã đoàn kết một lòng, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, vừa đóng góp sức người, sức của cho chiến trường chung toàn miền, vừa tự lực đánh địch lấy vũ khí trang bị cho ta; vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng. Trên địa bàn tỉnh, đại bộ phận là vùng tranh chấp gay gắt, lực lượng cách mạng nằm trong thế cài răng lược, quần nhau với địch. Với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “một tấc không đi, một ly không rời”, “bám thắt lưng địch mà đánh”... trong những lúc hết sức khó khăn, địch lấn chiếm dồn dân, đóng đồn, quân ta bao vây tấn công giải phóng, giành đi, giật lại từng tấc đất, từng người dân; mỗi xã, ấp quê hương Trà Vinh đều là chiến trường, mỗi người dân đều là chiến sĩ, đấu tranh sinh tử với quân thù, người này ngã xuống, người khác đứng lên, con nối tiếp cha, vợ thay chồng đảm đang việc nước, việc nhà ở hậu phương, khi cần vẫn xông ra chiến trường tiếp lương, tải đạn hoặc trực tiếp cầm súng đánh địch. Những năm tháng ấy, ở vùng giải phóng, Nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp”; Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, phong trào “Đảm đang sản xuất, đóng góp người, của cho chiến đấu”; phong trào “diệt ác, phá kiềm”,“xây dựng xã, ấp chiến đấu”, phong trào “tòng quân giết giặc lập công”; tham gia dân công phục vụ chiến đấu; tham gia công tác phòng gian, diệt ác, bảo vệ căn cứ cách mạng trong vùng giải phóng; ở vùng địch tạm chiếm, hàng vạn đồng bào, sư sãi, học sinh xuống đường đấu tranh chính trị, đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, chống bắn phá bừa bãi, đóng góp lương thực, thực phẩm, thuốc men... cho kháng chiến, nhiều gia đình, chùa chiền, kể cả một bộ phận trong binh sĩ ngụy quân, ngụy quyền là cơ sở cách mạng, nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ, cung cấp tin tức cho cách mạng. Quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến, Đảng bộ luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, xây dựng tình đoàn kết quân - dân như “cá với nước”, dân tin Đảng, bám đất sản xuất nuôi quân; cán bộ, chiến sĩ tin và dựa vào dân, cùng Nhân dân chiến đấu, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, đánh địch trên khắp các vùng nông thôn, thành thị; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, binh vận với tiến công bằng quân sự, bức hàng, bức rút, tiêu diệt đồn bót giặc; giải phóng xã, ấp giành thắng lợi từng bước đi đến giành thắng lợi quyết định. Nổi bật là cao trào Đồng Khởi năm 1960, giải phóng một số vùng nông thôn; phong trào phá rã ấp chiến lược những năm 1963 - 1964; cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân - dân ta đã đánh sâu vào thị xã, thị trấn, tiêu hao nhiều sinh lực địch, đồng thời giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn, tạo thế bao vây, tiến công địch liên tục cho đến mùa khô năm 1974 - 1975 đã giải phóng hoàn toàn và giải phóng cơ bản gần 40 xã. Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, tỉnh đã khẩn trương xây dựng và phát triển lực lượng, cả bộ đội địa phương, dân quân du kích, các tổ chức quần chúng cách mạng, các cơ sở trong lòng địch. Tư tưởng chỉ đạo tiến công phải hợp đồng chặt chẽ, bí mật, bất ngờ và giành thắng lợi nhanh, gọn.

Đêm 29/4/1975, quân và dân Trà Vinh đồng loạt tổng công kích, tổng khởi nghĩa đánh vào các tiểu khu, chi khu, phân chi khu và toàn bộ hệ thống đồn bót. Đúng giờ G, mũi công kích chủ yếu của lực lượng vũ trang đánh sân bay, các mũi khác vừa đánh vừa chiếm, vừa kêu gọi đầu hàng nhiều đồn bót ở nội ô thị xã. Đến sáng ngày 30/4/1975, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh đã áp sát Dinh tỉnh trưởng, hàng chục ngàn đồng bào Kinh - Khmer - Hoa và hàng trăm sư sãi đã xuống đường bao vây các tiểu đoàn bảo an, dân vệ, biệt kích. Địch nhiều lần phản công, nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã giành giật từng góc phố, từng con đường với địch. Đến 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền tại thị xã Trà Vinh đã tan rã và đầu hàng chính quyền cách mạng. Đến 20 giờ cùng ngày, toàn bộ tỉnh Trà Vinh được hoàn toàn giải phóng.

Với những chiến công và thành tích trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược cũng như quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trà Vinh được được Trung ương và Khu ủy Khu Tây Nam Bộ khen tặng “Tỉnh dẫn đầu phong trào nhân dân du kích chiến tranh ở Khu Tây Nam Bộ”, quân và dân trong tỉnh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, huân chương Thành đồng Tổ quốc và lá cờ mang dòng chữ “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”, toàn tỉnh có 68 tập thể và 62 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động; 3.371 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 30.000 cán bộ và nhân dân được khen thưởng thành tích kháng chiến.

ảnh: Bá Thi

  Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước hết là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đề ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn; đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là phương pháp cách mạng biết sử dụng sức mạnh tổng hợp. Trên cơ sở đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sát hợp từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, lãnh đạo, động viên mọi sức lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đấu tranh với quân thù. Trong quá trình lãnh đạo công cuộc kháng chiến, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn thể hiện ý thức tổ chức kỷ luật, coi trọng giữa lời nói và việc làm; lấy sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ làm cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy sự nêu gương của cán bộ, đảng viên để phát động phong trào quần chúng đấu tranh không ngại hy sinh gian khổ với kẻ thù.

Đó cũng chính là thắng lợi của tư tưởng tiến công cách mạng không ngừng, quyết chiến, quyết thắng. Trong chiến tranh, tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn cả về lực lượng và trang thiết bị quân sự, tiềm lực kinh tế... nhưng với quyết tâm và ý chí tự lực tự cường, Đảng bộ đã từng bước xây dựng và phát triển lực lượng cả quân sự, chính trị và binh vận; đánh địch lấy vũ khí địch trang bị cho ta, từ không có đến có, từ có ít đến có nhiều, thất bại không nản chí, gian khổ không sờn lòng; giành thắng lợi từng phần tiến tới thắng lợi toàn diện.

Thắng lợi của ngày 30/4/1975 còn là thắng lợi của tinh thần đoàn kết Đảng - quân - dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Trong những năm chiến tranh ác liệt, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết bên nhau dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng chịu đựng gian khổ, hy sinh, cùng chung chiến hào đánh giặc. Đảng bộ luôn quán triệt quan điểm“cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, luôn vững tin vào sức mạnh to lớn của quần chúng, phân công cán bộ đi sâu, đi sát quần chúng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của quần chúng, vận động quần chúng tham gia kháng chiến theo khả năng và điều kiện của mình... Ngược lại, quần chúng nhân dân cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng theo Đảng làm cách mạng dù phải trải qua bao khó khăn, gian khổ và hy sinh; quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, là cơ sở che dấu, nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng,v,v.

Thắng lợi của ngày 30/4/1975 mang ý lịch sử vô cùng trọng đại như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Hiểu rõ quá trình lịch sử, nguyên nhân và ý nghĩa của ngày 30/4/1975, mọi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh phải luôn ghi nhớ công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đi đến thắng lợi khác; công lao của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã đóng góp công sức và xương máu của chính mình, của chồng, con, em mình cho kháng chiến giành thắng lợi. Đồng thời, phải luôn nêu cao ý thức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc lịch sử về chiến thắng vĩ đại này của các thế lực thù địch khi chúng cho rằng: Ngày 30/4/1975 là dấu mốc gây chia rẽ dân tộc; cho rằng có thể dùng các biện pháp hòa bình để thống nhất đất nước; cứ để hai miền Bắc - Nam theo hai chế độ khác nhau thì đất nước sẽ phát triển hơn; ngày 30/4/1975 miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam, tháng tư nhắc nhở một quá khứ đen tối và buồn, ngày Quốc Hận…Trước những luận điệu sai trái và thù địch nêu trên, mọi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân phải kiên quyết đấu tranh, phản bác; phải luôn thể hiện quyết tâm phát huy mạnh mẽ tinh thần và khí thế hào hùng của chiến thắng ngày 30/4/1975, phát huy truyền thống “Toàn dân nổi dậy đoàn kết lập công”, ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Trà Vinh ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trần Bình Trọng

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 35
  • Hôm nay: 1853
  • Trong tuần: 25 530
  • Tất cả: 8728062

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn