Về một bức thư của Bác Hồ 75 năm trước
Tháng 01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ bác sĩ Trần Duy Hưng khi ấy là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến thăm bác sĩ Vũ Đình Tụng chuyển bức thư của người chia sẻ nỗi đau khi một người con của bác sĩ Vũ Đình Tụng đã hi sinh trong những ngày Toàn quốc kháng chiến trong lòng thủ đô Hà Nội.

Thư Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng. Ảnh TL

Mở đầu bức thư là dòng chữ viết tay của Bác Hồ: "Kính gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng". Trong thư Bác viết: 

"Tôi được báo cáo rằng: Con gái của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh, để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 1- 1947

HỒ CHÍ MINH

 

Bác sĩ Vũ Đình Tụng là một trí thức công giáo tham gia cách mạng. Ông xuất thân trong một gia đình với rất nhiều trí thức lớn, trong đó có những người là tổng đốc chính quyền nhà Nguyễn. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến nổ ra, con trai út của ông là Vũ Văn Thành, một chiến sĩ trong đội tự vệ thành Hà Nội đã bị thương rất nặng. Khi ấy, tất cả mọi điều kiện cho ca mổ đều thiếu thốn trăm bề, nhưng nếu không mổ thì với những vết thương quá nặng ấy người chiến sĩ sẽ hi sinh. Khi ấy, người thầy thuốc có thể đứng ra mổ ca mổ này lại chỉ có thể là thân sinh của người chiến sĩ, bác sĩ Vũ Đình Tụng. Bác sĩ đã quyết định giải phẫu để cứu người chiến sĩ con trai mình, song kết cục đau đớn đã không tránh khỏi, dưới căn hầm không điện, thiếu thuốc men và không có máu để tiếp, ông đã không thể cứu được con trai của mình.

Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh TL

Trong suốt những năm tháng gánh vác trọng trách là người đứng đầu đất nước, dù bận trăm công nghìn việc song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến những thương binh, bệnh binh, những gia đình có công với cách mạng. Bức thư mà Bác Hồ gửi cho Bác sĩ Vũ Đình Tụng được viết và gửi đi trong những ngày đầy gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến lần thứ 2 chống lại quân xâm lược. Điều đặc biệt ấy càng khắc họa rõ nét những tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ và thân nhân. Trước đó, trong bức thư đăng trên báo Cứu Quốc ngày 7/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng từ sâu thẳm trái tim mình chia sẻ nỗi đau với thương binh và thân nhân liệt sĩ: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi”. Ngày 10/3/1946, báo Cứu quốc đăng bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ có đoạn: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”. Cho tới trước lúc đi xa người cũng không quên căn dặn trong Di chúc phải chăm lo cho thương bệnh binh và thân nhân liệt sỹ: “…Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh …Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…”.

Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã giữ mãi bức thư này của Bác Hồ như một báu vật của gia đình. Trước khi qua đời, ông đã trao bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai với lời căn dặn: “Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ". Bức thư này của Bác Hồ sau đó đã được gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để mỗi chúng ta khi tham quan đọc bức thư này hiểu thêm về tấm lòng của Bác, về cuộc đời và tâm hồn của một con người mà “Tim đau hết nỗi đau người ở chân trời góc bể” (Việt Phương).

 Hồng Phúc

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 2227
  • Trong tuần: 26 617
  • Tất cả: 8725704

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn