Chủ quyền Việt Nam trên vùng Nam Bộ: Kỳ 4 Pháp lý và chủ quyền không thể tranh cãi
Kể từ năm 1698, khi chúa Nguyễn xác lập quyền quản lý về mặt nhà nước đối với các xứ Đồng Nai (huyện Phước Long) - Sài Gòn (huyện Tân Bình), sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Đàng Trong, từ đó trở đi, vùng đất này tiếp tục được củng cố, xây dựng, phát triển và thuộc chủ quyền hoàn toàn tuyệt đối của Việt Nam.

1. Dấu mốc đánh dấu quá trình thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ được ghi nhận trong các Hiệp ước quốc tế là Hiệp ước giữa triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam ký với các nước lân bang vào tháng 12-1845. Theo GS,TSKH Vũ Minh Giang thì: “Tháng 12 năm 1845 ba nước An Nam (Việt Nam), Xiêm (Thái Lan) và Miên (Campuchia) đã ký một Hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc Việt Nam. Năm sau, triều Nguyễn và Xiêm lại ký một Hiệp ước có nhắc lại điều đó. Đây là Hiệp ước mà sau này Cao Miên cũng tham gia. Như vậy muộn nhất là đến năm 1845 các nước láng giềng với Việt Nam, trong đó có cả Cămphuchia đã ký các văn bản pháp lý chính thức công nhận vùng đất Nam Bộ là của Việt Nam[1]”.

Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, họ đã gây sức ép và bắt triều đình nhà Nguyễn ký rất nhiều điều ước liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Nam Bộ. Ngày 09-5-1862, tại Gia Định, đại diện của triều đình Huế và nước Pháp do thiếu tướng Hải quân Bonard đại diện đã ký hòa ước, sau này lịch sử gọi đó là hòa ước Nhâm Tuất. Bản Hòa ước có 12 khoản, trong đó có điều khoản là “Nước Nam phải nhừng đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường”. Ngày 15-3-1874, người Pháp tiếp tục ép triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất 1874. Đại diện triều Nguyễn là Lê Tuấn - Chánh sứ toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường - Phó sứ toàn quyền đại thần và đại diện của Pháp là Dupré - Toàn quyền đại thần, Thống đốc Nam Kỳ. Bản Hòa ước có 22 điều khoản với nội dung chính là thay thế bản Hòa ước Nhâm Tuất 1862, công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, lệ thuộc về chủ quyền ngoại giao, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán tại các cảng biển và trên sông Hồng cùng tự do truyền đạo. Hòa ước Giáp Tuất 1874 chính thức Lục tỉnh Nam Kỳ rơi hoàn toàn vào tay thực dân Pháp.

Khi thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam thì triều đình Campuchia đã không hề có bất cứ phản ứng gì. Việc triều đình Campuchia không có phản ứng gì đối với việc Pháp xâm lược và chiếm lục tỉnh Nam Kỳ của Việt Nam khi ấy là điều hoàn toàn dễ hiểu và hết sức bình thường, vì đây là vấn đề giữa Pháp và Việt Nam. Sau khi chiếm toàn bộ Nam Bộ của Việt Nam, thực dân Pháp đã cho vẽ bản đồ phân chia khu vực hành chính vùng đồng bằng sông Cửu Long, khảo sát toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, địa lý v.v…vùng Nam Bộ. Kể từ tháng 6-1867 trở đi, vùng biên giới giữa các tỉnh thành của Việt Nam với vương quốc Campuchia được định hình. Năm 1887, phía Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, Campuchia là nước theo chế độ bảo hộ của Pháp, Nam Bộ của Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp. Cho tới năm 1896, giữa Pháp và campuchia đã ký một loạt các văn kiện pháp lý về hoạch đinh, phân giới, cắm mốc biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia: “Tất cả các văn bản pháp lý nêu trên đều quy định rõ ràng vùng đất Nam Kỳ thuộc Việt Nam[2]”.

2. Năm 1947, người Pháp đã dựng nên một chính phủ với tên gọi là “Quốc gia Việt Nam” với quốc trưởng là Bảo Đại. Sau đó, Tổng thống Pháp đã ký với Quốc trưởng “Quốc gia Việt Nam” hiệp ước Elysés công nhận sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có vùng đất Nam Bộ. Ngày 9-3-1949, Đại hội đồng Khối Liên hiệp Pháp đã thảo luận về dự luật đưa Nam Kỳ - “vùng lãnh thổ hải ngoại” của nước Pháp trả lại cho “Quốc gia Việt Nam”. Khi ấy, chính quyền Campuchia đã tìm cách vận động để phía Pháp giúp thực hiện yêu sách của họ đối với vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên yêu cầu này của phía Campuchia đã không được phía Pháp chấp thuận. Ngày 4-9-1949, Pháp đã thông qua Luật 49-733 chấm dứt quy chế “lãnh thổ hải ngoại của Pháp” đối với vùng đất Nam Bộ của Việt Nam và hoàn toàn giao trả cho phía Việt Nam.

Đối với yêu sách của Campuchia về lãnh thổ, ngày 8-6-1949, chính phủ Pháp đã gửi thư cho Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia: “... Ngoài những lý do về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Campuchia để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ. Quốc vương hẳn cũng biết rằng Nam Kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các hiệp ước năm 1862 và 1874. Không một điều khoản nào trong các văn kiện ngoại giao trao đổi giữa các nước chúng ta nói tới vấn đề chuyển giao các quyền về chính trị và lãnh thổ liên quan đến Nam Kỳ. Hai công ước ngày 9-7-1870 và 15-7-1873 đã xác định đường biên giới hiện nay, không kể một vài sửa đổi chi tiết về sau. Chúng không bao gồm một bảo lưu nào về các vùng đất mà hiện nay đang được đòi. Chính từ triều đình Huế mà Pháp đã nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam, các quyền phê duyệt những hoạt động quân sự tiến hành chống lại các quan lại An Nam chứ không phải chống lại các nhà chức trách Khmer. Về pháp lý, nước Pháp có cơ sở để thỏa thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi Quy chế chính trị của Nam Kỳ và chính là với Chính phủ Việt Nam ngày nay. Quốc vương có thể đưa ra một yêu cầu về sửa đổi đường biên giới. Chính phủ Pháp không chống lại yêu cầu này, về nguyên tắc, nếu đó là ý muốn  của Quốc vương thì Pháp sẽ lưu ý các cơ quan của Việt Nam về yêu cầu này. Nhưng, dường như cần hết sức thận trọng trong vấn đề này vì lịch sử ngược lại với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn thuộc triều đình Khmer lúc Pháp tới. Giữa những ví dụ khác, cho phép nhắc lại rằng Hà Tiên đã được đặt dưới quyền  tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến...[3]”.

Như vậy là phải tới năm 1949, vùng đất Nam Bộ vốn từng bị triều Nguyễn cắt cho Pháp đã được trao trả và nó được thể hiện bằng một văn bản pháp lý. Các hiệp định có giá trị pháp lý quốc tế sau này về Việt Nam như Hiệp định Genève (1954), Hiệp định Paris (1973) đều công nhận Nam Bộ là phần lãnh thổ của nước Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cầm trên tay văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH (Nguồn: Tuoitre onile)

3. Hiệp định Genève năm 1954 thông qua Bản Tuyên bố chung thừa nhận: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia. Năm 1965, khi Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam, Hội nghị nhân dân 3 nước Đông Dương đã được triệu tập tại PhnômPênh (Campuchia) để biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam, chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù.

Ngày 20-6-1964, Quốc vương Norodom Sihanouk gửi thư cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam mong muốn gặp chủ tịch để trao đổi về vấn đề biên giới. Trong thư, Quốc vương Campuchia khẳng định: “Chúng tôi từ bỏ mọi đòi hỏi về vấn đề đất đai để đổi lấy một sự công nhận rõ ràng đường biên giới hiện tại và chủ quyền của chúng tôi với các đảo ven biển mà Chính phủ Sài Gòn đã đòi hỏi một cách phi pháp[4]”.

Ngày 18-8-1964, Quốc vương Norodom Sihanouk tiếp tục gửi thư cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: “Campuchia chỉ đòi sự công nhận đường biên giới hiện tại trên đất liền của mình như được vẽ trên các bản đồ thông dụng đến năm 1954 và sự công nhận chủ quyền của Campuchia đối với các đảo ven bờ mà chế độ Sài Gòn đã đòi hỏi mà không có một chút lý lẽ gì để biện hộ được[5]”. Đáp lại đề nghị của Quốc vương Norodom Sihanouk, ngày 31-5-1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định sự phát triển tốt đẹp các quan hệ láng giềng giữa Nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình[6]

Tất cả những cơ sở pháp lý nêu trên khẳng định rằng Tây Nam Bộ nói riêng, Nam Bộ nói chung là vùng lãnh thổ không tách rời thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Sáng 5-10-2019, tại Hà Nội, Việt Nam và Campuchia đã ký hai văn kiện để giải quyết vấn đề cắm mốc biên giới. Đây là lần đầu tiên một văn kiện pháp lý ghi nhận biên giới 2 nước được ký kết. Việc ký kết văn kiện này được đánh giá là một cột mốc lịch sử, đánh dấu nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam và Campuchia trong việc xử lý vấn đề về cắm mốc biên giới. Văn bản pháp lý quan trọng này là tiền đề để hai nước Việt Nam - Campuchia tiến tới việc hoàn thành căm mốc biên giới để xây dựng một biên giới hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển.

                                                                                                        Trung Kiên



[2] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 46-47

[3] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 53-54

[4] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 57

[5] Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 58

[6] Xem: https://tuyengiao.travinh.gov.vn/1458/39703/71967/594021/vung-dat-nam-bo/tuyen-bo-cua-uy-ban-trung-uong-mat-tran-dan-toc-giai-phong-mien-nam-viet-nam-ve-cac-duong-bien-g

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 169
  • Trong tuần: 23 846
  • Tất cả: 8726378

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn