Kỷ niệm 56 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2017)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển với Đoàn tàu không số đã làm nên trang sử vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam, trở thành một huyền thoại, góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Bia tưởng niệm di tích Bến Cồn Tàu - Trà Vinh ngày nay

    Cách đây 56 năm, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23/10/1961 Bộ đội Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 có nhiệm vụ chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Để đảm bảo bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt này, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, từ đó mật hiệu “Đoàn tàu không số” được ra đời (tiền thân của Lữ đoàn 125 tàu vận tải quân sự Hải quân ngày nay), đó là một cách gọi, để nhấn mạnh tính chất bí mật của công tác này. Thật ra thì các tàu đều có số hiệu chính thức riêng của mình, ghi rõ trong sổ sách mật của đơn vị nhưng không ghi trên thân tàu. Còn trên thân tàu thì ghi số hiệu giả, thường xuyên thay đổi.

    Lúc bấy giờ, công tác vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt, địch có ưu thế kiểm soát trên không, trên biển và phong toả ngày càng gắt gao. Nhưng lực lượng vận tải quân sự đường biển đã mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách ác liệt với tinh thần quả cảm và trình độ nghiệp vụ tinh thông; trình độ tổ chức, chỉ huy thống nhất; kiên quyết, bí mật; hiệp đồng chặt chẽ, kết hợp chiến thuật với kỹ thuật; bảo đảm thông tin liên lạc, tín hiệu thông suốt giữa sở chỉ huy với tàu, giữa tàu với các bến bãi. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách. Ra đi là xác định hy sinh, đồng thời đòi hỏi sự thông minh, quyết đoán, táo bạo; khi gặp hiểm nguy sẵn sàng lao thẳng vào tàu địch, chiến đấu đến phút cuối cùng để bảo vệ vũ khí trang bị, giữ bí mật về chủ trương của Đảng, về con tàu, về bến, bãi. Cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số”, với trang bị hàng hải thô sơ nhưng bằng trình độ và kinh nghiệm dày dạn, đã nắm vững kỹ thuật điều khiển tàu và khả năng phán đoán thời tiết, nắm vững địa hình, hàng hải, thiên văn, đi được biển xa cập bến an toàn.

    Đường Hồ Chí Minh trên biển còn là tình đồng chí, đồng đội, lòng yêu thương gắn bó như anh em ruột thịt, đồng cam, cộng khổ, nhận khó khăn, hy sinh về mình, dành thuận lợi, sự sống cho đồng đội. Cán bộ, chiến sỹ tuyến vận tải biển của Hải quân Việt Nam đã chiến thắng địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là sự hy sinh, đùm bọc, chở che của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương, đơn vị của hai miền Nam - Bắc và các bến bãi ngay trong lòng địch như Vàm Lũng (Cà Mau), Lộ Diêu (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Đạm Thủy, Ba Làng An (Quảng Ngãi), Bình Đạo (Quảng Nam), Hòn Hèo (Khánh Hoà) và bến bãi của các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre,… Riêng tỉnh Trà Vinh đã thành lập một Đoàn cán bộ gồm 6 đồng chí với các bí danh: Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi  đã vượt biển ra Bắc mở đường vận chuyển vũ khí về miền Nam, cùng với nhiệm vụ đó, các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân các bến, bãi tiếp nhận vũ khí và bảo vệ bí mật an toàn cho các chuyến tàu.

    Đến nay, đường Hồ Chí Minh trên biển có nhiều điểm được lịch sử ghi nhận như: Tỉnh Cà Mau, có mật danh là B1, lấy sông Vàm Lũng và Kiến Vàng làm hai bến chính, Rạch Gốc, Bồ Đề, Cái Bầu và Rạch Giá làm các bến dự bị. Tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá), có Hố Lòng Đèn. Tỉnh Trà Vinh, có mật danh là B2, với hai cụm bến thuộc huyện Duyên Hải là cụm bến Rạch Cở - Hồ Tàu và cụm bến Khâu Lầu - Láng Nước. Tỉnh Bến Tre, có mật danh là B3, tổ chức thành hai cụm bến: Cụm 1 từ Cồn Rừng, Khâu Băng, Eo Lói tới Cồn Tra, Cồn Điệp. Cụm 2 là trạm Bình Đại. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mật danh là B4, với bến Lộc An (Rạch Chanh). Tỉnh Khánh Hòa, có bến Hòn Hèo.Tỉnh Bình Định có bến Lộ Giao. Tỉnh Phú Yên, có bến Vũng Rô. Tỉnh Quảng Ngãi có bến Đạm Thủy. Tỉnh Quảng Nam có bến Hố Chuối, Bình Đào. Thành phố Hải Phòng có bến Đồ Sơn, Bính Động. Tỉnh Quảng Ninh, có bến Bãi Cháy. Tổng số tàu vào các bến là 598 chuyến, chở  44.324 tấn vũ khí, trang thiết bị, hàng hóa, hàng trăm xe cơ giới các loại, đưa hàng ngàn cán bộ vào Nam, đi 3.916.292 hải lý, trong đó Bến Trà Vinh tiếp nhận 09 chuyến, với 540 tấn vũ khí.

    Cùng với đường Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; là trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, mà trực tiếp là Đoàn 759 trước đây, Đoàn vận tải quân sự 125 ngày nay là lực lượng nòng cốt. Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, là tuyến chi viện chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường oanh liệt gắn liền với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, sự hy sinh anh dũng của biết bao cán bộ, chiến sĩ… nơi gửi gắm cả số phận, cuộc đời của những người đã viết nên trang Sử ca anh hùng của đất nước.

    Nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Đếm sao hết số lần phải thi gan, đấu trí với địch; kể sao hết những tấm gương dũng cảm, đức hy sinh cao quý; mỗi lần ra đi là một lần quyết tử, gặp địch là sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hủy tàu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật con đường. Địch chặng lối này, ta mở lối đi khác; phương thức này không thành, ta tìm ra phương thức khác. Con đường vận chuyển trên biển trở thành một kỳ tích, huyền thoại, góp phần cùng quân, dân miền Nam đánh thắng quân thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đi trên những con “Tàu không số” là những cảm tử quân. Vượt biển Đông vào Nam là đi vào nơi tử địa, vượt qua vòng vây dày đặc tàu chiến và máy bay địch. Tàu nhỏ chỉ 50-100 tấn mà dám vượt tuyến biển ba bốn ngàn hải lý để vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Hơn mười bốn năm làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, đạn dược cho quân dân miền Nam đánh Mỹ và tay sai, từ lúc dùng thuyền gỗ không có thiết bị phương tiện kỹ thuật đi biển đến khi sử dụng tàu hàng trăm tấn, tuyến đường biển đã lập nên nhiều kỳ tích khiến kẻ thù phải kinh ngạc. Và là chuyện chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới. Họ là những người anh hùng đích thực. Những chuyến đi và hàng trăm câu chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm, đức hy sinh, sự tài trí; là những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, về tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, xông pha nơi hiểm nguy, đối mặt trực diện với kẻ thù; mỗi chuyến đi là một chiến công, kể cả những chuyến đi chưa thành công và những chuyến đi chưa thật trọn vẹn. Những sự tích anh hùng, những huyền thoại của “Đoàn Tàu không số”, xâu chuỗi thành con đường bất tử - Đường Hồ Chí Minh trên biển, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

    Để góp phần tuyên truyền sâu rộng về những trang sử hào hùng, truyền thống anh dũng cũng như những chiến công vang dội của Lữ đoàn 125 Hải quân Việt Nam về tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển Đông nhân kỷ niệm 56 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2017), chúng ta cùng ôn lại đôi nét lịch sử về con đường huyền thoại này, về truyền thống vẻ vang, ý chí độc lập, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, gian khổ của quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên con đường huyền thoại - Đư¬ờng Hồ Chí Minh trên biển. Đây cũng là dịp để chúng ta tri ân cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và hiểu thêm về những chiến công của “Đoàn tàu không số” của Hải quân Việt Nam và lực lượng làm nhiệm vụ ở các bến đầu cầu trên con đ¬ường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững tinh thần độc lập, ý chí tự lực tự cường, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, khai thác tiềm năng, bảo vệ vững chắc, trọn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời không thể phủ nhận những chiến công oanh liệt về huyền thoại con đường Hồ Chí Minh trên biển đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

    Năm tháng sẽ trôi qua, những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông; của những con tàu không số; của quân và dân của các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc ta…Tổ quốc và Nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của các chiến sĩ và niềm tự hào của các thế hệ hôm nay và mai sau của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp thêm sức mạnh phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bài, ảnh: Trần Thanh Thùy
Tin khác
1 2 3 4 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 1858
  • Trong tuần: 20 756
  • Tất cả: 8690393

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn